Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

TQ sẽ 'không cho' bàn về Hong Kong tại G20


Joshua Wong, đồng sáng lập đảng Demosisto phát biểu trước người biểu tình bên ngoài Trụ sở Cảnh sát Hong Kong hôm 21/6. Hàng ngàn người biểu tình đã tràn xuống con đường gần trụ sở chính phủ và trụ sở cảnh sát, yêu cầu lãnh đạo Hong Kong, bà Carrie Lam từ chức và rút toàn bộ dự luật dẫn độ.



BBC
24.6.2019

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Trương Quân cho biết Trung Quốc sẽ không cho phép thảo luận về vấn đề Hong Kong tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới, theo Reuters.

Các vấn đề Hong Kong là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, ông Trương Quân phát biểu tại một cuộc họp hôm 24/6 tại Bắc Kinh.


Hàng triệu người đã xuống đường biểu tình tại Hong Kong trong tháng này để phản đối dự luật cho phép dẫn độ người được cho là phạm tội về Trung Quốc để đối mặt với các phiên tòa tại các tòa án do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.

Dự luật này đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ qua tại Hong Kong, khi cảnh sát bắn đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông. Sự chèn ép của Bắc Kinh cũng châm ngòi cho các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của phong trào Dù Vàng năm 2014, làm tê liệt một phần Hong Kong trong 79 ngày.
Ông Tập Cận Bình sẽ dự G20

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật vào tuần sau, Tân Hoa Xã cho biết hôm 23/6, đưa ra xác nhận chính thức đầu tiên về sự kiện.

Theo Reuters, tại diễn đàn này, ông Tập dự kiến sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức tại thành phố Osaka từ ngày 27-29/6. Tân Hoa Xã không cho biết thêm chi tiết về chuyến đi của ông Tập.

Cuộc gặp Trump-Tập có thể là mấu chốt để đưa các cuộc đàm phán trở lại đúng hướng để làm giảm căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Trước khi 'đối mặt' với Donald Trump ở G20, ông Tập thăm Bình Nhưỡng để 'tăng vị thế' nhờ nắm con bài Kim Jong-un, theo một báo Anh.

Ông Tập Cận Bình dự kiến có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông tới CHDCND Triều Tiên vào hai ngày 21 và 22/6/2019.

Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Trung Quốc sang láng giềng, đồng minh duy nhất Đông Bắc Á từ 14 năm qua.

"Qua việc mở hội nghị thượng đỉnh với ông Kim, nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn cho Hoa Kỳ và Nam Hàn thấy họ có thể đóng vai trò điều phối viên cho thảo luận xóa bỏ vũ khí nguyên tử và họ có thể đưa ông Kim quay trở lại bàn đàm phán," bà Ahn Yinhay, giáo sư ngành quan hệ quốc tế ở Đại học Nam Hàn (Korea University), Seoul nói với tờ Telegraph của Anh.

Theo chuyên gia này, ông Tập cũng muốn dùng ảnh hưởng với Bắc Hàn để tạo thế cho Bắc Kinh nhằm tạo tiến bộ trong cuộc thương chiến ngày càng nặng nề với Mỹ.

Thậm chí, tác động của Trung Quốc lên Bắc Hàn có thể trở thành lá bài cho Bắc Kinh trong các vấn đề như Đài Loan và tranh chấp Biển Đông, theo tờ báo Anh.

Một nhà quan sát khác, giáo sư Viên Kính Đông, từ Đại học Sydney đồng ý rằng chuyến thăm của ông Tập nhằm gửi ra thông điệp "quý vị không thể bỏ qua Trung Quốc".

Theo ông, Chủ tịch Tập sẽ dùng hội nghị thượng đỉnh với ông Kim là "lá bài mặc cả" trong thương chiến với Mỹ.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: