Sau 5 năm sống ở Bắc Kinh, Hannah Sanders và chồng của bà, Ben, làm việc ở Trường Quốc tế Harrow, quyết định xếp hành lý quay trở về Anh quốc.
"Ban đầu, chúng tôi định ở lại 6 năm. Nhưng tình trạng ô nhiễm đã vượt mức chịu đựng", bà Sanders, 34 tuổi, người mẹ của hai đứa con, nói.
"Tôi không cảm thấy an tâm khi cho đứa con hai tuổi của mình chơi đùa bên ngoài. Tình trạng ô nhiễm cũng hạn chế các hoạt động ngoài trời của gia đình".
Dù vẫn chưa có một thống kê chính thức, nhưng các công ty, trường học, đại sứ quán, các hãng tư vấn tuyển dụng, đều xác nhận một điều: Dù nền kinh tế Trung Cộng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các công ty quốc tế, Bắc Kinh đang ngày càng kém thu hút trong mắt giới lao động nước ngoài.
Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã công bố kết quả khảo sát thường niên mang tên 'Môi trường Kinh doanh ở Trung Cộng' hồi tháng Ba năm 2014.
Một trong các câu hỏi có nội dung: "Bản thân bạn hoặc công ty của bạn có gặp khó khăn trong việc tuyển dụng hoặc giữ chân các lãnh đạo cấp cao làm việc tại Trung Cộng vì chất lượng không khí?".
48% trong số 365 công ty thành viên trả lời có, so với chỉ 19% trong năm 2008.
Mặc dù những thông tin được công bố là khá ít, các công ty trong nhiều ngành đều thông báo quản lý của họ ở các cấp đang yêu cầu được chuyển nơi công tác để tránh ô nhiễm.
Tháng Bảy năm 2013, tỷ lệ di dời nơi ở của các gia đình lao động nước ngoài ở Bắc Kinh đã lên đến mức kỷ lục.
Hậu quả là các công ty nước ngoài ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc đưa nhân viên đến Trung Cộng,
"Cứ mỗi năm, Bắc Kinh lại mất thêm nhiều điểm trong mắt các lao động chuyên môn," bà Angie Eagan, Giám đốc điều hành hãng tư vấn tuyển dụng MRCI, nói.
Bắc Kinh đã mất 3 điểm trong năm 2012 trong danh sách các thành phố thu hút lao động nước ngoài.
56% trong số 5.000 người được phỏng vấn nói yếu tố sức khỏe là một trong những lý do chính khiến họ muốn chuyển việc làm.
Mặc dù vậy, một cuộc khảo sát gần đây của HSBC cho thấy Trung Cộng vẫn là sự lựa chọn số một của các lao động từ nước ngoài do thu nhập cao.
Một số hiệu trưởng các trường quốc tế nói rằng số lượng học sinh nhập học đã giảm 5% trong năm 2013 và hai tòa đại sứ lớn ở Bắc Kinh nói họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên.
Nhiều bậc phụ huynh lo ngại về những ảnh hưởng dài hạn khi cho con mình tiếp cận với không khí độc hại.
Trong khi đó, những số liệu mới nhất chắc chắn cũng sẽ không giúp họ cảm thấy an tâm chút nào.
Chỉ số đo ô nhiễm PM2.5 đã vượt mức 500 trong nhiều ngày liên tiếp hồi tháng Ba năm 2014, gấp 20 lần mức an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới quy định.
Kết quả khảo sát của WHO được công bố hồi năm ngoái cho thấy các trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí tại Trung Cộng lên đến 1,2 triệu trong năm 2010.
Khi kết quả này được công bố, nhiều giáo sư đại học Trung Cộng đã đặt nghi vấn trước phương pháp thống kê và cho rằng con số thật có thể còn cao hơn.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Cộng không hẳn là bất động.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhiều lần kêu gọi 'đấu tranh chống ô nhiễm' và thiết lập một hệ thống theo dõi ở tất cả các thành phố lớn của Trung Cộng.
Tuy nhiên, bất chấp việc hàng nghìn nhà máy bị đóng cửa và hàng triệu đôla được đổ vào việc nâng cấp ngành công nghiệp của Trung Cộng, bầu trời trên nhiều thành phố lớn của nước này vẫn xám xịt và các chỉ tiêu giảm khí thải thường xuyên không đạt được.
Tình trạng ô nhiễm từ lâu đã là mối lo ngại cho các gia đình lao động nước ngoài tại Bắc Kinh. Tuy nhiên chỉ trong những năm gần đây, các công ty mới bắt đầu nhìn thấy tác động của việc này, khi nhiều gia đình nhận ra rằng đây không phải là vấn đề có thể được giải quyết một sớm một chiều.
"Nhiều người ngạc nhiên vì tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn và họ nhận ra rằng đây không phải là vấn đề ngắn hạn," Adam Dunnett, Thư ký Phòng thương mại châu Âu ở Trung Cộng, nói.
"Việc tìm kiếm một quản lý ở Bắc Kinh đang ngày càng trở nên khó hơn," bà Eagan nói, đồng thời cho biết các lao động cao cấp thường hướng đến Hong Kong hoặc Singapore nhiều hơn.
Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn tiếp tục là một trung tâm chính trị và kinh tế của nền kinh tế lớn nhì thế giới. Các tập đoàn nước ngoài đã đổ hàng triệu đôla để đưa các hoạt động của mình về đây.
Để đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự, nhiều công ty đã đưa ra những khoản đền bù cao, hoặc các gói lợi ích linh hoạt, như trả tiền máy bay hàng tuần cho các lãnh đạo đi thăm gia đình, vốn đang sống ở những quốc gia châu Á khác.
Một số công ty khác găn thiết bị lọc khí hiện đại trong văn phòng cũng như tại nơi ở của nhân viên mình.
"Các công ty đang làm hết tất cả những gì có thể, nhưng thực tế là người ta đang bỏ đi ngày càng nhiều, khiến việc thu hút nhân tài ngày càng khó khăn," ông Dunnett nói.
Virginie Mangin
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét