Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Thực sự về ông Minh rất tiếc cho đến bây giờ vẫn nhiều ý kiến mà thực ra nó đã rõ từ lâu ông là ai? Người của phe nào? CHỉ có điều người ta ít chịu xâu chuỗi, nghiên cứu một cách tỷ mỷ!

Tướng Dương Văn Minh nhận chức Tổng thống để đầu hàng: Kỳ 4: Rút cử Tổng thống và không nhận hai triệu đô la của Đại sứ Mỹ

 
Tướng Dương Văn Minh và kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái nguyên chủ tịch Hội Sinh viên Sài Gòn, cơ sở Binh vận
Trước cuộc bầu cử, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tác động Quốc Hội VNCH thông qua luật bầu cử mới với quy định khắc khe về tiêu chuẩn ứng cử viên phải có ít nhất 40 chữ ký của các dân biểu nghị sĩ, hoặc 100 nghị viên Hội đồng tỉnh giới thiệu. Trước đó ông Thiệu đã vận động gom hầu hết chữ ký giới thiệu cho mình, vì vậy, ngoài Thiệu chỉ còn lại duy nhất Tướng Dương Văn Minh đủ tiêu chuẩn. Nhưng phát hiện những kế hoạch gian lận của Tổng thống Thiệu, Tướng Minh tuyên bố rút đơn ứng cử, biến cuộc bầu cử thành màn độc diễn. Đại sứ Mỹ can thiệp đề nghị hổ trợ hai triệu đô la để tướng Minh ra ứng cử nhằm thể hiện sự dân chủ cho cuộc bầu cử nhưng Tướng Minh từ chối. Kiên quyết với lập trường tìm giải pháp hòa bình hòa giải dân tộc, ông tập họp quy tụ “Nhóm ông Minh” bao gồm đủ các thành phần mà đa số là có liên quan đến Mặt trận giải phóng, Tướng Minh còn cưu mang che chở cho nhiều người thân cộng, thậm chí là đảng viên cộng sản ở ngay trong Dinh Hoa Lan của mình trong nhiều tháng nhiều năm trời.

Vốn là người nhân hậu theo lập trường hòa giải hòa hợp dân tộc, Tướng Minh đã thể hiện lập trường này trong mọi cương vị hoàn cảnh ngay trong những lúc khó khăn nhất. Do không chấp nhận cho người Mỹ ném bom đê sông Hồng ở miền Bắc, không đưa gián điệp ra Bắc, không chấp nhận cho Mỹ can thiệp sâu vào chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã dùng Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm làm cuộc chỉnh lý, tước quyền lãnh đạo của Tướng Minh đưa lên làm Quốc trưởng một thời gian sau đó đưa đi làm đại sứ ở Thái Lan như một hình thức cho sống lưu vong. Thời ấy, cho các chính khách, tướng lĩnh đi làm đại sứ là một hình thức đi đày mà nhiều người từng bị trong đó có cả Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm. …

Đang bị “đi đày” vẫn lên tiếng ủng hộ người khác

Nhưng ngay trong hoàn cảnh đó, quyền lực bị hạn hẹp Tướng Minh vẫn dùng uy tín của mình để hổ trợ cho những người có khuynh hướng tốt đẹp. Trong Hồi Ký Không Tên, cựu dân biểu đối lập Lý Quí Chung kể lại, nhân chuyến đi Bangkok (Thái Lan) để dự Hội nghi APU (Hiệp hội Dân biểu Nghị sĩ Á châu), ông đã gặp tướng Dương Văn Minh để chuyển lời của Cụ Trần Văn Hương yêu cầu Tướng Minh lên tiếng ủng hộ liên danh ứng cử tổng thống Trần Văn Hương – Mai Thọ Truyền (Lý Quí Chung là đại diện báo chí cho liên danh Trần Văn Hương trong Kỳ bầu cử này). Có lẽ vì ơn nghĩa đó cho nên năm 1969, khi được làm Thủ Tướng Trần Văn Hương can thiệp để Tướng Dương Văn Minh được hồi hương. Tướng Minh cư ngụ tại tư dinh có biệt hiệu là Dinh Hoa Lan trên đường Hồng Thập Tự (nguyễn Thị Minh Khai).


Tướng Minh và Nguyễn Ngọc Thơ, Phó Tổng Thống của thời Ngô Đình Diệm cũng là thành viên của “nhóm ông Minh” sau này

Từ 1970, Dinh Hoa Lan trở thành trung tâm quy tụ những nhân vật mang lập trường phản chiến, ‘hoà hợp hòa giải dân tộc’. Những người thân cận và cùng khuynh hướng này được gọi chung là “Nhóm ông Minh” công khai đối lập với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chống sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, chủ trương hòa hợp hòa giải dân tộc. Nhóm này gồm có những nhân vật chính yếu như sau: Ông Nguyễn Ngọc Thơ, (cho đến khi bi tai biến mạch máu nảo) Gíao sư Vũ Văn Mẫu, Gíao sư Tôn Thất Thiện, Gíao sư Lý Chánh Trung, Trung Tướng Mai Hữu Xuân, Nghị sĩ Hồng Sơn Đông, các Dân Biểu Nguyền Hữu Chung, Lý Quí Chung, Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận và Bác Sĩ Hồ Văn Minh, người công giáo và cũng là Phó Chủ Tịch Hạ Viện.

Ứng cử viên Minh lại đi vận động chữ ký cho ứng cử viên Kỳ

Công việc đầu tiên của nhóm này là phối hợp chuẩn bị tranh cử cho cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ 1971-1975. Chuyện ứng cử và rút cử của Tướng Minh cũng là sự kiện đặc biệt. Ông Trịnh Bá Lộc, tùy viên của tướng Minh đã kể chi tiết về sự kiện này như sau: Có ba liên danh đăng ký ứng cử là Nguyễn Văn Thiệu-Trần Văn Hương, Dương Văn Minh-Hồ Văn Minh và Nguyễn Cao Kỳ-Trương Vĩnh Lễ. Môĩ liên danh cần phải có ít nhất 40 chữ ký của các Nghị Sĩ Thượng Viện hay Dân Biểu Hạ Viện, hoặc 100 chữ ký của các Nghị Viên Hội Đồng hàng tỉnh và thị xã thì mới hợp lệ. Tổng Thống Thiệu nhờ quyền lực và thủ đoạn đã chiếm hầu hết chữ ký ủng hộ. Tướng Minh nhờ uy tín cũng có thừa chữ ký. Nhưng liên danh của Thiếu Tướng Kỳ thì không đủ mặc dù khối Hòa Bình Dân Tộc (ủng hộ Tướng Minh) và một số thành viên “Nhóm ông Minh” cũng vận động chữ ký của các Nghị Sĩ, Dân Biểu và Nghị Viên ủng hộ ông Kỳ. Sở dĩ Tướng Minh cần làm như vây vì muốn cuộc bầu cử có sự tham gia của liên danh ông Kỳ, bởi ông này là đối trọng của ông Thiệu trong vấn đề kiểm soát sự gian lận bầu cử và cũng để chia số phiếu của cư tri với ông Thiệu trong quân đội.

Cần nhắc lại rằng trước ngày bầu cử năm 1971, ông Kỳ là đương kiêm Phó Tổng Thống VNCH cho nên ảnh hưởng và quyền lực của Ông Kỳ đối với quân đội và các cấp hành chánh là không nhỏ. Nhưng tiếc rằng việc không thành, liên danh ông Kỳ không được ra ứng cử. Vì sự “vắng mặt” của liên danh Kỳ-Lễ nên một âm mưu gian lận bầu cử đã được tiên hành không e dè. Đai Tướng Minh nắm được bằng cớ chính xác về sự gian lận này nên đã quyết định rút đơn ứng cử. Đây chính là nguyên nhân đưa đến việc Đại Sứ Bunker tiếp xúc với Đại Tướng Minh.

Không nhận hai triệu đô, họp báo công khai rút cử

Ông Trịnh Bá Lộc nhấn mạnh rằng, sau khi liên danh ứng cử Tổng Thống “Dương Văn Minh--Hồ Văn Minh” đôt ngột rút đơn đại sứ Mỹ Bunker mới xin gặp Đại Tướng Minh tại tư dinh Hoa Lan. Đại Tướng Minh đã mời Gíao sư Tôn Thất Thiện tham dự cuôc tiếp xúc nầy với tư cách thông dịch viên và cố vấn. Sau khi chủ và khách trao đổi những câu chào hỏi xã giao, Đại sứ Bunker xin phép Đại Tướng Minh mời GS Tôn Thất Thiện bước ra khỏi phòng khách để hai bên có thể đàm đạo dễ dàng hơn. Theo Đại Tướng, Đại Sứ Bunker đã đề nghị giúp liên danh Dương Văn Minh—Hồ Văn Minh một số hiện kim khoảng 230 triệu bạc Việt Nam, tương đương hai triệu Mỹ kim nếu Đại Tướng Minh đồng ý tiếp tục ứng cử Tổng Thống. Đại Tướng Minh đã dứt khoát từ chối món tiền này của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ và tỏ rõ lập trường rút đơn ứng cử vì có bằng chứng rỏ rệt cho thấy: Phủ Tổng Thống đã ra chỉ thị tối mật cho các Tỉnh Trưởng, Tiểu Khu Trưởng, Quận Trưởng, Chi Khu Trưởng . . . kế hoạch bảo đảm việc tái đắc cử cho đương kim Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu. Đó là viêc xử dụng bất hợp pháp nhân viên chánh quyền, quân nhân và công chức cao cấp, công bộc quốc gia, trong việc gian lận bầu cử. Đại Tướng không thể vì bất cứ lý do gì mà tiếp tay cho sự gian lận này. Bởi vì tiếp tục ứng cử chỉ là để giúp người Mỹ và ông Thiệu tô vẽ cho màn kịch tranh cử như là có sự công bằng thật sự mà thôi. Ngược lại, cần phải để cho Tổng Thống Thiêu “độc diễn” để vạch trần tấn bi hài kịch trên của họ. Và quả nhiên dư luận thời đó đã phê phán cũng như chế diễu hài kịch này một cách thích đáng.

Cưu mang báo chí đối lập, sinh viên chống chính quyền

Sau khi quyết định rút cử, thì hoạt động của “Nhóm ông Minh” chủ yếu bàn các giải pháp đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh, thực hiện hòa giải dân tộc và khi Hiệp định Paris được ký kết thì đấu tranh đòi thực hiện hiệp định. Điều đáng nói là, về chủ trương và gốc gác thành phần của nhóm được Lý Quí Chung đánh giá như sau: “Xét về ‘gốc tích’ thành phần của nhóm ông Minh…lộ ra sau 1975, chúng ta sẽ không ngạc nhiên về sự chuyển dịch lập trường của nhóm ông Minh từ ‘ở giữa’ chuyển sang tả, rồi hướng đến sự sẵn sàng thỏa hiệp, liên kết với Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (Mặt trận) và Hà Nội. Gần phân nửa thành viên trong nhóm có quan hệ với Mặt trận ông Cước, anh Nhuận, giáo sư Trung, luật sư Liễng…khi Hiệp định Paris được ký kết, nhóm ông Minh ủng hộ triệt để sự thi hành Hiệp định.…Luật sư Liễng thì thành lập Tổ chức đòi thi hành Hiệp định Paris với sự tham gia của linh mục Nguyễn Ngọc Lan, thẩm phán Triệu Quốc Mạnh, nhà văn Thế Nguyên (báo Trình Bày).”

Theo ông Hồ Ngọc Nhuận cố vấn thân cận của Tướng Minh thì thật ra “Nhóm ông Minh” chỉ là một khái niệm mở ngoại trừ một số người nòng cốt thì đây là diễn đàn cho nhiều thành phần xã hội đa dạng, nhiều nhóm chính kiến chính trị khác nhau cùng tập họp theo chủ trương hòa bình, dân tộc. Chính với chủ trương này, Dinh Hoa Lan của Tướng Minh và nhà của ông trung tá Chánh văn phòng Trương Minh Đẩu, hai sĩ quan tùy viên là Trịnh Bá Lộc và Hoa Hải Đường ở kế cận Dinh Hoa Lan lại là nơi trú ẩn an toàn của nhiều thành phần đối lập với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đang bị truy nã. Cụ thể là chính ông Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba đã ở trong dinh hàng năm trời, tổ chức cả tòa soạn dả chiến tổ chức bài cho tờ báo “lậu” Tin Sáng sau khi bị chính quyền Thiệu rút giấy phép. Từ đó kéo theo cả những điệp báo của Quân Giải Phóng như Huỳnh Bá Thành (sau này là Tổng Biên Tập báo Công An Thành Phố HCM” thời đó được biết đến là họa sĩ Ớt chuyên vẽ tranh biếm họa, nhà báo Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng…

Chuyện cán bộ tình báo cộng sản ở trong nhà ông Đại Tướng của chính quyền đối lập quả là chuyện trái đời. Nhưng không chỉ bao nhiêu đó, Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Tổng Hội sinh viên Việt Nam, người tổ chức xuống đường đốt xe Mỹ, chống chánh quyền Thiệu cũng từng ẩn náo an toàn tại đây hơn sáu tháng. Luật sư Triệu Quôc Mạnh, đảng viên Đảng Cộng Sản từ năm 1966 thời đó mang vỏ bọc là Phó Biện lý tòa án Sài Gòn cũng có lúc thường lui tới ăn cơm ở Dinh Hoa Lan. Ngược lại cũng có những tướng lĩnh như Mai Hữu Xuân từng là Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc gia hay tướng Lê Văn Nghiêm được xem là lý thuyết gia của chủ nghĩa Quốc Gia cũng lui tới thường xuyên là thành viên nòng cốt của nhóm.

Nhìn cách nào đó, Tướng Minh và “nhóm ông Minh” chừng như lỏng lẻo, không có lập trường thuần nhất có cả quốc gia, cộng sản, có cả Phật giáo và Công giáo nhưng xét theo quan niệm hòa hợp hòa giải của Tướng Minh thì nghịch lý ấy lại hoàn toàn phù hợp như điều ông từng bộc lộ với con mình “Bên nào thắng cũng được miễn là kết thúc chiến tranh, hòa bình cho dân tộc”. Đó cũng là lý do vì sao ông lên làm Tổng thống để đầu hàng và những công việc đặc biệt mà ông đã làm trong thời gian ngắn ngủi.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: