Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

Văn nghệ Thứ Bảy

Nguyễn Huệ Chi
Những năm tháng với Phong Lê
 
Tôi biết Phong Lê từ cuối năm 1955, vào khoảng đầu học kỳ 3 của lớp Chín, lớp cuối cùng cấp phổ thông dạo ấy. Lúc bấy giờ tôi học lớp Chín A Trường phổ thông Cấp III Phan Đình Phùng, ngôi trường Cấp III duy nhất trong tỉnh Hà Tĩnh, rất nổi tiếng thời kháng chiến chống Pháp, từ hai nơi sơ tán ở Ngu Lâm (Đức Thọ) và Thạch Thành (Cẩm Xuyên) mới dọn về thị xã Hà Tĩnh được hơn một năm sau hòa bình. Trường có hai lớp Tám và hai lớp Chín. Lẽ ra lớp Chín chỉ học hai học kỳ là kết thúc nhưng năm 1955 chuẩn bị cải cách giáo dục trên toàn miền Bắc, Bộ Giáo dục quyết định cho toàn thể học sinh lớp Chín thuộc các trường phổ thông ở vùng kháng chiến đều phải học thêm một học kỳ 3, coi như tiền thân của lớp Mười sẽ chính thức được mở vào năm sau. Đúng vào ngày khai giảng cái học kỳ 3 “cải cách” này, chúng tôi bỗng nhìn thấy giữa sân trường có thêm một lớp Chín thứ ba lạ hoắc đứng xếp hàng lố nhố bên cạnh hai lớp Chín cũ - Hóa ra đó là lớp Chín của Trường Cấp III tư thục Lê Ninh nay cũng nhập về đây, chuyển thành công lập, và trở thành lớp Chín C của Phan Đình Phùng. Trong số những anh học trò lớp Chín C có một chàng rất trẻ, tóc cắt “cua”, tên là Lê Phong Sừ.
Phong Lê năm 1960
Ấy cũng chỉ mới biết vậy chứ đến tận khi thi tốt nghiệp tôi và Sừ vẫn chưa quen nhau. Nói cho đúng, trong những ngày chân ướt chân ráo mới thoát khỏi chiến tranh, chưa kịp tận hưởng chút không khí thanh bình, cả vùng tự do Khu IV đã “nóng” lên bởi vô khối ám ảnh, mà ám ảnh rợn nhất là cuộc Cải cách ruộng đất đợt 5 đang ập đến như một cơn cuồng phong, làm mọi gia đình có chút máu mặt ở nông thôn đều liêu xiêu, tơi tả, ảnh hưởng trực tiếp đến phần lớn thầy lẫn trò Trường Cấp III chúng tôi - đều là con em các gia đình khá giả ấy - khiến số phận mỗi người tréo ngoe một kiểu. Có thầy như Trần Quốc Nghệ tức Tú Nghệ, dạy văn, tiếng tăm đồn thổi, ai cũng ao ước được dự giờ thầy giảng, bỗng chốc công an đến còng tay rồi thầy “biến mất” suốt mấy năm không tăm bóng. Có thầy như Hoàng Ngọc Hiến, đang giữa giờ học nhìn ra ngoài sân thấy một người mang tơi đội nón tùm hụp đứng chờ; hết tiết học thầy vừa bước ra thì người kia tiến lại, lật nón lên: “Em là Lới học trò cũ của thầy ở Trường Trung học bình dân Hoàng Hữu Nam trước đây, nay em về làm Đoàn trưởng Cải cách ruộng đất Hà Tĩnh. Thầy hãy mau chuyển ra Bắc ngay, ở lại đây tình thế chưa biết thế nào mà nói. Em sẽ tìm cách tác động, lo liệu giấy tờ, công văn cho thầy” [1] . Thế là chỉ ít lâu sau thầy Hiến cầm tờ giấy điều động của Bộ Giáo dục, lặng lẽ ra đi - thầy được điều ra dạy ở Thái Nguyên, nơi đã cải cách xong. Có thầy như Trần Văn Thứ quen gọi là Cử Thứ, dạy sinh vật, trong khi đang dạy thì vợ con ở làng quê bị bao vây, khi tin đến được với trường họ đã cận kề cái chết. Bằng những nỗ lực thật can đảm của ông Ty trưởng Ty Giáo dục Trần Hậu Toàn, cuối cùng một đội học sinh do các bạn miền Nam tập kết phụ trách, cầm theo lệnh của Đoàn ủy Cải cách ruộng đất tìm về tận làng thầy cách 3, 40 cây số dàn xếp đưa được bằng ấy nhân mạng đang thoi thóp, bỏ vào thúng thay phiên nhau cả ngày lẫn đêm gánh gấp vào trường để nhà trường lo chạy chữa chăm sóc và thầy Thứ được gặp lại người thân đang dần hồi sinh. Về phần học trò các lớp, con số vợi đi trông thấy. Hôm nay còn nằm với nhau ở một “pô-pốt”, mai vét ruột tượng không còn hột gạo, vài thằng mặt buồn rượi đánh liều trở về làng, mỗi bước chân đi như có đá đeo, rồi cứ thế bóng họ mất hút không thấy trở lại. Nhưng thằng nào biến thì biến, chỉ biết thở dài thôi chứ ai lo cho ai được. Anh nào cố sức “trụ” lại để không bị hất văng về địa phương là điều kinh khủng nhất thì lo xoay xở kiếm cái ăn qua ngày, nào cắt tóc, nào nấu kẹo Cu Đơ đem bán ở chợ thị xã, nào tìm chỗ dạy trẻ gọi là précepteur; kẻ không kiếm ra kế gì thì ngày ngày rời buổi học là tất tả đi hái lá khoai lang giữa đồng về luộc kèm với chút ít khoai mót được nấu cháo loãng để tạm dằn bụng... Chúng tôi đâu có nhiều thì giờ la cà lớp này lớp kia và giữa tôi và Sừ hình như chưa nói với nhau một câu, mặc dù tôi biết Sừ và Sừ cũng chắc chắn biết tôi vì hồi ấy tôi học giỏi có tiếng (thi tốt nghiệp phổ thông đậu đầu toàn Hà Tĩnh), mặt khác lại có nhiều sách lãng mạn, có cả toàn tập Hà Nội báo (in Giông tố sau đổi tên là Thị Mịch) mang từ thư viện gia đình vào cho bạn bè mượn đọc, khiến tôi trở thành cái đích cho Hiệu đoàn trưởng Phiên và một số cán bộ Đoàn trường “nhe nhắm” (sách lãng mạn và “khiêu dâm” đều là đồ “quốc cấm”).

Cho đến giữa năm 1956, sau khi qua được kỳ thi tốt nghiệp Cấp III với cả thi viết và “o-ran” (người hỏi tôi là thầy Vũ Ngọc Khánh, mũi nhòm mồm, nghe đồn rất hắc, ngờ đâu cho tôi tự chọn câu trả lời ngẫu hứng về Tự lực văn đoàn, và chỉ bổ sung một lời hỏi ngắn: “Bọ (bố) khỏe không?”); vất vả thuê xe đạp ra thị trấn Cày mấy lượt mới xin được chiếc giấy thông hành đi Hà Nội, ra đến nơi xin vào làm thợ sơn ở Nhà máy Rượu ba tháng rồi thi đỗ vào Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Khóa I (buổi thi tập trung ở Giảng đường 2 ngôi nhà 19 Lê Thánh Tông, ngồi trên cao nhìn xuống thấy ai viết mấy chữ nguệch ngoạc trên bảng: Tác giả Vượt Côn Đảo Phùng Quán số báo danh 27 - rất tiếc môn sử hỏi về Công xã Paris, Quán không làm được mà nghe nói thay bằng một bài thơ nên hỏng); trong ngày tựu trường đầu tháng Chín nơi Đại giảng đường rộng và cao đến ngợp mắt, tôi mới kịp nhìn ngang nhìn ngửa thấy một số mặt quen từng là dân Cấp III Phan Đình Phùng cũ - Lê Phong Sừ có trong số ấy. Nhưng cũng do môi trường sống nên chưa có điều kiện để chơi thân ngay: Sừ thì đăng ký nội trú trong ký túc xá Lò Đúc từ đầu, còn tôi tính thích tự do, lại tìm chỗ ở ngoài, tại khu nhà lợp lá gồi phía sau “Cây đa Nhà Bò” chừng 200 mét; trừ những giờ nghe Giáo sư lên lớp, còn chả có lúc nào gặp mặt. Là khóa đại học chính quy đầu tiên sau chiến tranh chống Pháp, lớp Ngữ văn khóa I - chắc cũng giống mọi lớp khóa I của các khoa, các trường mới mở khác - là một tập hợp khá đa dạng. Có những anh từng là giáo viên, bộ đội, đảng viên kỳ cựu, cả vốn đời và vốn kiến thức đều vượt trội so với chúng tôi. Lại có những anh chị ở trong thành đã có bằng Tú tài, hoặc xấp xỉ Tú tài, tiếng Pháp nói làu làu (học sinh kháng chiến chỉ học hết Đệ nhị niên - sau đổi là lớp Sáu - thì “xúp” ngoại ngữ), lúc nào đến lớp cũng ăn mặc tề chỉnh. Các chị đều mặc áo dài - về sau mới bỏ - đi thành nhóm, đến lớp không nhìn ai, có chị là hoa khôi, đẹp lộng lẫy, mỗi lần xuất hiện ai cũng ngẩn mặt ra, có chị đi với chồng chưa cưới, hễ vào Đại giảng đường là đưa nhau lên ngồi trên “lô”, mặc ai ở dưới làm gì thì làm. Chỉ còn lại chừng mươi chàng lêu têu, tuổi non choẹt, lại không đảng không đoàn, kết bạn với ai cũng tự ti, dần dần chọn chơi với những kẻ cùng cảnh ngộ và tâm tính giống mình. Sừ cặp kè với Nguyễn Hữu Tuân, một chàng cò hương xứ Nghệ, hình như nằm liền giường dưới giường trên (giường đôi) trong ký túc xá, còn tôi chơi với Nguyễn Tư Hoành ở nhờ nhà cụ Tạ Doãn Chi cách nhà tôi dăm bảy nhà.
Tác giả bài viết, năm thứ hai Lớp Ngữ văn Tổng hợp khóa INguyễn Tư Hoành, bạn nối khố của tác giả, Lớp Ngữ văn Tổng hợp khóa IPhạm Thị Nhung, hoa khôi của Lớp Ngữ văn Tổng hợp khóa I

Tuy nhiên, có lẽ là do cái sở thích muốn tí toáy viết lách - và cũng cả liều mạng, coi trời bằng vung - mà gần như cùng lúc cả hai cặp “vô danh tiểu tốt” chúng tôi, không hẹn mà gặp, đều “có mặt” rất sớm trên một vài tờ báo. Tôi nhớ Sừ và Tuân bắt đầu xuất hiện trên báo Độc lập dưới bút danh Phong Lê và Thuần Tăng trong một số bài viết ngăn ngắn. Dầu ngắn, lúc ấy thế đã là cả một sự kiện làm nức lòng anh em. Lâu quá nên tôi cũng không còn nhớ hết nội dung những bài đã đăng - mà ngay chính tác giả cũng không chắc nhớ nổi, chỉ biết rằng được in, được “lên báo”, như một sự thử sức bước đầu, cũng đủ để gọi là thành công vĩ đại. Chính từ những bài báo giúp chúng tôi “đọc nhau” hàng tuần (báo Độc lập mỗi tuần ra một số) mà tự nhiên như một sức hút, Sừ và tôi xích gần lại từ bao giờ cũng không biết nữa. Cho đến một buổi sáng kia, trên đường đi học, gặp nhau ở ngả đường băng sang Yersin, Sừ đưa tôi xem bản thảo một bài viết dài đầu tiên của anh, viết về cuốn tiểu thuyết Mười năm của Tô Hoài vừa mới ra mắt (1957), cuốn sách đang làm cho nhiều anh em chúng tôi thích thú. Không rõ lần này Phong Lê có viết chung với Thuần Tăng không nhưng cái đầu đề thì tôi vẫn đinh ninh không thể quên: “Đọc truyện dài Mười năm của Tô Hoài”. Tôi cầm lấy liếc mắt xem, lúc đầu còn ra dáng khinh thường, sau một hai trang lập tức bị lôi cuốn, đứng hẳn lại đọc luôn một hơi ngay trên đường không nghỉ, đọc xong đưa trả lại bạn với một câu rất ngắn: “Ôi chà! Bài này mới đúng là hay!”. Lần đầu tiên tôi phát hiện ra trong thằng bạn “nhà quê xứ Nghệ” cái tinh tế của một người quả có khiếu thẩm văn.

Phải nói, thuở bấy giờ, mới chập chững vào nghề, câu văn chắc còn rất non nớt, và ý cũng chưa phải đã cứng cáp, nhưng các trang viết của chúng tôi đều có ưu điểm là bộc lộ được suy tưởng và cảm xúc một cách hồn nhiên nhất. Chưa phải bận tâm đến những thứ thuộc về “hệ tư tưởng” quá sát sườn như cái bóng lừng lững phía sau làm mình phải dè chừng khi đặt bút. Vì thế bài văn viết ra rất thật, như chính gương mặt ngờ nghệch của chúng tôi. Tất nhiên cũng vì thế chúng tôi đã phải trả món “học phí” đầu đời. Vừa thưởng thức những trang phê bình nóng hổi của Phong Lê chưa được bao lâu thì trên báo Nhân dânchúng tôi “gặp” ngay bài phê bình của Như Phong quất cho Mười năm một roi đau điếng. Những gì Phong Lê khen mà tôi cho là chí lý đều bị ông “đả”, chỗ đả đau nhất là đoạn tả Lạp gặp lại người yêu sau mấy năm xa cách. Lúc này là năm 1945, nạn đói đang hành hạ các làng quê xứ Bắc, cái làng Hạ thợ dệt của Lạp cũng không tránh khỏi liểng xiểng khiến người yêu của Lạp nằm lả đợi chết. Thế rồi Lạp bỗng về, cũng đang đói quay đói quắt, tuy nhiên, cùng với những đường lối chính sách cách mạng mà anh giác ngộ trong đầu, anh còn vác theo vài ki-lô gạo trên vai. Anh vội lấy gạo ra nấu cháo bón cho nàng từng thìa, rồi khi đã hơi hồi sức, họ mê mẩn nhìn nhau cho thỏa nỗi nhớ mong trong bấy nhiêu năm biệt tích. Và cái gì phải đến đã đến: không ngăn nổi chuyện đòi hỏi ái ân thình lình bùng dậy, họ ghì lấy nhau làm tình, để ngay sau đó, phần vì cú “sốc” tình cảm quá mạnh, phần vì sức đã luội, người yêu của Lạp lịm đi mà chết. Như Phong nghiêm khắc phê phán đấy là chỗ ngòi bút tác giả sa vào tự nhiên chủ nghĩa, trong khi Phong Lê khen - và tôi cũng hết sức tâm đắc - rằng Tô Hoài đã phản ánh đúng một cao trào tình cảm thực sự có tính chất “người”. Đọc Như Phong, chúng tôi không còn biết nói gì hơn là nhìn nhau lè lưỡi trước lời phê có gang có thép của bậc đàn anh. Về phần tôi và Nguyễn Tư Hoành cũng có kinh nghiệm cay đắng. Nhân cuốn Văn học trào phúng Việt Nam hai tập của ông Văn Tân ra mắt, chúng tôi viết một bài phê bình dài gửi đến Tập san Văn Sử Địa, tranh luận với tác giả khá nhiều điểm, nhưng có một điểm mà chúng tôi lấy làm “đắc ý” là bác bỏ quan điểm của người viết cho rằng thơ Hồ Xuân Hương là thơ dâm. Bài phê bình được đăng, Tòa soạn gửi thư mời đến nhận báo biếu và tiền nhuận bút, cả tôi và Hoành hý hửng đến 16 Phan Huy Chú thì gặp học giả Văn Tân người thấp, mặt ngắn, mắt to, khập khễnh bước chân ra tiếp. Ông rất lịch sự, khen chúng tôi sớm có chí nghiên cứu, khuyến khích chúng tôi tiếp tục cộng tác với tòa báo. Nhưng rồi chuyển sang nói về nội dung bài viết của chúng tôi, ông nhếch mép cười và bảo: “Đăng cho rộng đường dư luận chứ ý kiến các bạn còn nhiều điều phải bàn, chẳng hạn không thể nói thơ Hồ Xuân Hương không dâm. Có lần đồng chí Trường Chinh tiếp chuyện tôi, anh nói dứt khoát thơ Hồ Xuân Hương là dâm”. Chúng tôi lặng đi trước một cái tên khả kính và đành tìm đường rút lui... Giờ đây, sau khoảng cách hơn 50 năm, trải bao nhiêu “sự cố” làm mình tỉnh ra nhiều, nhìn lại những chuyện viết lách cái thời sinh viên, tôi nghĩ, có thể cả Phong Lê và Thuần Tăng cũng như tôi và Nguyễn Tư Hoành bấy giờ tư duy còn cạn, chưa đào xới hết những mặt mạnh mặt yếu của các đối tượng mà mình bàn giải cho thấu tình đạt lý. Nhưng ít nhất, nhờ cảm xúc nguyên sơ, trong trẻo, chưa bị lý trí tỉnh táo chi phối, chúng tôi đã nói được những điều bật ra tự đáy lòng. Biết đâu chính vì thế mà những điều nói ra ở tuổi 20 lại có chỗ khả thủ so với những người dày dạn kinh nghiệm hơn mình, và ngay cả chính mình sau này.

Chỉ sau khi thi tốt nghiệp đại học ít lâu, trong lớp Ngữ văn khóa I chúng tôi đã rộ lên tin đồn về việc phân công công tác (thời ấy sinh viên tốt nghiệp đại học còn có giá; câu thành ngữ “Phi cao đẳng bất thành phu phụ” có từ thời trước 1945 bấy giờ vẫn là câu ở đầu cửa miệng, cho dù anh sinh viên ra trường lương thực tập chỉ 60 đồng (hết thực tập 2 năm thì vào Cán sự bậc 3, 64 đồng) và cũng chịu mọi quy định nghiệt ngã, như hai câu thơ của Trần Chút vào sau chúng tôi vài ba khóa sẽ được lan truyền rất rộng trong các trường đại học “Bắt phanh trần phải phanh trần / Cho may ô mới được phần may ô”). Một số anh chị được ở lại trường làm Trợ lý như Bùi Duy Tân, Nguyễn Văn Khỏa, Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Trường Lịch, Lê Đức Niệm, Hồng Mai, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Xuân Hòa... được nhìn với con mắt vì nể. Bốn anh nghe đâu được đi học tiếp ở Liên Xô là những Đảng viên lâu năm trừ Nguyễn Kim Đính, như Nguyễn Phúc, Lưu Văn Bổng, Hồ Sĩ Vịnh... Số đông nhất sung vào biên chế ngành giáo dục đi dạy phổ thông, trong đó có cả Thuần Tăng và Nguyễn Tư Hoành. Riêng tôi, Phong Lê và Đào Thản nghe nói được phân về Viện Văn học. Tin đồn có vẻ chắc chắn đến nỗi, khi kết thúc khóa học, viết dédicace cho nhau, Phong Lê chỉ ghi mấy câu tưng tửng vào sổ lưu niệm của tôi: “Tao vừa nghe mang máng rằng hai đứa mình sẽ đóng đô ở một nơi, thế thì còn viết những lời chia tay làm gì nữa. Rõ mày là thằng hay nhiễu sự. Chẳng lẽ khi về Viện, suốt ngày chường mặt ra với nhau rồi lại mang sổ ra đọc mà cười hay sao? Cho nên tao chỉ nói ngắn: thằng Tuân và thằng Hoành nghe nói đã phải đóng vai anh giáo Thứ ở tận đẩu tận đâu, bây giờ chỉ còn tao và mày. Chúng mình phải gắn bó với nhau, chung lưng đấu cật để làm cho được một cái gì, đừng hổ thẹn với bạn bè. Thế thôi mày nhé. Lại gặp lại nhau ngay bây giờ đấy mà. Bạn mày: Phong Sừ”.

Ấy thế mà khi chính thức phân công, ngoài mấy anh chị ở lại trường và đi học nước ngoài đúng như danh sách, ai nấy đều ngã ngửa: chỉ có Phong Lê được về Viện ngay, còn Đào Thản thì ở lại theo tiếp ngành ngôn ngữ, tôi đi sang báo Lao động, các bạn khác đúng là phải “biệt căng hà cố”: Tư Hoành đi dạy ở một trường Cấp II (sao lại Cấp II?) tận trong Nghi Lộc Nghệ An và Hữu Tuân thì ra dạy Trường Miền Nam tít Đông Triều. Khỏi nói, chúng tôi đều chia tay trong cảm giác ngậm ngùi và có phần băn khoắn lo lắng. Tư Hoành vốn khéo tay, làm được hết mọi việc - khi người bố chết trong Cải cách ruộng đất, hai anh công tác xa sợ không dám về, một mình Hoành đào huyệt chặt lá chuối lót làm “vải liệm” chôn bố - nay nán ở lại, tự tay cắt may cho tôi một áo khoác màu xanh công nhân bằng thứ vải anh xấn thốn bao lâu cất dành trong xắc, rồi mới lên tàu hỏa về với xứ gió Lào. Phong Lê cũng thấy cô đơn vì một mình mình sang Viện Văn học chưa biết nếp tẻ ra sao. Phần tôi vốn không thích làm báo hàng ngày mà chỉ thích được mài đũng quần ở các thư viện nên cũng chẳng chút hứng thú, tuy rằng so với các bạn đi xa thì đã là quá may mắn: còn được tung tẩy ở Hà Nội. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi và Kiều Hữu Thể làm đơn xin đổi số phận cho nhau - tôi nhận đi dạy Sơn Tây và Thể về báo Lao động thay tôi. Chúng tôi viết một lá đơn chung, cùng ký tên vào và lên gặp ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Giáo dục. Ông Vụ trưởng tiếp đón ân cần, tỏ ý bằng lòng giải quyết theo sở nguyện của mỗi người, nhưng trước khi ký vào đơn, ông bảo cả hai hãy sang phòng bên ngồi suy nghĩ trong nửa tiếng. Thật lạ kỳ, chỉ trong nửa tiếng ngồi với nhau tôi đã đột nhiên “nghĩ lại”, như người ngủ mê chợt tỉnh, mà bạn tôi, chàng Thể cũng ra sức khuyên lơn tôi đừng có nông nổi trong một lúc rồi ân hận về sau. Thế là không chờ ông Vụ trưởng quay lại nữa, chúng tôi lặng lẽ rút êm. Hôm sau tôi cầm quyết định đến tòa báo Lao động.

Phong Lê cố nhiên là vui mừng. Một trang mới mở ra trước mắt trong quan hệ giữa chúng tôi. Phải nói là Phong Lê chủ động đến với tôi nhiều hơn tôi đến với Phong Lê. Phong Lê đưa tôi sang Viện giới thiệu với Tổ Hiện đại, nơi anh tham gia các hoạt động học thuật (anh được phân về Tổ Tạp chí làm trợ lý biên tập, nhưng theo quy định của các Bác Đặng Thai Mai và Hoài Thanh - mọi người trong Viện đều gọi hai ông bằng bác, tôi cũng cứ thế mà gọi - mỗi thành viên Tập san Nghiên cứu văn học vẫn phải gắn bó với một tổ chuyên môn), nói rõ nguyện vọng của tôi là nghiên cứu Nam Cao và Thạch Lam, nhờ đó tôi được dự hầu như thường xuyên các buổi sinh hoạt học thuật của Tổ Hiện đại và cả của Viện Văn học. Anh lại cùng tôi đi dự khá đầy đủ các séminaires ở Trường Tổng hợp và được GS Hoàng Xuân Nhị cấp cho mỗi người một tấm thẻ gọi là “nghiên cứu sinh” lấy lệ để tự do ra vào. Tôi cũng được thay đổi công tác chóng vánh. Sau 15 ngày về báo Lao động, do biết nguyện vọng của anh sinh viên mới tốt nghiệp không thích làm báo, ông Tổng biên tập tờ báo đã đề đạt lên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thu xếp cho tôi được chuyển sang làm Biên tập viên Nhà xuất bản Lao động cũng thuộc trong Tổng Liên đoàn. Về chỗ mới, công việc tĩnh tại hơn, tôi có nhiều thì giở rảnh rỗi để nghiền sách. Và buổi tối chính là thời gian hai chúng tôi dành cho nhau. Phong Lê và tôi tha hồ viết lách chung thâu đêm tại Viện Văn.

Mỗi buổi chiều đến Viện, bao giờ tôi cũng bị ông Trần Viết Phụ, thương binh cụt một chân, to béo và chất phác, nhân viên đánh máy kiêm bảo vệ (trong bản đánh máy của ông tất cả mọi chữ “pháp” đều được ông đánh hoa tuốt, vì “pháp” theo ông chỉ có một nghĩa là “giặc Pháp”), lục vấn khá lâu. Có vẻ như cái mặt ngơ ngáo của tôi làm cho ông không hết nghi ngờ. Vì thế, lần nào cũng vậy, Phong Lê phải đón ở cửa đưa tôi vào, và vào xong là tọt ngay lên gác, nơi phòng họp. Phong Lê tranh thủ ra phố mua hai ổ bánh mỳ, mấy quả trứng luộc và một mớ dưa chuột. Phải tranh thủ bởi đến 8 giờ là ông Phụ đóng cửa trước cửa sau ngôi nhà của Viện, dù gọi cũng không mở. Phòng họp trở thành giang sơn riêng của hai chúng tôi. Khổ nỗi, tôi cuốc bộ từ nhà ở Ô Đống Mác lên Viện phải qua “những đoạn ruột già của thành phố” (bố tôi gọi thế) là khúc sông Tô Lịch hôi thối, nên chân chẳng lấy gì làm thơm tho, mà xuống nhà thì ông Phụ đã đóng mất cửa. Biết làm thế nào bây giờ? Phong Lê chừng như biết rõ điều tôi áy náy, đi đâu một chốc thám thính rồi vẫy tôi ra phía giữa hành lang tầng hai. A! Ở đấy có một cái lavabo, mở vòi ra có nước chảy (chưa phải như sau này đến vòi dưới đất cũng tịt hẳn nước). Hắn bắt tôi rướn cao chân đưa vào dưới vòi lavabo mở nước và bắt tôi kỳ cọ hai bàn chân cho kỳ sạch. Xong xuôi chúng tôi trở lại với “thế giới riêng” và bắt đầu phân công theo dàn bài đã bàn. Chúng tôi viết bài “Đọc truyện ngắn Nam Cao, soi lại những bước đi lên của một nhà văn hiện thực”. Tôi nhận viết về kiểu người trí thức trước Cách mạng và người trí thức sau Cách mạng, Phong Lê nhận viết về kiểu người “Chí Phèo” và người nông dân đổi đời về sau. Mỗi đứa đều đã thuộc lòng Nam Cao từ ngày còn đi học, riêng tôi lại có quyển Nửa đêm của Nam Cao lúc học phổ thông (khi ra Hà Nội bỏ lại cho bạn và... mất, thực không có cái dại nào giống cái dại nào), nên cảm hứng trong lòng từ lâu đã chất chứa, cứ thế bắt tay vào việc của mình. Viết đến nửa đêm, chúng tôi chia nhau luân phiên một đứa thức 2 tiếng đồng hồ cho đứa kia ngủ, đói thì gặm bánh mỳ với trứng luộc và dưa chuột, khát thì chịu khó đi ra lavabo ngậm mồm vào vòi nước. Đến sáng bạch, anh này trao lại phần đã viết cho anh kia đọc, góp ý, rồi mới thu dọn trở về đi làm. Chiều hôm sau mọi việc lại cứ thế tiếp diễn. Khoảng một tuần thì bài viết hoàn thành. Chúng tôi rất ưng ý, đọc đi đọc lại, thống nhất văn phong, cố thay đổi một vài từ ngữ cho “mượt”, và hồi hộp gửi đến Tạp chí Văn nghệ. Hai tuần sống trong chờ đợi cuối cùng cũng có kết quả: một buổi sáng tôi nhận được điện gọi từ Tòa soạn tờ tạp chí về Nhà xuất bản Lao động báo tin bài đã được duyệt, sẽ in sớm, nhưng nhà thơ Hoàng Trung Thông, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên huấn trung ương, muốn mời “hai nhà phê bình” đến Tòa soạn có việc cần. Việc gì đây nhỉ? Tôi báo ngay với Phong Lê. Cả hai vừa hớn hở vừa không kém hồi hộp rủ nhau đi đến tòa báo Tạp chí Văn nghệ trên chiếc xe tòng tọc của Phong Lê.

Chúng tôi gặp một chuyện tưởng như là “dịp may”: ông Hoàng Trung Thông khen bài viết Nam Cao rất nhiều, để rồi sau mấy phút ngập ngừng, ông tiếp lời, giọng có hơi lắp một vài chữ chứng tỏ sự việc đang nói đây là hết sức nghiêm chỉnh: “Bài về Nam Cao hãy để đấy in sau, nay có một cuốn tiểu thuyết cần lên tiếng gấp, muốn mời hai bạn giúp cho...”. Chúng tôi lặng yên chờ đợi. Ông lại tiếp: “Vừa có cuốn truyện vừa Mạch nước ngầm của Nguyên Ngọc ra mắt. Cuốn này có vấn đề, cũng không nặng lắm, nhưng cần uốn nắn. Nhà văn miêu tả một chỉ huy Tiểu đoàn bộ đội trong kháng chiến chống Pháp nay chuyển sang lĩnh vực sản xuất đâm ra chán nản, thấy tiêu cực ở khắp nơi. Người cách mạng mà như thế sao ổn. Hai anh cố viết khéo léo chỉnh lại cái nhìn của Nguyên Ngọc cho hợp với đường lối xây dựng “con người mới” của Đảng ta... ”. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau rồi không ai bảo ai cùng quay nhìn vào người đang tiếp chuyện mình. Trước mắt chúng tôi là một Hoàng Trung Thông trẻ trung, đôi mắt thật sáng, giọng Nghệ pha Bắc chậm rãi khoan hòa làm cho người ta tin cậy. Tuy cả hai đứa đều chưa đọc Mạch nước ngầm, trong lòng đứa nào cũng thấy đây là một mệnh lệnh khó cưỡng - một lời đề nghị bao hàm sự tin cậy của cấp trên đối với thế hệ trẻ.

Cũng với phương thức làm việc như đã làm với bài Nam Cao, đêm đêm vừa đọc tiểu thuyết Mạch nước ngầm vừa chia nhau viết, mười ngày sau bài “Cách thể hiện con người trong truyện Mạch nước ngầm” của chúng tôi đã xong. Bài viết ý tứ nhưng cũng ngầm quất cho “con ngựa văn” Nguyên Ngọc một roi cho nó “lồng lên”. Bài gửi đi, lập tức Tạp chí Văn nghệ số 39 (tháng 7-1960) đăng. Rồi ngay số 40, tờ tạp chí đăng luôn bài Nam Cao đã gửi trước. Hai “nhà phê bình trẻ” - nằm bàn “hỳ hục viết” - thốt nhiên trở thành hai “tên tuổi” trong dư luận. Thừa thắng, chúng tôi lại viết thêm một bài “Con người và cuộc sống trong tác phẩm Nam Cao” thứ hai cho Tập san Nghiên cứu văn học của Viện. Phần không còn giữ được cảm hứng cũ, phần phải thay đổi cách viết cho đúng văn nghiên cứu và bớt lặp, chúng tôi đánh vật với bài này khá vất vả, nhưng với hai lần góp ý, bài cũng được nhà phê bình Hoài Thanh là Thư ký tòa soạn thông qua và cho công bố vào số tháng Giêng năm 1961. Thì trước đấy một tháng, tôi đã có một cuộc “đổi đời” ngoạn mục: từ Nhà xuất bản Lao động chuyển về làm một cán bộ trong biên chế của Viện Văn.

Tất cả đều là công của Phong Lê. Anh tạo điều kiện cho tôi có mặt ở Viện thường xuyên, đến độ quen thuộc với nhiều người. Anh lại cũng nói về tôi rất nhiều. Anh không nói với những người như Đặng Thai Mai và Hoài Thanh mà khôn ngoan nói với chị Nguyễn Khoa Bội Lan, phụ trách Tổ Văn học Miền Nam kiêm Trưởng phòng Tổ chức. Anh làm cho chị Bội Lan đâm ra quý tôi, bàn với lãnh đạo Viện, rồi một ngày quyết định mượn xe của GS Đặng Thai Mai sang Nhà xuất bản trực tiếp xin tôi về Viện. Chị phải đến những mấy lần. Lần đầu tiên chị về lắc đầu báo với Phong Lê: “Thất bại”. Phía Nhà xuất bản, họ chẳng muốn cho đi. Có phần do họ tự ái - chả một kẻ đòi đi chẳng là phản chứng của câu tục ngữ “đất lành chim đậu” sao? Ông Trưởng phòng Biên tập là dân Quảng Nam (kiến thức uyên thâm, tôi mới hấp tấp đọc sai câu thơ Xuân Diệu: “Chân rời tay muốn rã”, ông khẽ khàng chỉnh giúp: “Chân rời tay muộn rã” làm tôi xấu hổ không giấu mặt đi đâu được), trước trọng tôi bao nhiêu thì nay càng giận dữ ra mặt. Từ khi biết chuyện ông kệch không thèm trao đổi một lời nào với tôi. Các vị lãnh đạo khác có mềm mỏng hơn nhưng cũng khăng khăng cố níu kéo tôi lại bằng cách cho đi nghỉ mát hai tháng ở Đồ Sơn. Tôi đi nghỉ thỏa thích, và trở về vẫn giữ nguyên ý định chẳng lung lay. Sau cùng, qua nhiều bàn bạc trong Chi bộ Đảng, một buổi sáng, ông Giám đốc Bang Cơ, người vô cùng rộng lượng trong xử thế, gọi tôi đến nói lời đồng ý, chỉ yêu cầu tôi đưa bố đến chính thức trình bày với cơ quan cho “đúng phép” và quan trọng hơn là tìm ra một người nào đó có thể “thế mạng” cho tôi. Tưởng thất vọng đến nơi vì bảo bố đi giúp mình là việc tôi không dám nghĩ, dẫu trên thực tế bố tôi chưa từ chối tôi điều gì. Tôi cảm thấy hình như bắt bố làm một điều không phải, trong khi tôi đã trưởng thành, phải tự chịu lấy trách nhiệm về mọi việc của bản thân. Tôi đem nỗi khổ tâm ấy bàn với Phong Lê. Nghĩ một lúc, Phong Lê hiến kế: “Mày cứ tìm một người bà con gần tuổi bố, dáng điệu đứng đắn là được, vì người ta đọc sách của ông Nguyễn Đổng Chi chứ đã ai biết mặt mũi ông Đổng Chi như thế nào đâu. Có phải thế không?”. Quá mừng rỡ trước cái mẹo rất đơn giản của thằng bạn mà mình nghĩ mãi không ra tôi liền thực hành ngay và thực hành trót lọt. Người “đóng thế” ông bố đến Nhà xuất bản Lao động chính là ông anh rể lấy người chị con bác ruột Trần Doãn Hoài, đang làm Hiệu trưởng Trường phổ thông cấp II Trưng Vương, cùng trong Nhóm khởi nghĩa Can Lộc với bố, cốt cách chững chạc chẳng cần bàn. Còn tìm người “thế mạng” tôi cũng gặp may. Vốn có cơ duyên với Ban Văn Sử Địa từ hồi còn đi học, tôi thường ghé lại chơi đón bố tôi sau giờ làm, nhờ đó quen với Lê Phương, một cán bộ phụ động đang giúp bài vở ở đấy. Lúc này Ban Văn đã tách ra chuyển về Viện Văn học, Ban Địa giải thể, còn Ban Sử thì đổi tên thành Viện Sử học, không còn chức năng nghiên cứu văn học nữa nên Lê Phương vốn thích văn, đang lúng túng chưa biết đi đâu. Tôi vội đưa anh đến trình diện với ông Bang Cơ và mọi việc diễn ra suôn sẻ. Lê Phương ôm lý lịch đến ngay Nhà xuất bản Lao động, không những phát huy đúng sở trường, trở thành một Biên tập viên cừ, mà rồi đây còn là một nhà văn có danh với tác phẩmThung lũng Cô Tan xuất bản trong những ngày chống Mỹ. Nhưng đấy là chuyện về sau. Trước mắt, Tôi được thở phào cuốn gói nhẹ nhàng.

Việc ra mắt các vị lãnh đạo Viện - một thông lệ mà người nào mới về cũng phải tuân thủ - cũng do Phong Lê chỉ đạo từng bước. Anh đóng vai một “ma cũ” rất tận tình và sốt sắng. Không phải chị Bội Lan mà chính anh dẫn tôi đến phòng Bác Mai Viện trưởng rồi đứng nép ở ngoài để chờ. Bác Mai cười hỏi thăm bố tôi, cứ căn vặn tại sao bố không về Viện Văn mà ở lại Viện Sử, tôi đáp cụ Liệu không cho đi, ông cười hích hích, chép miệng một câu: “Cái ông Liệu...”. Thế là được ra. Lại đi tiếp sang phòng Bác Hoài Thanh. Trước khi vào, Phong Lê dặn rất kỹ: “Nếu Bác có hỏi nguyện vọng thì nhớ nói là chỉ muốn nghiên cứu văn học 30-45 chứ không muốn giai đoạn nào khác, nhé!” Tôi biết ý Phong Lê muốn tôi trụ ở giai đoạn này để cùng với anh làm một “liên thông” vì anh có ý vươn tay sang chặng văn học đương đại vốn đang là yêu cầu thời sự. Tôi gật đầu. Chẳng dè, vào gặp Bác Hoài Thanh, mọi sự đột ngột đảo lộn mà cả hai chúng tôi đều không tiên liệu. Bác Hoài Thanh giọng nói rất nhẹ, rỉ rả, nhưng lời nào của ông cũng ngầm chứa một uy lực cao thâm, như một sức thôi miên dứt ra không nổi. Ông hỏi ở trường tôi có học văn học Trung Quốc không, tôi nói học với chuyên gia Trương Trọng Thuần Đại học Bắc Kinh cử sang, giảng hay và vẽ cũng rất đẹp. Ông lại hỏi học văn học Trung Quốc thế có biết tiếng Trung Quốc không, tôi đáp học ba năm tiếng Bạch thoại giống Phong Lê. Ông gật đầu. Rồi ông hỏi sang nguyện vọng của tôi, nghe tôi đáp bèn gật đầu lần nữa. Tôi chắc mẩm thế là ổn quá. Bỗng ông bắt đầu câu chuyện từ văn học cổ điển Trung Hoa. Ông bảo văn học cổ điển Trung Hoa là những đỉnh cao vời vợi mà văn học Trung Hoa hiện đại còn lâu mới sánh kịp. Ở Trung Quốc một thực tập sinh được giao làm văn học cổ điển là một hạnh phúc nằm mơ cũng không thấy. Mà văn học Việt Nam cũng đâu có khác. Thử nghĩ, có nhà văn nào hôm nay đã sánh được với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du? Ông hạ thấp giọng hơn, nói thật tâm tình: “Tương lai của nghiên cứu văn học không thể trông ở lớp chúng tôi được nữa đâu mà trông ở các anh. Anh Phong Lê đã đi vào hiện đại. Tôi nghĩ giá như anh đi vào văn học cổ điển thì hay cho Viện quá! Anh cứ bình tâm nghĩ ngợi ít lâu. Không nay thì mai trả lời tôi cũng không sao”. Sau này ngẫm nghĩ lại, tôi đoán cả hai cụ Đặng Thai Mai và Hoài Thanh đã bàn bạc cân nhắc từ trước, và tính toán phân bổ lực lượng già trẻ cho Viện đâu đấy cả. Các ông thật sự quan tâm đến văn học cổ của nước nhà. Vào năm 1965, các ông sẽ mở Lớp Đại học Hán học đầu tiên (chuẩn bị từ 1963, do Kiều Thu Hoạch khởi thảo dự án trình Thủ tướng và lo khâu tuyển sinh) [2] , để cho cả miền Bắc có người kế tục chữ Hán mà trước hết là kế tục nghiên cứu văn học cổ. Rồi đến cuối năm 1968 khi Lớp đại học Hán học kết thúc, Tổ văn học Cổ cận đại được bổ sung thêm dăm bảy biên chế là sinh viên mới tốt nghiệp, Viện quyết định thành lập Nhóm văn học Lý-Trần để làm tiếp công việc của hai cụ Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình làm từ 1960 (hai cụ là những bậc Hán học lão thành đã khai phá một bước đi đầu rất quan trọng, tuy thế bản dịch các cụ để lại vẫn chỉ dịch xuôi mà rất ít dịch thơ, chép nguyên từ một bản mà không khảo chứng, và bỏ hẳn phần thơ văn Phật giáo không làm, dịch văn bia mới có vài bản; hẳn vì thế Viện chưa in được phải bắt chúng tôi tiếp tục). Anh Nguyễn Văn Hoàn Tổ phó chủ trì cuộc họp nơi sơ tán Đồng Bèo, truyền đạt lại ý kiến lãnh đạo Viện giao cho tôi làm Nhóm trưởng [3] . Tôi thốt nhớ lại ngày mới về Viện, Bác Mai gặp tôi và chỉ hỏi thăm về bố mình. Tôi hơi ngờ ngợ. Có một sự gì liên quan thì phải. Từ nơi sơ tán trở về Hà Nội tôi được Bác Mai cho gọi xuống nhà đọc cho Bác một bài Bác vừa viết, sắp mang đi giảng ở đâu bên Đức. Gặp Bác tôi nói xa nói gần đến việc phân công mới của Tổ. Bác không nói gì mà chỉ cười bảo tôi: “Bảo anh Giá (tức Đặng Giá, anh rể của Nguyễn Từ Chi, con bác ruột tôi, cũng là anh đồng hao của Trần Doãn Hoài, vốn là học trò của cụ ở Trường Thăng Long ngày xưa, đang làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ) kiếm được thì kiếm cho mình một hộp mạch nha, đường trắng ăn khó tiêu mà mạch nha Tôn Đản lại không bán”. Tôi đáp “Vâng” và cứ ngồi thần ra. Bác chừng hiểu ý, đưa tôi xem bản Khâm định Việt sử thông giám cương mục Nhật Bản mới in lại tặng bác một bản. Mãi đến khi ra về Bác mới ngẩng lên nói: “Bố làm cổ văn học sử về Lý Trần Hồ thì nay con làm Lý Trần là phải rồi, có gì mà ậm ừ? Vừa làm vừa học. Mà nhớ làm cho tốt”. Trên đường về, tôi vừa đi vừa âm thầm giác ngộ: vô tình mà cũng là hữu ý, không phải đến bây giờ, ngay từ ngày đầu về Viện số phận đã định đoạt cho mình phải ôm “cái gánh Lý-Trần” (Lý-Trần đại đảm đồng tâm đảm - thơ tôi khẩu chiếm tặng Băng Thanh ngày sinh nhật 70 tuổi của chị) [4] .

Trở lại câu chuyện gặp Bác Hoài Thanh. Khi ra khỏi phòng Bác tôi đã hiểu từ nay được về với nhau cũng là lúc mình phải “rời” thằng bạn thân thiết từng ngược xuôi xoay xở lo lắng cho mình. Nghe tôi kể lại, Phong Lê lặng đi một lúc lâu, còn tôi cũng bần thần khó xử. Tận đến lúc hai đứa đưa nhau đi ăn phở, cả hai vẫn không nói với nhau một lời nào.

Cuộc “chia tay nghề nghiệp” giữa tôi và Phong Lê bắt đầu như thế đó. Ở Viện, chúng tôi vẫn khăng khít trong mọi hoạt động nhưng không còn cơ hội viết chung, ngoại trừ cuốn Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù, vì chuyên môn ngày một khác biệt. May mắn là trong chỗ sâu thẳm, cả hai vẫn là lực đẩy của nhau, cho nên mỗi bước đi trong đường đời và trong văn nghiệp, sự sát cánh, chia sẻ, vẫn là nguồn hạnh phúc của mỗi đứa. Không hiểu sao có nhiều trùng lặp ngẫu nhiên giữa “may” và “rủi” của cả hai. Năm 1968, cùng với Bùi Duy Tân, Vũ Viết Rậu, Ngô Thế Long, Trần Thị Băng Thanh, tôi đỗ Hán học loại ưu (Lớp học lấy 5 thủ khoa; còn năm 1972 thi tốt nghiệp chuyển tiếp khóa 4 năm thì chỉ một mình Ngô Thế Long là thủ khoa) [5] . Cũng năm 68 ấy tôi và Phong Lê là hai người trẻ được bầu vào Hội đồng khoa học Viện chỉ gồm có 8 thành viên. Chúng tôi cũng là hai anh em được lên lương đầu tiên trong toàn Viện đúng vào năm đó (đợt đầu tiên Nhà nước lên lương sau hàng chục năm “khóa sổ”). Năm 1977, Phong Lê được cử đi học ở Đông Đức một năm, thì trong danh sách Đoàn tham gia một Hội thảo khoa học ở Đông Berlin năm 1980 do Viện trưởng Hoàng Trung Thông dẫn đầu (Hoàng Trung Thông về thay Đặng Thai Mai vào năm 1976), lại có tên tôi tháp tùng. Phong Lê và tôi đều mua về được mỗi anh một xe đạp Mifa (tôi chỉ đi sang Đức trong thời gian một tháng nên cái xe là một nửa số tiền anh Thông tặng), và oái oăm thay, đem xe về để ở hành lang Viện, chỉ trong một đêm cả hai xe đều mất trộm mỗi xe một bánh. Năm 1984, đang là hai Trưởng ban văn học Hiện đại và văn học Cổ cận đại, chúng tôi được đề cử Phó Giáo sư cùng một lần trước các anh em trẻ khác trong Viện. Lại năm 1990, Bộ Giáo dục bầu cử Hội đồng liên ngành Chức danh khoa học Ngữ Văn trung ương, có đông đảo ứng viên các trường đại học và Viện, Phong Lê - Viện trưởng - trúng ngay vòng đầu, một số anh như Nguyễn Đăng Mạnh tôi rất quý tiếc quá lại hỏng. Sau vòng thứ ba tôi cũng trúng. Lần ấy cũng là lần bầu cử độc nhất vô nhị trong tổ chức khoa học lẽ ra phải rất dân chủ của chúng ta (từ nhiệm kỳ hai 1995 trở đi, Hội đồng chức danh đã thành ra một thứ do... “trên chỉ định”). Năm 1991, cùng với các anh chị Nguyễn Đăng Mạnh, Đặng Thanh Lê, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Kim Đính, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Hải Hà, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ,... hai chúng tôi thi Phó tiến sĩ tương đương để được đề cử chức danh Giáo sư văn học và cùng trúng cử với số phiếu cao. Năm 1986, tôi “gặp nạn” vì con, Đĩnh Chi và bạn là Thanh Tuyền, đang đêm mở khóa vào Thư viện của Viện lục thứ “hàng cấm” là sách chưởng của miền Nam (chả chúng tôi sống nhiều chục năm trong khu tập thể tại Viện Văn nên các cháu nhiễm thói quen “coi Viện như nhà”). Các chú Vũ Thanh, Nguyễn Hữu Sơn tìm mọi cách che giấu cho các cháu, nhưng cuối cùng truy vấn ra mới biết, Tùng Anh, con Phong Lê cùng lứa tuổi và chơi thân với Đĩnh và Tuyền, cũng là một “thủ phạm” từng vào “chôm sách ngụy” để đọc ngốn ngấu với nhau có đến vài ba lần. Biết tin đó tôi phải đạp xe xuống nhà cô Ngọc Lan nhờ nhắn tin với Phong Lê và Thanh Vân bảo cháu Tùng Anh đi chơi xa đừng quay về Viện. Đang ngồi tâm sự với chồng chưa cưới, Ngọc Lan không nói gì vội đứng dậy đi ngay... Tôi không thể nói hết những giúp đỡ chân tình, những cái nhìn đầy thông cảm, những việc làm chia sẻ (như Thư viện kiểm ngay lại khối lượng sách trong mấy ngày liền và báo tin “không mất”), v.v... của các bạn bè trong Ban, trong Viện trước mọi khó khăn vấp váp của hai gia đình chúng tôi.

Công bằng ra, có nhiều mặt, tôi chậm muộn, thua kém hẳn Phong Lê. Thua kém về chính trị là điều rất rõ. Phong Lê hanh thông trong vào Đoàn vào Đảng, tôi đụng đâu cũng có vấn đề rắc rối. Tính anh “lành” hơn tôi nhiều. Anh cũng có một số mối tình với một vài cô chứ không ít. Có lần cùng nhau đi xuống nhà tôi ở xóm An Cư chơi, đang qua chiếc cầu khỉ bắc ngang dòng sông Tô Lịch ngập ngụa, bỗng một cô gái mặt mũi trắng trẻo từ đâu chạy tới thốt lên bằng giọng Nghệ: “Anh Sừ”. Tôi đưa mắt cho chàng, chàng lỉnh: “Mới quen, đã có gì đâu”. Lại có lần đi ngang Lê Thánh Tông, xế bên kia Trường đại học Tổng hợp, anh rủ tôi ghé vào nhà một cô dáng nhỏ nhắn, có nụ cười bẽn lẽn rất duyên, nghe đâu quê ở Hải Phòng. Khi ra về tôi kể lại với Đào Thản, Thản bảo phải đặt ngay một cái tên, và chúng tôi thống nhất: “mùa Ngói Mới”. Ấy vậy mà đùng một cái anh kết duyên với Thanh Vân, từ Thanh Đảo về Viện cuối năm 1961, “người đẹp xứ Quảng”, phát âm tiếng Bắc hơi láu táu và hay nuốt chữ nhưng nói tiếng Pháp giọng “đầm” rất chuẩn; hôm mới về tôi ở trên phòng Cổ cận gác hai nhìn xuống dưới sân thấy một nàng bầu bĩnh, mặt tròn xoay, miệng cong lên, mắt đen láy, đang nhảy nhảy với quả bóng chuyền, hai bím tóc ngắn ngúng nguẩy. Phong Lê kết hôn năm 1963, năm sau sinh bé Hoàng Anh tại Viện và đúng ngày đầy tháng, cả hai bế con lên cho tôi xem mặt, tôi đang nằm trên bàn phòng họp, nơi hai đứa chúng tôi đã nằm ngày trước. Tôi chưa biết chơi với trẻ con thế nào liền rút chiếc đồng hồ ở tay ra trao cho cháu (mới một tháng mà tôi đã nghĩ là nó cầm được đồng hồ! May Thanh Vân chộp được nhanh nếu không đã rơi độp xuống đất). Từ đấy, cuộc sống vợ chồng ổn định và thăng tiến rất nhanh. Tôi khác Phong Lê ở chỗ cứ vướng vào nhiều mối tình oái oăm, sét đánh, gây ồn ào trong Viện, bị kiểm điểm lên xuống, có hôm anh Nguyễn Văn Hoàn, Tổ trưởng Đảng nhận nhiệm vụ xách màn đến nằm cùng để “anh em tâm sự”. Cũng may cả Viện rộng lượng và hình như Viện Văn là nơi nghiên cứu tâm hồn con người nên trong vấn đề này có cách nhìn thoáng, tôi đã không phải “trả giá” nhiều (Mà thanh niên Viện Văn vốn là lực lượng hăng hái nhất trong việc cổ xúy cho “cái mới”. Khi tập Chuyện Núi đồi và thảo nguyên của Aimatov do Cao Xuân Hạo dịch bị “dư luận xã hội” lên án nặng nề vì những chuyện tình yêu trớ trêu như GiamiliaCây phong non trùm khăn đỏNgười thầy đầu tiên..., chuyện vợ đào hố giấu chồng bỏ mặt trận đào ngũ... Chi bộ tổ chức một cuộc thảo luận trong anh chị em trẻ có vị đại diện Chi ủy Hoàng Phê tham dự, đa số ý kiến thẳng thắn bênh vực cuốn sách, đối thoại - thậm chí bác bỏ - sắc bén, không nhân nhượng “định hướng” rất thiện chí của ông Chi ủy viên). Thanh Vân đặc biệt sốt sắng vun vào cho tôi và N. người tôi yêu, thon trắng muốt, học ở Liên Xô từ nhỏ nên dáng dấp và y phục hơi “tây”. Có đêm do giận nhau, giữa khuya N. bỏ về Phó Đức Chính nơi bố mẹ nàng ở. Tôi hốt hoảng báo ngay với Vân. Cả hai dắt xe đạp ra, nâng qua tường (vì ông Phụ đã đóng cửa, một nguyên tắc bất di bất dịch), rồi cứ thế “đủn” mông nhau trèo qua, khi xuống, dây thép gai đâm vào tay Vân chảy máu. Tôi ra sức đạp đến toát mồ hôi chở một “Hằng Nga” nặng trĩu. Đến Phó Đức Chính thì N. đã về nhà yên ổn. Tôi và Vân lại đèo nhau trở về để rồi lại lịch kịch trèo qua tường.

Đến chuyện vào Đảng cũng thế, mãi năm 1983 tôi mới được nhất trí kết nạp, từ Chi bộ Viện Văn học đến Đảng ủy Ủy ban Khoa học xã hội đều tán thành một trăm phần trăm. Vậy nhưng khi đưa lên Thành ủy Hà Nội tôi bị bác vì có đơn khiếu nại. Thế này thì đành là chịu, đến Phong Lê và Băng Thanh là bạn thân nhất cũng vô kế khả thi. Nguyên nhân vì đâu? Một Ủy viên thường vụ Đảng ủy Ủy ban Khoa học xã hội, người viết những lời nhận xét nhiệt tình đối với tôi, sau đó có gọi điện bảo riêng: “Anh nên xem lại mình xem, có thể là trong chuyên môn bướng bỉnh quá cũng không nên”. Tôi biết, ngay trước đấy vừa xẩy ra vụ “Hý trường tùy bút” xôn xao cả giới nghệ thuật. Trong cuộc hội thảo trang trọng về Đào Tấn ở Quy Nhơn, một mình tôi dám cả gan phơi bày sự giả mạo của một văn bản mà Tỉnh ủy Nghĩa Bình vẫn đinh ninh là “đặc sản vô giá” của đất Nghĩa Bình. Tôi “không có tính Đảng” trong cái tạng con người mình là đúng quá đi rồi.

Dường như biết tôi mang lá số lận đận, Phong Lê không nói ra nhưng thâm tâm muốn bù đắp cho bạn phần nào. Trong công việc chuyên môn, anh như có ý nhường tôi. Khi anh làm Bí thư Chi đoàn thanh niên ở Viện, tôi cũng trúng Ủy viên chấp hành, là người phụ trách tiến quân vào khoa học của thanh niên. Bí thư nhường cho tôi đi đó đi đây báo cáo khắp trong cơ quan Ủy ban Khoa học xã hội và Thành Đoàn Hà Nội như một “gương thanh niên khoa học tiên tiến”. Khi Phong Lê trúng Viện trưởng - cũng là người duy nhất được đưa lên do bầu cử, nhờ ánh chớp đổi mới rọi vào các cơ quan khoa học xã hội một nhoáng, để rồi tan cũng rất mau chóng (về sau chỉ còn “lấy phiếu tín nhiệm” nhưng... không công khai mở hòm phiếu mà lại bịt kín lại “mang trình cấp trên”) - anh có thể kiêm luôn chức Chủ tịch Hội đồng Khoa học được lắm chứ. Nhưng anh đã đến tận phòng tôi thuyết phục tôi nhận lời ra ứng cử cho cả Viện bầu, nói là để “chia sớt bớt công việc nặng nề một mình anh không kham nổi”. Nể lời anh, tôi đành đứng ra và trúng cử, lại được GS Phạm Như Cương Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội và các vị lãnh đạo khác thông qua, dù rằng tôi chẳng phải đảng viên. Trong 7 năm hoạt động của khóa Viện trưởng do anh đảm nhiệm, mọi việc chuyên môn được thực hiện nền nếp, quy củ, có lịch trình chặt chẽ. Hội đồng Khoa học bàn thảo dân chủ và công khai tất cả mọi loại đề tài. Đề tài nào cũng cử hai Ủy viên đọc kỹ và phản biện trước phiên họp thường kỳ của Hội đồng. Đó cũng là những tháng năm Phong Lê và tôi làm việc say mê, ăn ý nhất.

Đã đành, như thế thì Phong Lê cũng vì tôi mà chịu ít nhiều liên lụy. Hai việc tôi thấy khá rõ là bài báo “Vài cảm nhận văn học Việt Nam hải ngoại” của tôi in trên Tạp chí văn học số 2 năm 1994. Tôi nhận lời viết bài này từ Vu Gia, nhà báo và nhà nghiên cứu Tự lực văn đoàn mà chúng tôi đều quý mến. Vu Gia gọi điện ra bảo tôi phải lên tiếng trước công luận về bộ phận văn học không thế tách lìa cuống nhau văn học Việt Nam của người Việt ở mọi phương trời. Tôi thấy ý anh quá đúng, và lên tiếng giờ này đã là trễ, nên nhờ một số bạn có nhiều tư liệu giúp đỡ (Phạm Xuân Nguyên và một người khác), và cắm cúi viết ngay. Viết xong, được Phong Lê duyệt nhanh, đang in dở dang lại thấy lo lo, còn bắt gỡ ra sửa lại, Phong Lê cũng chiều. Nhưng khi báo phát hành chưa đầy một tuần thì có lệnh cấp tốc truyền xuống làm chúng tôi phát hoảng: phải gửi ngay 10 số lên để trung ương đọc. Tôi không lo cho mình mà lo cho Phong Lê. Anh chẳng nói gì, vẫn bình tĩnh điều hành Viện. Anh tin những điều tôi viết hay anh biết giấu đi sự bối rối để người trót “sinh chuyện” đỡ phải rước thêm vào mình những nỗi băn khoăn? May mà mọi chuyện rồi cũng qua. Việc thứ hai là cuộc Hội thảo trong Ban văn học Cổ cận đại về 75 năm khai sinh Nam phong tạp chí. Tôi chủ động đề xuất với Phong Lê. Phong Lê ưng thuận và cả hai cùng đến gặp GS Bác sĩ Phạm Khuê và Nhạc sĩ Phạm Tuyên, hai con trai của học giả Phạm Quỳnh. Họ chỉ hơi ngần ngại không biết trong cơ chế xem ra vẫn còn “thít chặt” liệu mọi chuyện có “xuôi lọt” hay không. Tôi vội trấn an, rằng mình cứ thật công tâm, chỉ ra cả chỗ được và chỗ chưa được của tờ báo và ông chủ báo - trong học thuật tôi sớm kiên định quan niệm: mọi đối thoại có mang tính đa chiều mới đáng gọi là trao đổi khoa học - thì thế nào mà chẳng lọt. Công việc sớm đi đến thỏa thuận, tôi liền mời các nhà nghiên cứu tên tuổi, nào Nguyễn Đình Chú, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, Phạm Xuân Nguyên..., cả các bậc lão làng về học thuật và chính trị như Hoàng Đạo Thúy, Vương Hồng Sển, Hoàng Tùng, có mời cả Nguyễn Văn Trung với lời đề nghị trân trọng: nếu có gì cần “nói lại” những định luận trước kia xin GS cứ nêu thẳng thắn (tuy vậy ông Trung không nhận lời tham gia, chỉ gửi biếu tôi mấy cuốn sách của ông). Một thời gian trước ngày dự định tiến hành hội thảo, nhân một cuộc họp tại Viện có ông Tố Hữu đến dự, GS Đặng Thanh Lê bảo tôi: “Anh cứ đến mời ông Tố Hữu một tiếng cho phải phép, có gì đâu mà sợ”. Tôi nghe lời, đến xin gặp riêng ông mấy phút. Nghe tôi tỏ bày ông bỗng nhướng mắt: “À à...! E còn sớm quá! Có hơi vội đấy! Phải chi vài ba năm nữa thì thuận hơn”. Tôi không thể hoãn được bởi giấy mời đã gửi đi, vả lại - cả Ban bàn nhau - chỉ là một cuộc hội thảo khoanh trong phạm vi một Ban chuyên môn thì về nguyên tắc không ai hơi đâu can thiệp. Nào ngờ, đúng đêm trước cái ngày định mệnh, một cú phôn gọi đến cho Viện bắt phanh ngay lại. Sáng hôm sau quan khách lục tục đến lại lục tục ra về. Tôi chỉ biết đến đấy và cứ “ôm mối hận” không toại chí trong 25 năm qua, mãi hôm cùng đi dự Hội thảo về Tự lực văn đoàn (tại Cẩm Giàng ngày 9-5-2008) mới được Phong Lê cho biết thêm: cấp trên không làm gì tôi nhưng đã “xài xể” Phong Lê ra trò. Thì ra, lại ở đây nữa một sự “chịu trận” vì bạn của Phong Lê.

Phong Lê không những liên lụy bởi những ngông cuồng của tôi mà còn chịu đựng cái tính cầu toàn của tôi một cách kiên nhẫn. Khi Chủ biên cuốn Suy nghĩ mới về “Nhật ký trong tù”, tôi mời Phong Lê viết chương “Chất thơ trong Nhật ký trong tù” là một chương khó. Anh viết đi viết lại vài ba lần tôi vẫn chưa ưng, vẫn góp ý, bắt chỉnh sửa như mọi chương mục của những tác giả khác. Nghe lời, anh lại cặm cụi sửa kỹ, sửa xong đem đến bảo: “Khó gặm thật, không biết Chủ biên có thông qua được không”. Tôi vẫn chưa vừa lòng, tự mình cùng với hai trợ thủ là Nguyễn Hữu Sơn và Nguyễn Phạm Hùng mỗi người cùng mình thức trắng một vài đêm thêm bớt, cắt gọt chương này chương kia sao cho không còn lởm khởm, cho tất cả các chương mục khớp được với nhau như một chỉnh thể rồi mới đưa Phong Lê đọc lại. Trong khi đó gần 100 trang “Dẫn luận” và hai ba chương mục khác của tôi Phong Lê chỉ đọc chứ không thêm bớt chữ nào. Chẳng phải tôi tài giỏi làm anh bái phục. Nó chỉ chứng tỏ anh thực có tư chất một Viện trưởng biết “nghe” cấp dưới của mình.

Cũng nói thêm, cái tính cầu toàn khiến tôi viết chậm, rất chậm so với Phong Lê. Anh ra sách liên miên hết tập này tập khác, còn tôi ngoài cuốn sách sưu tập và biên soạn Mấy vấn đề về sự nghiệp và thơ văn nguyễn Trãi (1963) mãi đến năm 1977 mới ra nổi Tập I Thơ văn Lý-Trần. Chính ra, sách xong từ đầu năm 1974, hai GS Đặng Thai Mai và Cao Xuân Huy duyệt trong nửa năm, đưa sang Nhà xuất bản Khoa học xã hội họ chuyển cho Viện Sử học đọc lại trong 3 tháng. Tháng 12-1974 viết “Lời tựa” và đưa đi nhà in. Nhưng nhà in của chúng ta đã nấu sạch các khuôn chì chữ Hán, lớp thợ in biết sắp chữ Hán cũng đã nghỉ hưu, lẽ thường đành phải in bộ sách không có chữ Hán đi kèm. Tôi làm sao mà chịu được khi sách do tôi Chủ biên có phần đối chiếu và khảo đính công phu tất cả mọi sai dị từ các văn bản gốc; có phần chú giải ghi chép đầy đủ chữ Hán mọi câu văn kinh điển Nho Phật Lão mà thơ văn Lý-Trần đã chịu ảnh hưởng; có tên đất, tên người, tên tác phẩm có chữ Hán đi kèm; lại có đến 6, 7 bảng sách dẫn (index) để bạn đọc có thể tra cứu bất kỳ một thuật ngữ, điển cố, tên đất, tên nhân vật, tên tác phẩm ở bất kỳ trang nào. Đó là cách làm của các học giả Trường Viễn đông bác cổ Pháp mà tôi học được. Tôi quyết tìm ra giải pháp. Tôi nài các bạn Băng Thanh, Tú Châu và Đỗ Văn Hỷ chịu khó cùng tôi chép bằng hết khối lượng chữ Hán trong sách ra giấy, ước chừng ba trăm trang (thuở bấy giờ đã có máy photocopy đâu), rồi xin giấy giới thiệu của Viện sang tòa báo Tân Việt Hoa (Trung Quốc, đóng tại Hà Nội) xin chữ. Họ vui lòng giúp đỡ, duy chỉ có kiểu chữ giản thể thì tôi đành phải chịu thua. Đến ngày hẹn, tôi lếch thếch chở một xe xích-lô từ báo Tân Việt Hoa đem đến thẳng nhà in Thống nhất ở gần Bờ Hồ. Và luôn trong 3 năm trời, cả tôi, Băng Thanh, Tú Châu (anh Hỷ tuổi cao được miễn) hàng ngày đến nhà in nằm bò ra giữa sàn, xếp chữ Hán xen vào khuôn chữ Việt. Thợ nhà in cứ tủm tỉm cười thầm, cho chúng tôi là những người làm sách kỳ quặc. Sách in bị chậm lại đến 3 năm chính là vì vậy. Chỉ đến khi sách ra mắt cả Viện mới biết lý do vì sao sách chậm trễ, còn Ủy ban Khoa học xã hội thì cắt khen thưởng của tôi trong liền 3 năm. So với Phong Lê, anh thư thái hơn tôi trong công đoạn ra sách. Tôi nhận từ tay anh cuốn này cuốn khác mà xấu hổ với anh.

Tôi còn cầu toàn đến mức viết xong phần “Khảo luận” 600 trang đánh máy, được hai người duyệt góp ý kỹ lưỡng và thông qua. Khi ông Phạm Hựu Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học xã hội mời tôi sang nghe góp ý của Viện Sử học thì tôi nhận được một tờ giấy có ký tên Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Trần Văn Giàu, chỉ với một lời đề nghị: tách phần chuyên khảo ra in riêng, nếu không sách dày quá. Tôi về kể lại với Viện thì Phó Viện trưởng Vũ Đức Phúc (phụ trách các Ban văn học Cổ cận đại, Dân gian và Hiện đại) không đồng ý, ông viết công văn gửi sang Nhà xuất bản đại ý nói cả hai phần chuyên khảo và văn bản là một khối thống nhất hữu cơ, soi tỏ cho nhau, tách chúng ra bộ sách sẽ mất ý nghĩa. Nhà xuất bản cũng đã chấp thuận đề nghị sau rốt của Viện. Nhưng mấy ngày sau, một hôm Băng Thanh trong câu chuyện gì đấy bỗng ngỏ ý riêng với tôi: giữa hai phần của “Khảo luận” thì phần khảo văn bản và phân loại loại hình các thể loại văn học đọc thấy thích, phần tìm tòi về nội dung và nghệ thuật, về quan niệm sáng tác của thời đại Lý-Trần còn trúc trắc và chưa thích bằng. Tôi nghe lời, không chần chừ gì nữa, trộm phép hai người duyệt, tháo ngay mấy chương cuối của “Khảo luận” bỏ lại đã. Kết quả khi in ra, chỉ còn nguyên phần “Khảo luận văn bản”.



Giờ đây, sau mấy chục năm, tập chót của bộ sách vẫn chưa xong trọn vẹn. Nhiều khi tôi âm thầm tự kiểm lại những chuyện “đắc” và “thất”. Có lúc tôi đã lấy làm tiếc. Giá như mình chọn con đường Phong Lê từng vạch cho lúc mới về Viện có phải hay biết bao! Nhưng tôi tự phản bác mình ngay. Cái cầu toàn của mình đâu phải là hoàn toàn vứt đi. Chính nhờ nó mà một thời gian sau khi Thơ văn Lý-Trần Tập I ra mắt, chúng tôi đã được dư luận đón nhận. Kể từ năm 1978, từ bên trời Tây, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã gửi về qua đường ngoại giao cho tôi hai cuốn trong bộ Việt Nam Phật giáo sử luận của ông với lời đề tặng: “Kính tặng GS Nguyễn Huệ Chi. Nguyễn Lang - 1978” [6] . Khi lên Văn phòng Đảng ủy Ủy ban Khoa học xã hội nhận sách, tôi thấy ông Bí thư Đinh Lư trước khi trao sách, mở ra chỉ vào mấy lời ấy và cười - Đúng quá! Thứ tôi mà Giáo sư cái nỗi gì. Ít lâu sau nữa, từ Úc Châu, từ Canada, và từ Pháp, các học giả Nguyễn Hưng Quốc, Trần Văn Tích và Claudine Salmon đã viết những lời đầy khích lệ làm tôi ấm lòng. Cái cầu toàn của tôi, trong điều kiện cực kỳ thiếu thốn sách vở tra cứu, phương tiện in ấn ở miền Bắc và sau 75 là cả nước những năm 70-80 thế kỷ trước, dẫu chưa “toàn” như ông Trần Văn Tích nói, thì cũng không đến nỗi hoàn toàn là thứ việc làm “chuyên môn thuần túy” - và hệ quả ngầm hiểu không cần nói ra: vô ích cho việc xây dựng “con người mới cuộc sống mới” - như dư luận một thời ở Viện ám ảnh mãi tôi. Tôi gắng noi gương Phong Lê để không thẹn với anh, nhưng tôi cũng có cái để cho anh nể.

Cũng về chuyện “được mất”, việc rời bỏ quá sớm văn học hiện đại là một thiệt thòi. Thì đúng thế. Nhưng gần đây đọc loạt bài rất sắc sảo “Trí khôn nhà văn ở đâu” của nhà phê bình Trần Ngọc Lãng trên trang mạng lethieunhon.com tôi đã không ngớt giật mình. Té ra giã từ “khúc sông văn nghệ” có vẻ nhộn nhịp, thoạt nhìn tuồng như hấp dẫn - có nhiều con thuyền ngũ sắc, cắm đủ các thứ cờ hoa, đua nhau bơi lượn - trong suốt cả dòng sông dài mười thế kỷ của văn học dân tộc, kỳ thực tôi đã may mắn thoát khỏi nhữngáp lực đáng sợ mà một thời cứ tưởng là “vinh dự”: phải khen chê theo chỉ đạo của người khác, nói như Nguyễn Trãi “cúi ngửa theo ý người”/ Phủ ngưỡng tùy nhân tạ bất năng. Chúng tôi chỉ được quyền chiêm ngưỡng cái ánh sáng “hải thị thận lâu” lúc xa lúc gần hiển hiện trước mắt mình để mà mê tít mà tung hứng, đâu còn được là con người thật, con người bản thể vẹn nguyên, là cá nhân chúng tôi trong ngòi bút “bao biếm” nữa. Mà người khác thì cũng chẳng phải cỡ ông Hoàng Trung Thông, còn trên cả Hoàng Trung Thông rất cao nữa kia [7] . Phong Lê may mắn hơn tôi hay là “nặng nợ” hơn tôi, quan niệm thế nào cũng đều có cái lý của nó. Về Ban văn học Cổ cận đại tôi cũng chịu sức ép của các thứ lập trường quan điểm trong ngành Cổ cận dữ lắm, dù sao vẫn không phải “gồng mình” theo sát từng vụ việc, nhắm mắt làm lơ hoặc buộc phải đề cao các loại sáng tạo… biến “dối” thành “thật” như Phong Lê. Nếu còn ở lại, chắc đâu tôi đã có đủ dũng khí tự cởi cái “vòng kim cô” để nhìn ra và nói ra sự thật!

Cho đến giờ tôi vẫn là “bạch vệ” do một lá đơn khiếu nại, còn Phong Lê là đảng viên lâu năm, “suýt” được đi dự Đại hội Đảng Toàn quốc khóa VII nếu không có một cú điện thoại “bí ẩn” gọi đến báo một cái tin rởm: “Về ngay, mẹ ốm nặng!”. Anh may mắn quá đi chứ còn gì. Nhưng hãy đảo ngược cách nghĩ một chút, bài viết của anh luôn luôn phải được soi chiếu phía này phía khác để “đi đúng lề đường bên phải”, phải mài các góc cạnh để trở nên lành hiền. Tôi, từ rất lâu đã tự nguyện làm nguời phản biện xã hội đúng thiên chức một trí thức chỉ muốn đất nước sớm có cái nó chưa có hoặc có chưa đúng nghĩa: công lý, dân chủ đa nguyên và tự do. Có thể tôi là một kiểu AQ mà không tự biết khi nói rằng tôi tự do hơn anh chăng?

Từ khi đày đọa xuống nhân gian Hơn sáu mươi năm nháy mắt tan” [8] . Tôi muốn lấy hai câu này của Phạm Tông Mại đời Trần để tặng Phong Lê. Trong những gì có thể đem sang thế giới bên kia thì những năm tháng sống với nhau là những tháng năm không bao giờ phai được. (Chúng mình đã yêu nhau từ độ ấy / Có núi sông và có trăng sao / Có giận hờn và có chiêm bao… Tế Hanh.) Tôi cũng lại muốn lấy câu này của Băng Hồ Trần Nguyên Đán Tể tướng đời Trần nói với gia đình con cái ông sau câu chuyện vỡ lở giữa Nguyễn Phi Khanh và Trần Thị Thái, để nhắc nhủ tôi: Cái gọi là “họa” chưa chắc đã không phải là “phúc” của nhà mình. Khoảng cuối mùa thu năm 1983, cùng đứng trong sân vườn Thư viện Quốc gia chuyện trò với anh/thầy Hoàng Ngọc Hiến, hình như tôi có nêu một nhận xét, chiêm nghiệm từ bài “Văn học phải đạo” của anh: một chân trời trước mắt đổ sụp nhưng lại làm ta thư thái, vì ta được tái sinh...

Hà Nội, 9 tháng Sáu năm 2008


© 2008 talawas


[1]Con người có tình có nghĩa này sau chết trên đường đưa hai ông voi sang tặng Trung Quốc.
[2]Theo GS Kiều Thu Hoạch, Lớp đại học Hán học chính do Cụ Hồ gợi ý trong một lần đến chơi nhà Viện trưởng Đặng Thai Mai.
[3]Sau hơn một năm, thấy phần văn học Phật giáo và phần văn bia phải bổ sung quá nặng, tôi đã đề nghị Tổ và Viện cho phép chia bớt một nửa giao cho Nhóm Cận đại do anh Trần Nghĩa làm Nhóm trưởng đảm trách và được Viện chuẩn y. Một nửa của Nhóm Trần Nghĩa đã công bố thành Tập III Thơ văn Lý-Trần, in năm 1978, còn nửa của chúng tôi, do những bổ sung mới, dần dần “nở ra” thành 3 tập, đến nay vẫn chưa công bố hết.
[4]Hai chị Phạm Tú Châu và Trần Thị Băng Thanh cùng học với tôi ở Lớp Đại học Hán học 1965-1968, sau đó tôi đã cố tìm mọi cách xin cả hai về Tổ văn học Cổ cận đại thông qua Tổ phó Nguyễn Văn Hoàn. Rồi cả hai chị được xếp vào biên chế Nhóm thơ văn Lý-Trần do tôi làm Nhóm trưởng. Năm 1978 chị Băng Thanh được đề bạt chức Phó ban Ban văn học Cổ cận đại (chuyển tổ thành ban) khi tôi lên chức Trưởng ban. Ít lâu sau chị Tú Châu cũng chuyển sang làm Phó ban Ban văn học Nước ngoài. Tôi có hai bài thơ mừng sinh nhật 70 tuổi của hai chị. Bài thơ mừng Tú Châu năm 2005: Hạ Tú bà lão bằng hữu thất thập tự thọ: Mới đó mà sao đã bảy mươi? / Bốn lăm năm thoảng một câu cười / Chân run, mắt mỏi chưa ngừng dịch / Cảng khuất, Đài xa vẫn ghé chơi / Thuở học Đồng Bèo cơm chẳng đủ / Hồi về Cổ Cận việc không ngơi / Bạn bè chung bóng còn đây cả / Hạc trắng mây vàng... cứ thảnh thơi. Bài thơ mừng thọ Băng Thanh năm 2007: 贺 冰 清 老 婆 七 十 上 寿: 馳 騁 相 從 四 十 年 / 以 為 青 眼 可 相 憐 / 李 陳 大 擔 同 心 擔 / 古 近 多 肩 合 一 肩 / 絞 盡 心 肝 惟 死 語 / 不 觀 談 笑 擠 懮 煩 / 回 頭 七 十 何 如 箭 / 一 片 冰 心 付 自 然. Phiên âm: Trì sính tương tòng tứ thập niên / Dĩ vi thanh nhãn khả tương liên / Lý-Trần đại đảm đồng tâm đảm / Cổ cận đa kiên hợp nhất kiên / Giảo tận tâm can duy tử ngữ / Bất quan đàm tiếu tễ ưu phiền / Hồi đầu thất thập hà như tiễn / Nhất phiến băng tâm phó tự nhiên. Miễn cưỡng dịch tạm: Rong ruổi cùng nhau bốn chục năm Mắt xanh thuở ấy đoán không lầm Gánh văn Cổ cận kề vai gánh Hầm quặng Lý-Trần chung sức hầm Vắt kiệt tâm can vì chữ nghĩa Bỏ ngoài đàm tiếu cốt tình thâm Bảy mươi nhìn lại sao mau thế? Băng đã thanh chưa tự hỏi thầm.
[5]PGS Đào Thái Tôn cho biết: nếu có bạn nào tự coi mình là thủ khoa, ngoài danh sách trên, hoặc đã chót công bố đây đó, thì xin gặp ông, ông sẽ cho xem bản gốc bảng điểm có dấu đỏ của nhà trường ông còn lưu cẩn thận.
[6]Gần đây, có kẻ lấy bụng ta đo bụng người, khích bác việc tôi in lại bộ Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang năm 1994 là có động cơ gì đó. Quá giản đơn, tôi chỉ muốn đáp lại một mối tình tri ngộ. Trước đó, cũng trong năm 1994, nhân được sang Pháp nghiên cứu, Thiền sư Thích nhất Hạnh biết tin hai lần mời tôi đến Thiền viện Làng Mai của ông thăm thú, tôi đã tặng cả làng một bài thơ chữ Hán như sau: 重 到 梅 鄊 禪 院 感 作: 梅 鄊 上 下 有 林 泉 / 屋 結 森 差 蔭 樹 邊 / 黃 白 黑 深 同 向 佛 / 越 英 法 德 一 言 禪 / 師 行 徒 集 如 雲 霧 / 鍾 叩 飱 停 似 了 緣 / 夜 冷 梅 堆 波月 朗 / 瓊 林 復 活 在 西 天. Phiên âm: Trùng đáo Mai hương Thiền viện cảm tác. Mai hương thượng hạ hữu lâm tuyền / Ốc kết sâm si ấm thụ biên / Hoàng, bạch, hắc, thâm đồng hướng Phật / Việt, Anh, Pháp, Đức nhất ngôn Thiền / Sư hành đồ tập như vân vụ / Chung khấu xan đình tự liễu duyên / Dạ lãnh Mai đôi ba nguyệt lãng / Quỳnh Lâm phục hoạt tại Tây thiên. Tạm dịch: Trở lại Thiền viện làng Mai cảm tácLàng Hồng hai xóm, suối rừng vây / Lều bạt nhấp nhô dưới bóng cây / Tu Bụt: đen, vàng, nâu, trắng đủ / Lời Thiền: Việt, Pháp, Đức, Anh đầy / Trò theo thầy bước như mây nổi / Chuông nhắc người ăn lắng phút giây / Đêm lạnh vườn mai lay sóng nguyệt / Quỳnh Lâm sống lại dưới trời Tây.
[7]Bản thân con người thật của nhà thơ Hoàng Trung Thông là một cái gì khác với con người chức năng Hoàng Trung Thông mà chỉ bộc lộ vào lúc ông say, ông tìm vào các cuộc say. Nhắc lại chuyến tôi được theo ông đi sang Berlin năm 1980, một hôm, ông và tôi được mời đến dự bữa ăn ở nhà GS Kortum, vị thầy đỡ đầu của Phong Lê, có sự tham dự của vợ ông và Viện sĩ Nauman, đều là chuyên gia của Viện Văn học Đông Đức. Tôi mang hai chai “Lúa mới” đi theo. Trong cuộc gặp gỡ, ngẫu nhiên bà vợ GS Kortum ngỏ lời khen Việt Nam có thứ rượu rất tuyệt. Bấy giờ ông Thông mới đưa mắt cho tôi và tôi lôi ngay hai chai rượu trong túi dết ra. Mọi người ồ lên một lượt và mở luôn nút để cùng thưởng thức. Vốn là người sính rượu, ông Thông uống rất hào hứng, uống nhiều hơn cả chủ nhân bữa tiệc, vừa uống vừa bàn luận say sưa về văn học, và say lúc nào không biết. Đột nhiên ông đưa mắt nhìn mọi người trong bàn tiệc một cách khác thường rồi cất tiếng hỏi: “Permettez-moi de poser une question directe: y a-t-il ce qui s’appelle le réalisme socialiste en réalité?” (Cho phép tôi hỏi thẳng: trong thực tế có cái gọi là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa hay không?). Cả hai vị Giáo sư và Viện sĩ người Đức ngơ ngác, đưa mắt nhìn ông chằm chằm. Nhưng khi họ chưa kịp nói câu gì thì ông đã tự trả lời: “Non, jamais. Il n’y a rien de si difficile à avaler” (Không, Chưa hề có. Không có một cái gì “khó nhá” đến như vậy cả). Cả hai người reo lên lập tức: Ah! C’est juste! Avis bien judicieux! (Ô! Đúng! Ý kiến quá đúng!). Và kể cả ông Thông nữa, ai nấy dừng lại ở đấy rồi chuyển sang những chủ đề khác, không hề nhắc lại điều vừa chợt nói với nhau. Kể từ đó, tôi mới biết thêm những uẩn khúc bên trong con người Hoàng Trung Thông - người Viện trưởng mà tôi bao giờ cũng quý trọng. Đầu những năm 80, tuy không nói toạc ra nhưng trong thâm tâm, Hoàng Trung Thông có khác gì Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Minh Châu khi nhìn nhận hiệu quả đich thực của cái phương pháp sáng tác gọi là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.
[8]Nguyễn Văn Lãng dịch trong Thơ văn Lý-Trần Tập II, Thượng, 1989.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: