Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

"Người tan vào không khí"

Truyện ngắn: "Người tan vào không khí"

Truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu, đăng trên báo Văn nghệ số 9/2013.
Một hôm, tôi lái xe mô-tô, đưa mẹ lên đền Thượng Nguồn, cầu thánh thần phù hộ, về chuyện kiện tụng đất đai. Trên đền, có quả chuông đồng rất to, người ta gọi là hồng chung. Khi mẹ lúi húi bày lễ, tôi nghịch ngợm, lấy cái vồ gỗ mít, gõ thử vào núm, nghe tiếng vang ngân ư ư, uôm uôm. Vác vồ lên vai, tôi lơ đễnh ngó qua cửa sổ, nhìn xuống sông Lư, thấy cá ngoi lên hàng đàn. Tiếng chuông xuyên qua không khí và tan vào nước ư? Chợt có tiếng người hỏi, thoảng trong hơi gió: “Người cần điều chi?”. Tôi ngẩn người, ngó quanh, chỉ thấy mẹ đang thành tâm cầu khấn thôi. Tôi toan cầm vồ gõ tiếp, xem cá nổi thêm nữa hay không, nhưng lần này, câu hỏi khẽ khàng nhắc lại, có vẻ róng riết hơn: “Người cần điều chi?”. Chắc là ai đó hỏi mình rồi, tôi nghĩ bụng và rờ tay vào núm chuông, tìm cớ hoãn binh. Cái núm chuông đã bị thỉnh nhiều, sáng bóng như gương. Tôi nhìn thấy khuôn mặt mình lồi lên trong núm chuông và cảm thấy như có luồng điện chạy vào cơ thể, khiến người lâng lâng như sắp bay lên. “Khéo mà mình tan vào không khí mất!”, tôi bất giác nghĩ thầm. Bỗng cái vồ rơi bộp xuống nền gạch đất nung và tất cả những thứ đồng dùng vật dụng của tôi cũng lả tả rơi theo. Trời ơi, thân thể tôi tan vào không khí mất rồi. Quả hồng chung vọng ra lời nguyền: “Đồng trinh nguyện ước, trở lại kiếp người”.
Bất chợt, một cơn gió mạnh từ sông Lư thổi vào, cuốn phăng tôi và tư trang bay qua cửa sổ. Bọn người đang xúm xít xem cá nổi trên sông, bỗng nhốn nháo kêu lên:
- Vòi rồng cuốn bay quần áo của ai, kìa!
- Ôi trời, cả điện thoại di động quai đỏ nữa kìa!
 Tôi bơi trong không khí, thu gom tất tần tật đồ lề, cho vào cái khăn mây, gói lại.
- Lạy thánh mớ bái, vòi rồng còn thu được mọi thứ, như thể tay người nữa kìa!
Thì ra, họ không nhìn thấy tôi. Thế là tôi đã tan vào không khí thật rồi. Cứ mỗi khi tôi lượm được một thứ cho vào khăn mây, thì tiếng người bên bờ sông nhất loạt đếm theo, đầy vẻ háo hức và pha chút sợ hãi. Tôi lẩn vào đám mây bông, mà đám người hiếu kỳ vẫn kiễng chân, nghển cổ ngóng theo.
Tôi phởn phơ dạo bước trên cánh đồng mây bao la, rồi nhảy tưng tưng qua đầu từng con sóng dưới sông Lư. Tôi phóng như bay trên từng con phố và nằm khểnh giữa tán lá cây. Khoái nhất là đứng trên đỉnh tháp ăng-ten truyền hình, ngắm nhìn bốn phương tám hướng, tất cả như hiện trong lòng bàn tay. Đời tôi, chưa bao giờ được tự do như thế này. Có lẽ, muốn tự do thì không nên làm người. Đáng lý ra, mình phải tan vào không khí từ lâu rồi mới phải. Trời ơi, làm sao đưa mẹ về bây giờ? Tôi cố nhoai xuống, nhưng cơn gió lại cuốn đi. Tôi rờ rẫm bấm máy điện thoại di động, nhắn tin về nhà bảo đứa em: “Chìa khóa dự phòng. Đền Thượng Nguồn. Đón mẹ và xe”.
*
Mái hiên nhà nàng trồng dây hoa, đám rễ tỏa xuống như buông mành. Nàng ngồi trên ghế xích đu, cắm cúi đọc sách. Mấy nốt mụn trứng cá hiện trên vầng trán thanh tú, đã được bôi nghệ vàng. Cái áo liền váy bằng vải lụa màu hoàng yến, mềm mại tựa tơ trời, hờ hững choàng lên thân thể trắng như trứng gà bóc của nàng. Mười ngón chân nàng tự bôi sơn và vẽ hình các loại biển báo giao thông. Tôi ngắm nghía và buồn cười, vì sự tinh nghịch ấy, trong lòng thầm nghĩ, bàn chân dễ chừng đi vừa hài cô Tấm đây! Tôi ôm cái bọc khăn mây, ngồi bên nàng. Có lúc, má nàng đỏ ửng lên. Tôi ghé xem, thấy đoạn tả chuyện tình. Tự lúc nào, cái khăn mây tan ra thành nước, làm cho đồ lề của tôi xổ cả đống trên ghế, khiến màng giật mình kinh hãi, rồi táo tác nhìn quanh. Có lẽ, nàng tưởng tôi trốn quanh đâu đấy. Nhưng tìm chán không thấy, nàng phụng phịu, nghĩ rằng tôi đùa nhả, nên lại chúi mũi vào sách, thỉnh thoảng đu đưa ghế, tỏ vẻ bất cần. Tôi vật vờ bay quanh rèm. Nàng khép sách, tò mò lật đống áo quần của tôi và nhíu mày, giật mình thốt lên: “Ơ, cả mớ thế này, thì chẳng lẽ tơ hơ như trong bồn tắm à?”. Tôi khúc khích cười. Nàng giật bắn mình, kêu thất thanh: “ma”. Nghe động, con chó bông lông vàng, từ trong nhà lao bổ ra, rồi cứ ngỏng cố chạy theo cái bóng tôi đang dật dờ bay, mà cúp đuôi sủa úc oắc, như thể cắn ma. Điều đó, càng khiến nàng sợ hãi. Tôi vội lảng ra đồng.
Từ chân đê sông Lư tới rặng núi mờ xanh, lúa trải thảm vàng trù phú. Đàn chim chiền chiện nô đùa trên lớp lớp sóng vàng. Đó đây, những ngôi mộ quét vôi, nom như những con tàu trắng đang bơi trên biển vàng. Nhưng qua vụ này, đám ruộng nhà tôi và dân làng, sẽ thuộc về tay doanh nghiệp, do bố nàng làm giám đốc. Doanh nghiệp này sẽ đắp ruộng thành đồi, chở đá ghép núi, đào cây to về trồng rừng… Một khu du lịch sinh thái độc nhất vô nhị, nằm giữa đồng bằng.
Mọi năm, cữ này, cả làng đã rộn ràng vào vụ  gặt. Con đường làng rải bê-tông, no nê rơm rạ. Những chiếc xe máy, xe đạp, ô-tô bán tải chạy đi chạy lại, cái ra đồng, cái lên đê, tiếng máy nổ vang vọng bờ tre, mái ngói. Hàng chồng bao tải lúa, béo mũm như lợn tạ, chất đầy dưới những mái hiên. Ánh mắt cười trên gương mặt già, tiếng hò reo trên đôi môi trẻ, làm cho làng bừng lên sức sống mới, trên vùng châu thổ. Nhưng năm nay, chẳng ai còn bụng dạ đâu mà nghĩ đến mùa gặt nữa. Tôi thì cứ mong kéo dài ngày, lo kiện. Nhưng mẹ tôi vừa bôi thuốc mỡ vào gót chân nứt nẻ, vừa xót hạt thóc, than van:
- Một hột thóc, ba giọt mồ hôi. Cứ gùn gắng là gãy cổ bông, có mà ăn cám.
- Mẹ ơi, mai ngày biến cải vũng nên đồi, chẳng còn lúa nữa đâu mà lo gặt. - Tôi nhớ lại một ý thơ Trạng Trình và bấm điều khiển chuyển kênh ti-vi.
- Lúa chín thì phải gặt, ruộng đất thì bẩm báo ông trên. Người ta thay trời hành đạo, phân miêng. - Mẹ tôi ngồi thừ, nhìn bàn chân xù xì như gốc cây khô, lặng lẽ thở dài.
- Trời mà cho phân miêng như mẹ, thì tỏ mọi nhẽ tự lâu rồi. - Trên màn hình, tôi thấy quốc hội đang bàn về việc sửa đổi, bổ sung luật quảng cáo.
Tôi đã bao lần đưa mẹ lên cái chỗ tiếp dân ở trên tỉnh. Họ bảo, việc này, ở như doanh nghiệp. Tôi lại lụi cụi đưa mẹ xuống doanh nghiệp. Giám đốc bảo, dự án trọng điểm, do tỉnh thu hồi đất đai. Mẹ tôi và đám dân làng chạy như đèn cù, hết lên tỉnh, lại xuống doanh nghiệp, rồi thì sang đền. Tôi bảo, muốn thắng kiện, phải kêu cửa quan, kết hợp cầu cửa thánh, cũng như chuyện chữa bệnh là phải kết hợp đông, tây y với lương thực, thực phẩm.
Nhà nàng xây trong khu sinh thái, dự án đang thu hồi đất dở dang. Chính do nhiều lần đến nhà giám đốc, tôi mới quen nàng. Nàng là con gái út của giám đốc, đang ôn thi đại học. Con gái xinh xinh thường ngu ngu, tình trường đã dạy tôi như vậy. Con gái nhà quan thường hợm hĩnh, trường đời cũng dạy tôi như vậy. Cả hai điều ấy hợp lại, khiến tôi có ác cảm với nàng. Vả lại, cái đám ruộng sắp mất không vào tay dự án, đã sục sôi trong lòng tôi và dân làng, với quyết tâm sắt đá, còn ruộng mới còn mình. Mất ruộng, người già chỉ có nước bị, gậy đi ăn mày, thanh niên trở thành nông nô, hoặc lưu manh thành thị. Nếu mà nàng có dùng kế mỹ nhân cứu bố, thì cũng công cốc mà thôi.
- Cháu mời các bác xơi nước. - nàng mặc áo phông và váy dài hoa chấm, bưng ra một khay trà, tỏa mùi hương sen và khẽ khàng mời mẹ tôi với đám dân làng.
- Chả dám. - Dân làng nhìn mái tóc tỉa ngắn ngang lưng, nhuộm phơn phớt vàng của nàng, lạnh nhạt đáp lại.
- Các cụ, các bác mời cho đỡ khát, chờ bố cháu về ạ. - Nàng nhẫn nại, cố vớt vát.
- Tôi chả chơi cái anh chè Tàu, dân quê chỉ quen chè xanh uống bát. - Mẹ tôi buông câu bâng quơ.
- Dạ, có đấy ạ. Nhà cháu lúc nào cũng có ấm chè xanh. - Nàng mau mắn, như thể chết đuối vớ được cọc.
Từ chén nước, dần dà dân làng tôi cũng biết, chỉ có hai bố con nàng ở ngôi nhà to như cái đình thế này. Mẹ nàng khuất núi, vì bệnh ung thư. Anh trai nàng, du học tận bên Mỹ. Nàng chẳng thuê gia sư dạy thêm và cũng không đi ôn thi ở thủ đô, vì nhà neo người; vả lại, chịu học, nên nắm chắc kiến thức, không phải xin điểm và chưa hề quay cóp bao giờ. Ơ, xinh mà không ngu nhỉ? Suýt nữa thì tôi buột miệng thốt lên như vậy. Nàng thầm thì, xinh thì chả dám nhận, ngu thì không đến nỗi, nhưng đần thì phải. Tôi giật mình, chẳng nhẽ có người lại hiểu được ý tôi, có lẽ, qua cái nhìn mà đoán mò vậy thôi. Nhiều người bảo tôi, có đôi mắt biết nói, mà lại.
- Mời các bác ăn khoai, lót dạ. Khoai cháu trồng ngoài bãi sông Lư, đấy ạ.
Dân làng ăn khoai lang luộc, uống nước chè xanh có vẻ khoái khẩu, nhưng cũng dè dặt cảnh giác, sợ mắc mưu mà sao nhãng chuyện đất đai. Tôi tò mò cầm tập giấy nháp, nàng bỏ trong rổ khoai, để lau tay. A, các bài giải gọn gàng và thông minh đấy chứ. Thế này thì tự ôn cũng đậu đại học.
- Em định thi vào trường nào?- Tôi đánh bạo hỏi.
- Em định xin vào sư phạm, nhưng bố em muốn kinh tế quốc dân, để sau này giúp việc nhà. - Nàng miễn cưỡng trả lời, nhưng không có vẻ giả dối.
- Tính toán gớm, thảo nào chả giàu nứt đố đổ vách. Chỉ có cánh ta là bóc ngắn cắn dài thôi. - Đám dân làng chõ vào, rỉa rói.
- Cháu, cháu… - nàng sợ hãi, nói không nên câu, vội lủi vào phòng.
Tôi lật bản nháp, xem tiếp bài sau. Tiện tay, rút cái bút bi trên túi áo, gạch gạch xóa xóa mấy dòng, rồi giải lại bằng phương pháp khác.
- Khéo lão ta trốn rồi. Lại còn dùng mỹ nhân kế để hoãn binh nữa đây. Thằng này, cảnh giác. - Có ai đó đập vào vai tôi, ra lệnh. - Thôi, rút!
Đám dân làng ồn ào thu quân. Tôi vứt mảnh nháp vào rổ vỏ khoai, rồi lững thững đi đoạn hậu.
*
- Lan! Quần áo nào kia?- Bố nàng gắt gỏng, chỉ tay vào đống áo phông có in cái liềm vàng, quần bò mài sờn gối, quần lót thêu hình bu-mê-răng bằng chỉ trắng và đôi giày thể thao, đang nằm chình ình trên xích đu.
Bất chợt, cái điện thoại di động quai đỏ, rung lên bần bật và tòi ra mặt ghế. Bố nàng tò mò cầm lên xem, đọc dòng tin nhắn: “Anh đang ở đâu? Em đã đón mẹ về rồi. Làng đã cầu thánh vật chết cái thằng giám đốc ấy, để ruộng đất lại về tay dân”.
- Thằng này là thằng nào? Có phải nó chuyên viết đơn kiện không? Văn hay chữ tốt mà làm loạn à? Tại làm sao mà quần áo đủ thứ của nó, lại ở đây? - Từ “đủ thứ” phát ra, kèm theo cái quắc mắt nghiêm nghị của bố nàng.
- Con cũng không biết! - Nàng ấp úng, trong lòng cũng đầy vẻ nghi hoặc, khiến bố nàng lại tưởng có sự đồng lõa, che giấu chi đây.
- Không biết, hả? Hư thân…
Nàng òa khóc như bị đòn oan. Vừa hay lúc đó, tôi bay trở lại và cuốn đi tất cả. Bố nàng trở ra, thấy con gái vẫn ôm vào giá xích đu, tấm tức khóc, nhưng không thấy đống đồ đâu nữa, bèn hỏi:
- Đâu rồi?
- Gì kia ạ? - Nàng gạt nước mắt, hỏi lại bố.
Con chó ngỏng cổ, úc ắc sủa theo đám quần áo đang lơ lửng lên trời, như đám vật thể bay không định hình. Đoạn quai đỏ bị giắt vào kẽ ghế, khiến cho cái điện thoại di động cứ vật vã trên xích đu, y như thể con chim bị dính bẫy nhựa.
*
Dân quê sợ mất đất đội đơn đi kiện. Doanh nghiệp lo mất mối lợi phải tính kế dựa vào chính quyền. Chuỗi ngày lê thê, làng quê chộn rộn, tất cả rối tinh cả lên, không biết ai thắng ai. Cứ sáng sáng, dân làng rồng rắn kéo nhau lên tỉnh, xuống huyện và chiều chiều, ai lại về nhà nấy, với vẻ mặt âu lo.
Vàng mặt trời, nàng quén tóc, ý tứ kéo cổ áo về phía sau gáy và lặng lẽ ngồi bên thềm, nhặt mớ rau tập tàng. Bây giờ, bố nàng thích ăn uống như thuở hàn vi: muối vừng, cá cơm rang khế, canh rau thập cẩm và uống nước chè xanh, ủ với mấy lát gừng tươi. Có điều gì buồn bực, khiến ông đăm chiêu, nhưng theo thói quen, vẫn thong thả mở van nước, tưới cây cảnh. Nắng chiều hắt bụi nước thành chiếc cầu vồng nhỏ xíu. Bất chợt, ông vứt bịch ống nước xuống sân gạch nung, vội vã rút điện thoại di động trong cái quần soóc màu nâu, có gắn đầy túi hộp, hình như ai đó hỏi về chuyện dân kéo đến nhà khiếu kiện thì phải. Nàng vội vàng khóa van nước, trong lòng tiếc nuối cái bóng cầu vồng.
Bố nàng bình tâm lại, kéo ghế ngồi bên giàn hoa dây và châm điếu thuốc lá cho thư thái.
- Con phải hiểu, doanh nghiệp nhà ta không được trường vốn, bất đắc dĩ phải dựa vào chính quyền, thu hồi đất dự án theo giá chỉ đạo. Nếu phải trả theo giá thị trường, thì sạt nghiệp, cám cũng chẳng có mà ăn đâu, con ạ.
- Dân làng họ bảo, doanh nghiệp có ý cướp không. Con xin bố phải thương người ta… - Nàng nói từ “người ta” đầy ngụ ý.
- Không là không thế nào? Phải cúng tiến… - Bố nàng lỡ lời, sợ con gái vẩn đục tâm hồn, bởi cái thương trường đầy ám muội này. - Người ta bảo, thương người như thể thương thân. Nhưng làm doanh nhân cũng như quan chức, phải khôn ngoan, tỉnh đòn. Một phút mủi lòng, mềm yếu là phải trả giá bằng cả cơ nghiệp.
- Con nghe dân làng có vẻ bất bình lắm. Họ bảo, sao không cải tạo đất đồi núi làm khu sinh thái, mà lại lấy bờ xôi ruộng mật của dân? Chính phủ cũng không cho lấy đất ruộng lúa, để làm khu công nghiệp, khu vui chơi, giải trí, sân gôn cơ mà?
- Nói với người không biết kinh doanh, khó lắm. Ai chả biết cái lẽ nó thế. Nhưng kéo nhau lên chốn rừng xanh núi đỏ, thì nguyên cái chuyện xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường sá, cầu cống, điện đóm đã cụt vốn rồi, con ạ.
- Họ bảo, có sự thông lưng giữa doanh nghiệp và quan chức, vì lợi ích nhóm cái gì ấy.
Cầu trời cho nàng tránh xa cái đống thương trường xú uế kia. Bởi vì, tôi đã kịp toài qua khe cửa, mình dẹt như tờ giấy cờ-rô-ki, lẻn vào phòng làm việc của giám đốc. Tôi đã xem toàn bộ hồ sơ lưu, với sổ tay, giấy tờ, ghi những khoản ăn chia của các quan tham, hút máu mủ từ những thửa ruộng của làng tôi. Người ta áp giá đền bù theo đất nông nghiệp, mỗi mét vuông chỉ ngang bát phở thôi, rồi phù phép qua giấy tờ dự án và làm vài con đường, mấy cái cống rãnh thoát nước, chia lô thực địa, bán với giá cao hơn gấp trăm, gấp nghìn lần, bằng cả cái nhẫn vàng. Cho nên, đơn thư khiếu kiện của dân, bị cấp nọ đùn đẩy cho cấp kia, loanh quanh hồi lâu sẽ biến thành sự đã rồi, qua hết nhiệm kỳ là cứt trâu hóa bùn. Lúc đó, quan quân và doanh nghiệp hú hí hưởng lợi an toàn, còn dân trắng tay, chỉ biết kêu trời. Tôi cuốn hết đống hồ sơ, sổ sách mang đi phô-tô, làm bằng chứng cho dân làng kiện, phải thắng trong vụ này.
*
Nàng cầm trên tay tờ nháp, có bút tích lời giải của tôi và cắn môi suy nghĩ.
- Thực ra, còn có thể giả bằng mấy cách nữa. - Tôi buột miệng.
Lập tức, như có ma lực xui khiến, nàng lập cập chạy lên gian thờ, thắp hương và lầm rầm khấn mẹ. Nhìn di ảnh mẹ nàng, thấy gương mặt hai mẹ con đều nhẹ nhõm, phúc hậu.
Mẹ nàng hiện lên, nói với tôi:
- Em nó còn khờ dại lắm.
- Cháu xin lỗi cô. Cháu và dân làng chỉ đi đòi đất của mình thôi. Chẳng lẽ, đây là cuộc tích tụ ruộng đất, tích lũy vốn tư bản?
- Cô chú từng qua đại học kinh tế quốc dân, rồi bỏ cơ quan nhà nước, cháu ạ. Từ hai bàn tay trắng, lần hồi tích cóp mà nên, chứ chẳng phải bóc lột thặng dư tư bản đỏ, tư bản đen gì sất. Bố cái Lan bảo, thương nông dân thì thương thật, nhưng ai cũng cứ nai lưng ra một sương hai nắng trên đồng, thì cũng chỉ vặt mũi đút miệng, không bao giờ có nhà lầu, xe hơi được đâu. Phải mở hướng đi, liên kết với nông dân cùng lam làm, cùng hưởng lợi, thì mới phất lên được. Doanh nghiệp của cô chú nộp thuế, đóng góp các khoản này nọ cao nhất tỉnh, lại thường xuyên làm từ thiện nữa.
- Bao đời nay, nông dân là quân chủ lực của các cuộc khởi nghĩa, những vẫn là lớp người nghèo khổ, dưới đáy xã hội. Nghe ngon nghe ngọt mãi rồi, phải tự kiếm lấy đường sống thôi. Cháu có bằng thạc sỹ, mà chưa xin được việc. Bây giờ, xin việc cứ phải chi hàng trăm triệu đồng, khác gì mua việc, chạy chức.
- Cháu có lòng thương em nó, thì cũng đừng ghét bố nó. - Mẹ nàng ứa hai hàng nước mắt.
- Mẹ ơi, phù hộ cho người ta… - Cái từ “người ta”, nàng nói với mẹ, nghe sao mà thân thương, khiến tôi cảm động.
Nàng nức nở khóc, như muốn tâm sự với mẹ điều gì. Nhưng âm dương cách biệt, họa chăng, chỉ có tôi làm chiếc cầu nối mà thôi. Qua câu chuyện, mẹ nàng hiểu lòng tôi, dường như, người đời không giấu được cõi âm và thánh thần điều gì. Nhưng tôi không thể phản bội ruộng đồng, càng không thể quay lưng lại với mẹ và dân làng. Tài liệu lấy của doanh nghiệp, tôi đã dâng lên thành hoàng làng và cụ thủ từ đã chuyển cho nhóm người đứng đầu đơn, mang lên trung ương rồi. Chính quyền phải làm trọng tài phân xử cuộc tranh chấp, kiện tụng giữa nông dân và doanh nghiệp. Trọng tài mà công minh, thì dân yên vui, no ấm và doanh nghiệp cũng phất lên thôi. Nàng là người thảo hiền, rất kính trọng bậc sinh thành, nên hình bóng tôi trong tâm trí nàng, khác nào áng mây ngũ sắc, chốc lát thoáng qua mặt nước sông Lư mà thôi.
Con chó bông lông vàng lại cúp đuôi úc ắc sủa, đuổi theo cái bóng của tôi. Tôi vội bay ra ngoài ban công. Nó tớp theo. Tôi hoảng hốt lượn xuống sân. Nó chạy như lăn xuống cầu thang, giống một cuộn len vàng, thì tôi đã bay lên sân thượng rồi. Nàng ra ban công, thẫn thờ nhìn ra phía cánh đồng. Nơi đó, những cái máy ủi lổng nhổng như đàn bọ hung, nằm dọc trên đê sông Lư, chỉ chờ lệnh sẽ ủi nát cánh đồng. Những giọt nước mắt lăn dài trên má nàng, khiến tôi se lòng. Nhưng khi nhìn thấy đàn bọ hung khổng lồ bằng sắt thép kia, lòng tôi lại như lửa đốt. Dù bọn vệ sỹ có ba đầu sáu tay, thì cũng phải bó gối quy hàng trước sức mạnh tàng hình của tôi.
*
Dân làng rỉ tai nhau, chặt mía làm gậy và đổ xăng vào chai, giả nước uống, rồi lũ lượt nhau kéo ra đồng. Khiếp, cứ làm như du kích chống càn, chuẩn bị đánh xe tăng, tàu bò không bằng. Đám vệ sỹ của công ty được vũ trang tận răng, hùng hổ ra quân, quyết đè bẹp đám dân làng cứng đầu cứng cổ. Cánh lái máy ủi đã ngồi trong buồng lái, sẵn sàng ủi nát cánh đồng, cướp đất cho chủ dự án.
Nàng kìa! Nàng mặc bộ quần áo lụa trắng, nom như thiên thần đang lướt trên cánh đồng. Nàng cầm cái loa pin giơ lên, giọng khắc khoải, mà đầy uy lực:
- Hỡi anh em vệ sỹ, đừng đánh dân! Hỡi anh em công nhân lái máy húc, đừng ủi nát đồng lúa của dân! Hỡi bà con, đừng đánh anh em vệ sỹ, đừng ném chai xăng vào máy húc! Bà con ơi, anh em ơi!
Tôi hớt hải bay theo nàng, lo dân làng bị hoạn nạn, liền chõ vào loa pin, la thất thanh:
- Bớ dân làng, bằng chứng cướp đất và chia chác của nhóm lợi ích này, đã gửi lên trung ương rồi, đề nghị mọi người bình tĩnh, chờ điều tra, xử lý, xem thế nào đã. Bà con ra tay trước là lanh tanh bành hết, người bị bắt, mà ruộng vẫn bị mất đấy.
Nàng dáo dác nhìn quanh, tuy không thấy người, nhưng nhận ra tiếng tôi, nên khuôn mặt rạng ngời, đầy vẻ kiêu hãnh.
Từ trên sân thượng biệt thự, đang được dùng làm đài chỉ huy, bố nàng sững người giây lát, rồi lệnh cho đám vệ sỹ lôi nàng về. Nhưng mỗi khi chúng đến gần nàng, tôi lại thoi một quả, làm cho hết thằng nọ đến thằng kia ngã lăn quay trên ruộng, chảy cả máu mũi, máu mồm, mà không biết vì sao. Nàng thì không để ý gì đến xung quanh, vẫn cầm cái loa pin, lướt trên cánh đồng và thống thiết kêu gọi.
Bỗng nhiên, những tiếng nổ liên hồi vang dậy cánh đồng. Khói bụi bốc lên mù mịt. Đám nông dân hốt hoảng lùi về rìa làng. Những cái máy húc gầm lên, lao xuống ruộng lúa, ủi mương, khoét chuôm nham nhở khắp đồng. Tôi cũng vội sà xuống, lôi cổ bọn lái máy húc, ném ra ngoài và bế thốc nàng, nhảy lên đám mây bông. Nàng sợ hãi và kiệt sức, rũ xuống như tàu lá héo. Mấy tay nông dân trườn như rắn trên bờ ruộng và vung tay ném chai xăng vào mấy cái máy húc. Những quầng lửa bùng lên, tiếng máy tắt lịm. Chỗ nào cũng nghe thấy âm thanh của những khúc mía va đập dùi cui, tiếng người kêu thất thanh, tiếng lưỡi máy húc nghiến vào tiểu sành, tiếng đế giày đạp trên thân lúa, tiếng bông lúa ngã vật xuống ruộng; ngoài đê, tiếng sóng sông Lư dội vào bờ… Tất cả, tạo thành mớ âm thanh hỗn loạn trên đồng.
Giờ lâu, khói tan. Cánh đồng hiện ra như một bãi chiến trường. Những cái máy húc ám khói. Những cánh ruộng nham nhở. Biệt thự nhà nàng hiện ra như một cái lô cốt khổng lồ. Trên cánh đồng, những lá cờ đỏ vẫn tươi màu, phần phật bay trong gió. Tôi lặng lẽ bế nàng lượn xuống đồng lúa. Cả hai bên chiến tuyến cùng thực mục sở thị, quỳ lạy như tế sao. Ai cũng tưởng nàng là tiên giáng trần, cứu giúp dân lành. Bởi có ai nhìn thấy tôi đâu. Tôi đã tan vào không khí. Bỗng nhiên xuất hiện cơ man nào là cào cào ma, từ nghĩa địa bay rợp đồng, bâu kín xác máy ủi. Trong nắng sớm mai, đồng làng vừa hiện lên khác nào một bức tranh huy hoàng, tráng lệ, nhưng chỉ phút chốc đã như trở về thuở hồng hoang.
Như một con mãnh thú, bố nàng lao bổ tới và bế nàng chạy tới xe cứu thương. Mọi người nhìn thấy ông ta chạy như lướt, kỳ thực là tôi đang bế cả hai bố con nàng, bay về phía chiếc xe ô-tô trắng, đang hối hả quay giá đèn xanh, đỏ trên mui và hú lên những hồi còi hoảng loạn.
Bỗng cái máy điện thoại di động quai đỏ, lại rung lên bần bật trong túi áo của nàng. Bố nàng nhíu mày, nhìn cái máy hôm nào đã từng xem và vội bấm phím. Tôi cũng ghé xuống đọc tin nhắn: “Anh ơi, mẹ bị thương nặng lắm, cạnh máy húc, chỗ góc ruộng nhà mình”. “Mẹ ơi!”, tôi bất giác kêu lên và toài qua ra khỏi xe, thân thể dài nhẵng như sợi chỉ mành.
Hôm sau, khi trời vừa tan sương, tôi đã thấy các bà già lọ mọ ra đồng, lật đất dưới chân bánh xích và dùng lược tuốt từng khóm lúa lấm láp, đổ vào túi ni-lông. Hạt lúa ám mùi bùn đất, mùi xăng dầu, mùi thuốc nổ, mùi mồ hôi, mùi mía và máu… nhưng vẫn ánh lên màu sắc nguyên sơ, nom như vàng cốm. Những bông lúa còn sót lại trên đồng, uốn cong như mớ dấu hỏi, xôn xao nắng gió.
*
Một ngày đẹp trời, tôi thấy nàng lái xe ô-tô, qua cầu sông Lư, đưa mẹ tôi lên đền Thượng Nguồn. Hai đôi guốc mộc được nàng xếp ngay ngắn ngoài bậc cửa. Mẹ tôi nhìn theo, mỉm cười, vẻ hài lòng. Đó, chính là đôi guốc, tôi đã kỳ công đẽo từ gốc bồ đề. Tôi tặng mẹ một đôi, còn một đôi, mẹ bảo, sẽ tặng cô gái nào vừa chân… Mấy cây nến giả, thắp bóng điện màu, tưởng như đang leo lét cháy. Mẹ tôi xõa mớ tóc dài, bạc trắng hoa lau và khấn cầu ba hồn bảy vía con trai đang lạc bước ở đâu, hãy sớm bay về. Nàng lặng lẽ ngắm quả hồng chung và suýt kêu rú lên, khi nhìn thấy gương mặt tôi, lồi trên núm chuông. Con chó bông lông vàng cũng ngoáy đuôi, sủa úc ắc. Nàng trìu mến, cúi xuống nhìn nó và giơ ngón tay, ra hiệu im lặng. Chợt cái điện thoại di động quai đỏ, lại rung bần bật trong túi, nàng vội mở ra xem, trên màn hình tinh thể lỏng, có bóng dáng một trái tim mờ mờ ảo ảo.
Ôi, tại sao những ngón tay như cánh hoa lan của nàng, lại không rờ tay vào núm hồng chung kia và ước nguyện?
Tp. Tuyên Quang, 19/6/-3/12/2012./.

Không có nhận xét nào: