Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Ông cựu KGB:

Putin: Nga sẽ làm tất cả để cải thiện quan hệ với Mỹ

Tổng thống Nga bày tỏ thiện chí với Washington khi gặp Trump tại G20, đồng thời cho biết hai bên sẽ thảo luận về kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Nga Putin dự G20 tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Putin dự G20 tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay cho biết Nga sẽ làm tất cả những gì có thể để cải thiện quan hệ với Mỹ, song việc quyết định cách nào tốt nhất để xây dựng quan hệ với Moskva là "tuỳ thuộc vào Washington".
Putin cho biết thêm ngoại trưởng hai bên sẽ bắt đầu thảo luận về kiểm soát vũ khí hạt nhân nhưng không nói rõ thời điểm. "Chúng tôi đã yêu cầu các ngoại trưởng bắt đầu đàm phán về chủ đề này nhưng chúng tôi chưa thể nói liệu điều này có dẫn đến việc gia hạn START3 hay không", Putin nói.
START3 là một thoả thuận được đề xuất khi các đàm phán giữa hai nước bị phá vỡ nhiều năm trước. Được kỳ vọng là sự kế thừa các thoả thuận trước đó, START3 đòi hỏi cả Mỹ và Nga giảm số lượng vũ khí hạt nhân được triển khai.
Hai nước đang thực hiện hiệp ước New START ký năm 2010, trong đó đề ra số lượng đầu đạn hạt nhân thấp hơn mức ở thời Chiến tranh lạnh. Khi hiệp ước này hết hạn vào 2021, Putin kêu gọi Mỹ đàm phán việc gia hạn, cho rằng nếu Washington không thực hiện được thì sẽ là mối nguy với việc kiểm soát vũ khí.
Trước đó, khi gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, Tổng thống Nga đã mời Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Moskva dự lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày Chiến thắng phát xít ngày 7/5/2020. 
Truyền thông Nga cho biết Tổng thống Mỹ đã phản hồi "một cách rất tích cực" với lời mời này. Trump đã ca ngợi mối quan hệ "rất tốt đẹp" với Putin trong lần gặp đầu tiên kể từ sau hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan vào tháng 7 năm ngoái.
Nga hồi tháng ba đình chỉ tuân thủ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Mỹ sau khi chính quyền Trump tuyên bố từ bỏ hiệp ước với cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản. Hiệp ước INF được Washington và Moskva ký từ năm 1987, trong đó cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. Nhiều đồng minh của Mỹ lo ngại việc hiệp ước INF bị hủy bỏ sẽ châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang mới và đặt châu Âu vào tầm ngắm của nhiều loại tên lửa hạt nhân.
Khánh Lynh (Theo Reuters, AFP)


Không có nhận xét nào: