Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Bạn viết về tôi:


Lời giới thiệu
     
 Bạn đang cầm trên tay tập truyện ngắn Bánh xe hạnh phúc của Hồng Giang.

          Nơi chôn rau cắt rốn của anh ở Phúc Thọ, Hà Nội, ven sông Hồng đỏ mọng phù sa, nên anh lấy bút danh là Hồng Giang, để thỏa lòng đau đáu nỗi niềm quê. Lên Tuyên Quang lập nghiệp, lại cũng kề sông Gâm xanh trong, nên tác phẩm luôn có sông, tạo nên dòng chảy của truyện. Những cảnh đời trong đục, tương phản như bức tranh sáng tối của bối cảnh xã hội. Trong tác phẩm của anh còn có phố xá. Theo phong thủy hiện đại, đường phố cũng được coi như dòng sông vậy.

Bên những dòng sông đó, bao cảnh đời sống động hiện ra, tưởng như có thể nhìn thấy, sờ thấy, hoặc gặp được thân phận ấy. Cuộc sống nơi núi rừng và đô thị, tràn đầy trong truyện ngắn của Hồng Giang. Đọc tập truyện này, ta sẽ thấy, tác giả chỉ bằng vài nét bút, cảnh vật đã hiện lên, làm phông nền cho nhân vật tung tẩy: Một nhà trọ rẻ tiền phố thị, một bản người Mông trên rẻo cao, một cái đầm hoang trong khe núi, một phòng giải phẫu thẩm mỹ, một lò nấu cao xương thú rừng… Và cũng chỉ bằng vài nét chấm phá, các nhân vật đã hiện lên, mang dấu ấn tính cách của từng hạng người. Nhân vật trong truyện của anh, phần lớn là tầng lớp bình dân. Dù là ở đô thị, hay thôn quê, họ có đời sống mộc mạc, lam lũ, với cách nghĩ, cách cảm riêng biệt, về nhân tình thế thái. Những nhân vật thường bị dồn vào hoàn cảnh éo le, để bộc lộ tâm lý, tính cách. Chẳng hạn, sinh viên nghèo phải thuê phòng trọ chung với ca-ve (Chuyện lạ mùa thu); kết hôn với người bị lây nhiễm để cưu mang (Bánh xe hạnh phúc); vợ chồng phải ly tán, rồi mới ngộ ra giá trị hạnh phúc gia đình (Trở lại bến sông)…

Có truyện, chi tiết bộn bề, dồn nén cả một thời kỳ dài lịch sử như một tiểu thuyết rút gọn (Anh cu Đậu). Và, tác giả nhìn thấy cái thăm thẳm chiều sâu tâm lý nhân vật: “Bây giờ, Hằng ngồi kia, cái miệng xinh xắn đang uể oải nhai miếng cơm nguội. Đôi mắt đẹp của nàng đang nhìn xuống mặt đất, nơi có đàn kiến đen đang loạn xạ tìm cách nối đuôi nhau. Thực ra, nàng không nhìn gì cả. Nàng đang nhìn vào lòng mình’. (Vôi bạc). Chỉ một đoạn tả phòng giải phẫu thẩm mỹ, tác giả đã tạo nên bức tranh sinh động về nhiều hạng người trong xã hội, từ cô bác sỹ mở phòng mạch tư, đến bà già tám mươi phải sửa răng để đi hát Sình ca, ông cán bộ nghỉ hưu làm nghề trông xe, đến nhà doanh nghiệp bộn tiền chiều con. (Nốt ruồi hãm vận). Và đây, bức tranh miền sơn cước: “Ngày chợ phiên, các cô gái người Mông, người Dao ăn mặc sặc sỡ như một vạt hoa rừng. Những chàng trai quần áo chàm đen, bên sườn đeo cái bi đông lủng lẳng”. (Lên Khuổi Đào).

Nhiều truyện trong Bánh xe hạnh phúc đã được đăng trên Tuần báo Văn nghệ (Nốt ruồi hãm vận), hoặc báo Người Hà Nội (Lên Khuổi Đào), báo Tân Trào… Và truyện của anh đã được dư luận độc giả đón nhận, đánh giá đầy thiện chí.
Hồng Giang viết truyện ngắn đã nhiều, nhưng nay mới ra tập truyện ngắn đầu tay. Năm 2009, anh đã in tiểu thuyết Thăm thẳm đường về, dày ngót bảy trăm trang, bởi  Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Liền ngay đó, tiểu thuyết được giải thưởng thường niên của Hội Văn học- Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Hồng Giang, một cây bút đang sung sức. Anh say mê khám phá cuộc sống, tinh nhạy phát hiện vấn đề, tinh thông trong xây dựng cốt truyện và khá tinh tế về kỹ thuật miêu tả tâm lý, tính cách nhân vật...  Bánh xe hạnh phúc đã xây dựng một xã hội thu nhỏ, mà bộn bề cảnh huống, ăm ắp chi tiết với một tác giả viết rất có nghề.
          Anh còn lập blog Hồng Giang 180, để giao lưu văn chương trên mạng in-tơ-nét. Một người cầm bút, dù ở đâu, nhưng khi hội nhập thế giới văn minh, thì trang viết cũng mở mang không gian, biên độ... Bạn có thể cảm nhận được điều đó, khi đọc cuốn sách này.

NV. Vũ Xuân Tửu

Không có nhận xét nào: