Tác giả: Nguyễn Thị Lan Anh
Contemporary Southeast Asia Vol. 38/3, 12/2016
Biên dịch: Trần Thị Kim Nguyên
30-1-2017
Phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông được đưa ra ngày 12/7/2016 là một sự kiện pháp lý làm thay đổi cuộc chơi.[1] Với tư cách là một bên chính trong tranh chấp Biển Đông, Phán quyết đã tạo ra những tác động quan trọng đối với Việt Nam. Bài viết này chỉ ra cả cơ hội lẫn thách thức cho Việt Nam, cũng như là những tác động trước mắt và lâu dài từ Phán quyết của Tòa Trọng tài.
Việt Nam – một bên chính trong tranh chấp Biển Đông
Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên cơ sở chiếm hữu thực sự (effectivités) theo luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ. Trong một công hàm gửi lên Liên hợp quốc ngày ngày 22/02/2016, Việt Nam khẳng định rằng Việt Nam “có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa [Paracels] và Trường Sa [Spratlys]. Các chính quyền Việt Nam kế tiếp nhau đã thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo một cách hòa bình và liên tục ít nhất là từ thế kỷ XVII.”[2]
Là một quốc gia ven biển Biển Đông, Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của biển và đã khẳng định các vùng biển của mình trong một tuyên bố vào năm 1977, thậm chí trước khi Công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) có hiệu lực. Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong năm vùng biển: nội thủy; lãnh hải; vùng tiếp giáp lãnh hải; vùng đặc quyền kinh tế (EEZ); và thềm lục địa. Tuyên bố này đã được ghi nhận lại trong Luật số 18/2012/QH13 về Biển của Việt Nam năm 2012. Trước đó, trong năm 2009, Việt Nam đã hoạch định 200 hải lý EEZ và đệ trình thềm lục địa mở rộng của mình lên Ủy ban về Ranh giới Thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS).[3] Về các vùng biển của quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, Việt Nam đã áp dụng các nguyên tắc chung được ghi nhận trong UNCLOS, nhưng không chỉ rõ chi tiết cụ thể về chế độ pháp lý của từng thực thể địa lý (features) trên biển.[4] Về giải quyết tranh chấp, Việt Nam đã liên tục bày tỏ lập trường sẵn sàng giải quyết tất cả các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.[5] Nhìn chung, Việt Nam đã dựa vào luật pháp quốc tế để củng cố yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và dựa vào UNCLOS để xác định các vùng biển của mình ở Biển Đông.
Sự xác thực của cơ sở pháp lý trong yêu sách biển của Việt Nam
Trong vấn đề luật áp dụng để tạo ra các vùng biển, Tòa Trọng tài kết luận chắc chắn rằng UNCLOS quy định và xác định các giới hạn trong một hệ thống toàn diện về các vùng biển có thể được tạo ra, bao gồm bất kỳ khu vực nào của biển hoặc đáy biển.[6] Về cơ bản, Tòa Trọng tài đã thừa nhận phương pháp mà Việt Nam sử dụng để xác định các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS.
Trong vài năm qua, do có các yêu sách đối kháng trên biển giữa Bắc Kinh và Hà Nội, một số vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra trong vùng biển mà Việt Nam đã tuyên bố là EEZ và thềm lục địa. Các vụ việc này có thể kể đến như việc tàu Trung Quốc cắt đứt dây cáp tàu thăm dò của Việt Nam của trong năm 2011, việc công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc mở chín lô dầu khí để đấu thầu trong EEZ của Việt Nam vào năm 2012, việc hạ đặt giàn khoan HYSY-981 trong EEZ của Việt Nam vào năm 2014 và các ngư dân Việt Nam thường xuyên bị bắt giữ.
Xem xét qua ngôn từ và hành động, Trung Quốc dường như tuyên bố chủ quyền hoặc quyền lịch sử đối với nguồn tài nguyên biển trong đường chín đoạn, theo đó đến 60% EEZ và thềm lục địa của Việt Nam bị đặt trong tranh chấp.[7] Tuy nhiên, Tòa Trọng tài quyết định rõ ràng rằng “khi Trung Quốc gia nhập Công ước và khi Công ước có hiệu lực, bất cứ quyền lịch sử mà Trung Quốc có thể đã có đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong ‘đường chín đoạn’ đã bị thay thế … bằng các giới hạn của các vùng biển đã được quy định [trong UNCLOS]”.[8] Quyết định của Tòa án là một bước đột phá lớn cho Việt Nam, vì có nghĩa là Trung Quốc không có các quyền trên biển trong đường chín đoạn và do đó không có sự chồng lấn về yêu sách EEZ hay thềm lục địa giữa hai nước.
Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và cho rằng hai quần đảo có thể tạo ra các EEZ và thềm lục địa.[9] Theo luật pháp quốc tế, điều này có nghĩa rằng không chỉ là chủ quyền của các thực thể địa lý trên biển mà cả vùng biển tạo ra từ các thực thể địa lý này đang có tranh chấp. Tuy nhiên, Tòa Trọng tài kết luận rằng không có thực thể địa lý nào trong số các thực thể luôn nổi ở triều cao (high-tide features) ở Trường Sa, bao gồm thực thể địa lý lớn nhất là Ba Bình (Itu Aba), có thể tạo ra EEZ hay thềm lục địa.[10] Bằng quyết định này, Tòa Trọng tài đã giải phóng hầu hết các không gian biển ở Biển Đông ra khỏi tranh chấp. Rất có khả năng các tiêu chí mà các Trọng tài sử dụng để xác định vùng biển của quần đảo Trường Sa cũng sẽ được áp dụng cho quần đảo Hoàng Sa. Theo đó, không gian biển có tranh chấp từ các quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa có thể được thu hẹp lại trong phạm vi 12 hải lý của những thực thể địa lý luôn nổi ở triều cao của hai nhóm đảo.
Với những kết luận mang tính bước ngoặt của Tòa Trọng tài, hầu hết EEZ và thềm lục địa từ đất liền của Việt Nam không có tranh chấp và hoàn toàn thuộc về các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Các biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế
Với mong muốn giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình, Việt Nam đã bắt đầu đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề biên giới trong Vịnh Bắc Bộ từ năm 1973. Năm 2000, hai nước đã ký kết một hiệp định phân định biển và một hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ. Các hiệp định này là thỏa thuận phân định biển đầu tiên giữa Trung Quốc và một nước láng giềng, và thường được trích dẫn như một mô hình cho việc giải quyết tranh chấp thành công và đàm phán kiên trì.
Xây dựng trên sự thành công của mô hình này, và việc thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận Những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc ngày 11/10/2011,[11] Việt Nam vẫn đang duy trì ba cơ chế đàm phán với Trung Quốc: đàm phán về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ; về hợp tác trên biển các vấn đề không nhạy cảm; và về khả năng phát triển chung các nguồn tài nguyên biển ở Biển Đông. Về các vấn đề không nhạy cảm trên biển, hai bên đã nhất trí thực hiện ba dự án hợp tác về môi trường biển và tìm kiếm cứu nạn.[12] Tuy nhiên, rất ít tiến triển đã đạt được trong hai lĩnh vực khác do sự bất đồng rất lớn trong quan điểm của mỗi bên. Mặc dù Việt Nam mong muốn thúc đẩy đàm phán, Trung Quốc tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn về chủ quyền “không thể tranh cãi” của mình trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa và đường chín đoạn.[13] Những bế tắc trong đàm phán có thể buộc Việt Nam phải theo đuổi các cơ chế giải quyết tranh chấp khác có hiệu quả hơn.
Trong công hàm ngày 13/6/2016, Việt Nam khẳng định rằng “hai nước có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tranh chấp khác ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Khi không đạt được một giải pháp thỏa thuận, hai nước có quyền sử dụng biện pháp hòa bình khác theo quy định tại Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc và trong Điều 279 của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển. Việc viện dẫn đến biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp là một biện pháp thân thiện và hiệu quả để giảm bớt căng thẳng trong khu vực và cung cấp triển vọng mới cho hợp tác và phát triển cho tất cả các quốc gia ven biển ở Biển Đông”.[14] Theo đó, kết quả của vụ việc Philippines kiện Trung Quốc có thể cung cấp cho Việt Nam một lựa chọn thay thế và hiệu quả hơn để giải quyết các tranh chấp trên biển với Trung Quốc và bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình trong EEZ và thềm lục địa.
Áp lực đối với Việt Nam trong việc minh bạch hóa yêu sách
Phán quyết Biển Đông mở ra không chỉ cơ hội mà còn thách thức đối với Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam vẫn chưa hoàn thành việc vẽ đường cơ sở thẳng (straight baselines) tại một số khu vực, bao gồm Vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong phán quyết, Tòa Trọng tài kết luận rằng sử dụng đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Trường Sa tương tự như đường cơ sở quần đảo (archipelagic baselines) sẽ trái với UNCLOS.[15] Do đó, Việt Nam nên thiết lập đường cơ sở thẳng cho quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa bằng cách nhóm các thực thể địa lý trong vòng 12 hải lý với nhau và nhóm đảo (island) với những bãi cạn lúc nổi lúc chìm (low-tide elevations) nằm trong vòng 12 hải lý của đảo đó. Khi làm như vậy, Việt Nam cần phân loại các thực thể địa lý trên biển ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như bãi ngầm (submerged features), bãi cạn lúc chìm lúc nổi (low-tide elevations) hoặc các thực thể luôn nổi ở triều cao (high-tide features), và xác định vị trí của chúng. Tòa Trọng tài đã khởi đầu quá trình này bằng cách xác định Bãi Cạn Scarborough, Đá Gạc Ma (Johnson Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Ga Ven [Gaven Reef (North)] và Đá Ken Nan (McKennan Reef) là đá (rocks), và Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Lạc [Gaven Reef (South)], Đá Xu Bi (Subi Reef), Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) là bãi cạn lúc nổi lúc chìm. Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) là một phần của EEZ và thềm lục địa của Philippines. Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) nằm trong vòng 12 hải lý của các thực thể địa lý luôn nổi ở triều cao – Đá Ken Nan (McKennan Reef) và đảo Sinh Tồn (Sin Cowe Island); Đá Lạc [Gaven Reef (South)] nằm trong vòng 12 hải lý của thực thể địa lý luôn nổi ở triều cao – Đá Ga Ven [Gaven Reef (North)] và đảo Nam Yết (Namyit Island); và Đá Xu Bi (Subi Reef) nằm trong 12 hải lý của thực thể địa lý luôn nổi ở triều cao – Sandy Cay trên các rạn san hô ở phía tây của đảo Thị Tứ (Thitu Island).[16] Thông qua những kết luận này, Việt Nam cần làm rõ chế độ pháp lý của các thực thể địa lý trên biển khác trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thứ hai, việc phân loại các thực thể địa lý trên biển và vị trí của chúng cũng củng cố nền tảng để Việt Nam làm rõ vấn đề chủ quyền. Theo đó, Việt Nam có thể tuyên bố chủ quyền trên các thực thể địa lý luôn nổi ở triều cao và các bãi cạn lúc nổi lúc chìm nằm trong 12 hải lý của thực thể địa lý này trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các bãi cạn lúc nổi lúc chìm nằm vượt quá 12 hải lý của một thực thể địa lý luôn nổi ở triều cao trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng nằm trên thềm lục địa của đất liền Việt Nam, hoàn toàn thuộc về Việt Nam. Nếu một bãi cạn lúc chìm lúc nổi nằm trên thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và các nước láng giềng, số phận của bãi cạn này cần được quyết định thông qua phân định biển. Một bãi cạn lúc chìm lúc nổi nằm ngoài thềm lục địa của Việt Nam thì không phải là đối tượng của một tuyên bố chủ quyền. Các bãi ngầm – bất kể vị trí ở đâu-không phải là đối tượng của một tuyên bố chủ quyền. Các bãi ngầm là một phần của đáy biển (sea bed) và theo đó địa vị pháp lý của chúng sẽ được quyết định bởi chế độ pháp lý của đáy biển.
Thứ ba, Việt Nam nên hợp tác với Malaysia để hoàn tất đệ trình thềm lục địa mở rộng tại CLCS. Đoạn 5 (a) của Phụ lục I của Quy tắc và Thủ tục của CLCS quy định rằng: “trong những trường hợp tồn tại tranh chấp lãnh thổ hoặc tranh chấp biển, một đệ trình được thực hiện bởi bất kỳ nước hữu quan nào trong tranh chấp sẽ không được Ủy ban xem xét và coi là đủ điều kiện “. Sau khi Việt Nam và Malaysia đã gửi đệ trình chung trong năm 2009, Trung Quốc đã nộp bản phản đối lên CLCS trên cơ sở tồn tại tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp biển.[17] Thông qua phán quyết của Tòa Trọng tài về giá trị pháp lý của đường chín đoạn và các vùng biển được tạo ra từ các thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa, phản đối của Trung Quốc đã không còn giá trị. Do đó, Malaysia và Việt Nam cần phối hợp với Philippines đề nghị CLCS xem xét giới hạn thềm lục địa mở rộng và từ đó hoàn tất việc xác định các vùng biển thuộc quyền tài phán ở Biển Đông.
Phán quyết Biển Đông đã mở ra một chương mới trong cuộc tranh chấp kéo dài ở Biển Đông. Bây giờ là thời điểm các bên tranh chấp nắm bắt các cơ hội từ Phán quyết, và chuyển đổi điểm nóng của khu vực này trở thành một vùng biển hợp tác dựa trên thiện chí và các quy định của pháp luật.
____
Chú thích
[1] Robert Beckman, “Tribunal Ruling a game changer”, Straits Times, 14/7/2016.
[2] Việt Nam liên tục bày tỏ quan điểm này thông qua sách trắng năm 1975 và 1988 và hàng loạt công hàm và thư ngoại giao của Việt Nam gửi lên Liên hợp quốc: văn kiện Liên hợp quốc A/68/981, A/70/659, A/70/784, A/70/795, A/70/944.
[3] “Submission of Vietnam in the North Area, Executive Summary”, tham khảo tại: <http://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/vnm2009n_executivesummary.pdf>; và “Joint Submission of Vietnam and Malaysia in the Southern part of the South China Sea, Executive Summary”, tham khảo tại: <http://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_mysvnm_33_2009.htm>.
[4] Điều 19 của Luật số 18/2012/QH13 về Biển Việt Nam năm 2012. Xem toàn văn tại: <http://vietnamlawmagazine.vn/law-of-the-sea-of-vietnam-4895.html>
[5] Điểm 7 Tuyên bố năm 1977 về các vùng biển của Việt Nam. Điểm 4 của Nghị quyết ngày 23/6/1994 của Quốc hội Việt Nam về việc phê chuẩn UNCLOS, Điều 4(3) Luật số 18/2012/QH13 năm 2012 về Biển Việt Nam và hàng loạt công hàm và thư ngoại giao gửi lên Liên hợp quốc vào các năm 2015, 2016, xem chú thích số 02.
[6] Đoạn 231 của “PCA Case No. 2013-9 In the Matter of the South China Sea Arbitration”, 12/7/2016, tham khảo tại: <https://pca-cpa.org/wp-content/uploads/sites/175/2016/07/PH-CN-20160712-Award.pdf>. Sau đây gọi là “Phán quyết”.
[7] Họp mặt báo chí thường kỳ của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi vào ngày 07/7/2016, tham khảo tại: <http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/t1378321.shtml>.
[8] Đoạn 262 của Phán quyết.
[9] Công hàm của Trung Quốc gửi lên Liên hợp quốc, CML/8/2011 ngày 14/4/2011.
[10] Đoạn 646 của Phán quyết.
[11] Xem toàn văn của Thỏa thuận tại: <http://en.vietnamplus.vn/vnchina-basic-principles-on-settlement-of-sea-issues/50572.vnp> (tiếng Anh), http://www.vietnamplus.vn/nguyen-tac-giai-quyet-van-de-tren-bien-viettrung/111682.vnp (tiếng Việt).
[12] Dự án bao gồm: (I) tìm kiếm cứu nạn (ii) trao đổi ý kiến và nghiên cứu về quản lý môi trường của Vịnh Bắc Bộ và các đảo trong Vịnh (iii) nghiên cứu trầm tích Holocene ở châu thổ sông Hồng và sông Trường Giang.
[13] Quan điểm của Trung Quốc được thể hiện gần nhất trong Công hàm CML/59/2016 ngày 01/7/2016, xem tại: <https://seasresearch.wordpress.com/2016/08/29/note-verbale-dated-01-july-2016-of-the-permanent-mission-of-china/>; và Sách trắng của Trung Quốc “China Adheres to the Position of Settling Through Negotiation the Relevant Disputes Between China and the Philippines in the South China Sea” ngày 13/7/ 2016, tham khảo tại: <http://www.fmprc.gov.cn/nanhai/eng/snhwtlcwj_1/t1380615.htm>.
[14] Văn kiện Liên hợp quốc A/70/944.
[15] Đoạn 575 của Phán quyết.
[16] Đoạn 382, 384 và 643-647 của Phán quyết.
[17] Công hàm Trung Quốc gửi lên Liên hợp quốc, CML/17/2009 ngày 07/5/2009, xem tại: <http://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/chn_2009re_mys_vnm_e.pdf>
Nguyễn Thị Lan Anh là Phó Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Đông trực thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại Giao, Hà Nội. Địa chỉ bưu điện: 69, Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam; Email: lananhdav@mofa.gov.vn.
Trần Thị Kim Nguyên là cử nhân chuyên ngành luật quốc tế và là cộng tác viên của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Bản dịch có sự hiệu đính của tác giả.
Bản dịch thuộc bản quyền của tác giả, dịch giả và Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Bài đăng lại phải ghi rõ nguồn và dẫn link về Dự án.
Những tư liệu và bài viết liên quan: https://daisukybiendong.wordpress.com/tag/vu-kien-philippines-trung-quoc/
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét