Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

Smartphone đang “giết” bạn từng ngày, theo đúng nghĩa đen






Việc tăng cortisol, loại hóc môn liên quan tới việc căng thẳng, khi sử dụng điện thoại có thể gây ra những hậu quả lâu dài với sức khỏe người dùng.


Giống như nhiều người, có lẽ, đã đến lúc bạn nên quyết định dành ít thời gian hơn cho chiếc điện thoại của mình. Đó thực sự là ý tưởng hay bởi có những bằng chứng khoa học cho thấy việc dành thời gian cho điện thoại thông minh đang phá hủy giấc ngủ, trí nhớ, các mối quan hệ, khả năng tập trung, sáng tạo cũng như việc giải quyết vấn đề và ra quyết định của bạn.
Tuy nhiên, đó cũng chưa phải tất cả. Các nhà khoa học khẳng định việc sử dụng điện thoại thông minh thường xuyên có thể làm tăng lượng cortisol, loại hóc môn gây ra tình trạng stress. Việc sử dụng điện thoại giờ đây còn đe dọa sức khỏe, thậm chí là rút ngắn cuộc sống của những người sử dụng, New York Times cho hay.
Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các cuộc thảo luận xung quanh smartphone mới chỉ tập trung vào dopamine, một loại chất được sản sinh trong não bộ giúp con người hình thành thói quen, hay nói cách khác là nghiện. Giống như máy đánh bạc, điện thoại thông minh và những ứng dụng được thiết kế cho chúng rõ ràng nhằm mục đích kích hoạt sản sinh dopamine, khiến con người ta khó đặt chúng xuống.
Những tác động của dopamine là lý do tại sao nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về hiện tượng nghiện điện thoại. Tuy nhiên, dopamine vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Việc chứng minh những chiếc điện thoại làm tăng lượng hóc môn cortisol có thể khiến tình trạng sử dụng smartphone trở nên đáng báo động hơn nữa.
Cortisol là loại hóc môn có thể gây nhiều tác động. Sự giải phóng hóc môn này làm kích hoạt những thay đổi sinh lý, chẳng hạn như tăng huyết áp, nhịp tim và lượng đường trong máu. Trong trường hợp nguy cấp, cortisol giúp cơ thể phản ứng ngay lập tức trước những mối đe dọa tới tính mạng.
Cortisol chắc chắn sẽ rất hữu dụng trong trường hợp bạn gặp nguy hiểm về thể chất, chẳng hạn như đang bị một con bò đực tấn công. Tuy nhiên, sẽ thật tệ nếu cortisol được sản sinh khi bạn dùng điện thoại. Check email và nhận được một bức thư điện tử đầy giận dữ từ sếp cũng khiến bạn căng thẳng về mặt xảm xúc, giống hệt khi cơ thể đứng trước những mối nguy hiểm.
Nếu chỉ thỉnh thoảng xảy ra, việc cơ thể sản sinh cortisol lúc dùng điện thoại sẽ không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, một người Mỹ dành trung bình 4 giờ mỗi ngày để nhìn vào màn hình smartphone và giữ nó trong tầm tay mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi ngủ. Kết quả là những chiếc điện thoại thông minh, trang bị đẩy đủ các ứng dụng mạng xã hội, thư điện tử và đọc tin tức, khiến con người có nghĩa vụ liên tục làm việc, tạo ra những căng thẳng ngoài ý muốn.

David Greenfield, giáo sư tâm thần học tại Trường Y khoa thuộc Đại học Connecticut, nhấn mạnh: "Mức độ cortisol tăng lên khi điện thoại của bạn ở trong tầm nhìn hoặc gần đó, khi bạn nghe điện thoại hay thậm chí là bạn nghĩ bạn sẽ nghe điện thoại. Đó là một phản ứng căng thẳng và khó chịu, khiến cơ thể chống lại bằng việc kiểm tra điện thoại để giúp căng thẳng biến mất".
Như vậy, việc kiểm tra điện thoại sẽ khiến bạn dịu lại trong một giây nhưng có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn trong thời gian dài. Bất cứ khi nào kiểm tra điện thoại, bạn có thể thấy một thứ gì đó đầy căng thẳng đang chờ đợi mình, dẫn tới sự biến động cortisol. Đó cũng là lý do bạn luôn muốn kiểm tra điện thoại để giảm lo lắng. Chu kỳ này diễn ra liên tục sẽ dẫn đến việc tăng cortisol mãn tính.
Tăng cortisol mãn tính chính là mấu chốt của vấn đề. Nó khiến cơ thể mắc các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như trầm cảm, béo phì, tiểu đường, huyết áp, đau tim, mất trí nhớ và cả đột quỵ. Bác sĩ Robert Lustig, giáo sư danh dự về nội tiết của Đại học California, cảnh báo: "Mọi căn bệnh mãn tính chúng ta biết đều sẽ trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng. Những chiếc điện thoại góp phần vào việc này".
Bên cạnh những tác động lâu dài tới sức khỏe, tình trạng căng thẳng do điện thoại thông minh có thể ảnh hưởng tới chúng ta theo những cách đe dọa tính mạng ngay lập tức. Nồng độ cortisol tăng cao làm suy yếu vỏ não trước trán, khu vực quan trọng của não bộ chịu trách nhiệm ra quyết định và suy nghĩ hợp lý.
"Vỏ não phía trán vô cùng quan trọng. Nó giúp chúng ta không làm những điều ngu ngốc", bác sĩ Lustig nhấn mạnh.
Việc suy giảm vỏ não trước trán làm giảm khả năng tự kiểm soát. Khi cơ thể chịu đựng sự căng thẳng quá lớn bắt nguồn từ những chiếc smartphone, người ta thường có xu hướng làm điều gì đó để giải tỏa. Những hành động ngu ngốc, chẳng hạn như nhắn tin khi lái xe, có thể khiến người dùng tử vong chỉ vì giảm căng thẳng trước mắt.
Tác động của căng thẳng có thể được khuếch đại hơn nữa nếu chúng ta liên tiếp lo lắng rằng điều tồi tệ gì đó sắp xảy đến, dù là một cuộc tấn công vật lý hay một bình luận gây phẫn nộ trên mạng xã hội. Đôi khi, người ta còn cảm thấy điện thoại rung trong túi dù thực tế, nó còn chẳng nằm trong đó.
Smartphone đang “giết” bạn từng ngày, theo đúng nghĩa đen - Ảnh 2.
"Mọi thứ chúng ta làm, mọi thứ chúng ta trải nghiệm có thể ảnh hưởng tới sinh lý và thay đổi các mạch máu trong não theo cách khiến chúng ta phản ứng với căng thẳng ít hoặc nhiều", Bruce McEwen, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Thần kinh học  của trường Đại học The Rockefeller, cho hay.
Bác sĩ McEwen cũng nhấn mạnh rằng mức cortisol cơ bản của chúng ta sẽ tăng lên nếu chúng ta ngủ ít hơn 7 hoặc 8 tiếng trong một chu kỳ 24 giờ. Việc kiểm tra điện thoại trước khi ngủ khiến cơ thể bị ảnh hưởng ít nhiều tới việc điều hòa mức cortisol, gây ra những mối nguy hại lâu dài tới sức khỏe.
Tin tốt là nếu chúng ta có thể phá vỡ chu kỳ lo âu này, chúng ta có thể giảm mức cortisol, điều giúp cải thiện tình trạng sức khỏe và giảm thiểu những rủi ro bắt nguồn từ căng thẳng trong dài hạn. Theo thời gian, Bác sĩ McEwen nói, nó thậm chí còn có thể kiềm chế bộ não của chúng ta để chúng ta không còn bị cảm giác căng thẳng khi không sử dụng điện thoại.
Để hiện thực hóa điều này, hãy tắt những thông báo trên điện thoại di động ngoại trừ những thứ bạn thực sự muốn nhận. Tiếp theo, hãy chú ý đến cách các ứng dụng riêng lẻ khiến bạn cảm thấy mình cần phải dùng chúng. Hãy ẩn những ứng dụng này khỏi màn hình chính hay tốt hơn nữa là xóa chúng trong một vài ngày để kiểm tra lại cảm giác của chính mình.
Smartphone đang “giết” bạn từng ngày, theo đúng nghĩa đen - Ảnh 3.
Ngoài ra, hãy chú ý tới cách những ứng dụng riêng lẻ tác động đến bạn. Bác sĩ Judson Brewer, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới Mindfulness của Đại học Brown, cho rằng: "Nếu chúng ta không thể nhận thức được vấn đề về thể chất, chúng ta sẽ không thể thay đổi hành vi. Căng thẳng và lo lắng thường biểu hiện bằng các cơn co thắt ở ngực".
Thường xuyên nghỉ giải lao cũng là một cách hiệu quả để cân bằng hóa học cho cơ thể bạn và lấy lại cảm giác kiểm soát. Ngừng dùng điện thoại trong một quãng thời gian nhất định hoặc bỏ chúng xa bàn ăn có thể là một bước đi đúng hướng.
Ngoài ra, hãy cố gắng đừng để cảm giác thèm điện thoại dễ dàng được thỏa mãn. Dù không dễ nhưng đây thực sự là một cuộc chiến kéo dài để bạn cảm thấy tốt hơn mỗi ngày, dù có thể cần thời gian để nhận ra. Trên hết, nó có thể giúp chúng ta sống lâu hơn, theo đúng nghĩa đen.
Theo Trí thức trẻ
http://genk.vn/smartphone-dang-giet-ban-tung-ngay-theo-dung-nghia-den-20190630103222905.chn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: