Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019

Báo Trung Quốc đổi trắng thay đen, loan tin người Hồng Kông ‘biểu tình chống Mỹ’



Hàng loạt cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông trong khoảng một tuần qua đã trở thành những tiêu đề nóng trên truyền thông toàn cầu, thế nhưng trái với báo chí quốc tế, các kênh phát ngôn tại Trung Quốc Đại lục lại đưa thông tin theo một “kịch bản” hoàn toàn khác với thực tế.
Tờ Nhân dân Nhật Báo ngày 17/6 ra bài đưa tin rằng các sửa đổi về Luật Dẫn độ tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Hồng Kông, và cục diện ở Hồng Kông đã ổn định trở lại, đồng thời không hề đề cập đến cuộc biểu tình với hơn 2 triệu người tham gia vào sáng ngày 16/6.
Trước đó, khi hơn 1 triệu người Hồng Kông xuống đường biểu tình phản đối Luật dẫn độ vào ngày 9/6, Nhân dân Nhật báo cũng không hề đưa tin về sự kiện này, chỉ ra bài về việc nhóm ủng hộ dự luật đã thu thập được 800.000 chữ ký.
Cư dân mạng Trung Quốc thậm chí còn bình luận đầy trào phúng sau khi đọc bài viết về Hồng Kông trên tờ Nhân dân Nhật báo phiên bản tiếng Anh: “Còn có thể đổi trắng thay đen đến mức độ này!”, “Giữa thanh thiên bạch nhật mà có thể nói dối như thế”, “Nhân dân Nhật báo, ngày ngày nói láo!”
Trong tuần qua, người dân Hồng Kông đã xuống đường để phản đối việc chính phủ Hồng Kông thúc đẩy ban hành Luật dẫn độ. Người dân ở hàng loạt thành phố lớn cũng đồng loạt tiến hành các cuộc biểu tình để ủng hộ người Hồng Kông. Toàn bộ những thông tin này đều bị cơ quan ngôn luận của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm duyệt.
Tại Trung Quốc Đại Lục, “Hồng Kông” và các từ khóa liên quan như “biểu tình”, “dẫn độ”… đã trở thành những từ nhạy cảm và bị chặn trên các mạng truyền thông xã hội như Weibo. Bloomberg đưa tin, những hình ảnh và tin tức về cuộc biểu tình đông đảo người tham dự nhất kể từ khi Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc đã bị xóa sạch khỏi mạng Internet tại quốc gia này, chỉ còn lại các bài xã luận có nội dung hằn học với đề tài “can dự của quốc tế” vào nội tình Trung Quốc.
Ngay cả bài hát “Do You Hear The People Sing”, từ vở nhạc kịch “Les Miserables”, và được người biểu tình Hồng Kông coi như nhạc hiệu của họ, đã bị xóa khỏi dịch vụ streaming QQ Music của Tencent. Chỉ những tin tức nào thông qua sự kiểm soát và phê duyệt của chính quyền mới được đăng tải trên truyền thông nhà nước.
Đáng chú ý, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nhiều lần mô tả các cuộc biểu tình này là do Hồng Kông bị các thế lực nước ngoài kích động. Những dòng tin này hết sức thịnh hành trên các tờ báo thân Trung Quốc của Hồng Kông, Nhân dân Nhật báo hay Thời báo Hoàn cầu, hầu hết dẫn hướng dư luận rằng đây là do sự thúc đẩy của chính quyền Mỹ.
Thời báo Hoàn cầu, ấn bản tiếng Anh của tờ Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ cũng đăng nhiều bài xã luận chỉ trích “can thiệp của Mỹ tới Hồng Kông”. Ngày 17/6, tờ báo này thậm chí còn liên kết các cuộc biểu tình ở Hồng Kông với thương chiến Mỹ-Trung đang diễn ra. Thậm chí, hàng loạt báo của ĐCSTQ ở Bắc Kinh và Thượng Hải còn đăng các bài nêu cao quyết tâm “không lùi bước”, “chiến đấu đến cùng” với Mỹ.
(Ảnh chụp màn hình Chinadaily)
ChinaDaily, tờ báo phát hành khoảng 600.000 bản ở nước ngoài không hề đưa tin về vụ việc biểu tình của hơn 2 triệu người Hồng Kông. Đáng chú ý là ngày 17/6, ChinaDaily xuất bản bài viết có tiêu đề “Các bậc cha mẹ Hồng Kông biểu tình chống lại sự can thiệp của Mỹ”, đưa tin về việc ngày 16/6, các bậc phụ huynh ở Hồng Kông “kéo xuống đường biểu tình kêu gọi các chính trị gia Mỹ đừng can dự vào luật dẫn độ nơi này”. Bản tin này khiến những người theo dõi tình hình Hồng Kông ở bên ngoài Trung Quốc kinh ngạc không thốt nên lời.
George Magnus, một nhà kinh tế và nhà nghiên cứu người Anh về các vấn đề Trung Quốc đã cho hay: “Thật kỳ lạ, China Daily đã đưa tin về các cuộc biểu tình khác, né tránh cuộc biểu tình của hàng triệu người Hồng Kông mà cả thế giới đang chú ý tới.”
Tờ Apple Daily cũng nói rằng việc đưa tin về cuộc biểu tình của các bậc phụ huynh trong bối cảnh hiện nay chính là nhằm “cố tình lừa dối độc giả và khiến họ cho rằng 2 triệu người Hồng Kông xuống đường là để biểu tình chống Mỹ”. Cư dân mạng cũng đã nhanh chóng vạch trần rằng thông tin trên truyền thông Trung Quốc là tin tức giả.
Minh Ngọc / Shoha
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: