Ái Nữ
( Xin hỏi Ái nữ có bà con gì với HS Ái Lan không? )
Lời ca của Gió Phương Bắc:
Chít chiu! Chít chiu!
Chít chiu! Chít chiu!
Trời đất mênh mang, lạnh như sắt nguội
Mênh mang trời đất, đen đặc tựa sơn
Đất trời mênh mang, hôi tanh nhường máu.
Vũ trụ! Ôi vũ trụ!
Mi ở đó, vì sao?
Mi tới từ nơi nào?
Mi đang ngồi đâu vậy?
Mi, một trái không cầu lớn hữu hạn?
Mi, khối bao la không có chỗ tận cùng?
Nếu là trái không cầu hữu hạn
Thì không gian bao bọc mi từ đâu?
Xung quanh mi còn những gì tồn tại?
Nếu mi là khối lớn lao vô hạn
Thì không gian mi bao phủ là đâu?
Sự sống, bên trong mi lại có, vì sao?
Rút cuộc lại, mi là sự giao lưu sự sống
Ngẩng lên ta hỏi Trời
Trời tận trên cao mà chút gì cũng chẳng hay chẳng biết
Cúi xuống ta hỏi Đất
Đất đã chết rồi, chút hơi thở mỏng manh cũng chẳng còn chi
Ta vươn ra hỏi biển
Biển chỉ gào lên những tiếng ầm ì
Ôi! Ôi! Sinh ra ở nơi ô uế tối tăm
Thì đến kiếm báu kim cương cũng thành rỉ sét.
Vũ trụ! Ơi vũ trụ!
Ta muốn hết lời cạn sức nguyền rủa mi!
Những bãi giết người máu mủ hôi tanh kia!
Những chốn lao tù chứa chất đầy đau khổ!
Những địa ngục ma chập chờn ghê rợn!
Cớ vì sao mi cứ mãi còn tồn tại?
Chúng ta bay sang phía tây
Phía tây cũng là nơi giết chóc
Chúng ta bay sang phía đông
Phía đông cũng vẫn những lao tù
Chúng ta bay sang phía nam
Phía nam cũng toàn là mồ mả
Chúng ta bay sang phía bắc
Phía bắc cũng địa ngục tối tăm
Sống ở nơi thế giới thế này
Ta chỉ đành như biển khơi gào khóc.
Tiếng ca đáp lại của Gió Đến Từ Vũ Trụ:
Vi vu! Vi vu!
Vi vu! Vi vu!
Trời đất mênh mang, hồng lên nắng ấm
Mênh mang trời đất, cây lá xanh tươi
Đất trời mênh mang, thơm mùi hoa trái.
Vũ trụ! Ôi vũ trụ!
Vẫn luôn ở đó
Ở khắp mọi nơi
Không cần hỏi một lời.
Ngài là một khối sáng huy hoàng
Ngài là năng lượng không cùng tận
Là đấng toàn năng không giới hạn
Bao gồm tất cả mọi không gian.
Trong Ngài chứa cả sự sống và cái chết
Cả những điều thiêng liêng, cả những thứ vô hồn.
Ngươi ngẩng lên hỏi Trời
Nhưng chỉ nhìn thấy mây xanh, mây không biết trả lời
Ngươi cúi xuống hỏi Đất
Chỉ là đất nâu không thể nói một câu
Ngươi vươn ra hỏi biển
Biển dội lại những âm thanh không suy nghĩ.
Ôi! Ngươi sinh ra ở nơi tươi sáng
Nhưng lòng ngươi tối tăm
Vũ trụ ở trong ngươi
Thượng Đế ở trong ngươi nhưng ngươi không hỏi
Ngươi lại hỏi những mây nước cùng đất đá.
Vũ trụ! Ôi vũ trụ!
Ngài đang bị nguyền rủa
Bởi những con người vô ơn.
Con người giết chóc nhau rồi đổ cho Thượng Đế
Mải réo hờn nên lòng người đã thành ra những nấm mồ
Những địa ngục thê lương
Những chốn lao tù đau khổ...
Ngươi bay sang phía tây
Chỉ nhìn vào nơi chết chóc
Ngươi bay sang phía đông
Chỉ thấy chốn lao tù
Ngươi bay sang phía nam
Tin rằng nơi đó không có gì ngoài mồ mả
Ngươi bay sang phía bắc
Chỉ để tìm những địa ngục tối tăm
Ngươi gào khóc
Ngươi tưởng rằng ngươi đã đi hết thế giới này
Và ngươi chỉ là một kẻ không may...
Ngươi đâu có biết gì về Thượng Đế
Hạnh phúc ở trong ngươi, ngươi không biết kiếm tìm
Ngươi chỉ lang thang trong ba chiều không gian
Mà không biết vũ trụ là vô vàn chiều biến ảo.
Khi ngươi quyết định rằng
Thế giới không có gì hơn những điều ngươi thấy
Ngươi tự đóng cửa chính mình, ngồi đó than van...
*
Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn loay hoay mãi mà vẫn không chọn được cái tên nào làm bút danh đủ để thay thế cho cái tên khai sinh đã “đụng hàng” rất nhiều của anh ta, cho nên dứt khoát anh ta phải ghen tị với cái tên đầy đủ và hoàn hảo của cậu: Gió Phương Bắc Tequila – Acemediavn Trẻ Trâu. Sự cầu kỳ duyên dáng của nó đủ để tạo nên Sự Khác Biệt, đồng thời ngoài việc lập nên kỷ lục về bút danh rắc rối trong văn giới Việt Nam, nó lại có thể được tách ra nhập lại dễ dàng để sử dụng trong từng văn cảnh cho phù hợp. Cậu hài lòng rồi chứ, cơn gió của tôi?
Nguyễn Thanh Sơn có thể cười vào mũi cậu, một kẻ tự nhận là tay “tầm chương trích cú” nhưng lại chỉ biết dịch giả của khúc “Phượng ca” là Phạm Thị Hảo mà không biết tác giả của nó. Anh ta cũng có thể cười vào mũi tôi, về chuyện tôi viết ra bài “Gió hát” để đáp lại cậu mà không biết là mình đang đáp lại thơ của Quách Mạt Nhược. Cậu nốc lắm tequila vào cũng chẳng say được hơn nữa, hỏi ông bác Google cũng chẳng nhận được sự giúp đỡ nào. Nhưng những bạn đọc vô danh hoàn toàn có thể giúp chúng ta bù đắp khiếm khuyết không nhỏ này. Bạn đọc Người Hà Nội, người tìm ra tung tích khúc “Phượng ca” lại là một chuyên gia về... IT.
Từ hồi tập thơ “Nữ thần” của Quách Mạt Nhược ra đời đến nay đã gần trăm năm rồi nhỉ? Vẫn còn nguyên đó ước vọng về sự phục sinh của Phượng Hoàng.
Vũ Trụ đã chuyển nhịp xoay vần, thế giới của triết gia Kim Dung đã trở nên chật chội, ấy vậy mà Ngài Cú Thông Thái vẫn còn dùng môn “hấp tinh đại pháp” của Nhậm Ngã Hành. Laptop của cậu đầy ứ truyện kiếm hiệp, cậu còn lạ gì món võ công của lão già sống quá lâu trong ngục tối đó nữa. Tuy nhiên, để giúp các bạn đọc hình dung ra Nguyễn Thanh Sơn dùng “hấp tinh đại pháp” trong phê bình như thế nào, tôi mượn mẩu “bình loạn” của lão Gấu Dở Hơi trên Facebook:
“Nếu có một người nào đó trong nước chê Sơn thì Sơn sẽ trả lời bằng một bài dài có nhiều trích dẫn của các bậc đại văn hào trên đời, đã được lựa chọn khéo để làm văn nô cho Sơn trong khuôn khổ bài viết đó. Các bài viết hướng đối tượng cụ thể của Sơn thường có công thức của một cuộc xử bắn phi quy tắc. Đầu tiên là Sơn tung ra một chưởng trích dẫn để mở mắt cho đối tượng. Câu này thường ngắn, giựt cục một cái, giống như tay đội trưởng hành hình không dưng tùy hứng kéo phứt cái băng che mắt của kẻ tử tù đang dựa cột xuống - mày nhìn mặt tao đây này. Sau đó là thuyết giảng thuyết giảng cho y ta biết tội. Và cuối cùng chắc chắn sẽ có một phát súng ân huệ, thường là một câu trích dẫn đi kèm câu hỏi khéo là đối tượng thấy mình đã sống xứng đáng với tinh thần của câu cách ngôn đó chưa. Tới chỗ này đối tượng thường là bị sốc thuốc nặng rồi. Đặc biệt là các đối tượng nhà văn Việt Nam dốt ngoại ngữ chuyên đọc các câu cách ngôn qua các nguồn thứ cấp và ngay cả nếu có đọc được chút ít ngoại ngữ thì cũng chỉ ở cái tầm văn hóa Google không đủ để hiểu rộng, sâu, xa, cao làm sao chọi lại được với Sơn”.
Lão Gấu nói thế thì tất nhiên là dở hơi rồi, nhưng rõ ràng là tay “thổ phỉ” Nguyễn Thanh Sơn cũng đưa mình vào chỗ dở hơi không kém. Anh ta muốn viết văn như một nhà văn trong vai diễn nhà phê bình, nhưng rồi lại thành diễn vai đao phủ.
Biết làm sao được khi Thượng Đế đã sắp đặt như vậy. Cái Ác càng ngày càng mạnh và cuốn phăng đi tất cả. Nguyễn Thanh Sơn muốn bảo vệ nâng niu cái đẹp, nhưng để có sức mạnh thì anh ta bắt buộc phải thành Kẻ Ác. Chúng ta cũng vậy, nhưng chúng ta ác hơn Nguyễn Thanh Sơn nhiều.
Tôi từng nói với bạn đọc rằng tôi và cậu sẽ còn cãi nhau cho đến ngày tận thế. Nếu như không có Ngày Tận Thế thì cuộc cãi vã của chúng ta chẳng đi đến đâu. Tôi vừa nói “Chúng-Ta-Là-Một” thì cậu đã lập tức cãi “Chúng-Ta-Không-Thể-Là-Một”. Từ ngày vở kịch “Cây gậy Thương Hiệu và đám mây Lý Thuyết” ra đời đến nay, cuộc tranh cãi ấy chưa bao giờ chấm dứt. Chỉ vì cãi nhau mà cậu lập ra bao nhiêu nickname, hóa thành bao nhiêu nhân vật, nhưng rồi vẫn chỉ là Một. Là một Gió Phương Bắc Tequila – Acemediavn Trẻ Trâu với nỗi trăn trở về Sự Khác Biệt. Sao cậu lại yêu cô nàng Sự-Khác-Biệt say đắm đến thế? Cô ta tuy xinh đẹp quyến rũ, nhưng đỏng đảnh kiêu kỳ và gây ra vô số tai họa. Tôi chỉ ưng anh chàng Sự-Hợp-Nhất thôi. Tuy anh ta đơn giản nhưng lại bao dung độ lượng, bản lĩnh của anh ta đủ để hóa giải được mọi nguy cơ.
Ngày Tận Thế đã đến rồi, chúng ta chỉ còn cơ hội cãi nhau lần cuối. Hãy để nhân vật của chúng ta bước vào đời xem chuyện gì sẽ xảy ra. Kẻ mê truyện kiếm hiệp như cậu có thể tưởng tượng ra “cô cô” Ái Nữ trên đường thiên lý, với thanh kiếm Sự-Khác-Biệt và dải lụa Sự-Hợp-Nhất làm vũ khí. Ồ thôi đi, nhảm lắm! Thế giới của nhà văn Kim Dung vô cùng quyến rũ, nhưng chỉ là giấc mộng bất thành. Chả có người nào sống thật mà học theo nổi những nhân vật ấy. Triết gia Kim Dung chỉ “phá” được ở trong truyện chứ không phá nổi bầu không khí u ám trong thế giới thực. Tư tưởng dù lớn đến mấy cũng chỉ là giả, vì thế chúng ta từng chứng kiến bao nhiêu vĩ nhân trên đời với những tư tưởng lớn lao, nhưng rồi nhân loại vẫn lâm vào ngõ cụt. Người Việt Nam biết đủ các loại triết học trên thế giới đấy chứ, nhưng rồi họ dùng nó thế nào? Cuối cùng đều thành ra những tiểu thuyết giải trí cao cấp, giải trí thôi chứ không giải vây được cho cuộc đời mình.
Các nhà văn Việt Nam là ai? Là những con chim sa lưới. Ngay đến những kẻ lưu manh cũng biết một bài học thực tế là ở đời người ta nên phù thịnh chứ chẳng nên phù suy. Thế lực của Cái Ác đang dâng cao, thế mà các nhà văn Việt Nam lại hò nhau xông ra bảo vệ cho Cái Thiện, họ dám đòi lật đổ Thượng Đế sao? Cứ vùng vẫy trong tấm lưới Thiện-Ác như thế, tên tuổi của họ có thể bị đem ra “nấu cháo” bất cứ lúc nào.
Cuộc “đảo chính” đòi lật đổ Thượng Đế của các nhà văn Việt Nam có kết quả không? Nhìn bề ngoài thì họ có vẻ thành công rồi đấy. Diễn đàn Blog Việt chứng kiến cảnh blogger Tranquoctrung78 làm cho người ta đinh tai nhức óc. Đăng đàn trong blog Hơi Thở Của Vũ Trụ thì chỉ có bạn đọc văn chương thôi. Không biết Tranquoctrung78 đọc phải những cái gì mà anh ta bị điên, lúc nào cũng chỉ gào lên mấy từ: “Súc vật! Súc sinh! Thượng Đế đã chết!” Làm cứ như là trong đầu anh ta không còn nhớ được từ gì khác. Gió Phương Bắc Tequila – Acemediavn Trẻ Trâu, cậu vẫn còn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng “đàn khỉ trong rạp xiếc sổng chuồng không phải là bi kịch”, nhưng Tranquoctrung78 thì không được như thế, ai cũng nhận thấy là anh ta bị điên thật rồi. Đấy, chương nhất của tiểu thuyết này vừa hiện ra, anh ta đã chạy vào nói lảm nhảm: “Mang tính cảm thán - tự hỏi mình thôi. Muốn nhà văn phải thế này thế khác - nếu các nhà văn muốn làm súc vật thì sao đây? Lại ra bảo "không được làm súc vật" thì đúng là các nhà văn không có quyền tự do à?” Dù anh ta bị điên nhưng anh ta vẫn được nhiều người thông cảm. Vả lại Chúng-Ta-Là-Một, chẳng nhẽ lại không cho Tranquoctrung78 được đúng lấy một lần? Mèo Ainu là một đáp số hoàn hảo, nó tự do vì nó không phải là người.
Để tạo lý lịch danh giá cho Mèo Ainu, chúng ta cần chấp nhận rằng nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn là một đại văn hào. Cậu lại muốn “sưng mỏ” lên để cãi bằng cách đưa ra Sự-Khác-Biệt giữa các đại văn hào nước ngoài và Nguyễn Thanh Sơn phải không? Đừng lúc nào cũng “trong cơn say đọc nhanh viết vội”, nếu cậu dám la lối lên thì tôi sẽ đổi cái tên Gió Phương Bắc Tequila – Acemediavn Trẻ Trâu mỹ miều duyên dáng thành một từ ngắn gọn: Dốt.
“Bên này rặng núi Pyrenees là chân lý, bên kia rặng núi Pyrenees là sai lầm”. Tôi đã google ra câu ấy là của nhà toán học triết gia Blaise Pascal. Dịch kiểu gì thì cũng đến thế mà thôi, chẳng qua là dùng danh ngôn của Tây cho nó điệu. Cái tay Gấu Dở Hơi kia cứ nâng tầm quan điểm lên, chứ Nguyễn Thanh Sơn trích dẫn lắm như thế chẳng qua là anh ta ưa thích những gì duyên dáng mỹ miều, cứ đem chân lý đặt vào miệng các đại văn hào cho điệu. Nhưng thôi, để những kẻ dở hơi như lão Gấu khỏi chỉ trích là tôi xuyên tạc ý nghĩa của một câu danh ngôn, tôi nhận câu này là của tôi, ai muốn hiểu sao thì hiểu: “Ở bên trong nước Việt Nam là chân lý, ở bên ngoài nước Việt Nam là sai lầm”. Và chúng ta áp dụng câu này cho trường hợp của đại văn hào Nguyễn Thanh Sơn.
Người Việt Nam luôn thích những gì vĩ đại, luôn muốn nghe nhắc đến sự thật rằng họ là những kẻ hơn người. Thế cho nên mới có câu ca dao đời mới:
“Việt Nam hình chữ ét xì
So với thế giới cái gì cũng hơn”.
Quả nhiên là họ vĩ đại và hơn người thật, kể cả trong lĩnh vực văn chương. Số lượng các nhà văn nhà thơ của Việt Nam rất đông đảo, nếu ngày trước người Việt có câu “ra ngõ gặp anh hùng” thì nay nhiều người đã đổi thành “ra ngõ gặp nhà thơ”. Tôi vừa google ra một kết quả là hiện nay số hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam xấp xỉ ngàn ba, cộng với số nhà văn nhà thơ không phải là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam nghe nói là đông gấp mười, vậy thì thêm mười ba ngàn hoặc hơn nữa. Nói chung là rất khó để thống kê, vì hễ ai xông ra viết văn và xuất bản dù trên giấy hay trên mạng đều thành nhà văn. Rất điển hình là trường hợp của Mèo Ainu, trần đời này không thể kiếm đâu ra một nhân vật huênh hoang hơn nó, vừa xuất hiện trên mạng được một tháng nó đã tự xưng nó là “nhà văn từ trong kiếp trước”, thế mà cũng có những người đồng ý. Vì một số người bối rối với từ “nhà văn”, tôi đã tra từ điển thấy định nghĩa rằng nhà văn là “người chuyên sáng tác văn và có tác phẩm giá trị được công nhận”. "Chuyên sáng tác"thì dễ rồi, có người mỗi ngày làm ra năm sáu bài thơ, vô cùng năng suất, văn thì họ viết còn nhiều hơn thế với những cuốn sách dày cộm. "Có tác phẩm giá trị được công nhận" thì chắc chắn, viết bài giới thiệu và khen nhau là việc mà người Việt Nam làm rất nhanh và thạo. Bằng việc trở thành một cường quốc về văn thơ như thế, đương nhiên là Việt Nam sắp “cất cánh” rồi. Bây giờ thì chưa, vì bầy chim vẫn còn trong lưới.
Nếu đem so với những nhà văn nhà thơ có tác phẩm nặng hàng tạ giấy thì Nguyễn Thanh Sơn chỉ là một gã nhà nghèo trong làng văn nghệ với tập sách mỏng in năm trăm bản cách đây mười ba năm. Nhưng dù sao thì giá trị văn chương cũng không được quyết định bằng độ dài và độ nặng vật lý của tác phẩm. Văn giới quần hùng đông đảo như vậy, nhưng giống như lão Gấu Dở Hơi nhận xét, đa số họ lại đọc chưa thông, còn viết thạo hay không thì chưa rõ. Nguyễn Thanh Sơn thì đọc thông và viết suýt thạo. Anh ta có nhược điểm là không thông thạo chính tả, mà đây lại là nhược điểm đáng nói. Tôi đã từng chứng kiến một cô bạn gái tỏ ra ác cảm với một gã đang tán tỉnh cô ấy chỉ vì tin nhắn của gã đầy lỗi chính tả. Tuy nhiên nhược điểm này có thể khắc phục được bằng cách chỉnh sửa trước khi xuất bản chính thức, đây cũng là nhược điểm khá phổ biến của nhiều người viết và dễ được chấp nhận. Như vậy, Nguyễn Thanh Sơn với năng lực đọc thông viết thạo, cộng thêm khả năng trích dẫn mỹ miều duyên dáng, hoàn toàn xứng đáng là đại văn hào trong làng văn nước Việt.
Với Mèo Ainu thì sao? Không cần Nguyễn Thanh Sơn phải là nhà nhân học, chỉ cần anh ta là “nhà mèo học” thì đã đủ là đại văn hào của nó rồi. Nó đã vui sướng làm sao khi đọc đoạn văn mà anh ta miêu tả chú mèo đùa nghịch với cuộn len. Trước đó chưa từng có ai tả được nó giống như thế. Bằng ngòi bút sống động của mình, nhà văn Nguyễn Thanh Sơn đã sinh ra Mèo Ainu một lần nữa, nó lại được xỏ chân vào đôi hia thần kỳ của truyện cổ tích. Nó mơ màng với hình ảnh chiếc chìa khóa vàng, cánh cửa bí mật và sân khấu với ánh sáng huyền ảo... Trong những tác phẩm của Nguyễn Thanh Sơn, Mèo Ainu đã tìm thấy cuộn len mà Thượng Đế dành cho nó.
*
Gió Phương Bắc Tequila – Acemediavn Trẻ Trâu, như vậy là Mèo Ainu đã được “thắt nơ” xong. Cái giống mèo nó ưa làm dáng như thế. Mèo Ainu không thể thất bại vì nó làm việc dễ. Loài người thất bại vì toàn xông vào làm việc khó.“Trước rượu và trước Chúa em không dối lòng mình được”. Cứ nghe cái câu sến súa sặc mùi tequila ấy thì biết cậu không ổn rồi. Đàn ông mà phải khoe là mình đẹp trai và có tài thì chắc chắn là phường vô dụng. Cuốn “Cơ hội của Chúa” của nhà văn Nguyễn Việt Hà chỉ có mỗi cái tiêu đề là đáng đọc, không rõ có phải ông nhà văn này xây dựng nhân vật dựa trên những gã bê tha mà lại còn điệu như cậu không?
Mèo Ainu đã lên đường, chúng ta chỉ cần theo dõi hành trình của nó. Không cần phải thông minh để biết rằng kịch bản xảy ra với Mèo Ainu sẽ giống hệt như con mèo và cuộn len trong tác phẩm của Nguyễn Thanh Sơn. Len sẽ rối tung lên thành đống hỗn độn. Và chúng ta sẽ biết thế giới này là nơi ô uế tối tăm hay lànơi tươi sáng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét