Vĩnh Quyền
Một thời tôi và nhà báo Nguyễn Trung Dân, giờ phụ trách Chi nhánh Miền Nam NXB Hội Nhà văn, mỗi lần rủ nhau về Huế, hai đứa thường nói đi thăm anh San, ra anh San chơi hè. Như thể ở thành phố của những người thú vị ấy thì Thái Ngọc San là người thú vị nhất.
Tôi đang viết văn và chỉ biết viết văn thì Nguyễn Trung Dân rủ viết báo. Không thuyết lý gì hết, cứ trong bữa rượu, nghe tôi xuất bản miệng chuyện chi hạp ý, Dân vỗ tay xuống bàn: viết, viết cái đó cho tui. Cho tui là cho báo Quảng Nam-Đà Nẵng Chủ Nhật, nơi Dân làm thư ký tòa soạn. Có lần tôi tình cờ nói đất Quảng tự hào có ngũ phụng tề phi, nhưng thu thập tư liệu viết tiểu thuyết lịch sử, tôi thấy năm ông tiến sĩ đồng khoa Mậu Tuất -1898 không để lại sự nghiệp đáng kể, một ông còn dính nghi án báo tin cho Khâm sứ Trung kỳ ngăn chận kịp thời cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916, vậy mà hàng năm đến dịp khai giảng - bế giảng năm học, quan chức ngành giáo dục cũng như chính quyền tỉnh thường khuyên học sinh phải xứng danh truyền thống ngũ phụng tề phi, việc sai này phải sửa dù muộn. Dân lại vỗ tay xuống bàn: viết cho tui. Hệ quả là tôi bị một số trí thức, đồng nghiệp không hài lòng ra mặt, dù bài báo có một cái kết công bằng: Rằng đất Quảng có một ngũ phụngkhác được cả nước kính ngưỡng: Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp. Năm ông tiến sĩ, phó bảng này tuy không cùng cất cánh từ một khoa thi (tề phi) nhưng họ bay cùng một hướng yêu nước thương nòi.
Chuyện đến tai Thái Ngọc San, anh cười khắc khắc bảo tôi: thằng ‘mệ’ (cách người Huế gọi người hoàng tộc) ni ngó tào lao rứa mà có chất làm báo, bữa ni viết cái chi hay gửi tau. Gửi tau là gửi Sông Hương, nơi anh làm thư ký tòa soạn. Từ đó, tôi trở thành cộng tác viên tạp chí này.
Trong những bữa rượu tôi đòi anh San kể chuyện làm báo thời xuống đường long đong lận đận mà hào sảng ở Huế, thời cộng tác các bán nguyệt san, nguyệt san lừng lẫy ở Sài Gòn như Văn, Văn Học, Trình Bày, Đối Diện, Ý Thức… Cũng là thời anh lang bạt kỳ hồ sau ba lần bị bắt lính, ba lần đào ngũ, liên miên tù lao công đào binh… Nhưng anh thường kiệm lời, có lần đang giữa chuyện thì ngừng lại, xao lãng trong khói thuốc mà người đối diện hiểu tốt nhất là hãy để yên cho anh rẽ trôi vào quá khứ. Cả những lúc có bạn cùng thời kể chuyện anh trước mặt anh, tôi thấy anh chỉ cười cười, không nhận không cãi cũng không mấy khi vào cuộc. Có chuyện tôi nhớ mãi: vào những năm 1960 thơ chưa có khái niệm nhuận bút nhưng anh San là tác giả nhận được nhuận bút thơ ngay khi nộp bản thảo. Và tình huống rất chi… Thái Ngọc San: về phép tại Sài Gòn, anh hốc hác bước vào tòa soạn Văn với nửa gương mặt ám khói thuốc nổ B.40, và với những bài thơ còn nồng mùi trận mạc nghĩa đen. Thư ký tòa soạn Trần Phong Giao liền ứng nhuận bút, mà cả hai hiểu là món quà thân tình và sang trọng, nhằm giải quyết cái khó cấp thời của thi sĩ một cách... văn nghệ.
Gần đây, điểm qua những bài viết, phát biểu về 20 năm Văn học Miền Nam tôi nhặt được vài thông tin liên quan Thái Ngọc San, với tư cách người làm báo, viết báo vừa là người sáng tác thơ văn. Nhưng trước hết, tôi thấy cần nhìn lại bối cảnh lịch sử và đôi nét đặc trưng vô tiền khoáng hậu của thời kỳ này, cụ thể là vài năm ngắn ngủi sau 1963. Khi chế độ độc tài Ngô Đình Diệm bị lật đổ, người miền Nam có cảm giác lịch sử đã sang trang, mọi chuyện trở nên thông thoáng dễ thở hơn, trong đó có không khí làm báo và sáng tác. Chính quyền Sài Gòn vốn sở hữu một hệ thống kiểm duyệt nổi tiếng khắc nghiệt, thẳng tay và công khai đục bỏ tin bài, sáng tác phạm luật ngay trên bát chữ trước khi in, nhưng sau đảo chính 1963, có một khoảng thời gian ‘trăm hoa đua nở’ với các ấn phẩm xuất bản định kỳ bán công khai – cách nói khác đi của không giấy phép, và chính quyền này còn cấp giấy phép cho những tạp chí, nguyệt san, bán nguyệt san bộc lộ tinh thần đối lập như Hành Trình, Đất Nước, Đối Diện, Trình Bày, Ý Thức… Tôi biết nhiều người hiện nay không tin nổi mắt họ khi nhìn vào trang bìa nguyệt san Đất Nước số 3 – tháng Giêng 1968 với chủ đề 50 năm Cách mạng Tháng Mười và với tiêu đề các bài trọng điểm: Từ Cánh mạng Tháng Mười đến Cách mạng Tháng Tám của Trương Bá Cần, Cảm nghĩ về cuộc Cách mạng Nga của Lý Chánh Trung, Cộng sản – người anh em của tôicủa Nguyễn Văn Trung… Trong bối cảnh ấy, điều có lẽ không bao giờ lặp lại trong lịch sử báo chí Việt Nam, các tác giả chống Cộng và các tác giả khuynh tả – thân Cộng – thậm chí Cộng sản nằm vùng cùng đăng bài viết, sáng tác bên nhau trên một tờ báo. Và Thái Ngọc San là một cây bút như thế, ở vế thứ hai.
Thú vị hơn là họ biết rõ chí hướng, lý tưởng, hành trạng của nhau. Vậy mà nhóm Ý Thức vẫn đặt Thái Ngọc San vào vị trí thường trực trong ban thư ký tòa soạn đến mấy năm, cho đến khi anh quyết định rời Sài Gòn về Huế. Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên nhớ lại: tôi ghét Cộng sản nhưng khi thấy Thái Ngọc San co ro trong tòa soạn Ý Thức giữa trưa không còn bóng người, tự dưng tôi thấy chạnh lòng… Và ông lý giải lúc ấy họ vẫn là một lứa đôi mươi bơ vơ trước thời cuộc. Không phải lúc nào cũng tôn trọng chính kiến của nhau, đã có những cuộc xô xát xảy ra tại tòa soạn giữa Thái Ngọc San với vài người trong nhóm. Có lần nghe tôi nói vừa đọc truyện ngắn thời kỳ đầu của nhà văn Trần Hoài Thư – Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang, anh San bảo Trần Hoài Thư vốn là giáo sư toán, nhập ngũ, bên cạnh văn chương, có một tiểu sử sĩ quan đáng gờm: trung đội trưởng thám kích, phóng viên chiến trường, ba lần bị thương, sau qua Mỹ lấy bằng thạc sĩ toán… Rồi anh cười khắc khắc: có lần tau chửi hắn là lính đánh thuê, rứa mà hắn không giận lâu. Mười năm sau khi anh San mất tôi tình cờ gặp trên internet một phát biểu liên quan của nhà văn Trần Hoài Thư, đại ý những người cầm bút trẻ trong thời chiến ở miền Nam thường có tình thân thiết, bất chấp chuyện khác lý tưởng, với ví dụ sinh động: Như Thái Ngọc San chửi tôi là lính đánh thuê, nhưng khi Thái Ngọc San đào ngũ bị bắt, tôi và Phạm Văn Nhàn vẫn đến trại trưng binh ở Ghềnh Ráng để thăm nuôi…
Với những gì như thế, tôi hiểu vì sao Thái Ngọc San thời trai trẻ đã có những câu thơ hào sảng: Tôi vẫn nhớ bạn bè tôi/ Dù mỗi thằng đi mỗi hướng/ Và tôi vẫn tin rằng/ Không có sự thù hằn nào giết được kỷ niệm (Về những con đường khô cây).
Tôi nghiệm rằng thời gian anh San vui nhất là mấy năm đầu làm báo Sông Hương. Tôi còn giữ lá thư ngày 5 tháng 1- 1985, anh viết: Hôm họp cộng tác viên 10 số Sông Hương ngoài này chuẩn bị bữa nhậu đàng hoàng, trông ‘mệ’ quá trời. Nay gửi báo biếu số xuân con trâu và nhân tiện đặt trước bài cho số xuân con cọp. Phải thấy cái dáng lêu đêu, tất bật của anh mang số báo mới ra lò từ nhà in đến thẳng cà phê Liễu Quán cho anh em đang ngồi hóng mới thấy hết cái hạnh phúc làm báo của anh. Bên cạnh uy tín của nhà thơ tổng biên tập Nguyễn Khoa Điềm, thư ký tòa soạn Thái Ngọc San là sức hút và tỏa của Sông Hương đối với giới văn nghệ cả nước. Có những cây bút miền Nam ngừng sáng tác nhiều năm sau 1975 đã xuất hiện trở lại trên Sông Hương, coi tờ báo như một góc tâm hồn mình. Ở Sài Gòn, nhà văn Trần Hữu Lục có câu nói chỉ có thể hiểu được nếu từng đọc, viết với Sông Hương những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước: yêu tạp chí Sông Hương như yêu Huế.
Tạp chí mang tên dòng sông thơm cũng là mảnh đất thơm dũng cảm đón nhận hạt giống thơ đau đớn. Hồi đó anh em văn nghệ cả nước truyền nhau Sông Hương số 32 (tháng 8-1988), đọc Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình. Đó là lần đầu tiên thơ Trần Vàng Sao (Nguyễn Đính) chính thức được xuất bản, dù Sông Hương số 34 phải đăng những ý kiến phê phán bài thơ cũng như việc sử dụng. Ai cũng biết người chủ trương đăng thơ Trần Vàng Sao là Thái Ngọc San. Cũng là người nhận chịu trách nhiệm chính. Tôi không ngạc nhiên sự cố văn nghệ này, bởi vào một ngày đông hanh trước đó, Trần Vàng Sao khoe với tôi: hồi chân ướt chân ráo về tới Huế thằng San có thơ tặng tau mi nà. Và anh đọc với đôi môi nứt nẻ: Đêm mưa ở Vỹ Dạ/ Mưa trên cây vú sữa/ Mưa trên mái ngói cũ/ Mười năm/ Người mẹ già bán cháo/ Giả điên/ Đợi thằng con đi ‘Việt cộng’ (…) Đêm nay mưa suốt ở Vỹ Dạ/ Mưa sau hè chuối tí tách/ Mưa chạy suốt con đường làng/ Mưa âm vang ngoài ruộng lúa/ Mưa trên cây hải đường/ Mưa trên cây vú sữa/ Mưa mở rộng cửa căn nhà/ Cơn mưa đầu mùa hè/ Ngày giải phóng/ Đứa con mười năm trở về/ Úp mặt trong áo mẹ (…) Đứa con trở về dưới mái nhà ngói cũ/ Thắp lại ngọn đèn dầu/ Mưa lung linh bốn phía/ Đứa con trở về úp mặt trong áo mẹ/ Người mẹ già/ Mừng rơi nước mắt/ Như mưa (Đêm mưa ở Vỹ Dạ). Nhiều người đến nay vẫn tin anh San phải rời Sông Hương vì đăng thơ Trần Vàng Sao, dẫu sau đó thơ Trần Vàng Sao còn thêm vài lần xuất hiện trên tạp chí này. Tôi thì nghĩ đó chỉ là giọt nước trong mưa.
Rồi tôi cảm nhận Thái Ngọc San không còn vui như xưa dù cố giấu, như câu thơ anh từng viết: Ai biết trong lòng tôi/ Có nỗi khổ tâm nào không nói được. Anh vẫn bên bạn bè với nụ cười ấm áp, ánh mắt chân thành, và những mẩu chuyện ngắc ngứ đã thành tật. Có lần anh và tôi ngồi lai rai chờ ai đó, nghĩa là lúc chỉ có hai người, anh nói với nụ cười hóm: đời tau ghét mấy thằng ‘mệ’ Huế, rút cuộc lại chơi với Bửu Ý, Bửu Chỉ rồi chừ thêm mi. Và anh tiếp: mi là thằng ‘mệ’, tau cho nghe bài ni tau mới viết. Tháng tư chim phụng không trở lại/ Đến kỳ ngô đồng nở hoa/ Nỗi buồn còn mắc trên ấy/ Vấn vương một điệu tình ca/ Người đi mờ theo lối cũ/ Vàng son nhạt nhòa bay theo/ Có tiếng ai như cung nữ/ Gọi tình lang bên cửa triều/ Màu hoa một thời ngọc biếc/ Vẫn chờ dấu bóng chim xưa/ Chim không về hoa vẫn nở/ Thành quách hồn đá son mờ… (Tháng tư hoàng cung). Một bài thơ bâng khuâng. Thời gian này tôi còn đọc Bài thơ tặng con của anh trên báo Văn Nghệ. Cũng buồn sâu lắng: Cha mẹ cho con cuộc sống/ Nhưng con phải sống cuộc đời của riêng con (…) Đừng lặp lại tiếng nói của ai/ Kể cả của cha/ Đừng lặp lại mắt nhìn kẻ khác (…) Cha mẹ sẽ không ép con nên từ bỏ cái gì/ Và nên lấy cái gì (…) Cuộc sống mỗi ngày sẽ có những câu trả lời/ Và thế giới phải chuyển xoay theo bước đi của con…
Cuối cùng, có gì tan tác tựa phù vân là câu thơ của Thái Ngọc San vang trong đầu tôi khi tôi nghe tin anh mất. Hôm đó, ngày 25 tháng 7-2005, tôi viết: Câu thơ mây trời tan tác của Thái Ngọc San chợt hồi quang trong một chiều Huế trở mưa áp thấp, khi tin anh qua đời bay tới mỗi bạn bè gần xa. Đã qua rồi một đời ngắn của một con người tốt nhất, dễ thương nhất, quyết liệt nhất và cũng vô hại nhất của Huế tôi. Một thế hệ vàng nhân cách, tài năng của Huế vơi mỏng dần trong mấy năm gần đây. Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ... bây giờ Thái Ngọc San. Huế từ nay vắng thêm nhiều khi thiếu bóng anh lêu đêu trên đường Lê Lợi sương mai, dưới đèn khuya Phủ Cam ngỏ về, bên ly rượu bạn bè tứ hải không cạn với Sông Hương.
Giờ tôi biết mình nhầm một chi tiết quan trọng. Rằng đời Thái Ngọc San không hề ngắn dù anh có vội vàng bỏ chúng tôi lại nơi này để đi tìm bầy phượng hoàng lỗi hẹn trong sương mù.
V.Q
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét