Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Việt gian trong lịch sử -phần 2

Nguyễn Ngọc Lanh
– Một nguyên tắc “xét xử lại” ở đây là – nếu chứng cứ chưa rõ – cần suy đoán có lợi cho bị cáo; như vậy tránh được oan sai, nhất là bị cáo không còn cơ hội tự bào chữa.
– Một nguyên tắc khác là không dùng quan điểm thời nay phê phán các nhân vật thời xưa. Mỗi thời, mỗi xã hội có niềm tin, quan điểm và lẽ sống khác nhau. Cả xã hội thời xưa coi cướp ngôi là xấu, còn ngày nay coi “cướp chính quyền” là cách mạng.
Càng không dùng quan điểm của phe phái này để lên án phe phái đối địch – nhất là trong nội chiến.
– Nguyên tắc thứ ba: Ở đây, chỉ xét hành vi “bán nước”. Khi tổ quốc đã mất hẳn vào tay ngoại bang (không còn “nước” để mà “bán”) thì có thể phạm tội gì khác (ví dụ, tội cộng tác với giặc làm hại lợi ích của dân, của nước) chứ lấy đâu ra cái tội “bán nước”. Ông Hoàng Cao Khảikhông phạm tội “bán nước” – vì “nước đã mất từ lâu rồi”. Thậm chí đến nay có người cònthanh minh cho ông về quá trình “cộng tác với giặc đàn áp cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng“.
– Sử dụng Lịch Sử như một môn khoa học, để rút ra các bài học hữu ích; mà không lợi dụng Lịch Sử như một công cụ để làm chính trị.
Kiều Công Tiễn
Thời ông, chức tiết độ sứ và thứ sử do triều đình bên Tàu phong (từng nhiệm kỳ); còn hào trưởng (thủ lĩnh địa phương) là người Việt (hoặc đã việt-hóa) do gây dựng cơ nghiệp từ lâu đời mà có. Suốt 25 năm cả Kiều Công Tiễn và Dương Đình Nghệ đều là hào trưởng một châu, đều được họ Khúc – nhân danh Tiết độ Sứ – phong là thứ sử. Khi bên Tàu hết loạn (chia thành 10 nước) Khúc Thừa Mỹ (thiếu sáng suốt) đã thần phục nhà Lương (ở xa) mà “cứng đầu” với nhà Nam Hán ở ngay sát nách. Ông bị Nam Hán bắt mà không hào trưởng nào kịp (hoặc dám) cứu. Đây sẽ là cái cớ để sau này Kiều Công Tiễn đổ tội cho Dương Đình Nghệ.
Kiều Công Tiễn là hào trưởng và thứ sử châu Phong, cùng thời với Dương Đình Nghệ. Châu này rộng hơn, nhưng chủ yếu là đồi núi trung du, không trù phú bằng châu Ái của Dương Đình Nghệ (và sau này là Ngô Quyền). Thực lực của châu Phong không bao giờ đủ để nhòm ngó Đại La.
Khi Dương Đình Nghệ đem quân từ châu Ái ra chiếm Đại La, đuổi Lý Tiến về Tàu, chiếm chức Tiết Độ Sứ của ông ấy, rồi chuẩn bị đánh quân Hán sang cứu, Kiều Công Tiễn đã mang cả đạo quân từ châu Phong về Đại La hưởng ứng; trong khi Đinh Công Trứ, Đỗ Cảnh Thạc… chỉ tham gai chủ yếu bằng tài năng cá nhân. Có công lớn, Kiều Công Tiễn được phong thêm chức “tướng”, trong khi vẫn là thứ sử, hào trưởng. Thanh thế đứng ngay sau Dương Đình Nghệ. Gán cho Kiều Công Tiễn nằm trong số 3000 con nuôi của Dương Đình Nghệ là rất bậy.
Thực tế, Dương Đình Nghệ làm tiết độ sứ nhưng chưa chính danh – tức là chưa được triều đình bên Tàu phong cho. Ý thức dân tộc chưa đủ cao để ông vứt béng cái chức này, mà xưng vương. Cũng có lẽ ông chưa biết rằng triều Nam Hán không mạnh, thậm chí đang suy tàn, nên ông cứ cam chịu “tiết độ sứ” suốt 6 năm. Có lẽ “nếu” Nam Hán cho sứ sang phong ông “chính thức” làm tiết độ sứ, ông cũng mừng mà nhận… Tất cả, là những điều kiện để Kiều Công Tiễn nảy sinh tham vọng.
Khi Công Tiễn giết Đình Nghệ – với cái cớ “không cứu chủ họ Khúc” – đoạt chức Tiết Độ Sứ, ông vẫn mong được Nam Hán công nhận để có chính danh với các thế lực chống đối trong nước. Việc cầu cứu quân Nam Hán là vậy. Ông hy vọng, quân Nam Hán sẽ giúp ông chính thức làm Tiết Độ Sứ.
Dù xuất phát từ quan điểm thời xưa hay thời nay, Công Tiễn vẫn có tội – nặng hoặc cực nặng – mà công lao cũ không thể chuộc được. Ông bị giết là xứng tội. Sử sách ta ít nhắc vai trò “việt gian” của ông, vì chuyện đã lâu (thế kỷ X). Ngoài ra, ít còn tính thời sự. Để phục vụ việc chống Pháp (thế kỷ 19 và 20), người ta xây dựng các nhân vật hiện đại hơn: Nguyễn Ánh, Hoàng Cao Khải, Lê Hoan… Đúng đến đâu chưa biết, nhưng (dù đã chết) họ vẫn phục vụ những mục đích chính trị nhất định. Cần nhất, làm cho ai cũng nhất trí nhận định.
Ngô Nhật Khánh
Về nhân cách riêng, ông là con người kiên định với niềm tin sắt đã và thực hiện nó với ý chí không gì lay chuyển nổi. Với loại người này, đối thủ không thể lung lạc được; do vậy, sẽ không thể dung tha mạng sống, và cũng không thể không kính phục và sợ hãi.
Ông Ngô Nhật Khánh tin rằng ngôi vua phải thuộc về họ Ngô, với chiến công mở ra nền độc lập cho nước ta. Hậu sinh chúng ta bị các nhà viết sử thuyết phục, chứ Ngô Nhật Khánh tận mắt thấy họ Ngô chống xâm lược, còn họ Đinh gây nội chiến. Công và tội khác nhau như trắng và đen. Do vậy, ông coi việc họ Đinh thôn tính cơ nghiệp họ Ngô là phi nghĩa, bất chính; là kẻ thù không thể chung sống.
Nếu chúng ta vẫn quen chê cười những người ăn phải “bả vinh hoa”, hay “bùa phú quý” mà quên lý tưởng, ắt  chúng ta phải khâm phục Ngô Nhật Khánh. Nhà Đinh mua chuộc ông tưởng đã ở mức tột đỉnh: Mẹ ông trở thành hoàng hậu, bản thân ông trở thành phò mã (em rể Đinh Liễn) và cũng là anh vợ Đinh Liễn; nhưng ông vẫn không quên mối thù dòng họ Ngô bị tước đoạt cơ nghiệp.
Có người viết: Ngô Nhật Khánh “xẻo má” vợ. Đó là sự dễ dãi, nông cạn, do lòng yêu ghét. Xẻo má và rạch mặt là hai việc khác nhau. Lệ xưa thế này: dùng mũi nhọn của dao (hoặc kiếm) rạch nông lên mặt (đủ để thành sẹo vĩnh viễn) để cảnh báo, để nói lên quyết tâm, ý chí… Ngô Nhật Khánh đã làm như vậy với mục đích gửi một thông điệp sắt đá tới họ Đinh. Hiểu vậy, vấn đề sẽ đơn giản hơn là tán rộng về… sự dã man (!).
Phẩm cách một người là chuyện cá nhân, có thể đáng khâm phục – cũng là chuyện cá nhân với nhau. Lợi ích dân tộc mới là cao nhất. Trên quan điểm này, hậu thế lên án Ngô Nhật Khánh, là đúng. Và hậu thế ca ngợi đức thánh Trần (quên thù riêng) càng đúng.
Lên án Ngô Nhật Khánh mức nào? Ông có “bán nước” không? Ông làm quái gì  có nước để mà bán (nước là của vua Đinh)?. Nhưng hẳn là ông đã thuyết phục rất giỏi và hứa hẹn “như thật” với vua Chiêm về những quyền lợi nếu ông lấy lại được nước. Cứ cho là hợp đồng đã được ký kết. Vua Chiêm đã đồng ý đánh bạc. Quân Chiêm đã được huy động trên thực tế, đã chuẩn bị đổ bộ lên đất ta. Nhưng hợp đồng đã bị Trời phá (bão). Chưa gây hậu quả cụ thể. Nếu Nhật Khánh không chết trong cơn bão, nếu ông không chạy thoát theo vua Chiêm, nếu ông bị vua Đinh bắt… (3 cái nếu) thì tử hình vẫn xứng với tội. Càng xứng tội, vì nước ta nhỏ, ngày đêm ngay ngáy lo bị xâm lược. Cảnh cáo nghiêm khắc là cần thiết.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: