Nhà văn Ngô Tất Tố nổi tiếng với trích đoạn các tác phẩm Tắt đèn được giảng dạy trong nhà trường. Ông còn được biết tới với tác phẩm Lều chõng về khoa cử xưa và Việc làng ghi lại phong tục ở thôn quê xưa. Tác phẩm của ông tái hiện đời sống nông dân chân thực, cho thấy tác giả đi sâu vào đời sống người dân đầu thế kỷ trước.
Không chỉ tác phẩm, mà trong chính đời sống, Ngô Tất Tố cũng gần gũi, cảm thương sâu sắc với người nông dân. Tham dự hội thảo về Ngô Tất Tố sáng 25/6, bà Ngô Thị Thanh Lịch (con gái nhà văn) đã kể nhiều kỷ niệm về cha. Những câu chuyện nhỏ trong ứng xử của Ngô Tất Tố với làng xóm cho thấy sự bao dung, thấu hiểu người nông dân của ông.
Bà Thanh Lịch kể một đêm khuya, người tuần đinh đến nhà gọi: “Ông Xứ (cách người làng gọi Ngô Tất Tố) ơi! Tuần bắt được thằng Vê ở xóm trên ăn trộm ngô, đã đưa về đình rồi. Nó khai ăn trộm ngô nhà ông. Ông ra đánh nó một trận rồi cho nó về”. Ngô Tất Tố chống gậy, dắt theo con gái ra đình. Lúc này ở đình, dân làng đã kéo tới rất đông để xem xử trộm.
Nhưng tới nơi, thấy tên trộm bị trói cùng hai sọt ngô bên cạnh, tác giả Tắt đènđã không đánh mắng mà còn nói to: “Thả người ta ra, cũng vì đói quá mới làm vậy”. Sau đó, ông tới cạnh và bảo tên trộm mang ngô về.
Bà Thanh Lịch nhớ như in một chiều mưa, có người trong làng tới ao nhà bắt ốc. Mấy chị em bà Lịch cũng thèm ăn ốc mà không biết bắt. Khi người đó mang ốc lên, nhà văn Ngô Tất Tố đã lấy tiền ra mua ốc cho các con mình. Thấy thế, con gái lớn nhà văn hỏi: “Sao bố trả nhiều tiền thế, ốc ở trong ao nhà mình mà?”. Nhà văn không đồng tình với con gái, ông giải thích: “Ốc nó không thể tự bò vào miệng mình được”. “Bố tôi dạy chúng tôi yêu quý lao động từ những việc nhỏ như vậy”, bà Thanh Lịch nói.
Có lẽ, xuất phát từ chính đời sống gần gũi, sự thương cảm với người nông dân đã giúp Ngô Tất Tố viết nên những tác phẩm để đời Tắt đèn.
Không chỉ có những tác phẩm văn học về đề tài người nông dân, Ngô Tất Tố còn ghi dấu ấn ở nhiều lĩnh vực. Điều đó đã được giới nghiên cứu, học thuật nêu rõ tại buổi tọa đàm “Nhà văn Ngô Tất Tố trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại” sáng 25/6.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói Ngô Tất Tố là con người “năm trong một”. Là một nhà văn ông để lại cho đời những Tắt đèn, Lều chõng, Đề Thám, Trong rừng nho… Ngô Tất Tố là một nhà báo nổi tiếng, trong 28 năm, ông đã viết gần 1.500 bài cho 27 tờ báo, tạp chí với 29 bút danh. Ông được đánh giá là một nhà báo có dũng khí, trung thực, thẳng thắn, nhạy bén. Các phóng sự nổi tiếng của Ngô Tất Tố phải kể đến Việc làng, Tập án cái đình.
Ông còn là một dịch giả chuyển ngữ nhiều tác phẩm như Hoàng Lê nhất thống chí, Đường thi, Suối thép, Trước lửa chiến đấu, Trời hửng… Là một nhà nghiên cứu, ông biên soạn một số công trình như Thi văn bình chú, Văn học đời Lý, Văn học đời Trần, Lão Tử...
Ngoài ra, Ngô Tất Tố còn là người nghiên cứu dịch lý. Ông dịch và chú giải Kinh dịch - một công trình được đánh giá là giúp hiểu trọn vẹn tác phẩm kinh điển về tâm linh Á Đông.
Nhà văn Ma Văn Kháng cho rằng Ngô Tất Tố là con người nhập cuộc. Ông nói: “Ngô Tất Tố, nhà văn hiện thực xuất sắc của nhân dân, ở đúng thời điểm ‘quốc gia hữu sự’ đã lập tức nhận ra trách nhiệm của công dân, bằng tất cả nhiệt huyết và tầm kiến văn cùng chí khí của kẻ sĩ chân chính đã hăng hái nhập cuộc cùng cách mạng và nhân dân mình”.
Tần Tần / Zing
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét