Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019

Vì ham vàng, C. Columbus từng khiến 50.000 người da đỏ chết đói


Cuốn sách “Columbus: Bốn chuyến hải hành (1492-1504)” của tác giả Laurence Bergreen đã tái dựng lại sự nghiệp phiêu lưu đầy thăng trầm của nhà thám hiểm nổi tiếng Columbus.
Được viết dựa trên những ghi chép của chính Columbus và những người bạn đồng hành, với những quan điểm sống động, với chi tiết phong phú, đa chiều, cuốn sách thu hút đông đảo độc giả, như những cuốn tiểu sử trước đó của Bergreen về Marco Polo, Magellan, Simon Winchester, và Tony Horwitz.
Bốn chuyến hải hành nổi tiếng trong cuộc đời thám hiểm của Columbus, chính là chuyến hải hành thứ nhất (1492-1493), là chuyến hải hành phát hiện ra Tân Thế giới với mọi hứa hẹn của nó.
Vi ham vang, C. Columbus tung khien 50.000 nguoi da do chet doi hinh anh 1
Sách Columbus: Bốn chuyến hải hành (1492-1504), bản tiếng Việt do dịch giả Đặng Tuyết Anh chuyển ngữ.
Sau chiến thắng đầu tiên, mọi chuyện trở nên tệ hơn nhiều trong suốt quá trình chuẩn bị vội vã cho hải hành thứ hai (1493-1493). Columbus dự định củng cố các thành tích của mình từ năm trước đó, thuộc địa hóa Tân Thế giới, và định vị Trung Hoa một lần cuối. Nhưng cuối cùng, ông gần như đánh mất toàn bộ những gì mình từng có.
Chuyến hải hành đen tối thứ ba (1498-1500) Columbus đã trải qua nhiều sóng gió, khi giấc mơ chạm vào Trung Hoa ngày càng xa vời, và cách thức quản lý vùng đất mới tìm kiếm của ông đã gây ra nhiều bạo lực, chết chóc cho người da đỏ.
Hành trình bão táp lần thứ tư (1502-1504), thường được gọi là High Voyage (Hành trình lạc quan), bắt đầu như một hành trình mang tính xác minh cá nhân về danh dự của ông đã kết thúc như một Robinson Crusoe - chuyến phiêu lưu bị đắm tàu và cứu thoát mạng sống bị đe dọa của tất cả những người tham gia.

“Vô tình” khám phá ra Tân Thế giới (1492-1493)

Vào sáng thứ sáu, ngày 12/10/1492, Columbus cập bến phiêu lưu theo sau là anh em nhà Pinzon: Martin Alonso thuyền trưởng tàu Pinta, và Vicente Yanez thuyền trưởng tàu Nina. Đây chính là thời kỳ tiếp xúc đầu tiên với vùng đất mới.
Tại đây, hai nhóm người đến từ hai nửa bán cầu tách biệt đã bị cuốn vào nghi thức cơ bản nhất: trao đổi. Columbus cũng bắt đầu tìm cách để hợp thức hóa khám phá của mình, cho triệu tập thư ký đội tàu và viên kiểm soát đến để “chứng kiến việc tôi đã chiếm hữu hòn đảo này cho Vua và Nữ hoàng”.
Vào thứ hai, ngày 15/10, Columbus thận trọng hướng tới hòn đảo khác, mà tất cả những đặc điểm của nó được Columbus mô tả giống với đảo Long Island, Bahamas. Đảo dài 80 dặm và chỉ rộng có 4 dặm, mang hình dáng của một đống cát và đá lởm chởm nhô lên khỏi mặt biển. Phong cảnh nơi đây đã khiến ông vô cùng kinh ngạc.
Trong cuốn nhật ký hành trình của mình, ông “quẩn quanh với những mô tả chung về các bờ biển, bến cảng, thủy triều, và chỗ nước nông”, bởi ông cố che giấu “những lý thuyết và thực hành hàng hải của mình”.
Đây là việc rất nguy hiểm vào thời đó, nếu không cẩn thận, ông có thể sẽ bị bỏ lại ở Seville hay Lisbon, chứng kiến những chuyến đi sao chép lợi dụng các khám phá của ông.
Càng tìm hiểu nhiều về lục địa mới khám phá, Columbus càng trở nên hoảng loạn, “vì đế chế mà ông đang tìm đã cho thấy nó rộng lớn hơn và đa dạng hơn rất nhiều so với ông hình dung”.
Vi ham vang, C. Columbus tung khien 50.000 nguoi da do chet doi hinh anh 2
Những trang phụ lục màu đặc sắc về những chuyến khám phá biển khơi của nhà thám hiểm vĩ đại Columbus.
Điều thú vị nhất là Columbus hoàn toàn nhầm lẫn khi đang ở giữa Bahamas, nhưng ông vẫn tin rằng mình đã đến ngưỡng cửa châu Á. Trên thực tế, Quinsay nằm cách vị trí của ông ở vùng biển Caribbean tới hơn 8000 dặm. Ông cũng cho rằng, mình cách Nhật Bản, hay Cipango, chỉ một ngày đường biển, chứ không phải 8.000 dặm.
Columbus cùng những người Tây Ban Nha đã vô cùng ngỡ ngàng với thiên nhiên đa dạng và đời sống dân tộc đầy màu sắc của những người da đỏ nơi đây. Trong mắt Columbus, đây đúng là một xứ sở kỳ diệu và rực rỡ. Ông đã dành rất nhiều trang trong cuốn nhật ký hàng hải để ca ngợi thiên nhiên và con người Tân thế giới.

Ảo tưởng tìm vàng, và thảm họa với người da đỏ

Trong chuyến hải hành thứ ba, vào ngày 1/8/1498, Columbus mới chính thức đặt chân đến lục địa châu Mỹ.
Tại đây người Tây Ban Nha bắt đầu thiết lập chế độ cai trị. Columbus, cùng hai người anh em của mình, đã thành lập thêm bao pháp đài, để củng cố hệ thống cống nạp, phá hủy nền kinh tế vững vàng trước đây của hòn đảo.
Theo lệnh của Columbus, mỗi người da đỏ trên 14 tuổi phải nộp một lượng vàng tương đương lượng vàng đựng trong chiếc chuông nhỏ. Những ai không tuân theo thì nhận được một miếng đồng có đóng dấu để đeo quanh cổ, và nó đã trở thành biểu tượng của sự xấu hổ khó dung thứ.
Trong lúc đó, người da đỏ khai thác kiệt quệ lượng vàng hạn chế của hòn đảo, và một lượng có vẻ khiêm tốn cũng ngày càng khó khăn mới có được, thậm chí phải nỗ lực không ngừng lọc trong cát và bụi cây.
Hệ thống này đã phá hủy mọi cơ hội để người da đỏ có thể trợ giúp hay hợp tác với người Tây Ban Nha. Bằng cách áp đặt hệ thống này, Columbus đã tạo nên nhiều những căm phẫn từ phía người da đỏ.
Giấc mơ vàng của Columbus đã khiến cả hòn đảo chết đói. “Người ta chỉ cho ông thấy rằng người bản xứ bị một nạn đói hành hạ rộng khắp đến mức hơn 50.000 người đã chết, và mỗi ngày họ lại đổ gục mọi chốn như những đám đông bị ốm”.
Vi ham vang, C. Columbus tung khien 50.000 nguoi da do chet doi hinh anh 3
Chân dung nhà thám hiểm Columbus.
Thực tế còn khủng khiếp hơn cả nạn đói, đó là sự tự hủy diệt. Người da đỏ phá hủy các kho bánh để cả họ lẫn kẻ xâm lăng đều không thể ăn được. Họ nhảy xuống từ vách đá, dùng rễ cây tự đầu độc, và họ nhịn đói đến chết.
Trong khi nổi tiếng với chuyến đi đột phá đến Caribbean năm 1492, Columbus đã trở lại Tân Thế giới ba lần, khám phá hàng trăm hòn đảo, thiết lập các khu định cư ở Hispaniola, khám phá bờ biển của Venezuela và Trung Mỹ hiện đại. Columbus là một bậc thầy trên biển, nhưng là thảm họa trên đất liền.
Tác giả Laurence Bergreen đã rất sắc sảo khi trình bày các sự kiện liên quan đến cuộc đời Columbus, khiến hình ảnh Columbus hiện lên đầy mâu thuẫn, vô cùng bí ẩn và lôi cuốn.

Đắm tàu và sống như Robinson Crusoe trên đảo hoang

Trong chuyến hải hành thứ tư, Columbus đã lên tàu cùng con trai Ferdinand, khi ấy mới 13 tuổi, khám phá vùng biển Caribbean, Trung Mỹ và đảo Jamica.
Theo tác giả, đây là “chuyến đi hoang dã nhất, thiếu thận trọng nhất, và khắc nghiệt nhất trong tất cả các chuyến đi”.
Giữa tháng 7/1952, một loạt các cơn bão ập đến vùng biển Caribbean, nhưng Columbus cùng người của mình vẫn cố đi đến vùng nước an toàn hơn ở Yaquimo, nay là Haiti, để tránh bão. Nhưng trong thời gian an nhàn dập dềnh phía nam ngoài bờ biển Honduras, “họ đã sa vào sai lầm trầm trọng”.
Trong tình cảnh bão lũ triền miên, Columbus vẫn tiếp tục chiến đấu, ông liên tục thay đổi đường đi. Có lúc trong cơn mệt mỏi, ông tuyệt vọng rên rỉ “với tất cả hệ thống dây buồm đã bị mất, mấy con tàu bị hà đục thủng còn hơn cả tổ ong, và thủy thủ đoàn sợ hãi và tuyệt vọng, thì tôi chẳng thể đi xa hơn được lúc trước bao nhiêu”.
Con tàu dần chìm, khi họ nhìn thấy bến cảng rộng rãi hiện ra thanh bình, nhưng có vẻ không có nguồn nước ngọt, cũng không có ngôi làng Anh-điêng nào. Cuối cùng họ cập bến hòn đảo hoang vắng.
Trong suốt những ngày chờ đợi cứu viện nơi đảo hoang, đau đớn, bệnh tật đã ập đến, cùng với những cuộc nổi loạn của phe phản bội, nhưng với sự hiểu biết tinh tế về hàng hải, Columbus vẫn tìm được con đường để “cứu vớt cuộc đời mình”.
Vi ham vang, C. Columbus tung khien 50.000 nguoi da do chet doi hinh anh 4
Lần đầu tiên Columbus đặt chân lên đại lục châu Mỹ, tại bán đảo Paria ở Venezuela ngày nay.
Ngày 28/6/1504, “sau các vật lộn để sống sót và chiến đấu với nhau, những kẻ bị mắc cạn, trước đó đã mất hết hy vọng, giờ cảm thấy nhẹ nhõm hơn là hăm hở bước lên con tàu sẽ trở họ ra đi”.
Chuyến hải hành thứ tư đã để lại những trải nghiệm không thể nào quên cho những người trở về.
Những sự kiện về chuyến hải hành thứ tư của Columbus được tác giả dẫn rất nhiều từ ghi chép của con trai Columbus, nhưng vẫn giữ được màu sắc khách quan khi xây dựng hình ảnh của vị thuyền trưởng Columbus tài ba.
Bốn chuyến hải hành của Columbus đã làm nên một câu chuyện phiêu lưu vĩ đại nhất trong lịch sử. Mặc dù ông không phải là nhà thám hiểm đầu tiên nhìn thấy hay đến thăm những bến bờ xa xôi của châu Mỹ, nhưng khám phá của ông đã vĩnh viễn gieo trồng một thực tế về Tân Thế giới trong trí tưởng tượng - và những âm mưu chính trị - của Cựu Thế giới.
Ông có một tầm nhìn - và đồng thời là sự ảo tưởng - để hình dung, và tự thuyết phục mình cùng những người khác rằng ông đã tìm ra một thứ gì đó rất bao la, quan trọng và lâu dài.
Cuốn sách tiểu sử Columbus: Bốn chuyến hải hành (1492-1504) của tác giả Laurence Bergreen, đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ báo chí và các nhà phê bình, nó được xem là “một thiên anh hùng ca đầy say mê, đồng thời cũng là sự tái hiện chân dung của một nhân vật phức tạp, quyến rũ, và mâu thuẫn nhất từng dong buồm ra khơi” (USA Today).
Phong Linh / Sách hay / Zing


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: