1/Sớm 28 tết, trên đường ra bãi giữa sông Hồng, nhìn vào một ngôi nhà mặt đường mới mở, tôi thấy cả một cây đào dại cao chất ngất ở bên ngoài. Liên quan đến tết, tôi hiểu rằng cuộc sống của những trọc phú thời nay thường bao gồm cả sự khoe của, bao gồm cả khoe khả năng liều lĩnh dám làm bất cứ việc gì có tiền và nghiễm nhiên coi đó là độc đáo, là hơn người.
Dăm bảy năm trước, việc chơi đào dại của dân Hà Nội còn khá từ tốn. Người ta chỉ bẻ về bán những cảnh có dáng lạ và hoa nở đều. Nay thì thượng vàng hạ cám, cứ đào dại là mang về, đào dại bày bán ở mọi ngõ xóm, đào dại lôm côm là thứ thỏa mãn tâm lý bất cần đời của người nghèo. Một cuộc đại tàn sát đã xảy ra. Trong khi leo lẻo bắt chước thế giới là quan tâm tới môi trường, chúng ta có hiểu gì về lời chúng ta nói đâu. Nhớ hồi tháng sáu, báo chí đưa tin ông thủ tướng đương nhiệm có lệnh đóng rừng. Mở google, đặt bốn chữ lệnh đóng cửa rừng trong ngoặc kép, tôi chỉ tìm được con số 4701 và toàn những bài cũ rích Có nghĩ rồi cũng không làm được. Nữa là nay chúng ta còn không buồn đặt chuyện bảo vệ môi trường vào đầu óc của mình. Bao giờ thì việc chặn đứng sự phá hoại môi trường mới được thực thi? Bao giờ ?
2/ Bàn về việc đưa người các vùng văn hóa khác lên Tây Nguyên mấy chục năm nay, trong bài viết trên FB ngày 19-12 tôi mới đả động qua loa tới môi quan hệ giữa những cộng đồng nhỏ với thiên nhiên, nhất là giữa những con người vừa di cư với môi trường mà họ mới tới sinh sống.
Lúc này đây, tôi nhớ tới cảnh một cảnh tết trong truyện "Quê người "của Tô Hoài. Ngày tết túng đói quá, gia đình anh Thoại phải đi săn lùng những con chó sợ pháo, rồi bị người ta đánh bị thương, cả gia đình ngay đêm ấy phải bỏ làng ra đi.
Đi đâu? Lên rừng, ngày xưa gọi là miền ngược ma thiêng nước độc.
Trong truyện ngắn "Mua nhà", Nam Cao cũng để cho nhân vật thất cơ lơ vận bỏ vợ con ở nhà lên rừng hòng kiếm chút vốn liếng.
Và xa hơn nữa là câu thơ Tú Xương;
“Phố phường chật hẹp người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non”
Theo nhà nghiên cứu Pháp P. Gouru, tác giả cuốn “Người nông dân châu thổ Bắc bộ” - đồng bằng sông Hồng thuộc loại những vùng đồng bằng có mật độ dân cao nhất thế giới.
Đến nay tôi đoán vẫn thế.
Hôm qua con người nghèo túng nơi đây đã coi rừng rú là nơi tha hồ phá phách.
Thứ “văn hóa rừng” của chúng ta -- văn hóa với nghĩa hiểu biết về rừng biết cách chung sống với nó lâu dài bảo vệ rừng lâu dài -- cái đó hoàn toàn không thể so được với đồng bào Tây Nguyên đã ở đây từ bao đời nay.
Xưa chưa có phương tiện đành chịu.
Nay trong cơn đói kém, lại sẵn phương tiện hiện đại, người ta làm thịt rừng dễ dàng hơn nhiều, phần phá phách rừng này rỉ rả mỗi ngày một ít nhưng so với phần phá của các nhà tư bản lên rừng thuê lâm tặc xẻ gỗ về xuôi, không chắc bên nào chịu kém bên nào.
3/Trong một chương trình thời sự 19h VTV1 những ngày đầu năm 2017, chỗ phần tin không có hình, tôi đọc được một câu ngắn nói rằng 4,5 nghìn hộ dân Tây nguyên được chia đất mới và họ sẽ dựa vào rừng để mưu sinh.
Vậy là ta tự phá ngôi nhà của mình, ta hy sinh tương lai cho hiện tại . Khi tự đặt cho mình câu hỏi tại sao cái việc tàn phá hoàn cảnh như thế này xảy ra, tôi tạm tìm thấy câu trả lời:
-- vì trình độ sống của chúng ta còn thấp. Nói rõ hơn là hiểu biết của cộng đồng về quá khứ lẫn hiện tại đã mù mờ, đến như tương lai thì càng không hình dung ra nổi.
-- vì chúng ta có một thứ chủ nghĩa tập thể rất thú vị. Cứ việc gì cả làng cả xóm cùng làm thì bậy mấy sai mấy cũng không bao giờ có tội. Thời còn hợp tác xã ở miền bắc một người ăn cắp không được, chứ cả tổ cả đội đồng lòng thì tha hồ.
-- vì chúng ta không biết phát triển là gì và đang sùng bái sự ổn định. Cứ việc gì góp phần vào sự ổn định trước mắt là được phép làm tất.
Cuộc chiến 1945 -75 có một lý do chính đáng là chống ngoại xâm giành quyền làm chủ đất nước. Cả triệu người hy sinh xương máu. Hàng chục triệu người tàn phế cả về thân xác lẫn tâm hồn. Xã hội lùi lại cả một giai đoạn văn minh tới mức đến nay sau hơn bốn chục năm hậu chiến dù có phồn vinh bên ngoài vẫn hoang dại bên trong ...
Nay chúng ta đang làm chủ như thế này đây.
http://vuongtrinhan.blogspot.com/2017/01/chung-ta-lam-chu-nhu-nay-ay.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét