Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

NGUYỄN KHOA ĐĂNG-NƯỚC MẮT MỘT THỜI


Lê Vinh Quốc


Kết quả hình ảnh cho Nước mắt một thời
Các tác phẩm của Nguyễn Khoa Đăng không thuộc loại ca tụng một chiều hay minh họa đường lối; ngược lại, nhiều cuốn sách của ông chứa nặng những điều “nhạy cảm”. Với những tác phẩm như vậy, nhiều tác giả khác đã bị đánh “lên bờ xuống ruộng”; còn Nguyễn Khoa Đăng vẫn chưa bị đòn lần nào.
Trong cõi nhân gian có những con người luôn hồn nhiên tươi trẻ bất chấp thời gian cứ chồng chất mãi tuổi tác lên mái đầu họ. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng (sinh ngày 1-9-1940 tại quê nhà - huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình) là một người như vậy. Vốn tên khai sinh là Nguyễn Đăng Khoa, nhưng khi gặp nhà thơ nhỏ tuổi hơn mà sớm nổi tiếng hơn lại trùng tên với mình là Trần Đăng Khoa, ông khiêm nhường gọi người bạn vong niên ấy là “Chính Khoa” để tự nhận mình chỉ là “Phụ Khoa”- như lời ông tự kể. Từ đó, để tránh sự nhầm lẫn giữa “chính” và “phụ”, ông tự đổi tên mình thành bút danh Nguyễn Khoa Đăng.
1. Là một hội viên thâm niên của Hội Nhà Văn Việt Nam, nhưng Nguyễn Khoa Đăng vẫn hồn nhiên sáng tác “theo chỉ thị của trái tim mình” (như quan điểm của Mikhail Cholokhov), mà không cần biết trái tim ấy còn thuộc về ai nữa (tức là có khác với lời bộc bạch của tác giả “Sông Đông êm đềm” và “Đất vỡ hoang”). Dường như ông không quan tâm đến đường lối do những kẻ chăn dắt mình vạch ra, chẳng cần biết mình đang đi theo lề phải, lề trái hay đánh đu giữa hai lề, mà cũng khước từ cả việc tham gia các “Trại sáng tác” do Hội mở với những quyền lợi béo bở mà nhiều người thèm muốn. Chính nhờ sự hồn nhiên ấy nên các tác phẩm của ông luôn chứa đựng những giá trị riêng của chúng; mà ông lại không phải day dứt như tác giả “Hồi ký của một thằng hèn”, cũng không phải “Đi tìm cái tôi đã mất” hay đọc “Lời ai điếu” cho một giai đoạn văn nghệ nào đó như một số vị tiền bối đáng kính đã phải cay đắng giãi bày.
Làm nghề giáo rồi trở thành nhà báo nhà văn kiêm luật gia không chuyên, Nguyễn Khoa Đăng vẫn có một sự nghiệp văn chương đáng tự hào với ít nhất 23 tựa sách, bao gồm các thể loại thơ, truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, truyện danh nhân, tiểu thuyết, tạp văn; ngoài ra còn 4 kịch bản phim và hàng nghìn bài báo thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau; mà với thể loại nào ông cũng ghi được những dấu ấn sâu sắc. Về thơ, ông có mấy bài được phổ nhạc thành những ca khúc thịnh hành; về điện ảnh, các kịch bản của ông đều được dàn dựng thành những bộ phim hấp dẫn ( “Bài hát không chỉ là nốt nhạc”, “Giai điệu xanh”, “Quà năm mới”, “Gã hành khất”…). Nổi bật trong số những đứa con tinh thần của ông là tập thơ viết cho thiếu nhi “Đội nón cho cây” và 4 tác phẩm được công chúng độc giả đặc biệt hâm mộ là “Nước mắt một thời” (Tiểu thuyết), “Hoàng hôn lạnh” (Tiểu thuyết), “Chim Mặt người” (Truyện dài) và “Mây chiều bảng lảng” (Tiểu thuyết).
Các tác phẩm của Nguyễn Khoa Đăng không thuộc loại ca tụng một chiều hay minh họa đường lối; ngược lại, nhiều cuốn sách của ông chứa nặng những điều “nhạy cảm”. Với những tác phẩm như vậy, nhiều tác giả khác đã bị đánh “lên bờ xuống ruộng”; còn Nguyễn Khoa Đăng vẫn chưa bị đòn lần nào.
Nhưng sự bình an ấy lại khiến Nguyễn Khoa Đăng cảm thấy buồn: ông vẫn mong có một kẻ nào đó nổi hứng đánh mình để khuấy động dư luận đôc giả mà bán được nhiều sách. Thật ra, sách của Nguyễn Khoa Đăng đâu có ế ẩm, mà ngược lại còn rất “hút hàng” (thí dụ cuốn tạp văn “Cài hoa vào quá khứ” của ông đã phải tái bản tới 13 lần). Sở dĩ ông mong thực hiện được cái “khổ nhục kế” nêu trên chỉ là vì muốn thử sức mình trong một cuộc đua với bạn đồng nghiệp Nguyễn Nhật Ánh-người được coi là tác giả ăn khách nhất Việt Nam hiện tại. Trong các sáng tác dành cho thiếu nhi, ông không phải hổ thẹn khi sánh với Trần Đăng Khoa hay Nguyễn Nhật Ánh. Riêng bài thơ “Mùa lúa chín” của Nguyễn Khoa Đăng, được Bùi Đình Thảo phổ nhạc trở thành ca khúc “Em đi giữa biển vàng”, đã được bình chọn là 1 trong 50 ca khúc dành cho thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX:
“Vây Quanh làng
Một biển vàng
Như tơ kén…
Hương lúa chín
Thoang thoảng bay
Làm say
Đàn ri đá
Làm xáo động
Cả rặng cây
Làm lung lay
Hàng cột điện
Bông lúa quyện
Trĩu bàn tay
Như đựng đầy
Mưa gió nắng
Như đeo nặng
Giọt mồ hôi
Của bao người
Nuôi lớn lúa…
Em đi giữa
Biển vàng
Nghe mênh mang
Đồng lúa hát…” (1)
Với thể loại độc đáo có vần điệu cực ngắn, bằng những ngôn từ sinh động giàu hình ảnh, màu sắc, âm thanh và hương vị, bài thơ này thể hiện đúng tâm hồn trong sáng ngây thơ của thiếu nhi, cho các em được ngập tràn trong cảm xúc về ấm no hạnh phúc của một mùa lúa chín do những giọt mồ hôi lao động tạo nên.
2. Nếu chỉ đọc những bài thơ như vậy, người ta sẽ tưởng tác giả của chúng là một người suốt đời hạnh phúc ấm no; chẳng ngờ Nguyễn Khoa Đăng lại có một tuổi thanh xuân bi thảm để viết nên “Nước mắt một thời”. Đó là khi cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) “long trời lở đất” ập đến quê hương Thái Bình của ông.
Xuyên suốt mối tình đầy éo le ngang trái của đôi trai gái mới lớn là nhân vật xưng “tôi” (bị quy là “con địa chủ”) và Én (một thôn nữ thuộc thành phần “bần cố”), Nguyễn Khoa Đăng đã miêu tả vô cùng sinh động từ toàn cảnh đến chiều sâu của cuộc CCRĐ trên quê hương ông với từng chi tiết hiện thực ngoài sức tưởng tượng. Ông tường thuật rất hay về quá trình thực hiện những thủ đoạn gian manh của Đội cải cách để biến Cả Lân, một nông dân có chút tài sản bảo đảm cho cuộc sống hiền lương của gia đình (và lại là đảng viên Cộng sản có công trong cuộc kháng chiến chống Pháp), thành một tên “địa chủ cường hào gian ác” kiêm “phản động”; đẩy cả gia đình người đó vào cảnh bị bao vây, giam cầm, hành hạ, mất sạch tài sản; rồi ông chủ nhà lương thiện ấy bị đấu tố để đi đến cái chết thảm khốc do một vụ hành hình man rợ.
Trong quá trình đó, bộ mặt thật của đám bần cố với quyền lực “nhất Đội nhì Trời” đã được tác giả phơi bày đến tận chân tơ kẽ tóc qua các nhân vật như Đội Khoảnh, lão Kền và những kẻ được “bắt rễ xâu chuỗi” để ra sức “tố điêu” vì những “quả thực” hứa hẹn được chia ... Độc giả sẽ không thể quên việc Kền và đồng bọn cướp bóc từ “chổi cùn rế rách” đến tiền bạc tư trang, rồi “trừng trị” những con chó và con bò của “địa chủ”; cho đến cảnh ông Đội Khoảnh “giáo dục lập trường giai cấp” cho chị con dâu nhà địa chủ qua con đường âm hộ để truyền vào đó cái giống bần cố của y, khiến đời chị tan nát trong nỗi nhục phải mang suốt đời mình qua đời con sang đời cháu. Rồi chính Đội Khoảnh lại làm chủ tọa “tòa án nhân dân” để kết án tử hình Cả Lân sau hoạt cảnh đấu tố giữa “nhân chứng” với “tội phạm” như thế này:
“-Lân, mày còn nhớ không, ngày trước có lần mày dụ tao vào Đảng, cái Đảng có lá cờ đỏ mang hình búa liềm ấy, chứ không phải cờ nửa xanh nửa đỏ của cái Đảng Dân chủ gì đó, tao vẫn thường thấy ở nhà thằng Sáu em mày đâu. Đảng ấy là đảng gì, mày khai ra trước tòa đi!
-…
-Nói, cái Đảng ấy là Đảng gì? Ngoan cố hả?
-Thưa, đó là đảng Cộng sản, nay là đảng Lao động Việt Nam ạ!”(2)
Trước bao tai họa khủng khiếp giáng xuống gia đình mình, “tôi” trở nên tuyệt vọng và chỉ còn biết nương tựa vào bức ảnh tuyên truyền có hình Bác Hồ tươi cười ôm hai cháu thiếu nhi quàng khăn đỏ với lời đề tựa “Có Bác dẫn đường, chúng cháu tin tưởng ở tương lai tươi sáng!” để mà hy vọng. Nhưng hóa ra chính Bác đã dẫn nhầm đường, khiến đời “tôi” trở nên tối tăm mù mịt. Chỉ đến khi Bác khóc trước Quốc hội để thừa nhận sai lầm, để rồi Đảng-Bác tiến hành cuộc sửa sai về CCRĐ thì đời “tôi” mới tạm được giải thoát; nhưng còn cuộc tình của “tôi” với Én thì vô phương cứu vãn. Bị lương tâm giày vò vì hoàn cảnh đối đầu “giai cấp” giữa mình với người yêu, lại thêm mặc cảm tội lỗi khi không cứu được bố chồng tương lai thoát khỏi vụ hành hình man rợ do chính anh trai mình (tức Kền) thực hiện, Én bỏ nhà đi biệt tích rồi cuối đời phải trở thành ni cô nương nhờ cửa Phật cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vì bạo bệnh. Tiếng đọc kinh thỉnh chuông gõ mõ của “tôi” dành cho hương hồn người tình tội nghiệp đã trở thành tiếng cầu hồn giải oan cho tất cả những đồng bào bị giết oan và tàn hại, trong cái thời bi thảm mà chính Cha già Dân tộc đã phải lau nước mắt hối hận.
Phải là người trong cuộc mới viết được những trang sách như vậy; nên không ai ngạc nhiên khi độc giả của sách này nghĩ rằng “tôi” trong truyện chính là ông Khoa “Phụ” ngoài đời, và sách của ông là một cuốn tự truyện hay hồi ký.
Vượt khỏi giá trị văn chương, Nước mắt một thời còn góp phần minh họa cho lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp. Khi nêu khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!”, Karl Marx đã loại trừ ra khỏi hàng ngũ cách mạng hạng người được gọi là “vô sản lưu manh”- những kẻ tha hóa mất nhân cách ở dưới đáy xã hội thường sống ngoài vòng pháp luật và bất chấp đạo lý. Hạng người này đã được miêu tả sinh động trong văn học với các nhân vật Thénardier ở nước Pháp (của Victor Hugo trong danh tác“Những người khốn khổ”), AQ ở bên Tàu (của Lỗ Tấn trong “AQ chính truyện”), Chí Phèo ở nước ta (của Nam Cao trong truyện “Chí Phèo”)… Giờ đây, Nguyễn Khoa Đăng góp thêm vào danh sách đó hai nhân vật của mình: Đội Khoảnh và lão Kền. Tuy nhiên, nếu như các nhân vật của các nhà văn khác đang sống dưới đáy xã hội thì mãi mãi vẫn cứ ở đó (cho dù có lúc cũng muốn “làm người lương thiện”), còn Đội Khoảnh với lão Kền của Nguyễn Khoa Đăng thì lại được trao quyền lực để trở thành một loại chúa tể “nhất Đội nhì Trời” nên đã mặc sức hoành hành. Khi khẳng định “Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối”, Lord Acton chưa lường được vấn đề quyền lực tuyệt đối trao cho bọn người tha hóa mất nhân cách sẽ dẫn đến hậu quả gì? Đọc Nước mắt một thời của Nguyễn Khoa Đăng, độc giả sẽ tìm được lời giải cho vấn đề này. Từ đó, người ta sẽ nhận ra rằng: tư tưởng “càng nghèo khổ thì càng cách mạng” của Mao Trạch Đông nhằm đưa vô sản lưu manh tiềm ẩn trong bần cố nông “vươn mình” thành “quân chủ lực cách mạng” là cội nguồn của mọi tội ác nhân danh cách mạng. Tiếc rằng vào thời đó, do cuộc kháng chiến chống Pháp đòi hỏi phải có nguồn viện trợ từ Trung Quốc và Liên Xô, Bác đã phải trả giá bằng việc lấy tư tưởng Mao làm “kim chỉ nam” cho Đảng, để dẫn đến cuộc CCRĐ kiểu Tàu diễn ra trên khắp các làng quê miền Bắc nước ta. Bản thân Én cũng nhận ra điều này khi cô viết trong bức thư để lại cho người yêu: “Mọi sự đều bắt chước Trung Quốc. Họ bảo sao ta làm vậy. Các cố vấn của họ hiện có mặt ở khắp các Đoàn ủy”. (2)
Bên cạnh đó, sự phục hưng của “tôi” và gia đình Cả Lân cùng với sự tàn mạt của Đội Khoảnh và lão Kền sau CCRĐ đã chỉ ra rằng: cướp bóc bằng bạo lực không thể cứu đám vô sản lưu manh thoát khỏi số phận luôn dành sẵn cho chúng; mà chỉ có làm ăn lương thiện bằng nhân cách cao thượng mới giải thoát con người khỏi cảnh cực khổ bần hàn.
Nguồn dữ liệu về CCRĐ và vấn đề ruộng đất-nông dân trong tâm trí Nguyễn Khoa Đăng quá dồi dào, nên sau khi đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết trên, ông lại phải viết tiếp truyện “Hoàng hôn lạnh” với cùng một chủ đề nhưng được tiếp cận theo một góc độ khác.Ở đoạn đầu, Hoàng hôn lạnh dường như chỉ là một phiên bản của Nước mắt một thời với nhân vật ông Tích mang hình bóng Cả Lân, với hai “ông Đội” tác oai tác quái và với người dẫn truyện xưng “tôi” chính là cậu Thiện con ông Tích. Nhưng càng về sau, mọi tình tiết câu chuyện càng đi theo hướng khác với những diễn biến bất ngờ được khắc họa sâu sắc trong nhân vật người vợ góa của ông Tích tức “mẹ tôi”. Đoạn văn dưới đây mở đầu cho thiên truyện, được lặp đi lặp lại ở từng chương cho đến trang cuối cùng như một nỗi đau day dứt khôn nguôi, đã giúp cho độc giả nhận ra rằng: cái thời đầy nước mắt ấy không kết thúc ở cuộc sửa sai năm 1957, mà kéo dài mãi về sau, chừng nào mà quyền sở hữu ruộng đất của nông dân còn bị cường quyền tước đoạt và khẩu hiệu “người cày có ruộng” chỉ là một thứ bánh vẽ:
“Bốn mươi lăm năm qua, đã thành lệ, cứ khoảng 4 giờ chiều, ngày nào cũng như ngày nào, nắng cũng như mưa, hoàng hôn lạnh hay chiều tà nóng, mẹ tôi lại khóc. Nước mắt của bà đã thành ao, thành hồ, bào mòn cuộc đời bà, làm đôi mắt long lanh hồ thu của cô Cốm năm nào thành hai cái hố sâu hoắm đục lờ chứa đầy bóng tối”.(3)
Dưới ngòi bút của Tố Hữu, cuộc CCRĐ đã diễn ra qua hình ảnh “Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu / Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp”. Nhưng Nguyễn Khoa Đăng đã sửa lại bức tranh ấy: chẳng phải “bọn chúa đất” nào hết, mà chính những người dân lương thiện yêu quê hương đất nước đã bị vùi dập xuống tận bùn đen. Có điều là những người ấy không bị chôn “vạn kiếp” dưới bùn, mà chính những kẻ đã đạp họ xuống bùn mới bị như vậy. Tuy thế, những người lương thiện không báo thù, mà vẫn tha thứ cho bọn bất lương đã tàn hại họ.
3. Nguyễn Khoa Đăng có một tình yêu lai láng dành cho con người, con vật, cỏ cây hoa lá và tất cả những gì thân thuộc với mình. Tình yêu ấy tràn ngập trong hầu hết các tác phẩm của ông, được thể hiện tinh tế trong Nước mắt một thời, và ngay cả Hoàng hônlạnh vẫn chứa đựng tình người ấm áp.
Nhưng tình yêu con người của Nguyễn Khoa Đăng được giãi bày đầy đủ và trọn vẹn nhất qua tiểu thuyết “Mây chiều bảng lảng”. Tác phẩm này lại càng giống một cuốn tự truyện; trong đó nhân vật “lão” mang tên Thổ Trì chính là ông Khoa “Phụ”, còn bà Hiền (vợ “lão” trong truyện) không phải ai khác ngoài quý phu nhân của nhà văn. Hầu hết các nhân vật khác cũng được miêu tả từ những nguyên mẫu người thật có quan hệ mật thiết với tác giả; bởi thế mà chân dung con người tác giả hiện lên rõ ràng qua nội dung tác phẩm.
Nguyễn Khoa Đăng thương yêu con người, nên ông luôn được đền đáp bằng tình yêu thương của những người có quan hệ với mình. Khi hành nghề dạy học, thầy Khoa luôn được học trò quý trọng; riêng các nữ sinh thường nhanh chóng biến tình thầy trò thành tình yêu nam nữ, khiến cho thầy phải nhận án kỷ luật về tội “yêu học trò” (đây là chuyện thật; còn trong tiểu thuyết thì kẻ bị kỷ luật là người khác, do chính Thổ Trì xét xử). Khi trở thành nhà báo kiêm nhà văn, lão Thổ Trì lại vướng chuyện nhùng nhằng với cô Liên đồng nghiệp, khiến cho quý phu nhân của mình bốc lửa hờn ghen. Khi hành nghề luật sư, lão luôn trổ tài hùng biện để giúp các bị cáo thoát những bản án oan mà không đòi hỏi bất cứ một khoản thù lao nào. Rung cảm trước tâm hồn cao đẹp của ông thầy cãi đã hết lòng với một bị cáo trọng án là bố mình, một cô gái nhỏ tên Thạch Linh xin được nhận lão làm bố nuôi, rồi khi lớn lên đã quyết chuyển “bố” thành “anh” để ép lão phải yêu mình. Cùng một lý do tương tự, cô láng giềng xinh đẹp hành nghề bán xe nước sinh tố giải khát tên Bé Hai đã trao cho lão một tình yêu nồng cháy và quyết đeo bám thần tượng của mình đến cùng. Các cô nàng hồn nhiên ấy không ngờ tấm chân tình nồng nhiệt của họ đã làm khổ lão: quý phu nhân ở nhà không thể chấp nhận thói “trăng hoa” của đức ông chồng, nên đã phản ứng quyết liệt bằng một cuộc “cấm vận” kéo dài vô tận, mặc dù lão ra sức thanh minh rằng mình vẫn một lòng chung thủy với bà. Cứ mỗi lần lão sờ chỗ nhạy cảm của người phối ngẫu để định thực hiện nghĩa vụ vợ chồng, bà Hiền lại gạt phắt tay lão ra với lời phán xét đanh thép: “Bỏ ra! Bàn tay dơ bẩn!”. Thế là lão tiu nghỉu rút lui.
Kịch bản ấy tái diễn mãi không có điểm dừng, khiến lão nảy sinh ý định ngoại tình để giải tỏa sự ẩn ức trong lòng. Nhưng lạ thay, mặc dù sẵn có các đối tượng hấp dẫn nhiệt tình trao thân cho lão, Thổ Trì vẫn không dám làm ăn gì cả, mà chỉ mong được vợ “tha thứ” để trở về với người phối ngẫu được pháp luật thừa nhận. Khi bà Hiền đột xuất hồi tâm, ký giấy cam kết “cho phép” lão được chơi gái điếm để giải quyết sinh lý, lão cũng đành chịu, mặc dù kẻ bán thân cho lão là một cô gái “sạch sẽ, thơm tho, nói năng nhỏ nhẹ” .
Trong tâm trạng tuyệt vọng về hạnh phúc gia đình, lão tìm đến một bậc thầy tâm lý nổi tiếng để mong được cứu giúp. May thay, bậc thầy ấy lại chính là Hoàng Cầu, bạn đồng nghiệp cũ thân thiết của lão nơi mái trường xưa. Hiểu rõ tiểu sử của bạn mình, lại có kinh nghiệm bản thân và trình độ học vấn chuyên môn, nhà tâm lý học đã chỉ rõ bệnh của lão không phải do “máy móc hư hỏng” mà phát sinh từ những “cú sốc tâm lý tình dục”. Những cú sốc ấy lại bắt nguồn từ chỗ: “Chúng ta có một thời thật kỳ cục. Cái mà mình thích thì không cho người khác thích”(4). Vậy, thời kỳ cục ấy là thời nào? Hóa ra, đó lại chính là đoạn tiếp theo kéo dài của Nước mắt một thời!
Mọi sự lại phát sinh từ cuộc CCRĐ “long trời lở đất”, trong đó cha mẹ lão bị quy là địa chủ và bị tước đoạt hết điền sản. Với cái ách lý lịch là “con địa chủ”, lão không được vào đại học nên chỉ được đào tạo vừa đủ để đi dạy ở trường cấp hai dân lập; còn cô em gái xinh đẹp của lão phải chịu cảnh ế chồng (vì không có chàng trai nào đủ can đảm để chấp nhận làm rể một gia đình địa chủ).
Rồi ông Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Tuệ đã khiến lão phát khiếp về các cuộc tự kiểm thảo lúc 11 giờ đêm sau hồi “trống tự tu”, để mỗi giáo viên tự vấn xem mình có diễn biến tư tưởng gì trái với “đạo đức của người thầy giáo xã hội chủ nghĩa”? Quán triệt quan điểm của Đảng về việc không để những nhu cầu bản năng thấp hèn lấn át lý tưởng cộng sản cao siêu, ông quyết chống đến cùng thói yêu đương lãng mạn (gọi là thói “tạch-tạch-sè), cấm mọi người tìm kiếm khoái cảm tình dục, buộc họ phải coi sự giao hợp của hai vợ chồng chỉ là thực hiện nghĩa vụ sinh đẻ tạo ra nguồn nhân lực cho đất nước. Từ đó, ông Tuệ bắt Thổ Trì phải chủ trì vụ xét xử một giáo viên trẻ đã bị bắt quả tang vì tội hôn (hoặc bóp vú?) một nữ sinh yêu mình trong trường. “Tòa” tuyên án cảnh cáo và hạ một bậc lương đối với tội phạm; nhưng suốt đời Thổ Trì (và cả Hoàng Cầu) sẽ bị day dứt mãi vì tiếng kêu đầy nước mắt của chàng trai vô tội đang quỳ gối trước lão: “Em trót dại, cắn cỏ lạy các anh, kính mong đèn trời soi xét!”(4). Ai cũng biết “bản án” này đi vào lý lịch sẽ tàn hại “sinh mệnh chính trị” của chàng trai ấy như thế nào.
Thế rồi Thổ Trì lại nhanh chóng trở thành tội phạm khi lão và nữ giáo viên Thúy Hiền xinh đẹp bước vào thời kỳ “tìm hiểu” nhau (đó là thuật ngữ chính thức được dùng thay cho từ “yêu” sặc mùi tạch-tạch-sè). Vì không có ghế đá vườn hoa, tối hôm ấy hai người phải ngồi trên vệ cỏ ven đường dưới bóng hàng cây xoan đang rắc từng cơn mưa hoa tím lãng mạn xuống đất. Họ đã thận trọng giữ khoảng cách “cả mét” giữa hai người để bảo đảm việc “tìm hiểu” không có gì mờ ám. Nhưng chẳng may, chiếc xe commăngca chở ông Chủ tịch Huyện chạy qua đó đã chiếu đèn pha soi rõ đôi nam nữ ngồi trong bóng tối cách cổng trường không xa. Ông Huyện lập tức cử người đến trường thông báo về sự việc nghiêm trọng mới được phát hiện. Hiệu trưởng Tuệ tức thì đánh trống triệu tập giáo viên đến họp Hội đồng kỷ luật để xét xử vụ việc liên quan đến âm mưu “quan hệ nam nữ bất chính”. Với sự đồng lõa của Hoàng Cầu, lão quyết im lặng không nhận tội. Nhưng khi Hiệu trưởng ra lệnh khám xét mọi người, thì bằng chứng tội phạm đã rành rành: hoa xoan từ đầu tóc và quần áo Thổ Trì và Thúy Hiền rơi xuống lả tả! Phán quyết của “tòa” được tuyên: Thổ Trì bị cảnh cáo và cắt danh hiệu “lao động tiên tiến”; Thúy Hiền bị chuyển từ giáo viên cấp hai xuống dạy cấp một ở một trường khác cách xa trường này 12 km.
Thế là “hiểm họa hoa xoan” đã giáng cho cặp tình nhân ấy một “cú sốc” nặng nề. Tiếp theo đó, đám cưới kỳ lạ với một đêm tân hôn dị thường của họ còn khiến cho cú sốc ấy trở nên khủng khiếp hơn. Cô dâu chú rể không dám “động phòng” vì biết rằng mình đang bị theo dõi từ những lỗ hổng trên vách đất nhà tranh; rồi chú rể phải để cô dâu nằm lại một mình mà lên đường thực hiện lệnh khẩn của Hiệu trưởng theo tinh thần“Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” (như khẩu hiệu thường được treo trong các đám cưới thời ấy).
Với “cú sốc tâm lý tình dục” như vậy, tình yêu đích thực xuất phát từ bản ngã tự nhiên của con người đã bị vùi dập tan tành, thay vào đó là nỗi sợ hãi vô biên khắc sâu trong tâm thức Thổ Trì, biến lão thành con người mềm nhũn như sứa, không bao giờ dám vượt qua ranh giới của cường quyền để vươn tới tình yêu đích thực. Cũng từ sau cú sốc đó, cô Thúy Hiền xinh đẹp lãng mạn thuở nào dần chìm khuất để hóa thành bà Hiền cay nghiệt quyết dùng bạo lực giữ chồng trong nghĩa vụ hôn nhân, chống mọi biểu hiện của tình yêu rộng mở quanh đức lang quân của mình.
Bi kịch gia đình của lão với bà Hiền cũng chính là bi kịch của toàn xã hội về Nước mắt một thời trong Mây chiều bảng lảng. Khi ấy, “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” do tạo hóa ban cho (và bản Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ đã khẳng định) đã bị hủy diệt, để buộc con người phải sống trong bầy đàn do các đấng “bề trên” chăn dắt.
Không lâu sau lúc trở về từ cuộc gặp Hoàng Cầu, lão bị vợ đánh cho một trận và thẳng tay trao tờ đơn ly dị. Trong tình trạng bi đát ấy, lão quyết đổi đời bằng cuộc hẹn hò với người đẹp Bé Hai-nay đã trở thành một nữ doanh nhân với tài sắc nổi trội. Nhưng trớ trêu thay, đúng lúc nàng đã sẵn sàng đón nhận tình yêu của lão, thì nỗi sợ hãi tiềm ẩn từ “hiểm họa hoa xoan” lại ùa về cùng với tình thương vợ bỗng nhiên trỗi dậy trong tâm trí Thổ Trì. Thế là lại một lần nữa lão không thể vào cuộc say đắm với nàng.
Thất vọng với người tình mềm yếu đã “hết thuốc chữa”, Bé Hai đành ngậm ngùi tiễn lão bằng mấy lời “có cánh” như sau: “ Vậy thì anh về đi! Kỳ này, đi hay đứng, nhớ phải dứt khoát đấy. Có là mây thì cũng mây chiều rồi. Đừng bảng lảng nữa.”(4) Thế mới biết, việc giải thoát một con người ra khỏi chỗ giam cầm quen thuộc của y để chấm dứt tấn bi kịch của Nước mắt một thời khó khăn biết nhường nào!
4. Các tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng hội đủ giá trị trên cả 3 mặt Chân-Thiện-Mỹ. Khỏi phải nói về tính chân thật đã tạo nên phẩm chất cơ bản của các tác phẩm này. Bất cứ đôc giả nào đã từng sống trong Nước mắt một thời đều có thể nhận thấy dường như có cả mình (với toàn thể gia đình) trong tác phẩm ấy. Ai cũng cảm thấy nhà văn này đã nói thay mình về những điều uẩn ức chất chứa trong lòng suốt bấy nhiêu năm. Thật dễ hiểu vì sao Tỉnh Ủy và UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức một cuộc Hội thảo long trọng về Nước mắt một thời” để tôn vinh nhà văn của quê hương tỉnh nhà. Cũng không ai ngạc nhiên khi biết rằng Nguyễn Khoa Đăng có một lượng độc giả hâm mộ mình nhiều vô số kể.
Tính thiện nằm trong tư tưởng chủ đạo của Nguyễn Khoa Đăng khi ông vạch trần tội ác của những kẻ bất lương đã tàn hại những người lương thiện; để rồi những người lương thiện ấy lại tha thứ cho bọn bất lương, nhằm mở cho chúng con đường cải tà quy chính. Hơn thế nữa, tình thương yêu tràn ngập các trang viết của ông cũng chính là tính thiện mà ông muốn truyền tải đến quý vị độc giả.
Về giá trị thẩm mỹ, Nguyễn Khoa Đăng có rất nhiều trang viết đẹp chứa đầy cảm xúc khiến độc giả phải ghi nhớ mãi. Cách kể chuyện ở đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất (“tôi”) hay ngôi thứ ba (“lão”) đều được ông sử dụng nhuần nhuyễn đã tạo nên sắc thái độc đáo cho từng tác phẩm. Cách kết cấu câu chuyện xen lẫn giữa hiện tại với quá khứ lại làm cho tác phẩm của ông thêm hấp dẫn, tương tự như thủ pháp điện ảnh. Tài nghệ của ông đã tạo nên những nhân vật có tính cách đặc sắc mang dấu ấn riêng của Nguyễn Khoa Đăng: “tôi”, Én, Đội Khoảnh, lão Kền (trong Nước mắt một thời); Thiện, “mẹ tôi” (trong Hoàng hôn lạnh); Thổ Trì, bà Hiền, Bé Hai, Thạch Linh… (trong Mây chiều bảng lảng)… Có cả những nhân vật đặc biệt buộc độc giả phải suy nghĩ về tính cách của họ như Hoàng Cầu (người đã bị cắt tai và cụt cả “chim” trong quá trình phát hiện, thực hành và truyền bá chân lý về bản ngã tình dục) hay Nguyễn Trọng Tuệ (kẻ cuồng tín mỗi năm theo “Xuân -Thu nhị kỳ” chỉ giao hợp với vợ đúng 2 lần để thực hiện nghĩa vụ tạo nguồn nhân lực cho đất nước).
Khách quan mà nói, nghệ thuật ngôn ngữ của Nguyễn Khoa Đăng vẫn còn đôi chỗ phải bàn. Trong một số đoạn, thỉnh thoảng tác giả lại tách mình ra khỏi nhân vật để thuyết minh hay bình phẩm sự kiện, khiến cho mạch văn trở nên vụng về. Đang kể rất hấp dẫn về diễn biến tình cảm giữa “tôi” với Én, tác giả xen vào những lời bình như “Tình yêu rồi cả dục vọng nữa thôi thúc tôi phải…”(2) hay “Ma lực của tình yêu trong tuổi mới lớn của tôi mạnh mẽ đến chừng nào”(2) khiến cuộc tình bị giảm nét đẹp của nó. Việc đưa những thuật ngữ khoa học hiện đại vào văn cảnh bình dị của quá khứ cũng làm giảm vẻ đẹp văn chương. Tả cảnh đội cải cách tát cạn ao nhà địa chủ để cướp cá, thì cớ sao lại phải xen vào lời bình “tát cạn làm hủy hoại cái mà sau này ta gọi là môi trường sinh thái” (2)? Bức di thư mà cô Én (tức ni cô Diệu Thường) để lại cho người tình xưa khiến độc giả phải rơi nước mắt. Nhưng họ vẫn phải đặt câu hỏi: liệu một phụ nữ ít học với “chữ xấu như gà bới” có thể viết được những trang như thế hay không? Ngay cả đoạn viết về cố vấn Trung Quốc chỉ đạo CCRĐ cũng được đưa vào thư của Én một cách khiên cưỡng. Những đoạn giải thích tỉ mỉ các sự việc theo kiểu văn báo chí “bánh đúc bầy sàng” cũng khiến cho độc giả phải tiếc cho vẻ đẹp của phép hành văn “ý tại ngôn ngoại”. Việc tác giả trích dẫn nguyên văn lời Marx, Freud…và cả thơ Hồ Xuân Hương để chứng minh cho các ý tưởng của mình đã khiến cho văn tiểu thuyết mượt mà bị lẫn với văn nghiên cứu khô cứng. Việc tác giả cho các nhân vật trong CCRĐ sử dụng “tem phiếu” và bút máy “Trường Sơn” là sự nhầm lẫn về vật dụng trong thời điểm mà những thứ đó chưa có…
Tuy nhiên, bất chấp một số lợn cợn đôi lúc xuất hiện giữa dòng văn chương êm đẹp như vậy, Nước mắt một thời, Hoàng hôn lạnh và Mây chiều bảng lảng đã hợp thành một “bộ ba” tiểu thuyết có giá trị rất cao với chủ đề chung là “Nước mắt một thời”, ghi đậm nét dấu ấn trong văn học Việt Nam hiện đại và có tiếng vang trên văn đàn quốc tế. Với mô hình xã hội và thân phận con người được diễn tả trong đó, bộ ba “Nước mắt một thời” của Nguyễn Khoa Đăng có thể so sánh với “Trại súc vật” (Animal Farm) và “1984” của George Orwell. Không phải ngẫu nhiên mà cuốn Nước mắt một thời được đăng tải nhiều kỳ trên báo chí tiếng Việt ở Mỹ. Tiếp đó, Chim mặt người, Hoàng hôn lạnh, Mây chiều bảng lảng và Nước mắt một thời lại được dịch sang tiếng Pháp để Công ty Hhbooks quảng bá trên thị trường sách thế giới.
*
Lịch sử dân tộc bao gồm những trang vẻ vang và những trang bi thảm; trong đó “không ai bị lãng quên và không gì bị lãng quên!”- đúng như lời khẳng định của nữ thi sĩ Olga Berggolts. Với bộ ba tiểu thuyết Nước mắt một thời - Hoàng hôn lạnh - Mây chiều bảng lảng, Nguyễn Khoa Đăng đã giúp cho đồng bào ta, ở trong nước cũng như nơi hải ngoại, không quên những trang bi thảm của lịch sử nước nhà. Bằng ngôn ngữ văn học, Nguyễn Khoa Đăng đã phục dựng thành công cả một thời đại, trong đó cho thấy ở thời ấy người ta đã sống thế nào, đã chết thế nào và tại sao họ lại phải sống và chết như thế. Qua đó, ông nhắn gửi đến muôn đời con cháu mai sau rằng: đừng bao giờ để cho dân tộc Việt Nam phải sống và chết như vậy nữa.
Sài Gòn, mùa thu 2016
LÊ VINH QUỐC

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: