Hồi ức của Ngô Khắc Tài: “Nhớ về Nguyễn Bạch Dương, tôi không thể nhớ lại một thời biết tìm đâu. Vẫn nhớ mỗi lần gặp Nguyễn Bạch Dương hay hỏi “có viết gì mới đưa coi”. Anh chứng tỏ được sự quan tâm đến bạn bè nên mấy tay làm thơ trẻ ở Vĩnh Long thường đưa bài cho anh đọc trước khi gởi đăng báo, để nghe những lời góp ý chân tình. Lần lượt anh em được kết nạp vô Hội nhà văn VN, Nguyễn Bạch Dương rất xứng đáng nhưng lại không chịu vô. Mọi người theo vận động mãi cuối cùng Nguyễn Bạch Dương đến năm 1992 mới đồng ý,như là số mệnh đã định sẵn. Hội nhà văn VN kết nạp anh làm hội viên, thì khoảng hai năm sau anh qua đời...”
NGÔ KHẮC TÀI
Ngoài bút danh Nguyễn Bạch Dương anh còn ký tên Lê Trung Hiệp, Lê Thị Tư. Qua đó, anh như giống gã đàn ông sung mãn nhiều vợ, một mình anh dựng lên ba gương mặt thơ để bạn đọc chú ý, theo tôi phải là người tài hoa. Còn nhớ Lê Thị Tư làm tôi tò mò không biết tác giả là ai, ở đâu nên tôi dò hỏi bạn bè để làm quen. Sau đó trong buổi tiệc tôi khen Lê Thị Tư “cô này thơ hay chắc là đẹp lắm”, tôi mới té ngửa ra khi nhà thơ Song Hảo- Phó Chủ tịch Hội văn nghệ Vĩnh Long đưa tay chỉ Nguyễn Bạch Dương “cô Lê Thị Tư đó” làm anh em cười rộ lên.
Nhớ Nguyễn Bạch Dương, sống lại thời gian hai chiều. Đất phương Nam với riêng miền Tây thiên nhiên phong phú nên người như không lấy chuyện học hành, bằng cấp để tiến thân, người ít háo danh. Về phương diện thơ ca cũng vậy, rất ít người làm thơ. Tôi đếm nhà thơ không có bao nhiêu người. Thế hệ trước có vợ chồng thi sĩ Đông Hồ, Kiên Giang, Truy Phong… Thế hệ sau, thời của tạp chí Văn là tạp chí rất có uy tín ở miền Nam chuyên về chữ nghĩa văn chương, nhưng lại ghi tên đề tạp chí dành cho người hiếu học. Văn quy tụ đủ các tay viết, miễn là hay đúng nghĩa, không phân biệt trường phái. Ai đăng trên tạp chí Văn coi như tên tuổi tác giả đã được công chứng đóng dấu ấn vô trí nhớ. So với các vùng miền khác, miền Nam và vùng miền Tây không có bao nhiêu người làm thơ. Ngoài nhà thơ Tô Thùy Yên tên tuổi lừng lẫy. Ở Sa Đéc có Trần Tuấn Kiệt, Bến Tre có Tô Nhược Châu, An Giang có Lộc Vũ, Yên Nguyên Sa, ở Châu Đốc có Trịnh Bửu Hoài, Ngô Nguyên Nguyễn, ở Cần Thơ có Phù Sa Lộc, Trần Phù Thế. Và Vĩnh Long với Nguyễn Bạch Dương, Nguyễn Sinh Từ ( tôi nhớ như chưa đủ, chỉ ghi lại những tác giả thấy trong tạp chí văn bạn nào nhớ bổ sung thêm). Dần dần theo thời gian, trong đó có yếu tố lịch sử, người đi nước ngoài, người nghỉ viết nên tên tuổi họ chỉ còn đọng lại ở ký ức. Trừ một số ít người như Nguyễn Bạch Dương tiếp tục làm kiếp tằm nhả tơ, dù viết thơ chẳng nuôi người.
Bước vào thời buổi như đã khác xưa. Sự hiện diện của những tay viết cũ, nhưng nghệ sĩ cũ ở xã hội mới lúc này. Nó cho thấy, nói lên một điều đó là máu văn nghệ sĩ. Họ có hai quốc tịch, hai thế giới. Một là nơi đang sống nhưng đồng thời họ có thêm quốc tịch thứ hai là thế giới nghệ thuật. Nó gần giống quan niệm nhân gian cho con người gồm có thể xác, linh hồn. Ở thế giới thứ hai không có biên giới được lảnh đạo bởi cái đẹp. Tâm hồn nặng hơn thể xác nhưng ở đây họ quân bình được thể xác và tâm hồn, nổi niềm riêng và cái chung. Vì vậy sự góp mặt của các tay viết cũ ở xã hội mới như nhà văn Mường Mãn, Ngụy ngữ, nhà thơ Nguyễn Bạch Dương là đáng trân trọng. Ban đầu, chắc là nhiều người còn nhớ cảm giác chờ đợi, nôn nao để mua những số tạp chí Văn mới phát hành. Qua tạp chí Văn, tôi biết tên Nguyễn Bạch Dương, thơ cho thấy chất Nam bộ mộc mạc mà hào sảng “Mê em từ buổi sớm mai/ Làm sao giữ chặc mộng vay cuối đường/ Thôi đành mê tín mù sương/ Biết đâu hái được cuối đường ánh trăng”.
Nhưng cụ thể hào sảng đó như thế nào, mãi đến năm 1979… Lần đầu tiên tôi xuống văn nghệ Vĩnh Long chơi với anh em. Lâu nay chỉ là đọc của nhau thôi chớ chưa biết mặt mũi ai. Đang lơ ngơ hỏi thăm cô nhân viên văn phòng ( tôi nhớmãi giây phút đầu tiên đã để lại một ấn tượng đẹp, cảm xúc ở phút đầu tiên ít khi sai lầm) bỗng một người nhỏ con, nói rất nhanh lại lớn tiếng từ phía sau lẹ làng không bắt tay mà nắm lấy cánh tay lắc lắc làm một hơi: “Ngô Khắc Tài đây he. Hèn chi “Bông hoa nở muộn” nở ở “Phố không đèn” tối thui”. Thú thật tôi có tính cầu toàn, chưa bao giờ bằng lòng về mình, viết ra, sách in ra rất ít tặng ai. Bỗng dưng một người xa lạ biết mình, một đứa coi như mới tập sự viết lách với những tác phẩm đầu tay. Cử chỉ của anh lập tức nổi liền khoảng cách của một người viết đi trước, với một đứa chập chững với nghề. Anh chỉ mới biết tôi qua trang viết chớ đâu biết tôi là đứa như thế nào, vậy mà anh dẫn tôi về nhà chơi rồi ngủ lại. Sau đó một buổi tiệc nhỏ tại nhà anh họp đủ mặt mũi văn thơ đất Vảng (Vĩnh Long), nhà thơ Song Hảo, Thái Hồng, Văn Quốc Thanh nhà văn Phạm Trung Khâu, Trần Thôi, Hồ Tĩnh Tâm. Hóa ra nhà của Nguyễn Bạch Dương là địa chỉ mở rộng cửa cho gió ra vào, anh em văn nghệ sĩ tới lui. Bao giờ cơ quan ngoài thủ trưởng còn có người không có chức vụ nhưng lại là thủ lĩnh tinh thần, tôi thấy nhà thơ Nguyễn Bạch Dương như vậy với văn nghệ đất Vảng (Vĩnh Long).
Nhớ Nguyễn Bạch người của một thời, hay là nói thời đại nào có con người ấy cũng được. Thời gian hai chiều để người nhớ nhiều thứ. Cái gọi là nghệ thuật sống phải biết quên nhưng lại có những việc khó mà quên. Đó là không khí tưng bừng của những năm đầu giải phóng. Đất nước trải qua năm tháng dài chiến tranh nay chấm dứt nên những ngày này thật là vui. Đây là niềm vui lớn nhất, như đẩy lùi những nổi buồn riêng tư lại phía sau. Và nó cũng như chưa có nhiều hiện tượng để làm ra cái gọi là diễn biến tư tưởng thời gian sau này. Không khí văn nghệ lúc đó cũng vậy. Phong trào ca hát nổi lên. Lỗ tai dân miền Tây chưa quen với cái gọi là nhạc đỏ nhưng miễn nó hay nên đi đâu cũng nghe người hát Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Tiếng đàn Ta Lư rộn ràng… Các hội văn nghệ được thành lập tập hợp dân viết lách với văn thơ đáp ứng nhu cầu xã hội mới. Phải nói niềm vui lớn nhất nó đã tập hợp mọi người lại, tạo ra phong trào văn nghệ lúc này thật là vui. Những nhà thơ, nhà văn. Nguyễn Bá, Lê Trí, Nguyễn Thanh, Văn Định, Anh Động từ trong chiến khu ra gặp đám văn nghệ ngoài thành. Bao năm xa cách gặp nhau trò chuyện thâu đêm suốt sáng như chưa hết chuyện. Như chưa đủ còn họp nhau kéo đi qua các tỉnh bạn giao lưu văn nghệ các tỉnh lúc này hay đi qua đi lại với nhau. Anh em ghé ngủ nhà ai cũng được, ngủ bụi hết chỗ này đến chỗ kia. Và chuyện nhậu nhẹt lúc này hình như bày ra để ngồi với nhau. Nhậu nhẹt gì chỉ có mấy chai rượu đế, mồi là ít con khô nướng, xoài sống hoặc dĩa cá chiên. Vậy mà nó say, say tình bạn vì mồi để nhậu ở đây chính là tinh thần. Có rượu vào lời ra, thơ ra truyền cho nhau cảm hứng.
Qua những việc vừa nói góp phần nổi lên không khí viết lách, miền Tây lúc này rất nhiều tác phẩm được đánh giá cao ra đời và xuất hiện những tay viết trẻ lần lượt được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam. Và cũng qua không khí ấy phát sinh phong trào liên kết các hội văn nghệ ĐBSCL. Sở dĩ nhớ chuyện đã qua vì xã hội như đã thay đổi, cuộc sống khá hơn trước và tiền bạc vật chất lên ngôi. Và do đâu con người cũng khác xưa? Đi đâu phải chuẩn bị tiền để mướn nhà trọ, khách sạn, hết chuyện ngủ nhà bạn trò chuyện bù khú như không còn chuyện để nói là phải. Ngày nay gặp nhau là kéo ra quán để uống bia hết tăng 1, qua tăng 2. Về nhậu phải có mồi màng có thịt thà. Nhậu phải có đàn bà mới vui. Các hội văn nghệ như không còn là mái nhà, mà nó trở thành cơ quan hành chánh của Nhà nước. Một số nhà văn, nhà thơ biến thành những ông quan văn nghệ đặc quyền đặc lợi. Và người làm thơ ngày nay cũng rất đông đến độ sinh ra bội thực, cũng có nhiều bài thơ hay nhưng rồi lại quên đi không nhớ như ngày xưa. Qua thời gian hai chiều cho thấy có một thời vui, vui trọn một thời buồn, buồn lại sâu hình như người ngày nay không như xưa sống ảo vì có điều gì đó ở trong lòng lại không nói hết ra.
Nhớ về Nguyễn Bạch Dương, tôi không thể nhớ lại một thời biết tìm đâu. Vẫn nhớ mỗi lần gặp Nguyễn Bạch Dương hay hỏi “có viết gì mới đưa coi”. Anh chứng tỏ được sự quan tâm đến bạn bè nên mấy tay làm thơ trẻ ở Vĩnh Long thường đưa bài cho anh đọc trước khi gởi đăng báo, để nghe những lời góp ý chân tình. Lần lượt anh em được kết nạp vô Hội nhà văn VN, Nguyễn Bạch Dương rất xứng đáng nhưng lại không chịu vô. Mọi người theo vận động mãi cuối cùng Nguyễn Bạch Dương đến năm 1992 mới đồng ý, như là số mệnh đã định sẵn. Hội nhà văn VN kết nạp anh làm hội viên, thì khoảng hai năm sau anh qua đời.
Nhớ Nguyễn Bạch Dương qua một bài thơ “Ném xuống ao một chút lòng/ Chờ xem sóng gợn mấy vòng nghĩa nhân/Vạch tìm trong đám cỏ xuân/ Hỏi thăm châu chấu mấy lần ghé qua/ Trả nguyên mặt đất thật thà/ Bao nhiêu cây dại nở hoa tím đồng/ Cám ơn lá nhỏ trôi sông/ Vẽ ra hình tượng bão giông những ngày/ Giữ lời ơn của hôm nay/ Gieo mầm vào đất những ngày gió quên/ Mai sau từ trận mưa rền/ Hồn người lá cỏ xanh lên mộ phần ”. Bài thơ được viết vào năm anh đã biết mình mang bệnh ngặt. Hình như anh cũng biết trước số mệnh và gửi gấm vào thơ điều gì đó. Nguyễn Bạch Dương. Viễn. Viễn. Hoa
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét