Nhà văn Tạ Duy Anh - một biên tập viên kĩ tính của NXB Hội Nhà văn Việt Nam, một giọng văn cá tính trên văn đàn Việt Nam đương đại. Ngoài cái tên quen thuộc đối với bạn đọc yêu văn chương, Tạ Duy Anh còn có các bút danh: Chu Quý, Lão Tạ, Quý Anh,… Tên thật của anh là Tạ Viết Đãng, sinh năm 1959, tại huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây cũ (nay là thành phố Hà Nội). Anh đã xuất bản sáu tiểu thuyết và hàng chục tập truyện ngắn, tản văn, truyện thiếu nhi… VanVN.Net xin trân trọng giới thiệu ba truyện ngắn của Tạ Duy Anh, tuy không phải những tác phẩm mới nhất, nhưng để lại trong lòng bạn đọc ấn tượng khá đặc biệt sau khi đã đọc.
Nhà văn Tạ Duy Anh (bên phải) và nhà văn Đào Bá Đoàn (ảnh: PL)
Mr. Ban
Mậu Dần (Bảo Phù) năm thứ 6 (Tống Cảnh Viêm năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, dân chết nhiều vì bệnh đậu mùa.
Mùa hạ lúa mất mùa.
Tháng 6 có ngôi sao lớn sa về phương Nam rơi xuống biển, hơn hai ngàn ngôi sao nhỏ rơi theo. Tiếng kêu như sấm đến vài khắc mới hết.
Mùa thu tháng 8, động đất 3 lần, nhiều súc vật chết.
Mùa đông, tháng 10, ngày 22, vua nhường ngôi cho Hoàng thái tử.
(Đại Việt sử ký Toàn thư, bản khắc Chính Hoà thứ 18).
Trước khi về công tác tại một cơ quan khá quan trọng, tôi được dặn đi dặn lại rằng, mọi việc đã có Mr Ban lo cho từ A đến Z, chỉ cần làm đúng như lời Mr Ban là hoàn thành nhiệm vụ. Trước khi xe chạy, vị thủ trưởng đáng kính ở thái độ tận tụy với công việc - nếu đem so với tuổi ngoài 60 của ông - còn dặn với theo: Có khó khăn gì mà không thể giải quyết được thì nên nhớ vẫn còn có Mr Ban đấy nhé.
Tôi bày tỏ thái độ biết ơn sự chu đáo của ông nhưng do có muôn vàn ý nghĩ đang xáo trộn nên tôi không mấy quan tâm đến nội dung điều ông căn dặn. Chà, cứ làm như đi đánh địch trong vùng tạm chiếm thời của cha tôi không bằng. Có việc quái gì đám công chức đang làm mà lại không thể tìm ra cách để vượt qua. Ngả lưng trên nệm chiếc xe đời mới, thả lỏng toàn thân và trong trạng thái lơ mơ ngủ, tôi tiếp tục được nghe những người cùng đi trên xe nhắc đến Mr Ban. Chắc ngài là một nhân vật quan trọng, cứ cho là thế đi. Nhưng dù ngài có quan trọng đến đâu cũng không quan trọng bằng giấc ngủ của tôi sau nhiều ngày cuộc sống bị xáo trộn vì công tác mới. Tôi cũng không cần lo xa xem ở cái cơ quan mà tôi được phái tới tăng cường, liệu rồi tôi sẽ xoay sở ra sao trước những nhân vật lạ hoắc - mà theo một anh bạn rất có kinh nghiệm làm cán bộ của tôi thì phần lớn đều học hành tào lao nhưng âm mưu bức hại người khác thì vào loại xuất chúng. Anh thấy điều đó ở hầu hết những nơi anh từng làm việc. Anh bạn tôi bảo rằng nếu là anh thì chả có gì phải lo vì anh đã miễn dịch với các loại đòn phủ đầu, đòn giấu mặt, đòn đánh từ sau lưng, đòn trực diện hay những cú đấm được bọc sôcôla, những thủ thuật làm người khác điêu đứng. Anh đã quá quen với cảnh một chuyên viên từ nơi khác đến sẽ được tiếp đón ra sao. Hoặc anh đến để cùng về hùa với họ, biến trái đất giầu có này thành của chúng mình, hoặc anh trở thành kẻ ngáng chân họ. Trong trường hợp thứ nhất đương nhiên việc chính của anh là cố gắng tối đa đừng để họ mặc sức qua mặt một cách trắng trợn, ban cho bao nhiêu biết bấy nhiêu. Ngoài điều đó ra anh không phải lo nghĩ gì hết. Mọi việc đã được an bài từ trước khi anh đến. Còn trong trường hợp thứ hai thì anh sẽ đối mặt với cả một binh đoàn, một đội quân hùng hậu trong bóng tối, thậm chí còn kinh khủng hơn, với đầy đủ quyết tâm tiêu diệt kẻ thù và các loại phương tiện đủ cho anh biến mất, hoặc anh vẫn lù lù ra đấy nhưng không khác gì một sự biến mất. Lời của anh bạn tôi khiến bỗng dưng tôi cảm thấy chờn chợn và rất tự nhiên tôi nghĩ đến Mr Ban. Ông ta là ai nhỉ? Giá mà tôi biết ông ta trước khi đến nhận công tác có thể mọi việc sẽ thuận lợi hơn. Bằng vào thái độ của mọi người - tất cả đều tỏ ra cung kính, hoặc ít ra là giả vờ cung kính, thậm chí có phần thu mình lại - mỗi khi nhắc đến Mr Ban, tôi có cảm giác ông ta sẽ là người bảo trợ tốt nhất cho mình. Tôi quyết định không ngủ nữa, không thể ngủ thì đúng hơn. Những người đi cùng trên xe chuyển chủ đề sang một chuyện khác nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy sự hiện diện của Mr Ban.
- Tôi vừa hoàn thành bản đề án về cải tạo môi trường làm việc trong điều kiện độc hại của thợ thoát nước, chỉ còn phải trình qua Mr Ban nữa thôi - Một người vừa ngáp ngủ vừa nói.
- Ở chỗ ông đã lo xong vụ phát bao cao su miễn phí chưa?
- Cũng còn phải chờ Mr Ban. Ý của Mr Ban là làm có định hướng, đại loại nói thì cứ nói nhưng khi làm thì phải khôn ngoan mà ứng biến, cứ thẳng đuỗn như chủ trương nói công khai thì chả khác gì tiếp tay cho giặc.
- Hôm nọ Mr Ban gợi ý chúng tôi mấy việc, toàn loại ngon như óc chó nhưng chưa biết Mr Ban nói thật hay nói đùa để thử.
- Kinh nghiệm của tôi là Mr Ban muốn thế nào thì cứ làm theo đúng như thế, cấm chệch đi đâu được.
- Vấn đề là phải biết Mr Ban thực sự muốn gì. Nhiều khi ngài bảo thế này nhưng phải hiểu thế khác.
Người vừa buông ra câu nói có phần mệt mỏi ấy bỗng nhiên quay ngoắt lại nhìn thẳng vào mặt tôi. Hình như thấy tôi không có vẻ gì quan tâm, ông ta mới yên lòng. Nhưng từ đó cho đến khi chúng tôi chia tay, không một ai trên xe nói thêm gì nữa. Tất cả bỗng im như thóc. Tôi cố gắng tổng hợp ngần ấy thông tin về Mr Ban để hình dung ra ông ta ở một vài khía cạnh. Nhưng tôi có cảm giác không thể hình dung một người như vậy được, một nhân vật có thể quá cỡ hay có những khả năng và quyền hạn vô biên. Nó giống như người ta tốn công vô ích để hình dung về một kẻ biết tàng hình, không hiện diện nhưng có mặt ở bất cứ ngóc ngách nào.
Tôi phải tạm quên đi câu chuyện về Mr Ban để làm quen với môi trường công việc lạ hoắc với tôi. Tôi nhanh chóng nhận ra những gì bạn tôi dặn là không hề thừa. Ở chỗ nào tôi cũng trở thành đối tượng để mọi người mổ xẻ, thăm dò. Trước hết họ muốn biết tôi thuộc loại người nào, con cha, cháu chú ai, đứng phía sau là nhân vật nào và mục tiêu tôi đặt ra là gì. Tất cả thông tin về tôi được giải mã nhanh chóng và xem ra mọi người không có gì phải lo lắng. Thực ra việc về nhận công tác cùng với họ là một điều chính tôi không hề muốn. Tôi lại không có bất cứ vũ khí gì trong tay ngoài tấm bằng thạc sỹ tốt nghiệp ở nước ngoài. Mà điều đó thì mọi người không thèm chấp. Tất cả những nhà chuyên môn thực sự muốn tiến thân đều phải quên chuyên môn của mình đi. Tức là tôi cần phải trở thành như một con số không vô hại với họ. Mọi cái với tôi đều ở giai đoạn bắt đầu. Mà như vậy thì bất cứ ai cũng xứng đáng làm thầy tôi. Nhưng chúng tôi đã có sẵn ông thầy toàn năng là Mr Ban mặc dù chưa bao giờ tôi nhìn thấy ngài. Nhưng trước khi tìm hiểu xem ngài là ai, trong một thời gian dài tôi không còn tâm trí đâu để quan tâm đến xung quanh. Sự việc đến với tôi qua bất ngờ. Tôi bập vào yêu đương và tôi phát hiện ra đó là một việc làm ít bị chú ý nhất.
Thoạt đầu tôi không định để ý đến ai cả. Tôi sẽ làm trọn bổn phận của tôi, như một nhà chuyên môn, mặc dù như tôi đã nói, chuyên môn là thứ ít được đề cao nhất. Cùng trong tổ nghiên cứu vấn đề ẩn ức xã hội với tôi, ngoài hai cán bộ kỳ cựu, dày dạn kinh nghiệm làm đề án, chạy dự án với khả năng hư cấu miễn chê, còn có thêm một cô gái chuyên lo việc ghi chép trong các cuộc họp hay thảo luận tổ cũng như nhóm - tức là thành phần có thêm các nhân viên tổ khác. Cô có khả năng ghi rất nhanh, tóm lược chính xác ý của người khác và thể hiện dưới dạng văn bản. Những tập ghi chép của cô có thể cũng nặng ngang với số cân của cô. Chúng được gom thành từng tập, đóng xén rất cẩn thận, đánh số rất cẩn thận, được xếp theo đúng chuyên môn thư viện của cô, nghĩa là khi cần tìm được ngay và tạo cảm giác quy củ, nề nếp. Cô chỉ không nhớ số quyển ghi chép ấy là bao nhiêu và liệu chúng có được dùng vào việc gì không. Chính cô thổ lộ với tôi tâm sự đó bằng thứ giọng buồn buồn đầy tâm trạng và nó khiến tôi có một khoảnh khắc nhìn chăm chú vào cặp mắt cô. Chính cái khoảnh khắc đó lại làm nên chuyện. Lần đầu tiên kể từ hôm về cơ quan, tôi phải công nhận cô thư ký có một vẻ mặt không hề lạnh lùng như tôi nghĩ. Có lẽ do thói quen nghiêm túc trong quan hệ khiến cô hơi khó gần, thế thôi. Còn lại cô rất nữ tính và tinh tế. Về sau có điều kiện tìm hiểu sâu hơn, tôi mới nhận ra cô thực sự là con công trong cả một bầy quạ già hôi hám. Cô có một vốn kiến thức xã hội và gia đình khá chắc chắn. Cô cũng thực sự mến tôi. Chúng tôi đã thân thiết đến mức có thể đi chơi, uống cà phê với nhau. Trong khi mọi người chúi mũi vào đủ loại mánh múng thì chúng tôi cùng nhau say sưa nói về nhạc cổ điển, kiến trúc Pháp và tranh luận về một vài cuốn sách cũng như tác giả đang gây dư luận. Những cuốn sổ ghi chép của cô vẫn dày lên đều đặn. Những ý tưởng của tôi vẫn chồng chéo trong đầu và thỉnh thoảng được tôi mang ra thảo luận với cô. Khi đó cô rất chăm chú lắng nghe, đôi khi tỏ ra đăm chiêu nghĩ ngợi. Tôi thì được thể để thao thao bất tuyệt và chính tôi cũng ngạc nhiên về khả năng diễn thuyết của mình.
Một hôm, có lẽ phải nửa năm sau ngày chúng tôi gặp và đi chơi với nhau, bên một gốc cây và khi chắc chắn không có ai rình rập, rất tự nhiên cô nép vào ngực tôi và bảo rằng đôi khi cô rất cô đơn. Tôi hoàn toàn hiểu được tâm trạng đó. Thực ra chúng tôi đều là những kẻ cô đơn. Cũng rất tự nhiên tôi hôn cô, lúc đầu lên mái tóc, sau đó tôi xoay người cô lại và gắn cặp môi mình vào miệng cô. Cô đáp lại nhẹ nhàng nhưng cũng đủ cho tôi cảm nhận được tình cảm của cô. Hoá ra chúng tôi cùng chờ giây phút này từ lâu. Chúng tôi nhìn sâu vào mắt nhau như hai kẻ lạc loài chỉ còn tìm thấy ở nhau chỗ nương tựa. Và hoàn toàn hiểu nhau. Kể từ hôm đó công việc của chúng tôi vẫn thế nhưng không còn cảm giác nặng nề, bí bách như trước nữa. Mọi người làm gì thì cứ việc làm, xong công việc chúng tôi dành tất cả thời gian cho nhau và quên hết mọi thứ khác. Đúng như cảm nhận của tôi, cô thư ký quả là phụ nữ có một tâm hồn dịu dàng, bao dung và đầy trắc ẩn. Trời đã thương tôi khi cho tôi gặp được em. Những điều tôi quan tâm cũng nằm trong mối quan tâm của em. Chúng tôi đã bắt đầu nói xa xôi về một cuộc sống gia đình. Lẽ tự nhiên phải như vậy. Một hôm mưa gió, tôi ngỏ ý muốn ở lại cùng em qua đêm. Vợ chưa cưới của tôi nhìn tôi đắm đuối ngầm đồng ý. Chúng tôi ôm nhau nằm nghe mưa và nghe con tim mình cựa quậy trong lồng ngực đã trở nên quá chật chội.
- Anh muốn em ạ - tôi thì thầm phả hơi nóng hổi vào tai nàng.
- Em cũng thế… - nàng thành thật đáp lại và dụi đầu vào ngực tôi, y như con mèo con cầu mong được che chở. Tôi vuốt ve nàng bằng tất cả sự thành thật của một trái tim khao khát yêu đương. Nàng đáp lại cũng thành thật không kém. Nhưng khi mọi việc sắp diễn ra, chỉ còn một ly nữa là chúng tôi di vào nhau thì bỗng có độ một giây toàn thân nàng cứng đơ rồi cứ tự nhiên chuồi khỏi tay tôi. Một cái gì đó vừa xen vào giữa chúng tôi, đủ làm tiêu tan mọi cảm hứng. Tôi rã rời hỏi:
- Sao thế, em?
- Tự dưng em nghĩ tới Mr. Ban.
- Sao tự dưng em lại nghĩ đến ông ta, vào đúng lúc này. Ông ta là ai mà kinh khủng vậy?
- Em không biết... chưa bao giờ em nhìn thấy ông ta cả...
- Vớ vẩn, kệ xác thằng cha nào đó tên là Ban, ông ta có là quỷ sứ hay ma cà rồng thì cũng chờ ở ngoài cửa đã nhé.
- Hẳn là quỷ sứ hay ma cà rồng thì lại không sợ... nàng nói rất nhỏ. Tôi cố pha trò để xua đi không khí u ám phả ra trong giọng nói của nàng. Tôi tiếp tục điều tôi và nàng đều muốn làm. Nàng hoàn toàn bỏ mặc, thậm chí còn ý tứ tạo cho tôi sự dễ dàng. Nhưng chính tôi nhận ra là không thể cứu vãn được nữa. Mọi thứ đã tắt ngấm, đã bị tiêu huỷ. Nàng chỉ còn là cái xác không hồn, lạnh lẽo và vô cảm. Nếu cứ cố đấm ăn xôi sẽ vô cùng nhục nhã, vô cùng bất nhẫn và đểu cáng.
Đến lượt tôi cứng đơ như xác chết. Tôi chỉ muốn tan rữa ra hoặc phát điên. Bấy giờ nàng mới nhận thấy mối nguy hiểm của tình cảnh nàng vừa tạo ra. Nàng cuống cuồng chứng tỏ với tôi là nàng rất yêu tôi, quyết tâm cùng tôi đi đến cuối cuộc đời. Rằng, có lẽ do lần đầu nên nàng quá căng thẳng, hãy tha lỗi cho nàng, hãy cho nàng thêm chút thời gian. Tôi hoàn toàn tin tình cảm của nàng nhưng cảm thấy ê chề trước những lời biện bạch ấy. Một nỗi đau âm ỉ nhưng có sức tàn phá nhói lên trong tâm hồn tôi. Hình như ở đâu đó trong cả hai chúng tôi những giọt máu đang gỉ ra từ một vết thương sỉ nhục sẽ không bao giờ lành được nữa. Thời gian còn lại chúng tôi tìm cách an ủi nhau nhưng cứ thấy nó nhạt nhẽo, giả dối thế nào ấy.
Chúng tôi không nói lời chia tay nhưng vĩnh viễn là những kẻ xa lạ.
Tôi rơi vào trạng thái u uất mất một thời gian trong khi nàng thì luôn sống trong mặc cảm mình bị soi xét từ trong ra ngoài. Thay vào những cảm hứng trước đây ở tôi là một mối khinh bỉ mà chính tôi cũng không biết nhằm vào ai. Cuối cùng để trả thù cho nàng đồng thời giải thoát cho mình, tôi quyết định dành thời gian tìm hiểu cặn kẽ về người có tên là Ban và luôn được gọi là Mr. Ban đầy kính cẩn và sợ hãi. Tôi phát hiện ra một điều kỳ lạ do đó cũng rất đáng sợ là những người ngày ngày nhắc đến Mr.Ban, làm theo chỉ dẫn của Mr Ban, cũng giống như nàng, chưa một lần nào được diện kiến, chưa được thấy ông ta trực tiếp diễn thuyết. Có thể cả những người ngồi trên cùng chuyến xe với tôi hôm trước cũng chưa bao giờ có diễm phúc được gặp Mr. Ban. Nhưng mọi lời nói, mọi chỉ dẫn của Mr. Ban thì hầu như ai cũng thuộc nằm lòng. Mr. Ban nói thế này, ý của Mr. Ban, đừng để Mr. Ban nổi nóng, Mr. Ban đã muốn thì đừng có thay đổi, Mr. Ban không thích đâu, Mr. Ban không cho phép, Mr. Ban gọi... Những câu nói thành cửa miệng ấy tôi nghe thấy hàng ngày, ở bất cứ đâu người ta định làm gì đó, bàn luận thay đổi gì đó... Bạn đọc có thể sẽ thắc mắc là tại sao tôi không hỏi bất cứ ai trong số những người hằng ngày nhắc đến Mr. Ban rằng cái ngài tên Ban ấy là ai, đấy, cứ hỏi toẹt thế, sẽ biết ông ta là ai ngay việc gì phải tự làm khổ mình? Nhưng nếu làm thế thì mọi người sẽ nhìn tôi như nhìn một con vật đần độn, đến Mr. Ban là ai còn không biết thì làm ăn cái gì nữa. Vả lại hình như mọi người có một khế ước ngầm, coi câu hỏi đó là một sự báng bổ, một kiểu phạm húy mà kẻ nào mắc phải đều đáng bị nguyền rủa. Kể cả khi nhắc đến tên ngài cũng không được tuỳ tiện, không được có thái độ sàm sỡ... cũng là điều mọi người bảo nhau tuân thủ rất nghiêm túc. Và thế là tôi chỉ có thể hỏi chính mình thôi, rằng Mr.Ban là ai mà ông ta được trọng vọng, tôn kính, nể sợ đến thế? Nhưng tôi chưa biết làm cách nào để thỏa mãn thắc mắc ấy. Đúng vào dịp đó cơ quan tôi cử tôi xuống một trại chăn nuôi bò giống đang có vấn đề về mặt khiếu kiện. Tôi cần thu thập những số liệu cụ thể về phản ứng của những người bị trù dập trong thời gian họ chưa đưa sự việc ra ánh sáng. Nỗi bực tức của họ đã chi phối lời ăn tiếng nói cũng như hành động của họ thế nào, để lại hậu quả gì về mặt tình cảm, thói quen, đạo đức và những vấn đề xã hội khác. Thực lòng thì đó là một công việc khá thú vị. Giá kể mối tình của chúng tôi không bị đổ vỡ thì nàng nhất định sẽ đòi theo tôi đi bằng được. Nàng cũng thích khám phá tâm lý đám đông trước những ẩn ức tập thể. Nhưng ngày tôi đi nàng cũng đi đâu đó. Chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với nhau mặc dù ngày nào cũng ngồi cạnh nhau. Có thể giữa chúng tôi chính là Mr. Ban như có lần tôi nói đùa nàng và nàng im lặng khiến tôi cảm thấy mình đùa không được nhã lắm.
Trại giống bò làm gì tôi không cần biết. Còn nếu tôi cần điều đó thì tôi có thể tự trả lời: Họ gây giống bò. Nhưng nhiều năm việc gây giống những con bò ấy đã không còn cần thiết nữa. Tuy thế Trại gây giống thì cứ phải tồn tại và họ chuyển sang nuôi vịt, nuôi ba ba còn một số cho nghỉ hưởng lương chờ việc. Thế là xảy ra chuyện lạm dụng này nọ dẫn đến khiếu kiện. Tôi gặp tay trại trưởng khi ông ta đang ngồi ăn tiết canh lòng lợn và sôi nổi bàn về số đề. Miệng ông ta đỏ lòm, thỉnh thoảng lại nhổ phì một cái cọng rau thơm rửa chưa sạch xuống ngay bên dưới chỗ ngồi. Mẹ kiếp, bắt chuyện với cái của nợ này thế nào đây. Hắn ở với bò quá lâu nên dễ nhìn ai cũng ra bò lắm. Khi đó thì hắn sẽ nghĩ đến món lẩu gầu hơn là phải trả lời những câu hỏi mang tính điều tra xã hội. Lại là những câu kiểu gì cũng như kim đâm vào tai hắn. Tôi bỗng nảy ra ý định quan sát gã trại trưởng này và mặc dù chẳng thích gì món tiết canh, tôi cũng gọi một bát và một đĩa lòng - cầu mong đừng có lẫn giun sán trong những miếng lòng non kia.
- Mẹ kiếp, hôm qua quyết ăn đít cũng không xong, chệch đúng một số - gã trại trưởng vừa nhai vừa nói oang oang với bà chủ quán chắc chắn cũng có máu đề đóm.
- Đây hôm qua nuôi tiếp con dê cụ nhưng lại vuốt đuôi, ngần ấy ngày mà cụ vẫn biệt âm vô tín. Không biết ngài còn định nuốt không của con bao nhiêu nữa đây.
- Hôm nay kiểu gì con... cũng về. Vừa sáng ra đã thấy con bò đực cưỡi con bò cái già sắp chết. Của nợ. Còn đúng hai mống thất thập cổ lai hy, biếu không nhà hàng chúng cũng đánh cho gẫy răng...
- Bán mẹ nó tất cả đi mà chơi đề... - bà chủ quán nói xong thì ôm bụng cười.
- Chó già giữ xương, đã đ. có gì ăn lại còn lắm chuyện. Đang kiện đấy, cho kiện thoải mái, đây thiết chó gì cái chức trại trưởng. Suốt ngày đem Mr. Ban ra dọa. Mr. Ban thì cũng có xuất tinh thay bò được đâu. Lại còn nói dối như ranh nữa chứ.
Tôi cảm thấy như có một luồng điện chạy dọc sống lưng, một cảm giác vừa thú vị vừa lo lắng. Tôi nhai nhỏ nhẹ để chờ gã trại trưởng nói tiếp, bởi tôi đang muốn gã sổ ra những gì biết được về Mr. Ban mà ngay tại cái trại giống bò tiêu điều này ngài cũng hiện diện.
- Quá mệt mỏi với Mr. Ban - gã trại trưởng vừa đưa tay móc răng lôi ra miếng vụn lòng bị dính, vừa nói bằng giọng rõ ra là chế nhạo, điều mà tôi chưa nghe từ bất cứ miệng người nào cùng làm việc với tôi - chỉ giỏi làm khổ người khác. Chỗ nào cũng thò tay vào khua khoắng. Miệng thì nói đạo đức nhưng ăn của đút nhem nhẻm. Thì vừa mới vỡ ra vụ chạy án đó thôi. Kệ mẹ chúng mày, bố mày ăn tiết canh cho ngon miệng đã.
Bỗng gã nhìn trộm tôi một cái rồi tỏ thái độ nghi ngại. Có thể do gã thấy tôi có vẻ quá chăm chú nghe gã nói. Sự nghi ngại của gã tăng lên và chuyển dần thành một nỗi e ngại. Sau đó rõ ràng gã trại trưởng này hối hận vì những gì mình đã nói, nhất là thái độ xấc láo của gã với Mr. Ban nào đó. Rồi gã bày tỏ điều đó bằng mấy câu vớt vát:
- Nhưng phải thừa nhận Mr. Ban rất giỏi - gã lấm lét nhìn tôi - Bực lên thì nói cho hả thế thôi chứ không có ngài thì chả ai dám làm việc gì.
Gã nói xong câu đó thì đứng dậy. Trước khi đi gã còn liếc trộm tôi một cái rất nhanh như để xác định chắc chắn tôi không có gì đáng ngại và không quan tâm đến điều gã nói. Tôi chợt như bừng tỉnh, vội để buột ra câu hỏi mà trước đó tôi không định:
- Này ông anh, tôi nghe người ta nói nhiều về Mr. Ban, kể cả ông anh nữa. Vậy ông ta là ai mà nhiều uy quyền thế?
Dường như bấy giờ gã trại trưởng mới ý thức đầy đủ về một tai hoạ nào đó, vội nói hắt đi:
- Ối dà, tôi cũng cứ nói theo thế thôi chứ biết Mr. Ban là ai. Cũng giống như người ta cứ hay nói đến Giời, cần dọa ai đó thì đem Giời ra, sướng cũng kêu Giời, khổ cũng kêu Giời, suốt ngày lạy Giời nhưng hở ra là chửi thậm tệ, coi Giời như chó như chuột rồi sau đó mở miệng lại nhờ Giời... nhưng thử hỏi đã ai thấy ông Giời mặt ngang mũi dọc thế nào. Giời ơi, nhìn kìa...
Gã trại trưởng chỉ ra bên ngoài xa xa, nơi con bò đực vừa làm con bò cái già khuỵu chân xuống.
- Còn giời đất nào nữa không cơ chứ. Mr Ban sao không có mặt ở đây mà xem.
Lại Mr. Ban. Có lẽ gã trại trưởng đã định tự vả vào miệng mình khi quen thói sỗ sàng trong khi đang có kẻ lạ mặt là tôi mà gã chưa biết thuộc đối tượng nào. Nhưng gã thấy làm thế chẳng khác nào tự tố cáo mình nên vờ vịt nói sang chuyện khác. Chợt gã quả quyết bước về phía tôi như vừa nghĩ ra một điều gì đó cực kỳ hệ trọng. Gã đứng ngay trước mặt tôi và nói nhỏ:
- Mr. Ban cử anh xuống điều tra chúng tôi phải không?
Tôi hơi tái mặt vì bất ngờ. Nhưng mặt gã trại trưởng còn tái hơn. Thoạt đầu tôi thấy rõ có một sự chuyển mầu từ một khuôn mặt của người sống, sang khuôn mặt của người chết, rồi sang khuôn mặt của một cái xác chết lâu ngày, chỉ cần đụng nhẹ vào là rữa ra từng mảnh và cuối cùng là khuôn mặt của một con ma, tức là xanh lét. Tôi không kìm được và cũng không biết làm gì hơn là cười phá ra. Gã trại trưởng càng tỏ ra không hiểu gì cả, giọng gã run run:
- Ông ở chỗ Mr. Ban đến à? Sao ông không nói ngay để tôi đón tiếp.
Tôi ghé tai ông ta nói nhỏ:
- Ông sợ Mr. Ban đến thế cơ à? Ông có biết ông ta là ai không?
- Vâng, tôi thật đáng chết, có mắt như mù, xin anh bỏ quá cho, xin anh quên những điều vừa nghe tôi nói đi, đến tai Mr. Ban thì kể như tôi hết đường sống.
- Mr. Ban sẽ làm gì anh?
- Ôi, tôi xin anh rồi mà. Anh muốn tôi quỳ xuống thì tôi sẽ quỳ…
Gã trại trưởng cho thấy gã sẽ quỳ thật khiến tôi đâm ra bối rối. Tôi kéo hắn ngồi lại chỗ cũ, chờ cho hắn hoàn hồn rồi mới tìm cách vào chuyện. Nhưng tôi không biết phải nói thế nào để hắn tin rằng, chính tôi đang muốn hỏi hắn xem Mr. Ban là ai, ông ta ở đâu và làm gì mà hắn và mọi người sợ ông ta đến thế. Nếu tôi hỏi độp hắn trại trưởng như vậy, hắn sẽ nghĩ tôi vờn hắn như kiểu mèo vờn chuột. Tôi đành vòng vo qua một vài câu chuyện tào lao, cốt để hắn hiểu rằng tôi không đáng sợ như hắn nghĩ. Quả nhiên sau một vài câu chuyện mà cánh đàn ông thường khoái đem ra nói với nhau, gã trại trưởng bắt đầu suồng sã.
- Mẹ kiếp, thế mà bố làm con người ta mất cả mật. Nhưng mà này, đừng có hại nhau đấy nhé.
- Thế ông tưởng tôi là người của Mr. Ban thật à, chính tôi cũng có biết ông ta là ai đâu.
- Bố cứ đùa dai, lạy cụ, cụ muốn gì thì con chiều nhưng cụ bỏ cái mặt nạ ấy ra cho con nhờ. Thằng cha trại trưởng trước tôi cho tôi bài học nhớ đời làm vốn sinh nhai rồi, rằng người của Mr. Ban như chuột ấy, có mặt ở khắp hang cùng ngõ hẻm, chỗ nào cần là ngài thò vòi ra...
- Nếu tôi không nói đùa thì sao - tôi hé dần chân dung thật của mình.
- Thì phúc tổ cho nhà cháu, đêm về đỡ lăn tăn do mình đã nói bậy.
- Vậy thì ông anh yên tâm đi, tôi không phải là người do Mr. Ban cử đến, thề có trời cao đất dày - tôi chỉ vào con bò cái đang nằm thở thoi thóp sau cú thộp lén của con bò đực - Thề có con bò sắp thành bà già kia. Chính tôi đang muốn hỏi ông về ông ấy đây. Ở đâu cũng thấy người ta nhắc đến ông ấy mà chẳng ai biết gì về ông ta cả, cứ như chuyện bịa ấy mà lại là sự thật có hài hước không cơ chứ?
- Thế bố trẻ là ai? - Gã trại trưởng nhìn thẳng vào mặt tôi.
- Tôi chỉ là người tình cờ ghé qua, do nghe thấy ông nhắc đến Mr. Ban nên mới tò mò nán lại.
- Nói sai thì trời tru đất diệt nhé, ăn l. con bò già kia nhé.
Tôi trịnh trọng thề như tuyên thệ một điều thiêng liêng. Bấy giờ gã trại trưởng mới thở trút ra và bảo:
- Nói thật với chú mày, tao cũng đâu có biết Mr. Ban là ai, chỉ nghe gã tiền nhiệm bàn giao lại rằng, làm gì thì làm, phải theo chỉ dẫn của Mr Ban, chớ có làm Mr. Ban phật lòng. Hỏi thì hắn bảo chỉ cần biết thế là được, biết nhiều nhanh chết. Rồi đến đâu tao cũng thấy người ta nhắc đến Mr. Ban. Từ hội nghị trang trọng, trong quán bia cỏ đến nhà chứa, đều cứ phải nhắc đến Mr. Ban. Mọi người coi việc không biết Mr. Ban là một điều không thể tha thứ được, thành ra không ai dám hỏi ai về ông ta. Ai cũng chứng tỏ mình biết rõ Mr. Ban. Thế là Mr. Ban mặc nhiên có mặt ở khắp nơi. Tao ngờ rằng thằng trại trưởng trước tao cũng nói làm mẽ thế cho ra vẻ quan trọng, chứ thực lòng hắn cũng mù tịt. Hắn biết thừa rằng tao không bao giờ dám hỏi hắn về Mr. Ban. Ngược lại, vì sỹ diện, hắn cũng không dám hỏi tao, bởi vì hỏi như vậy có khác nào tố cáo mình không biết đến một nhân vật quan trọng… Thật may còn có chú mày trên trời rơi xuống làm ông anh thọt dái, nếu không tao chẳng biết nói điều đó với ai.
Tôi ngồi im như cố nhớ lại một chuyện gì đó tương tự mà có thể tôi đã đọc ở đâu đó nhưng không tài nào nhớ ra. Không, chính là câu chuyện về Mr. Ban. Do tôi nghe nhiều quá, ám ảnh nhiều quá mà cứ ngỡ mình sinh ra đã có nó, y như chuyện về ngoáo ộp. Đã có ai trên đời này nhìn thấy ngoáo ộp nhưng ai cũng có thể nói vanh vách về nó. Nghĩ đến đây bỗng tôi không sao nhịn được, cứ ôm bụng cười, cười lăn cười lộn, kiểu cười của người bị ma làm. Tôi không để ý mặt gã trại trưởng méo đi. Có lẽ khi gặp quỷ người ta cũng không hồn bay phách lạc đến thế. Gã kinh hãi nhìn tôi rồi lùi dần, lùi dần trước khi bỏ chạy, cắm cổ về phía trước, đầu không dám ngoái lại, miệng lắp bắp Mr. Ban, Mr. Ban...
Tôi thây mặc gã, không thèm có thêm một lời giải thích. Tôi cần tức tốc quay trở lại cơ quan. Người đầu tiên tôi cần gặp là nàng, người đầu tiên cần phải biết ra sự thật này là nàng. Một kẻ độc ác nào đó đã bịa ra Mr. Ban, như người ta bịa ra ma cà rồng chuyên đi hút máu người, bịa ra yêu tinh, bịa ra ngoáo ộp... để dọa những người yếu bóng vía. Và tất cả chúng tôi, vì sợ và cả tin, đã bị biến thành những đứa trẻ con, thành những con vật luôn luôn ở vị trí có thể bị đem tế thần bất cứ lúc nào...
Đấy, tôi cần phải nói ngay với nàng như vậy trước khi mối tình của chúng tôi chết hẳn và trước khi cả hai chúng tôi có thể đi khắp nơi nói với mọi người câu chuyện tức cười này.
Đại Việt sử ký Toàn thư, phần tục biên viết tiếp:
(Cộng hoà năm thứ...)
“Bấy giờ dân gian, do chiến tranh, đói kém, bệnh tật, nạn lở đất, bị quan lại sách nhiễu… sinh ra mê tín dị đoan, chẳng hạn như xuất hiện lời đồn có một xác chết nhưng không chịu xuống mồ tên là Mr. Ban chuyên đi gây tai hoạ. Ai nấy đều tin nên ra đường hay ở chỗ đông người không ai dám mở miệng, thậm chí mọi người còn giấu diếm cả ý nghĩ của mình vì sợ Mr. Ban theo về nhà. Sau, do thời cuộc thay đổi và chuyện về Mr. Ban cũng theo đó mà nhạt dần, trở thành đầu đề của những cuộc đàm tiếu rồi không thấy ai nhắc đến con quái vật nhiều đầu ấy nữa”.
Hà Nội đầu năm 2007
Thi tuyển Khùng
Chuyện này đã có nhiều người biết nhưng nay vẫn xin được kể lại và không hề có tí chủ ý đùa cợt nào. Số là xóm Duối có một gã đàn ông tính khùng khùng điên điên hình như cũng có tên tuổi hẳn hoi nhưng không ai nhớ. Mọi người nhất loạt gọi anh ta là Khùng. Lâu dần Khùng thành tên. Khùng là con hoang-chắc thế-và bị bỏ rơi từ bé. Khùng lớn lên bằng vật vờ kiếm ăn ở chợ, ở chùa, những nơi có đình đám hoặc nơi bãi rác. Tối về Khùng chui vào căn nhà trước kia dành cho người đi làm đồng nghỉ chân, gọi là nhà cầu, nhưng từ lâu đã bỏ hoang.
Vật bất ly thân của Khùng là một cái vỏ chai rượu ti thời pháp và một con dao luôn đút trong bao. Không vợ con, không nghề nghiệp, Khùng là kẻ chuyên gây sự. Anh ta gây sự ngay cả khi chẳng có cớ gì, với khắp làng trên xóm dưới. Việc bằng cái kim anh ta cũng thổi lên bằng cái đũa, cốt để được gây sự. Không gây sự Khùng chẳng biết làm gì. Không gây sự Khùng buồn ủ ê hoặc ấp ủ làm những việc rất dại dột, khó lường. Cả làng không ai chấp, không ai tranh hơn kém thua thiệt với Khùng. Thế là Khùng càng được thể lên nước, tự coi mình là người ghê gớm. Và cả xóm Duối đã quen với những cơn say mềm người, những vụ cởi truồng thông lông chạy khắp cánh đồng làng dưới ánh trăng vằng vặc, những đêm hát hò không khán giả... gắn với cái tên Khùng. Tuy làm những chuyện rất nghịch mắt, nói những lời cực kỳ chối tai... nhưng Khùng chưa hề gây tội ác với ai và ở đâu. Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng, Khùng chỉ loanh quanh bắt nạt người ở xóm Duối.
Thế rồi bất ngờ, vào một đêm trăng thanh gió mát, Khùng lăn đùng ra chết. Nhiều người trước đó còn nghe thấy hắn hát í a, nói lung tung về chuyện trai gái, chuyện làng xóm, rồi hết khóc lại cười. Sau đó không thấy động tĩnh gì nữa cho đến khi người ta phát hiện ra Khùng chết còng queo, thân thể tím tái và người ta nghi là hắn bị cảm lạnh.
Cũng có người thương xót cho kiếp làm người của Khùng, sinh ra đã bị lưu đày. Nhưng đa phần coi cái chết của hắn là sự giải thoát cho họ khỏi một tai ương. Thật là nhẹ cả người. Xóm Duối tổ chức chôn cất cho Khùng theo kiểu bỏ thì thương vương vào thì nợ. Quan tài dành cho Khùng được tận dụng ghép lại từ những tấm gỗ thôi. Cũng có bát cơm quả trứng, chai rượu dành cho Khùng. Trong khi đám đàn ông coi việc chôn cất Khùng chả khác gì vùi cho khuất mắt một cái thây vô chủ để lâu thối làng, thì đám đàn bà của xóm Duối lại tỏ ra là những người rộng lượng hơn. Họ tổ chức gọi hồn, cầu siêu cho Khùng, mong Khùng xuống dưới âm ty thoát kiếp đầu đường xó chợ, có danh phận, có công ăn việc làm tử tế, có quyền chức bổng lộc để được sướng hơn trên trần; mong cho hồn Khùng không bị cảnh sát âm ty kiểm tra giấy tờ tuỳ thân, hộ khẩu, không bị bảo vệ đang đêm xộc vào dựng dậy lên lớp cho một bài, không bị những hồn ma giả dạng là những cô gái thanh tân chặn đường quyến rũ khiến lạc vào bến mê khổ muôn kiếp; mong sao xuống đó Khùng có cửa có nhà, không le bè rượu chè, không khùng khùng điên điên mà chăm chỉ làm ăn, lo tu tỉnh để chờ ngày được đi đầu thai... Nhiều lời khấn lắm và chúng được thể hiện khá là nghiêm trang, có làn điệu, đầy ắp cảm xúc, cực kỳ tha thiết, hay hơn bất cứ dàn đồng ca nào, kể cả trung ương hay địa phương đã từng có dịp về hát ở xóm Duối. Khi hạ quan, một bất ngờ lớn xảy ra là có tới cả chục chị em cùng xúm vào lôi Khùng ở lại. Họ cứ bám chặt lấy quan tài, dập đầu vật vã trông rất thương tâm. Bộ phận phụ trách văn hoá của xóm phải kéo từng người ra, việc chôn cất mới nhanh hoàn tất.
Cuối cùng thì Khùng cũng có mồ yên mả đẹp, cho dù nằm ở rìa bãi nghĩa địa do nhà nào cũng đã quây thành khu.
Thế là xóm Duối thoát cảnh bị Khùng hành hạ. Trẻ con ra đường không còn lo bị anh Khùng chân nam đá chân chiêu, miệng xều rớt rãi chặn lại tóm chim, dọa cho ma đói ăn. Con gái không còn phải ren rén đi qua khi gặp Khùng ngất ngưởng trên đường làng, moi quần mở toang. Sợ nhất là bỗng dưng Khùng tụt quần xuống gối rồi tiện thể vừa gãi cành cạch vừa đái vẽ rồng vẽ rắn. Đám đàn ông trong làng thì từ nay tha hồ mà nói năng bạt mạng, cười hô hố, văng tục thỏa sức trong các bữa cỗ hoặc đình đám mà không sợ bị Khùng xuất hiện bất ngờ làm cho cụt hứng. Ra đường họ có thể tự do cợt nhả với đám đàn bà bằng những lời tục tĩu. Nếu Khùng còn sống, hắn sẽ quặm mắt, thở ra mấy câu đầy vẻ anh chị, sặc mùi sắt thép, máu me và trong cả hai trường hợp, bất cứ gã đàn ông nào cũng cắn răng bỏ qua cho dù tức nghẹn cổ. Nhưng ăn ngon ngủ kỹ nhất lại là cánh nhà ông Hảo, có anh em toàn làm việc trong bộ máy chính quyền từ huyện xuống xã. Trước đây, khi Khùng còn sống, anh em nhà ông luôn bị Khùng cạnh khoé nhiều nhất. Đừng có mang chức vụ ra mà dọa Khùng. Cán bộ cỡ nào Khùng cũng coi chả hơn gì con tép. Khệnh khạng kiểu quan phụ mẫu là ăn đủ với Khùng. Đi ô tô về làng mà bấm còi toe toe cũng bị Khùng xỏ: Chỉ được cái to còi. Ăn mặc bảnh bao một chút mà gặp Khùng là rắc rối. Có lần như vậy Khùng bảo: Em tao làm ngoài trung ương nhé, một bước lên máy bay nhé, ăn một bữa bằng cả làng tiêu hàng tháng, vậy mà nói năng hồ đồ tao còn chửi cho vuốt mặt không kịp, đừng có chưa chi đã lên mặt với ông mày. Nghe mà rực hết cả ruột nhưng đành cúi mặt đi qua. Trong các đám hiếu đám hỷ, anh em nhà ông Hảo đều đến và đi như ăn vụng. Cho nên không ai cảm thấy thoát món nợ đời hơn họ khi biết tin Khùng chết. Hình như có cả ăn mừng linh đình mặc dù được trá hình bằng cuộc liên hoan nhân ngày giỗ chạp cụ kỵ gì đó.
Chuyện về cuộc đời của Khùng tưởng chấm dứt ngay sau khi hắn chết. Ai hơi đâu mà để tâm ghi nhớ. Ngay cả quan lớn đại nhân, khi sống tưởng bỏ thiên hạ trong túi, mà vừa nhắm mắt đã chả ai nhớ, huống hồ một thằng khố rách, vô gia cư, con hoang, lại khùng khùng điên điên, chỉ còn thiếu ăn rơm ăn cỏ mà sống, thì đáng kể gì. Nhưng sự đời thường cứ hay oái oăm. Xóm Duối quen có Khùng lâu quá, như một thứ đặc sản tinh thần, ít nhiều tạo ra nét khác thường so với thiên hạ. Nay vắng Khùng, xóm Duối cũng mất luôn bản sắc riêng, chả có gì đáng kể, chả lên mặt doạ nạt, tinh tướng được với bất cứ ai. Bỗng chốc mọi người cứ thấy thiêu thiếu, văng vắng một cái gì đó gắn với họ hàng ngày. Cuộc sống cứ nhàn nhạt thế nào ấy. Trước kia, ngày ngày nhờ có Khùng mà xóm làng luôn trong tình trạng huyên náo, căng thẳng, cũng tức là phải động não. Trước kia luôn có chuyện cho biết bao cuộc ngồi lê đôi mách, chọc ngoáy, thị phi, dèm pha… nhờ thế mà làng nước quanh năm như có công to việc lớn, thì nay cứ buồn hiu buồn hắt. Chán nhất là chả có chuyện gì đủ sức tụ hội mọi người. Thỉnh thoảng cũng có ông cán bộ tuyên truyền từ trên cử xuống để nói chuyện về nếp sống mới, thì chỉ càng khiến dân làng thêm thấy tiếc là không còn Khùng. Không có Khùng, bọn trẻ không có người để thỉnh thoảng kéo nhau hàng đàn rồng rắn chạy ngoài đường, chạy ré lên trong nỗi sợ nhưng sau đó cùng cười như nắc nẻ. Chúng nó cũng mất luôn niềm hãnh diện mỗi khi khoe với bọn trẻ làng khác về Khùng, nhờ thế nhiều khi chúng được an toàn. Vắng Khùng đám các cô gái mới thấy mình hoá ra rất vô duyên. Trước đây thỉnh thoảng bị Khùng khật khưỡng trêu ghẹo, các cô thấy sờ sợ nhưng gây rất nhiều tò mò về bản thân. Giờ đi cả ngày ngoài đường cũng chẳng ai đoái hoài, bởi toàn gặp một lũ đua đòi, chỉ mải ăn hút, cờ bạc, đánh võng xe máy, học mót những ngôn từ lạ tai ngoài phố, rất đáng ghét. Trước kia gặp Khùng, dù luôn sợ mất mật, nhưng các cô cũng vì thế mà hãnh diện mình là con gái phải khép nép giữ của ngàn vàng. Với các bà thì hoá ra Khùng mất đi là một tổn thất không thể bù đắp. Khi Khùng còn sống, nhiều phen hắn khiến các bà ngượng đỏ mặt. Ngượng nhưng ai bảo không thích thì bắt y cấm khẩu đi cho rồi. Cái thứ mà Khùng sở hữu sẽ chẳng tìm thấy ở bất cứ lão chồng nào của các bà. Với những bà vợ có chồng suốt ngày vùi đầu vào chiếu bạc, đêm trở về ướt đẫm rượu, vật vợ ra vần vò, chỉ tổ khiến họ bực mình, thì đương nhiên Khùng là niềm mong ước đoan chính nhất. Đoan chính bởi bà vợ nào đó biết chắc nó chỉ là mong ước. Mà mong ước chẳng thể có tội. Giờ thì chỉ biết chong chong nhìn đêm tối, vật vã với nỗi tủi thân không thể giãi bày cùng ai. Không còn Khùng, hoá ra cũng tạo một khoảng trống ngay cả với đám đàn ông. Họ bỗng cảm thấy mất hết cả vị thế của những kẻ cai quản đầy quyền lực. Trước kia, khi so với Khùng, họ luôn được mặc nhiên coi là những kẻ danh giá, ít nhất với vợ con. Còn bây giờ, tan việc làng, việc họ, nhấc đít khỏi chiếu bạc cũng là lúc họ chả còn gì đáng mặt.
Xóm Duối, sau khi Khùng mất, rơi vào tình trạng sau:
Trẻ con không thích tụ tập chơi trò tập thể khiến làng xóm luôn đầy ắp tiếng cười nói, thay vào đó chúng trở nên lầm lỳ như những ông cụ non.
Bọn thanh niên, những gã đàn ông cờ bạc, gia trưởng thì lên những cơn khùng rất vô cớ.
Đám các cô tuổi chanh cốm thì mắc bệnh tự kỷ giới tính, nôm na là ghét bạn trai cùng lứa vì thấy anh chàng nào cũng thuộc loại ẽo ợt. Đêm đến các cô chỉ ru rú trong nhà, nghe có bạn trai đến là xuỵt chó ra. Nhưng từ khi Khùng chết, ngay cả việc đó các cô cũng ít khi phải làm.
Đám các bà thì luôn buồn nhớ linh tinh, hết thẫn thờ lại cáu giận vô cớ hoặc tủi phận mình sinh ra là đàn bà. Lầm lũi ngày đi làm, đêm về vùi đầu xuống gối chả thiết đến chồng.
Các cụ hàng phụ lão thì không biết dùng những lời giáo huấn hay ho nhất cho dịp nào. Bởi vì các cụ chỉ cảm thấy cao trọng khi con cháu có đứa nào đó hư hỏng, hoặc có kẻ là nguyên nhân của sự hư hỏng để nhân đó trình bày kinh nghiệm làm người tử tế. Nay chúng nó không muốn cả hư hỏng nữa thì còn có chuyện gì mà nói. Các cụ vì thế đâm cứ thấy nhạt miệng, khó ở, từ đó buồn chán ủ ê, chỉ nghĩ và nói về chuyện hậu sự.
Tình hình không thể cứ mãi kéo dài.
Thế là có hẳn cả một cuộc hội nghị của những bậc cao trọng trong làng, những người luôn lo lắng cho thế hệ tương lai của xóm Duối. Người khởi xướng là cụ Thủ chỉ, năm nay đã ngoài tám mươi tuổi, hồi trẻ làm công tác tuyên giáo. Các cụ họp bí mật nên mọi việc sau đó cũng chỉ vài cụ biết. Mở đầu cuộc hội nghị, cụ Thủ chỉ nói sơ qua về tình hình trong làng ngoài xóm kể từ khi Khùng mất, dẫn đến rất nhiều biến cố không ai lường tới. Những biến cố đó vừa khách quan vừa là chủ quan, vừa có yếu tố bên trong vừa bị chi phối bởi bên ngoài, vừa phản ánh thực trạng chung, tức là mang tính xu thế, vừa là căn bệnh của riêng xóm Duối vân vân và vân vân. Cụ nói một hồi và chỉ dừng lại để lấy hơi hoặc đẩy hàm răng giả về đúng vị trí. Theo cụ tình trạng đã đến độ nguy hiểm và không thể để kéo dài. Kéo dài sẽ kéo theo nhiều hậu quả không ai có thể biết trước. Sau khi cụ Thủ chỉ dứt lời, lần lượt các cụ cho ý kiến và hội nghị “Diên Hồng xóm Duối” nhất trí với mấy nhận định sau:
- Xóm Duối đang có chuyện không bình thường, là có thật.
- Nguyên nhân từ biến cố cái chết của Khùng.
- Tình hình đã đến mức phải có sự can thiệp của những người còn tỉnh táo và có trách nhiệm.
Các cụ cùng nhất trí cho rằng: Một ngày xóm Duối không thể thiếu Khùng. Nhưng Khùng thì đã chết rồi. Người chết đương nhiên là không thể sống lại. Vì thế giải pháp khả dĩ nhất là xóm Duối, dưới sự chỉ đạo của các cụ, phải khẩn trương mở cuộc thi tuyển để tìm bằng được một gã khùng khác thay vào vị trí của Khùng. Việc này khó nhưng nếu quyết tâm cao, có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, được tổ chức tốt từ trong ra ngoài thì nhất định sẽ làm được. Điều khiến các cụ vững tâm vào thắng lợi của kế hoạch là thiên hạ không thể chỉ có một Khùng.
Dự định trên của các cụ xóm Duối lập tức nhận được sự đồng tình của đa số, đặc biệt là từ bọn trẻ con và cánh các bà. Một doanh nghiệp có ông chủ là người xóm Duối, kinh doanh trong lĩnh vực môi giới việc làm, đưa người đi lao động ở nước ngoài, đề nghị được là nhà tài trợ vàng cho cuộc thi. Câu lạc bộ thơ xóm Duối có tên là “Bánh đa, bánh đúc” do một thầy giáo chủ xướng cũng nhanh chóng cho ra tờ báo tường ca ngợi cuộc sống yên bình của xóm Duối dưới bóng mát của các cụ. Trên góc trái tờ báo có ghi cáo phó Khùng với đầy đủ ngày sinh tháng đẻ, không hiểu ông giáo thông kim bác cổ moi từ đâu ra.
Thế là ngay từ hôm sau, trên lối chính ra vào xóm Duối, có tấm biển làm bằng cót, nẹp tre, phết nền xanh, trang trí rất cầu kỳ, nổi bật dòng chữ: Thi tuyển Khùng. Mọi người, cả trong làng lẫn bên ngoài trông thấy đều rất phấn khích. Xóm Duối nhộn nhịp y như có hội. Người ta đi lại, ăn nói, bàn luận, hiến kế rất rôm rả. Người già mang lễ phục truyền thống ra mặc. Các cụ ông thì áo the hoa mầu đen, khăn xếp, ô lục soạn, giầy kiểu Gia Định. Các cụ bà thì áo lương dài thâm, bao lụa tơ tằm đủ các mầu sắc, khăn nhung vấn mỏ quạ, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Các bà thì te tái đi lại, hỏi han, nói cười rổn rảng, vỗ mông vỗ vai bôm bốp, hãnh diện khoe quần áo... y như chuẩn bị đón Khùng tái thế. Nhiều chiếu trà đã được trải ra cho đám đàn ông lấy cớ tụ tập đàm đạo, bình phẩm. Nhưng vui và náo loạn nhất vẫn là bọn trẻ con. Chúng được tự do chạy nhảy, hò hét, thi nhau khoe có họ hoặc có kỷ niệm với anh Khùng. Chúng mong xóm Duối ngày nào, tháng nào, năm nào cũng tràn ngập không khí hội hè đình đám như vậy.
Thí sinh đầu tiên xuất hiện trong sự hồi hộp của mọi người. Anh ta chính là Nhất Quất, con ông Nhất Quýt ở ngõ trên. Anh này bỏ ra phố làm cửu vạn về, mang theo khá nhiều điều lạ, từ ăn mặc, đầu tóc cho đến lời ăn tiếng nói. Tuy nghe đồn anh ta kiếm bộn tiền vì đào trúng một cái “mỏ” là bà quả phụ trẻ chồng bị chết, nhưng nhìn vào gia cảnh của Quất vẫn chả thấy khác gì khi anh ta cày sâu cuốc bẫm trên đám ruộng được chia ngoại trừ chị vợ ngày càng âu sầu. Hồi trước còn Khùng, những hôm vắng chồng, chị thường hay qua lại căn nhà cầu, nói là mang cho Khùng mấy bắp ngô, củ khoai nhưng khi trở về thì khác hẳn. Ít ra thì nó cũng không héo rũ như từ ngày Quất từ phố trở về. Nghe tin chồng ra mặt muốn làm người thay Khùng, chị không nói một lời mà chỉ cười nhếch mép khá bí hiểm.
Thí sinh Nhất Quất trượt ngay từ vòng đầu. Anh ta hiểu sai đề bài, ra sức làm những trò mua vui, bất chấp thanh hay tục, nói năng toàn những lời có cánh mà Quất cóp được trên những tờ báo dày đặc chuyện phòng the, vụ án Quất đọc vơ đọc váo những khi ngồi chờ việc. Đã thế Quất đi lại y như phường chèo, rất không tự nhiên. Xong bài thi, nhìn vẻ mặt các cụ ngao ngán nhưng anh chàng Quất không hề linh cảm thấy điều gì, vẫn hơn hớn cười nói. Cuối cùng cụ trưởng ban phải đặt câu hỏi cho Quất:
- Anh Quất này, anh hiểu khùng khác với hề ở chỗ nào?
Quất đáp:
- Cũng cùng một giuộc, như ri như rứa cả!
Cụ ra câu hỏi lắc đầu theo đúng kiểu của một bậc giám khảo có thâm niên:
- Cảm ơn anh Quất nhưng rất tiếc là anh đã hiểu sai vai trò của hai loại người. Chúng tôi ghi nhận là anh rất khao khát chiến thắng, rất nỗ lực, rất chịu khó tìm tòi cách thể hiện... nhưng hình như anh chỉ làm hề được thôi. Làm hề khác hẳn với làm khùng. Làm hề không cần phải bày tỏ chính kiến, nhưng làm khùng thì có đấy. Làm hề có trăm cách. Cứ cười hềnh hệch là xong, là có thể gây cười. Cứ nhắm tịt mắt lại theo kiểu đầu đường xó chợ nhưng lời nói, cử chỉ như giáo sư, tiến sỹ là có thể gây cười. Cứ nghiêm trang như phỗng đá trong một trò biết chắc chắn là hề, là có thể gây cười. Cứ vung tay diễn trước mặt người khác một bài lặp đi lặp lại, thêm chút cau mày nhăn trán là có thể gây cười. Cứ nhăn nhăn nhở nhở, nhạt toẹt, nói đế, nói theo cũng có thể gây cười... nhưng làm khùng thì không gây cười mà phải khiến người ta sợ nổi gai ốc, dựng tóc gáy, sun vòi lại, cáu tiết, bực tức, điên đầu muốn chết hoặc muốn gây án nhưng cuối cùng thì lại là cảm giác thích thú. Nó phức tạp và tinh tế thế đấy anh ạ.
Quất cười hi hi:
- Tưởng gì chứ làm cho người khác sởn tóc gáy, sợ vãi đái thì Quất làm ngon. Quất chỉ cần phồng mồm trợn mắt là đến ma quỷ cũng kinh hồn chứ nói gì đến người.
Cụ ra câu hỏi lại cười rất độ lượng, lần này cụ cho thấy mình không chỉ kỳ cựu trong nghề làm giám khảo mà còn rất thâm Nho:
- Chúng tôi biết anh còn làm cả những việc kinh thiên động địa hơn nữa kia. Chả hạn khi còn làm cửu vạn ngoài phố, một tấc một cắc không có mà anh đã bán cả thửa đất ngoài... biển cho hàng xóm, còn hơn cả bán trời không văn tự, việc đó đương nhiên không phải ai cũng đủ liều lĩnh. Đúng là chỉ có anh mới dám làm như vậy. Nhưng anh cứ ngẫm mà xem, sau khi anh làm cho mọi người kinh hồn thì liền đó họ quay sang khinh bỉ cái hành động của anh - Xin lỗi nếu tôi làm anh phật ý nhưng tôi không tìm được cách nói khác dễ hiểu hơn. Mà tiêu chí của chúng tôi là phải vừa sởn gai ốc, vừa sướng rơn người kia. Sợ mà vẫn thích được sợ nhiều nữa. Bên ngoài thì sợ nhưng bên trong lại thích. Ở gần thì sợ mà xa thì cứ thấy muốn gần. Tỏ ra mặt bằng khinh thị nhưng trong lòng ngầm kính phục vân vân và vân vân... Ô, nói ra thì nó dài dòng lắm nhưng đại loại như vậy. Khó thế chứ. Nhưng khùng là thế anh hề Quất ạ. Cảm ơn anh đã tham gia cuộc thi, giúp chúng tôi có một khởi đầu không đến nỗi tồi.
Quất đành ngậm ngùi ra về, đổ lỗi cho thằng đàn em chả liên quan gì, rằng tại nó mà mình bị mất một món không nhỏ so với thu nhập chung.
Vậy là cuộc thi tìm người thay thế Khùng vẫn phải tiếp tục. Nhưng các cụ xóm Duối và mọi người không phải chờ lâu. Cùng một lúc có mấy thí sinh từ các làng cận kề, có lẽ đã đủ thời gian để cân nhắc, cùng đến đăng ký dự thi, nằm ngoài mọi tính toán có phần bi quan của các cụ. Đang lo không có người tham gia, nay kéo đến cả đống khiến các cụ lại đâm khó trong việc chọn ai trước. Cuối cùng các cụ cũng nghĩ ra một cách là tổ chức hai vòng - như những cuộc thi khác - sơ khảo và chung khảo. Ban sơ khảo có nhiệm vụ phân loại đối tượng theo thang ABC. A là đối tượng cần chú ý. B là đối tượng đáng quan tâm, còn C thì coi như loại. Tất nhiên chỉ có loại A và B qua vòng sơ khảo và được thi tiếp. Kết quả đúng như các cụ phỏng đoán: phần lớn họ chưa hiểu về tính chất nghiêm túc của cuộc thi tuyển, lại quá háo danh, hám lợi. Họ tưởng trò đùa các cụ rỗi hơi bày ra thì thế nào cũng được. Thành thử trong số 5 người đăng ký thi tuyển người thay Khùng đợt hai, chỉ trụ lại một đối tượng khả dĩ, được ban sơ khảo chấm mức đáng quan tâm. Nhưng người tinh mắt (may mà các cụ trong Ban chung khảo đều bị loà) có thể thấy trước là thí sinh lọt qua sơ khảo kém xa Khùng về mọi mặt. Anh này tướng lấc láo, mặt lưỡi cày, miệng cá ngão, mắt lồi, nhiều lòng trắng, lại luôn có vằn đỏ. Ấn tượng nhất là khi anh ta nói. Nó y như chó sủa, tức là không thể nghe rõ từng lời mà chỉ thấy như tuôn ra từng tràng toang toác. Chuyện kể rằng một lần anh ta có tên trong khoảng dăm bảy người may mắn từ dăm bảy xã, được một bậc hào phú của vùng mời đến nhà vào mỗi dịp sinh nhật cụ thân sinh ra ông ta. Khách mời, sau khi tham quan dinh cơ đồ sộ của bậc hào phú, sẽ được gia chủ mời cơm với những món sơn hào hải vị. Trước lúc khách ra về, bậc hào phú còn tặng cho mỗi người một gói quà. Nhưng để được nhận món quà đó, khách phải vái lạy bố của ông ta một cái. Ông cụ đã ngót nghét tuổi trăm, người teo lại chỉ còn như thằng bé. Cụ không đi tiểu tiện được nữa nên lúc nào cũng phải đeo một bọc đựng nước bên sườn. Cụ ngồi như thánh sống trong khu dành riêng cho mình tại một căn phòng sơn son thiếp vàng, chỉ người hầu mới được phép vào. Thiên hạ đồn rằng, đã nhiều năm nay cụ không ăn mà chỉ ngậm sâm. Con trai cụ cần cụ cứ ngồi đó để tạo dựng uy danh với đám có quyền lực trong vùng. Cụ còn sống thì con trai cụ còn tha hồ quẫy đạp mà vẫn được che chở. Việc năm nào lão cũng tổ chức mời khách đến nhà chính là một cách ngầm khoe khoang gia thế. Để có thể vái cụ, khách phải tập đi tập lại cách vái vài lượt. Thoạt đầu người nhà bậc hào phú đem cho mỗi người một đôi giày vải và một bộ quần áo may theo lối đại gia trước đây. Khách đóng bộ vào rồi được dẫn vào phòng tập vái. Tại đó có một người chờ sẵn để hướng dẫn. Khách làm theo hiệu lệnh mà không được thắc mắc. Chả hạn người nhà hô: bước, khách phải bước. Người nhà hô: dừng lại, khách liền dừng lại. Người nhà hô: Quỳ xuống, khách mới được quỳ. Khi nào nghe tiếng hô: vái, khách mới được vái. Vái chưa đúng phải vái lại, bao giờ đúng mới được vào vái thật. Nhưng mà cũng bõ lắm. Chỉ phải quỳ rạp xuống một cái, áp môi tượng trưng lên vạt áo dài bằng nhiễu đỏ trùm che lấp chân người ngồi, là nhận ngay gói quà đủ cho gia đình người nghèo ăn cả tháng! Năm ấy, anh chàng vừa được các cụ sơ khảo cuộc thi khùng cho điểm B, như đã kể, cũng có mặt và khi tập vái anh ta làm theo hiệu lệnh răm rắp. Đến phần vái thật, trong khi mọi người đang sửa sang chỗ đặt hai đầu gối, thì anh chàng tót lên trước, bế xốc ông cụ đặt xuống đùi sau khi ngồi vào chỗ của cụ. Thế là mọi người vái anh ta là chính vì thực tế ông cụ không còn khả năng nhận biết. Chuyện đương nhiên đến tai con trai cụ lập tức khiến lão tím bầm mặt. Chưa ai dám to gan lớn mật với lão đến thế. Làm to chuyện thì lão không dại vì sợ thiên hạ biết, mang tiếng. Nhưng lão sẽ rút lại gói quà. Anh chàng bèn ghé tai lão bảo nhỏ: “Nếu không chịu đưa quà thì ông phải bảo cụ nhà bế đền tôi như tôi đã bế cụ. Cụ không làm được thì con trai cụ phải làm thay bố, lẽ đời vốn là vậy. Còn nếu con trai cụ cũng không làm được thì vợ ông ta phải làm. Và chắc là tôi sẽ thích lắm đấy, hơn đứt gói quà của ông.
Nói xong nằm kềnh ra trên sập gụ, cười lăn cười lộn.
Lão hào phú đành nuốt hận vào trong, chỉ còn biết thề sẽ có ngày rửa hận.
Tên anh ta là Bụp.
- Anh có cái tên nghe rất… mạnh và chắc - cụ trưởng ban hỏi - biệt danh hay ai đặt cho anh?
- Chịu, lớn lên thấy người ta gọi mình như vậy. Có lẽ do tính cháu thích bụp.
- Anh thích bụp, vậy cái thứ anh thích có thể gọi bằng tên khác không?
- Là uýnh. Thằng nào khiến cháu ngứa mắt là cháu bụp luôn, tức là uýnh luôn.
- Bất kể ai?
- Kể cả bố đẻ.
Bấy giờ cụ trưởng ban mới thong thả nói:
- Anh Bụp này, rất tiếc phải nói với anh chúng ta lại không có duyên với nhau. Nếu ở đâu người ta cần đầu gấu, cần người chuyên đi ăn vạ thì tôi tin họ sẽ mang võng điều đến rước anh mà không cần anh phí một lời. Nhưng chúng tôi tuyển người để thay anh Khùng chẳng may ngắn số của chúng tôi - cụ thở dài - Chúng tôi không nhận được anh là chúng tôi thất bại chứ không phải anh.
Cuộc thi tuyển thế là đành phải gác lại. Treo biển thêm một thời gian không thấy có người đến xin ứng thí, các cụ xóm Duối bèn chuyển hướng, thay vì ngồi chờ, các cụ sẽ thân chinh đi tìm. Ngay lập tức đoàn đi tìm người thay Khùng của các cụ xóm Duối gồm năm thành viên được chốt danh sách gấp. Toàn là các cụ có uy tín hàng đầu. Các cụ chuẩn bị khá chu tất cho một chuyến đi có thể sẽ kéo dài nhiều ngày và lên đường sau đó vài hôm. Các cụ vạch trước lộ trình nên không mất nhiều công hỏi thăm. Thông thường tới một nơi nào đó, việc đầu tiên các cụ làm là vào dâng lễ vật bái yết Thành hoàng của nơi ấy, nói rõ mục đích của chuyến đi, mong Thành hoàng phù hộ. Sau đó các cụ đi gặp các bô lão đức cao vọng trọng, những người có khả năng nói ra những câu nặng hơn cả vàng. Rồi là đám chức sắc đương chức cũng như đã hồi hưu, giãi bày với họ nỗi khổ của cánh cha chú lo cho thế hệ mai sau, chỉ mong họ giúp đỡ. Vì thế đến làng nào các cụ cũng chỉ hỏi đúng một câu: Ở đây có ai bị coi là dở người không? Câu trả lời luôn khiến các cụ thất vọng. Nhưng các cụ không nản. Tại một nơi, các cụ xóm Duối tưởng đã tìm thấy người như mình muốn thì hoá ra người đó cũng đã hết lộc trời từ lâu, chỉ còn dư âm lại chút tiếng tăm. Ở một xóm nọ, các cụ nghe phong thanh có một gã đàn ông khá giống với Khùng đã chết của xóm Duối. Nhưng khi tiếp xúc mới thấy lời đồn đại luôn xa thực tế hàng cây số. Anh ta làm Cuội thì được chứ thay Khùng thì còn thiếu quá nhiều thứ. Các cụ bèn tìm đến những nơi xa hơn, cách xóm Duối vài ngày đường. Qua biết bao mách nước, cuối cùng các cụ cũng tìm được một người tương đối ưng ý. Anh ta cũng không rõ nguồn gốc xuất thân. Anh ta cũng không có tên tuổi chính thức, sống vật vạ hết chợ này sang chợ khác, ai sai bảo gì cũng làm nhưng đừng ai dại mà động vào. Cũng giống như Khùng của xóm Duối, anh ta chưa từng đánh người, chưa chính thức ăn cắp của ai. Khi cần chửi thì chửi chua chanh như đàn bà. Nhưng lúc cần làm trò thì lại đọc thơ vanh vách, hát cải lương, quan họ, chèo tuồng… đều mùi mẫn và đúng điệu. Xét kỹ càng thì không thể sánh với Khùng được nhưng nếu không ra khỏi cái bóng của Khùng thì sẽ chỉ ra về tay trắng. Các cụ bảo nhau thế nên quyết định chấm anh ta cho xong chuyện.
Nhưng hoá ra anh ta cũng do làng ấy kỳ công lôi từ nơi khác về, một ngày không thể thiếu nên không thể nhường lại cho bất cứ ai. Cuối cùng cả năm cụ xóm Duối đều chỉ còn biết nhắn con cháu đến đưa về vì sức các cụ đã kiệt mà đường thì xa.
Suốt thời gian khá dài về sau, mặc dù tấm bảng thông báo tuyển khùng vẫn án ngữ ngay đầu làng, nhưng cho đến khi cả năm cụ trong ban tuyển chọn đều hai năm mươi về giời, xóm Duối vẫn không sao tìm được người thay thế Khùng.
Cho đến một hôm, có lẽ khá lâu sau sự cố đã kể, người chép lại chuyện này có việc phải qua xóm Duối, đúng vào hôm ở đây đang tưng bừng như có hội hè đình đám gì to lắm. Trống giong cờ mở, băng rôn khẩu hiệu đầy đường. Mọi người tụ tập túm năm tụm ba, mặt ai nấy đều rất phấn khích. Tò mò hỏi ra thì được biết xóm Duối đang mở cuộc thi nặn và tạc tượng. Điều kiện bắt buộc là kích thước tượng phải đúng bằng người thật và phải bằng loại chất liệu có độ bền lâu. Từ đó mới biết câu chuyện đã kể về người có tên là Khùng. Do không thể tìm được người thay thế anh ta, các cụ trong Ban tuyển chọn (tất nhiên không phải là năm cụ đã quy tiên) bèn nghĩ ra cách làm tượng anh ta để dựng trước cửa miếu Thành hoàng, là nơi luôn có các cuộc tập trung đông người của xóm. Khá nhiều người đăng ký tham gia, trong đó có cả những nhà làm tượng chuyên nghiệp từ Hà Nội về. Nghe nói cuối cùng bức tượng được chọn của một thiếu phụ nổi tiếng là đoan chính, lại giỏi giang chữ nghĩa và rất mực yêu chồng. Không giống những người khác làm khuôn mặt Khùng dựa vào di ảnh, bức tượng của chị được tạo lại hoàn toàn theo trí nhớ.
Hà Nội tháng 12-2009
Chết thử
Một hôm, có lẽ sau nhiều ngày mất ngủ suy nghĩ khiến tròng mắt trũng xuống, lão Thủ quyết định gọi thằng con trai trưởng vào phòng trà của lão nói chuyện. Con trai lão là Đắc, ở với lão, vốn là dân làm ăn nên thường lảng tránh bố trong những buổi trà dư tửu hậu, tại đó lão Thủ thường kể lể về cuộc đời lão, nghe nhức hết cả đầu. Mỗi thời mỗi khác. Mỗi thời có cái khổ và cái sướng riêng của nó. Đắc nghĩ như vậy. Bản tính anh cũng hiền lành, không thích bàn luận những chuyện trên trời dưới bể. Vì thế lần này anh cũng định tìm cớ bận việc hàng họ để thoái thác. Nhưng chính lão Thủ nghiêm mặt báo trước cho anh là lần này khác. Lần này không phải chuyện tán róc, không phải chuyện làm ăn tầm thường, mà rất hệ trọng liên quan đến danh dự của cả Đắc và con cháu anh sau này. Nghe bố nói vậy Đắc đâm ra tò mò. Ngoài tiểu sử bản thân được thêu dệt thành huyền thoại, liệu ông cụ đa sự còn chuyện gì nữa đây. Thế là Đắc đành phải chiều theo bố. Không giống mọi khi, cứ nước rót ra là chuyện tuôn theo không tài nào hãm được, lần này, đã qua hai lượt trà mà lão Thủ chưa tìm được cách vào đề. Có cảm giác lão cứ bị vướng ở cổ. Mãi sau lão Thủ mới hỏi con trai:
- Con có thuộc lịch sử không?
Đắc tưởng ông cụ lại sắp ngụ ngôn, ngụ ý gì nên chỉ cười khẽ:
- Đủ để con biết mình là con Rồng cháu Lạc, vừa có cánh vừa có móng vuốt.
- Bố đang bàn với con một chuyện không nên đùa - Lão Thủ nói bằng thứ giọng đủ để Đắc ân hận vì thái độ của mình - Bố hỏi con vậy là có lý do của nó. Đời con người ta, dù chỉ sống trên thế gian vài ba vạn ngày, nhưng không phải vì thế mà không nghĩ xem lúc mình nằm xuống rồi thì thiên hạ nghĩ gì. Ngay cả một bậc minh quân như Lê Thánh Tông, công đức tưới khắp thiên hạ, mà vẫn còn lo bị hậu thế phán xét chuyện cốt nhục tương tàn, muốn được xem trước sử quan chép gì về mình, đủ thấy cái danh sau khi chết nó quan trọng nhường nào.
Lão Thủ chiêu một ngụm nước, vươn cổ nuốt xuống, rồi mới nói tiếp:
- Bố đương nhiên là không thể so với các bậc đế vương. Nhưng cuộc đời bố cũng đủ chuyện để thiên hạ bàn luận, bình phẩm. Hôm nay bố muốn con giúp bố thực hiện một việc. Chỉ có con mới giúp được, chứ nếu người khác cũng làm được thì tôi quyết không phiền tới anh.
- Chuyện của bố đương nhiên cũng là chuyện của con, việc gì bố lại khách sáo thế?
- Anh nói vậy vì anh chưa hình dung ra việc tôi nhờ. Nhưng đúng là việc này cũng có dính dáng đến anh. Trước vong linh mẹ anh chết thảm dưới bánh xe, anh hứa đi cho tôi yên lòng.
Nhắc đến mẹ, tự dưng Đắc chỉ muốn gào lên: Mẹ chết cũng có nguyên nhân từ bố, cứ nghe kể lể đến thối tai ra thì ai mà không phát điên. Mẹ thì can cớ gì mà bố không để mẹ yên. Nhưng anh vội nuốt xuống ý nghĩ ấy:
- Con hứa là việc gì bố yêu cầu con cũng làm hết sức.
- Tôi tin anh. Thực ra việc cũng không có gì ghê gớm lắm, nếu anh thực sự thông cảm với bố anh. Tôi định sẽ chết vào dịp này...
Đắc đang lơ mơ vì thực ra nghe bố nói nhưng anh không để tâm chú ý, bỗng giật thót mình khi nghe bố nói muốn được chết.
- Bố nói gì thế, con có nghe nhầm không đấy?
- Tôi nghĩ là anh nghe rõ cả. Nhưng tôi cũng cứ nhắc lại thật rõ ràng: Tôi-muốn-chết-vào-dịp-này.
Đắc quên là bố đang nói chuyện hệ trọng, cười ầm lên, nước mắt nước mũi chảy ra giàn giụa.
- Bố ơi, bố thương con cháu của bố với. Cho chúng nó yên thân làm ăn, học hành. Tối mắt tối mũi cả lại, sung sướng nỗi gì đâu. Ra đường là tai hoạ rình rập. Muốn kiếm được bát cơm cũng phải vắt óc, đối phó với đủ loại mưu mô. Còn thiếu những chuyện động trời bố nghe hàng ngày hay sao mà bố nghĩ ra thêm nhiều thứ rắc rối thế.
Lão Thủ ngồi im, nét mặt tỏ ra vô cùng thất vọng. Lão nhìn ra ngoài một lúc lâu mới nhẹ nhàng cất tiếng:
- Một việc như vậy mà con nghĩ bố đùa cho vui sao. Bố biết là anh sắp nghĩ tôi bị điên. Người bình thường ai lại nói ra miệng điều đó. Nhưng chính vì thế mà tôi mới phải rào đón kỹ lưỡng với anh ngay từ đầu. Anh hứa việc gì anh cũng giúp nên tôi mới nói.
- Thế bố đã nghĩ luôn hộ con cách con giúp bố chưa? - Đắc nhìn lão Thủ một cách oán trách - Giúp cho bố mình chết khi đang khoẻ mạnh? Hô hô, đến quỷ sứ cũng không thể làm được - Đắc lại nhìn bố, lần này vẻ mặt đầy đau đớn - bố làm sao thế hả bố?
- Tôi chả làm sao cả, chính anh biết rõ mà. Chưa bao giờ tôi minh mẫn như lúc này. Chính vì anh không chịu nghe cho thủng mới làm chuyện thành ghê gớm thế. Tôi bảo tôi muốn chết chứ có bảo ngày mai anh đập cho tôi một nhát đâu. Tôi là bố anh làm sao tôi lại để anh mang tiếng vì cái chết của tôi.
- Vậy thì con chịu - Đắc chắp tay vái về phía bố - Chả hiểu bố muốn chết bằng cách nào.
- Việc đó anh khỏi lo. Tôi tự biết cách chết và sẽ rất nhẹ nhàng. Anh nghe đây. Người khôn không phải chọn thời để sống mà chọn thời để chết. Nói như ngôn ngữ của bọn trẻ bây giờ là cần một cái kết thúc đúng lúc. Tôi nghiên cứu kỹ lưỡng rồi. Với một người như tôi, anh thừa hiểu là không thể thiếu ân oán được. Tôi biết rất rõ điều đó. Nếu chết sớm từ mươi năm trước, chắc chắn chưa nhiều người hiểu tôi. Hiểu người nào đó phải có thời gian. Vả lại khi đó tôi cũng còn trẻ, chết thì cũng thấy tiếc đời. Nhưng nếu lui lại vài năm tôi mới chết thì có đến quá nửa những người có thể nhớ tôi đều không còn cơ hội nữa. Hoặc họ chết trước tôi, hoặc họ quá già, dù không lú lẫn thì cũng bị coi là lú lẫn, nói gì cũng không ai tin. Thì anh cứ ngẫm từ bản thân anh cũng thấy điều tôi nói. Bố anh còn minh mẫn thế này mà anh còn chả tin nữa là. Anh thử tưởng tượng xem, đời tôi lên rừng xuống bể, chinh chiến, tù tội đủ cả. Nằm gai nếm mật nào có kém gì ai, công trạng cũng đủ để làm vốn cho vài đời con cháu. Một người như vậy mà khi nằm xuống không có những người nhớ mình là ai, thì tủi hổ nhường nào. Nhưng nếu tôi chết vào đúng lúc này thì mọi chuyện khác hẳn. Tôi tính kỹ rồi, tôi chết vào lúc này là đẹp nhất, là được thời nhất. Sống thêm vài năm nhiều khi chả để làm gì. Ai mà chẳng đến lúc phải chết...
- Thôi thôi, bố đừng nói nữa. Bố càng nói một cách nghiêm túc thì con càng không nhịn được cười. Coi như chuyện này bố đùa con, chỉ hai bố con mình biết.
- Anh nói vậy thì tôi không nhờ anh giúp nữa. Nhưng việc tôi làm thì không thay đổi.
Lão Thủ làm động tác định đứng dậy, cho thấy lão không thay đổi ý kiến. Đắc vội kéo bố ngồi xuống.
- Thôi được, thế bố muốn con giúp làm việc gì?
- Anh giúp tôi tổ chức đám ma...
- Nếu bố chết thì việc đó đương nhiên là của con, việc gì phải để bố nhờ.
- Tất nhiên nếu chỉ có thế thì tôi cần gì phải mất nhiều lời như vậy với anh. Tôi muốn có vài sự khác biệt. Chẳng hạn sau khi tôi chết, anh chưa liệm vội, mà cứ đặt tôi nằm vào quan tài như khi tôi ngủ. Để cho thông thoáng, anh nhớ khoét cho tôi một lỗ nhỏ ở đầu quan tài, đừng để bất cứ ai biết, kể cả con cháu. Đủ 24 tiếng lúc ấy hẵng liệm tôi. Sau đó anh muốn làm gì là việc của anh. Anh đừng hỏi tôi lý do tại sao phải làm thế.
- Bố đã muốn thì con không thể không làm theo. Nhưng kể cả như vậy thì đấy cũng mới chỉ xong phần của người chết, còn phần của người sống. Chúng con sẽ phải làm gì?
- Thì cứ tổ chức tang lễ như mọi người. Thủ tục thế nào anh phải biết chứ.
- Thế bố có dặn lại thêm điều gì không?
- Tôi đang dặn anh những lời cuối cùng đó thôi.
Đắc rơm rớm nước mắt:
- Thế bố định chết thật ạ?
- Anh biết là cả đời tôi rất ghét nước mắt, anh đừng khóc nữa. Tôi không định chết thật thì tôi bày ra những chuyện đó làm gì. Thời điểm anh phát tang sẽ sau đây khoảng hai tuần. Việc chết của tôi do tôi tự liệu, không phiền đến bất cứ ai.
Đắc não nề bước ra khỏi phòng trà của bố. Nhìn mắt con ướt đầm, lão Thủ trong lòng đau xót lắm nhưng lại chỉ muốn phá lên cười. Màn kịch lão dựng lên bước đầu khá hoàn hảo. Lão chỉ chết giả vờ thôi, chết thử để xem thiên hạ nghĩ gì về mình. Lão sẽ biết ai đến viếng lão, ai không, ai thực sự thương tiếc, ai thương tiếc giả vờ, ai muốn lão chết từ lâu rồi... Cũng thú vị lắm chứ! Lúc đầu lão cũng đã định bàn bạc kế hoạch ấy với Đắc, chỉ riêng với Đắc. Nhưng lão gạt ngay đi vì sợ Đắc không đủ từng trải để thủ vai, trước sau trò của lão cũng lộ. Trò tày trời này mà lộ thì những ngày cuối đời của lão sống không bằng chết. Lão muốn mọi việc phải y như thật, ngay cả con cháu lão cũng tưởng là thật, thì việc kiểm tra mới có ý nghĩa. Lão có ba thằng con trai và hai đứa con gái. Hai đứa con gái coi như con người khác, không tính. Với lại chúng nó đang làm ăn với chồng bên Đông Âu, xa xôi ngàn trùng. Còn hai đứa em thằng Đắc chắc chắn thằng Đắc sẽ cho gọi tất cả về để bàn bạc. Thằng Đắc nhất định nói hết với chúng. Lão sẽ phải khó khăn để đóng tiếp vở kịch với hai thằng này. Tình huống xấu nhất là thằng con út sẽ khóc ầm lên hoặc quỳ xuống van xin bố. Lão chưa nghĩ ra cách gì để nó vừa tin là lão muốn chết thật, lại vừa không làm cho hàng xóm biết chuyện. Ngoài tình huống đó ra, lão Thủ đã có thể hoàn toàn yên tâm với phần còn lại của kịch bản. Ngay cả khi hạ màn kết thúc, lão cũng đã tính kỹ. Theo đó, vào lúc Đắc chuẩn bị liệm bố, lão sẽ bất ngờ lật sấp người trong quan tài. Người sắp đem chôn sống lại là chuyện đâu có gì hiếm. Trước lão cũng đã từng xảy ra hai trường hợp như vậy, mọi người đều biết cả. Sau đây là kế hoạch chết thử chi tiết của lão Thủ:
Tuần đầu tiên - sau khi thông báo cho Đắc ý muốn - lão vẫn đi lại ăn uống bình thường, chủ yếu để nghe ngóng trong nhà. Lão muốn tận mắt thấy công việc chuẩn bị của con lão, không được có một chi tiết nào mà lão không kiểm soát được. Lão sẽ bổ sung những gì cần thiết, sửa chỗ nào sai sót, sao cho khi nằm một chỗ mọi thứ diễn ra hoàn toàn như ý lão. Tuần tiếp theo - để cho vấn đề logic, lão sẽ tỏ ra mệt mỏi, nằm nhiều hơn tiến tới nằm liệt một chỗ. Khó khăn nhất là làm sao để Đắc tin là lão chết thật. Nghĩ mãi cuối cùng lão quyết định trước khi “chết” một ngày sẽ tự nằm vào quan tài sau khi ngậm một lát sâm. Với lão một ngày nhịn đói sau đó cũng không thành vấn đề.
Ngày đầu tiên, để ý con trai, lão thấy nét mặt nó cực kỳ nặng nề. Suốt trong bữa ăn nó im lặng, lùa qua quýt vài đũa rồi đứng lên. Vẫn chỉ có lão và nó biết nên mọi người hoàn toàn bình thường. Nó chả thiết gì chuyện trò, mắt sâu trũng xuống dù chỉ mới qua một đêm. Hình như những khi nằm trong buồng, lão còn nghe thấy tiếng con trai nức nở không thành tiếng, kiểu khóc của người đau đớn tận đáy tim gan. Lão thấy hả lòng hả dạ. Trước hết hẵng được con đẻ thương tiếc đã. Nhiều đứa chỉ mong cho bố chết sớm đấy thôi. Tức là lão đẻ nó ra, khổ sở nuôi nó thành người rõ ràng là không hề công cốc. Nhiều khi thấy Đắc như mất hồn, lão đã toan bỏ dở cuộc chơi hình như quá tàn ác với con lão. Nhưng vốn dĩ lão là người cứng rắn, không dễ gì bị lung lạc. Vả lại mới có một ngày, hẵng cứ chờ thêm xem thế nào.
Ngày thứ hai, rồi thứ ba, không khí vẫn trùm lên giữa bố con lão vẻ u ám đầy ai oán. Một vài ánh mắt dò xét từ vợ và con nó đã loáng thoáng xuất hiện. Tuy thế vẫn chưa có chuyện gì. Cuối tuần ấy, sau khi tin chắc mọi việc suôn sẻ, lão Thủ yên trí thực hiện đoạn tiếp theo của kịch bản. Đầu tiên lão kêu đau đầu, hoa mắt chóng mặt, rồi là choáng váng, rồi là mệt mỏi, chán ăn, rồi là những câu nói gở. Đắc gần như mất hồn trước hiện tượng đó từ bố. Anh vẫn không tin bố anh nghiêm túc trong chuyện tự chết. Tức là anh vẫn hy vọng ông cụ chỉ đùa thế thôi. Nhưng khi thấy bố có dấu hiệu không hề làm sai những gì đã nói trước với anh, thì anh bắt đầu lo sợ thực sự. Vì thế khi lão Thủ bắt đầu trùm chăn nằm một chỗ, thì việc đầu tiên là anh gọi gấp hai thằng em đang làm ăn ở xa về. Qua điện thoại Đắc chỉ bảo bố mệt nặng, có dấu hiệu chẳng lành. Anh còn phải cân nhắc xem có nên cho hai đứa em biết sự thật về việc bố ốm liệt giường hay không? Nếu sau đây bố chết, có nên chỉ mình anh biết về cái chết của bố hay không? Ngần ấy câu hỏi khiến Đắc sống mà như chết, đầu óc mênh mang những ý nghĩ đau buồn. Bất ngờ lớn nhất là hai chú em không coi việc bố ốm là hệ trọng nhất với họ. Vì thế khi hai người về đến nhà thì lão Đắc đã nằm bất động được đến ngày thứ ba. Theo kế hoạch thì chỉ ba ngày nữa là lão sẽ tự nằm vào quan tài. Nếu lúc ấy Đắc mới nói sự thật với hai em, thì khó mà không bị hiểu lầm. Hiểu lầm gì còn được, chứ liên quan đến cái chết của bố đẻ thì anh không thể gánh nổi. Suy nghĩ nát nước, Đắc quyết định gọi hai em vào buồng riêng, đóng kín cửa, nói hết với họ về ý định của bố, mong hai em có cao kiến gì khuyên giải cụ. Thoạt đầu hai chú em của Đắc không tin, hoặc tin theo kiểu của họ, tức là ông cụ dở chứng tuổi già để làm nũng con cái. Chắc giận gì con trưởng, không tiện nói thẳng nên bày trò thế để cảnh cáo nó thôi. Nhưng khi thấy ông anh đang đêm chở về chiếc quan tài, thì họ mới không coi mọi chuyện là đùa cợt. Không khéo ông cụ chọn ngày tận của mình thật cũng nên. Kể ra như vậy cũng có cái thú vị riêng. Thế là thay vì chạy ngay đến quỳ trước bố xin bố nghĩ lại, đêm hôm đó họ vẫn ngủ một giấc ngon lành. Ông cụ chưa thể muốn mà chết ngay được.
Trước hết hẵng sơ qua về hai ông em này. Người kế với Đắc tên là Lợi, vô thần tuyệt đối nên rất ghét nước mắt và những trò cúng bái. Về khoản đó thì Lợi giống hệt bố. Lợi phất lên nhanh chóng bằng cách tận dụng triệt để tiếng tăm của bố, từ đó đầu cơ quan hệ rồi đánh úp những phi vụ béo bở. Trên danh nghĩa Lợi là nhà doanh nghiệp, có công ty hẳn hoi. Nhưng công ty của Lợi chỉ có bộ máy làm vì, chủ yếu che mắt thiên hạ. Nhờ vào những mối quan hệ, Lợi luôn có nhiều thông tin trong tay, về những dự án do người khác đầu tư. Cứ để cho họ ném tiền ra làm hạ tầng, chuẩn bị dữ liệu. Nếu thất bại thì không cần quan tâm. Nhưng hễ có dấu hiệu thành công, đánh hơi thấy mùi tiền, Lợi dốc hầu bao mua chuộc những quan chức có quyền hành để họ gây khó khăn với đối tác, ép những kẻ đến trước phải nhường một phần quyền đầu tư cho Lợi, thực chất là hớt tay trên. Bằng cách đó Lợi thắng nhiều vụ lớn mà chẳng phải làm gì. Tuy giầu có nhưng Lợi luôn luôn trong tình trạng cần tiền, thèm tiền, như một thứ bệnh mà anh không định chữa. Những đối tác của Lợi đều rất sợ và căm ghét anh. Họ biết nếu cần phải bảo vệ mình, Lợi không từ thủ đoạn nào.
Người em kế tiếp Lợi là Lạc, tức là con trai út lão Thủ, biệt danh là chuyên gia chạy án. Lạc học luật ra, tốt nghiệp loại giỏi nhưng không làm công chức mà cũng không mở văn phòng tư. Theo anh cả hai thứ đều nặng về sỹ diện, hình thức so với mục tiêu của anh. Làm công chức ba cọc ba đồng, không nịnh nọt luồn cúi hoặc giả câm giả điếc thì mãn kiếp cũng chỉ là chân sai vặt, bày cỗ cho thằng khác xơi, nói chẳng ai nghe. Mở văn phòng, nghe thì oai, nhưng cũng đi kèm vô vàn rắc rối nhức đầu. Lạc nghiên cứu trên hàng trăm trường hợp án oan các loại và đi đến kết luận, thời buổi của minh bạch, trung thực hãy còn xa. Quyền biến, linh hoạt, chấp nhận thực tại, cùng có lợi, sử dụng tối đa sức mạnh của tiền bạc... là những phương châm hành động thức thời được Lạc tâm đắc lựa chọn. Lạc chủ trương làm bằng cách không làm gì cả. Lúc cần thì ra mặt, xong việc lại biến mất. Lạc đề cao lối sống ba không: không thuộc giới nào, không là ai và không chính kiến. Sẵn có những mối quan hệ của ông anh, một thứ cơ sở hạ tầng quyền lực vô cùng quan trọng, Lạc chỉ làm cầu nối giữa các đối tượng có nhu cầu. Người thì cần được giải thoát khỏi các rắc rối pháp lý, được minh oan, người thì cần tiền. Về bản chất là mua bán cái mình cần và có. Với mỗi vụ việc cụ thể, Lạc đều nghiên cứu kỹ khách hàng của mình, mức độ liên quan đến pháp lý, mức độ nguy hiểm, tính khả thi của việc chạy án thành công... rồi quyết định chỉ làm môi giới hay nhận khoán trắng. Trong mọi trường hợp, người phải lựa chọn không bao giờ là Lạc. Thần tượng của Lạc, người cho Lạc nhiều kinh nghiệm quý để tồn tại như một kẻ mạnh chính là ông anh Lợi của mình.
Giờ nói tiếp về cuộc gặp gỡ giữa ba anh em. Sau một đêm ngủ dậy, ba anh em Đắc, Lợi, Lạc cùng nhau ăn sáng, uống trà ngay trong căn phòng tiếp khách của bố mình. Đắc cố gắng dò xét xem hai chú em nghĩ gì trong khi cả Lợi và Lạc dường như không muốn chuyện gì xen vào buổi sáng khá là yên bình đối với họ. Cách đó hai bức tường, lão Thủ nằm chùm chăn nhưng đầu óc tỉnh như sáo. Lão không bỏ sót bất cứ tiếng động nào. Lão rất muốn biết Đắc có nói sự thật với hai đứa em về việc lão sắp chết. Xem thái độ của chúng nó thì hình như chưa đứa nào biết.
Hết tuần trà thứ ba, bất ngờ Lợi nói vui:
- Trà ngon thế này mà ông cụ không dậy uống lại cứ muốn chết thì lạ thực.
Lạc tiếp lời anh:
- Việc gì chả có cái lý của nó. Cụ thế khéo lại khôn đấy. Bằng tuổi bố em cũng sẽ làm như vậy.
- Chú cứ nói phét thế, càng già càng sợ chết, tất nhiên chỉ trừ bố. Rồi còn tôi, còn chú.
- Này, không biết bố đang nghĩ gì nhỉ? Kể biết được cũng thú vị lắm chứ - Lợi vẫn một giọng đùa vui.
- Đang hình dung đám ma của mình dài dằng dặc - Lạc hóm hỉnh nháy mắt ông anh.
- Các chú thôi đi - Đắc lạnh lùng nói - việc hệ trọng chứ đâu phải để đùa.
- Thôi, không đùa nữa. Bây giờ theo bác cả anh em mình nên làm gì?
- Vì chưa biết nên làm gì, tôi mới cho gọi hai chú về. Chả lẽ cứ để bố làm theo ý mình à?
- Thế nào, theo chú Lạc - Lợi quay sang hất hàm hỏi em - chú là con út của cụ, được cụ cưng chiều nhất, chú cho ý kiến xem.
- Đêm qua em nghĩ kỹ rồi, bố mình không giống ai trên đời này, cũng chỉ có ma mới hiểu được cụ. Theo em, cứ để xem sự thể đến đâu?
- Chú đừng giả thiết nữa - Đắc cắt ngang - cứ coi là ý cụ như thế rồi, anh em mình phải làm gì. Nếu để đến lúc việc xảy ra rồi thì còn bàn bạc làm gì nữa.
- Bố đúng tuổi là bao nhiêu rồi nhỉ? - Lợi hỏi bằng thứ giọng cân nhắc.
- Theo như ghi trong lý lịch thì vừa tròn tám mươi.
- Bố đã nhiều tuổi thế rồi cơ à? - Lợi kêu lên - Thời gian đi khiếp thật.Vậy thì anh em mình cũng già cha nó rồi còn gì.
- Nói thật với hai bác - Lạc cười cười - Anh em mình còn khướt mới thọ bằng cụ bây giờ. Nhưng ý của bác cả cũng rất đáng phải bàn kỹ. Anh em mình cứ cùng suy nghĩ thêm. Bọn em còn ở nhà cơ mà.
Sau đó cả ba anh em cùng vào thăm bố. Làm như chưa hề biết chuyện bố muốn tự chết, cả Lợi và Lạc cùng đề nghị được đưa bố ra ngoài viện trung ương. Lão Thủ không nhìn hai con, chỉ khẽ đáp:
- Bố già rồi các con ạ. Nếu hết số trời thì bố muốn được chết trên chính chiếc giường này.
Suốt cả ngày hôm sau không có thêm chuyện gì mới. Ba anh em Đắc, Lợi, Lạc vẫn cùng ăn sáng, uống trà như hôm trước. Nhưng hôm nay họ chỉ kể chuyện làm ăn, chuyện mánh múng, chuyện vụ án này vụ án khác, chuyện ông nọ bà kia, chuyện tình hình sắp tới... Đúng ra chỉ có Lợi và Lạc nói, còn Đắc ngồi nghe, lòng vẫn rối như mớ bòng bong về chuyện lão Thủ. Mãi lúc sắp vào thăm bố, Lợi mới nói nhỏ:
- Này, thời tiết đẹp quá. Cả năm có một tháng thời tiết như thế này thôi. Cụ khôn thật nếu quả đúng là cụ định chết vào tháng này.
- Hôm qua em lau quan tài bác Đắc mua cho bố, em phát hiện ra có một lỗ tròn như đồng xu ở phía đặt đầu, có phải bố dặn bác như vậy không?
- Ấy đấy, lại nói chuyện bố dặn, có chuyện này em cũng muốn hỏi bác cả, nhưng có lẽ để sau... Lợi lấp lửng.
Cũng như hôm trước, lão Thủ nằm quay mặt vào trong. Những chuyện anh em Đắc nói lão chỉ nghe được loáng thoáng. Nhưng tiếng cười hồn nhiên của Lợi và Lạc thì lão nghe rõ. Cứ cho là chúng nó không biết gì đi, cứ cho là chúng nó nghe tin lão ốm mà về nhưng chả lẽ không một chút lo lắng nào khiến chúng âu sầu hay sao? Vì thế khi Lợi hỏi lão: “Bố thấy trong người thế nào”, lão cố làm ra vẻ rất yếu, đáp:
- Bố nghĩ mẹ các con muốn bố về với bà ấy rồi.
Đắc cúi đầu không nói gì. Lạc thì tranh thủ ra ngoài nghe điện thoại, khi trở vào giọng oang oang: Thằng C sắp toi rồi, không nghe anh mày thì chết còn khó hơn là sống. Một tỷ không muốn mất, bây giờ thì đến mười tỷ cũng không xong - Thấy hai anh im lặng, Lạc vội hạ giọng: “Bố sao rồi?”.
Lát sau cả ba anh em đã lại ở phòng khách. Lạc hỏi lại: “Các anh thấy bố sao rồi?”
- Bố không thay đổi quyết định - Lợi đáp khô khốc.
- Vậy là chỉ còn ngày mai nữa thôi à? - Lạc thì thào.
- Hay là cả ba anh em mình cùng quỳ xuống xin bố nghĩ lại? - Đắc nói bằng giọng cùng quẫn.
- Thôi bác ạ, cũng là một thứ nguyện vọng của bố...
- Nhưng…
- Bác không phải lo, có bọn em làm chứng là bố muốn tự chết. Em không có thời gian ở nhà thêm để bàn bạc nữa đâu? Em và chú Lạcđã thống nhất với nhau sẽ lo cho đám tang của bố thật chu đáo. Chúng em đã lên kế hoạch chi tiết rồi. Kèn trống, xe cộ, hoa hoét, chè thuốc, việc tiếp đón khách khứa từ xa về viếng, điếu văn, nơi an táng... đều đâu vào đấy cả rồi. Chúng em không nuôi được bố lúc sống thì phải để chúng em được lo cho bố lần cuối. Việc đó coi như xong, bác khỏi lo. Việc quan trọng hơn là anh em mình sẽ sống với nhau sau đây như thế nào. Em vẫn hẹn hôm nào sẽ phải hỏi bác về một chuyện, cho nó thật rõ ràng. Hôm nay, tuy thiếu hai cô nhưng có ba anh em, em muốn bác cho chúng em biết bố dặn lại những gì?
- Bố không dặn lại gì cả, ngoài chuyện lo tang lễ cho bố - Đắc buồn rầu đáp. Nhưng tôi hỏi lại, chả lẽ thế là buông xuôi mọi chuyện à?
- Cũng không còn cách nào bác ạ - Lạc góp vào -Bọn em nghĩ kỹ lắm rồi. Mấy hôm vừa rồi, có bác Lợi biết, em có ngủ được đâu. Nếu thật sòng phẳng thì bố chết lúc này cũng có cái hay. Tuổi thì thế cũng là được rồi, thượng thọ rồi, đốt pháo được rồi. Bạn bè lớp tuổi bố đa phần đi trước bố nhiều. Nói thế để khỏi lăn tăn. Còn về chuyện thiên hạ thì đang là lúc mà nhiều người nhớ đến bố nhất. Có thể bác Đắc không rành chuyện này, chứ em và bác Lợi, do công việc nên phải tiếp xúc, thì nghe và thấy ngày ngày. Nhân thể còn cơ hội anh em mình chả tội gì mà không thổi thanh thế lên để sau này dễ làm ăn. Chuyện đó không nhỏ tí nào đâu nhé. Bọn em dự trù phải làm vài trăm mâm cỗ chứ chả ít đâu.
Ngừng một lát như để tìm cách an ủi anh, Lạc tiếp:
- Một ngày anh sống với bố, anh phải biết tính bố hơn chúng em chứ. Mình cứ cố dối lòng, hy vọng bố thay đổi, đến lúc sự việc xảy ra thì khó mà chu tất được, khi đó chính là bác phải gánh mọi tai tiếng. Còn... điều em muốn hỏi thì cũng giống như bác Lợi thôi.
- Tôi cũng gạn bố xem bố có điều gì muốn dặn lại nhưng bố bảo ý nguyện cuối cùng bố muốn tôi làm là tất cả những gì bố dặn lại rồi.
- Lạ nhỉ! - Lợi buông một câu đầy hồ nghi - Một người cẩn thận như bố mà trước khi chết không dặn lại con cái điều gì. Bố phải biết rõ có vô số vấn đề con cái bố khó mà giải quyết với nhau nếu không có di chúc, kể cả di chúc miệng, chứ? Chú Lạc, chú rành rẽ luật pháp, chú thử nghĩ xem chuyện đó có logic không và tôi lo như vậy có đúng không?
- Chuyện logic thì quả cũng khó để khẳng định. Còn đương nhiên bác lo là đúng. Nhưng em thì lại rất tin ở bác cả, chắc bác sẽ có cách.
- Các chú nói xa nói gần gì thế, cứ nói hẳn ra xem nào. Bố sắp chết nhưng chưa chết, vẫn còn kịp cho ba anh em mình cùng hỏi.
- À không - Lợi xua tay - chớ có làm thế, phải tế nhị chứ bác. Bố không nói tức là bố có lý do. Bọn em hoàn toàn tin bác. Bố không nói cũng không sao cơ mà. Anh em mình đủ sức, đủ hiểu biết, đủ độ lượng để tự giải quyết. Ý chú Lạc thế nào? Có cần phải chờ gọi hai cô về cho đủ không?
- Theo em thì chả cần. Con gái đi lấy chồng là ăn lộc nhà chồng. Cũng như nhà em và hai chị dâu, có đòi được chia thừa kế của nhà bố mẹ đẻ đâu.
- Nhưng anh em mình phải khác... bác Cả công nhận không? Nếu chia thừa kế nhất định phải có phần của hai cô…
- Các chú dừng chuyện đó ở đây có được không - Đắc van vỉ - bố còn chưa chết, tôi buồn quá.
- Bố là bố chung, bác nghĩ chúng em không buồn sao? Nhưng chuyện tiền bạc thì cứ phải cho rõ ràng bác ạ - Lợi nói trắng ra. Chú Lạc, chú có đồng ý với tôi thế không?
- Em cũng muốn chuyện gì ra chuyện ấy. Anh em mình khúc trên khúc dưới thì không sao, nhưng vợ em và vợ hai bác, họ khác máu tanh lòng, nó khó thông cảm với nhau lắm. Nhưng có lẽ bác cả nói đúng, hay là chuyện này để sau đi bác Lợi ạ. Tài sản bố để lại có gì anh em mình đều biết cả rồi mà.
- Chú biết chứ tôi chưa biết - Lợi lạnh lùng.
- Thế theo chú thì tài sản bố để lại có những gì? - Đắc bắt đầu nóng tiết.
- Đấy, mấu chốt là chỗ ấy - Lợi đáp - chúng em muốn bác nói rõ để cả ba anh em cùng biết. Chia chác có thể để sau.
- Vậy thì chú nghe đây: Nó gồm một căn nhà chúng ta đang ngồi, trên thửa đất mang tên bố, rộng 483 mét vuông, tính cả ngõ đi. Chấm hết.
- Bác cứ nhớ kỹ đi đã... Lợi không còn phải giữ ý. Anh em lọt sàng xuống nia, nhưng cũng phải biết cái gì lọt xuống chứ?
- Tôi chỉ nhớ được có thế... Đắc chán nản.
- Ý bác Lợi chắc là muốn nói đến số cổ phiếu của bố được tặng trước khi về hưu chứ gì?
- Lạc đế vào.
- Ví dụ thế…
- Riêng cái đó chú hỏi bố ấy nhé, tôi không biết cổ phiếu cổ vé là cái của nợ gì đâu - Đắc nói.
- Bác cứ bình tĩnh, bác không biết thì chúng em biết làm sao được. Nhưng bác cũng không biết tức là anh em mình có thể sẽ mất một món lớn do sơ suất của bố. Chuyện này vẫn luôn xảy ra. Vậy mới cần anh em phải nói rõ với nhau để còn nghĩ cách tìm xem nó đang ở đâu mà đòi về. Thôi được, tạm để đó vấn đề cổ phiếu, em muốn hỏi bác, sổ tiết kiệm mang tên bố hay mang tên bác?
- Tiền của tôi đương nhiên phải mang tên tôi…
- Của bác thì nói làm gì, em muốn hỏi của bố cơ...
- Tôi không biết bố có bao nhiêu tiền.
- Bác không nên nói thế, cổ phiếu có thể bác không biết, nhưng tiền của bố thì bác không thể không biết.
- Mả bố đứa nào nói dối, tôi nói dối tôi chết đường chết chợ.
- Thôi, thôi, bác thề làm gì. Em chỉ hỏi thế chứ đã định làm gì đâu. Với lại cái gì của bố thì trước sau chúng em cũng biết. Tiện đây em cũng muốn bác cả và chú Lạc cho luôn phương án chia tiền phúng viếng. Trong trường hợp của bố em nghĩ là nhiều đấy. Ai thu phong bì, ai giữ, ai ghi sổ, khi mở phong bì phải có mặt những ai, tất cả là bao nhiêu... mọi thứ phải rõ ràng để tránh trường hợp như vụ ở Hải Phòng, chỉ vì tiền phúng viếng mà thằng em út lẳng hộp tro của bố xuống sông.
- Đồ mất dạy! Đồ bất hiếu! Con với chả cái - Lạc xen vào bằng giọng bất bình - Anh em nhà ấy chỉ còn nước đi ăn mày nữa thôi.
- Thôi, kệ anh em chúng nó, mình khác. Mình là những người có học, đương nhiên là không thể hành động đốn mạt như vậy - Lợi tiếp tục nói - Sau đây bác Đắc cũng kê các khoản bác đã sắm sửa trước đó. Ví dụ tiền áo quan, tiền mua vải liệm... con nào cũng là con, đều phải có nghĩa vụ với bố hết.
Đắc gần như mất hồn, đờ đẫn nhìn hai đứa em. Có một khoảng im lặng khá lâu. Có lẽ là rất lâu, đến nỗi cả Lợi và Lạc đều cùng hỏi:
- Thế nào bác cả?
- Các chú còn muốn tôi trả lời chuyện gì? Bố tôi kia, cũng là bố của hai chú. Các chú có muốn tôi mang ông ấy ra thề lần nữa không? - Chợt giọng Đắc như quát -Hả, các chú về vì lo bố chết không kịp nhìn mặt hay sợ không nhìn thấy tiền của bố.
- Xin bác - Lợi xua tay - các cụ xưa bảo: Đánh nhau chia gạo, mời nhau ăn cơm. Chắc gì chúng em đã cần số tiền đó. Nhưng anh em thì nên rành mạch.
Đắc đứng dậy với lên bàn thờ lôi xuống một chiếc lọ độc bình cổ, truyền lại từ cụ tổ bảy đời trước, thuộc hàng gia bảo, dõng dạc nói:
- Nếu tôi nói sai, tôi sẽ tan thây như cái bình này...
Chưa dứt lời thì cái bình cổ vỡ tan thành cả trăm mảnh, làm vang lên một tiếng chát chúa. Một mảnh của nó bắn thẳng vào mắt Lợi khiến anh rú lên đau đớn, máu chảy dàn dụa xuống mặt. Cả Đắc và Lạc cùng lao vào đỡ Lợi nhưng anh gạt tay Đắc ra. Lạc cũng lạnh lùng đẩy Đắc ra, giọng khô khốc:
- Anh là đồ khốn…
Đúng lúc đó cánh cửa phòng khách bật mở: Lão Thủ, tóc tai xõa xợi hiện ra y như một bóng ma nhưng vẫn thấy rõ là lão không có vẻ gì của người ốm sắp chết. Lão đã nghe thấy hết mọi điều. Lão nhìn các con lão, lần lượt từng đứa một, nhìn những mảnh vỡ của chiếc bình cổ, nhìn vệt máu trên nền nhà... bằng ánh mắt hoàn toàn vô hồn. Lão giơ tay ngăn lại mỗi khi có đứa con nào định cất tiếng, thay cho câu: Không cần, tôi biết cả rồi. Sau đó lão quay ra, lặng lẽ lục tìm bất cứ thứ giấy tờ, vật chứng nào khiến người ta có thể biết tung tích, dấu vết của lão trên cõi đời này, không để sót một chút gì, gộp chung lại rồi cho một mồi lửa. Lão chờ cho tàn than nguội lạnh, tan thành bụi mới quay về lại chỗ định nằm chết thử trong căn buồng. Bây giờ thì lão quyết định không dậy nữa.
Hà Nội tháng 1-2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét