Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Tôi cũng đánh tư sản


Nói thêm nhát nữa về chủ đề 30.4 rồi thôi, đơn giản bởi ngày mai tháng 5 rồi:

Thực ra, tôi cũng tham gia vào việc kìm hãm xã hội này, góp phần để nó vất vưởng đến tận bây giờ. Chả là hồi từ năm 1977 về sau, các giáo viên chúng tôi từ miền Bắc vào đã được huy động cho công cuộc long trời lở đất (xứ mình làm gì cũng long trời lở đất) đánh tư sản. Cứ theo miệng cán bộ, chúng tôi cũng hăng hái lên án kịch liệt bọn "tư sản mại bản ôm chân đế quốc Mỹ" Lý Long Thân, Mã Hỷ, Hoàng Kim Quy, Trương Dĩ Nhiên, Mã Tuyên..., tham gia phong trào đấu tố "bọn bóc lột, đầu cơ tích trữ, phá hoại kinh tế". Chúng tôi cả tin rằng lưới thép do nhà máy của Hoàng Kim Quy sản xuất chủ yếu để bọn đế quốc Mỹ sử dụng ngăn đạn B40, gạo xuất khẩu của Mã Hỷ là chiếm đoạt mồ hôi công sức nông dân đồng bằng sông Cửu Long, sắt thép do Lý Long Thân nhập về chủ yếu đúc súng đạn... Kết quả từ một nền kinh tế đang phát triển, hàng hóa phong phú, sự nghiệp cách mạng kinh tế đã thành công khi nhanh chóng đưa xã hội trở lại mức "mua cái đinh cũng phải giấy", miền Nam mau mắn hòa đồng với kinh tế nghèo nản, thủ công, bao cấp ở miền Bắc.
Gieo gì gặt nấy, chính chúng tôi cũng phải trệu trạo nhai hạt bo bo, củ sắn (mì) thay gạo suốt hơn chục năm trời.

Để một nền kinh tế xuống dốc thảm hại, trì trệ như vậy suốt mấy chục năm, lúc nào đó, các nhà cai trị phải công khai xin lỗi dân chúng về điều này, chứ không thể ù xọe đánh tráo khái niệm biến thành ca ngợi công cuộc đổi mới, đổ hết lỗi cho dân.
Nguyễn Thông
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: