Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Tóm tắt truyện QUAN TRƯỜNG (QUAN GIA)


Nhân dịp nghỉ Noel, tôi quyết định đọc bộ trường thiên tiểu thuyết Trung Quốc khá hay, nhưng rất dài ( 42.043 trang, tức hơn 4,2 vạn trang, 1354 chương). Dù còn hơn trăm chương cuối chưa đọc xong, nhưng thấy quá hấp dẫn và phù hợp với bạn đọc Việt Nam, nên tôi viết tóm tắt và giới thiệu để ai có thời gian thì nên đọc. Bộ truyện này hay hơn Bộ truyện tôi giới thiệu lần trước: Quan khí
Dưới đây là đoạn mở đầu Quan Trường và tiếp theo là phần tóm tắt của tôi.1. Đoạn mở đầu truyện QUAN TRƯỜNG:
Lưu Vĩ Hồng bình tĩnh ngắm nhìn cây ngô đồng ở bên ngoài khung cửa sổ, cảm giác đầu óc hơi choáng váng.
Lưu Vĩ Hồng và Vân Vũ Thường - 
cặp thanh mai trúc mã trong Quan gia
Cây ngô đồng hình dáng cổ quái này, những phiến lá mỏng manh kia, đều đã trở thành một bức tranh vĩnh viễn khắc sâu trong tâm trí của hắn, không thể nào phai tàn. Lưu Vĩ Hồng nhớ rõ ràng, gốc cây ngô đồng này nằm ở bên ngoài cửa sổ tầng hai ký túc xá cơ quan Bộ tư lệnh quân khu thủ đô. Thời còn thanh thiếu niên, hắn đã từng sinh hoạt nhiều năm ở trong khu này.

Bởi vì ở trong khoảng thời gian đó, cha của hắn Lưu Thành Gia đang nhậm chức trưởng ban tác chiến thuộc Bộ tư lệnh quân khu thủ đô, cán bộ cấp sư đoàn trưởng.

Nhưng đó là khoảng thời gian hai mươi mấy năm trước, cũng chính là chức vụ ở những năm cuối thập niên tám mươi. Sau đó, cha của hắn được thăng chức và chuyển đi khỏi tòa nhà ký túc xá này, Lưu Hồng Vĩ cũng không còn dịp trở lại thăm nơi này.

Trên thực tế, từ khi hắn và gia đình cãi nhau, sau khi hắn đến trường đại học nông nghiệp tỉnh Sở Nam, thì cũng rất hiếm khi quay về căn hộ này.

Trong kí ức, nó đã là khoảng thời gian thực xa xôi....
Tử cấm thành, nơi các nha nội (con ông cháu cha) của các lão thành cách mạng Trung Quốc (các lão gia tử) thường xuyên chui ra chui vô để nhờ cậy uy quyền của gia tộc, gia hệ.

Nhưng cây ngô đồng bên ngoài cửa sổ kia, và hết thảy đồ dùng trang trí bên trong căn phòng này, cùng hai mươi mấy năm trước đều giống nhau như đúc, hơn nữa rõ ràng đây không phải là đang nằm mơ. Ngay vừa rồi, hắn đã thử cắn qua bàn tay, cảm giác rất đau!


Lưu Vĩ Hồng nhớ rõ ràng, không bao lâu trước, một ngày tháng 9 năm 2011, chính mình còn đang uống bia ở trong một quán bia bình dân tại huyện Đại Ninh, uống rất nhiều. Nhưng chuyện tình xảy ra phía sau thì Lưu Vĩ Hồng nhớ rõ cũng không phải như thế này. Tửu lượng của hắn không mạnh lắm, sau khi uống xong bảy tám chai bia, thì đầu óc đã sớm choáng váng mất rồi. Lưu Vĩ Hồng nhớ mơ hồ, chính mình giống như đã đụng phải một cô gái tuổi còn khá trẻ, cô bé kia ăn mặc rất xinh đẹp, khuôn mặt bôi hoa trát phấn đủ mọi sắc màu, thực điển hình là tiểu cô nương tuổi teen. Sau đó xảy ra chuyện tình cãi nhau, cô bé kia vươn tay đánh cho hắn một cái, Lưu Vĩ Hồng ỷ vào tửu kình, cũng vung tay đánh trả. Nhưng ngay sau đó, thì một đám nam thanh niên trang phục nhố nhăng đã xuất hiện, vây quanh hắn, một cơn mưa quyền cùng vỏ chai bia giáng xuống người hắn. Lưu Vĩ Hồng năm xưa còn trẻ, thân hình cũng cường tráng khỏe mạnh, nhưng thời gian nào có buông tha người ta bao giờ, đàn ông trung niên hơn bốn mươi tuổi, thân thể cho dù tốt cũng không thể nào so sánh được cùng đám thanh niên.

Sau khi cơn mưa quyền cùng vỏ chai bia chấm dứt, thì Lưu Vĩ Hồng đã bất tỉnh nhân sự.

Mà giờ đây, bản thân hắn thì đứng ở chỗ này!


Đứng trong gian phòng ký túc xá kiểu kiến trúc hai mươi mấy năm về trước, quẳng ném ánh mắt ngắm nhìn gốc cây ngô đồng hình thù cổ quái mà ngây ngẩn tâm thần.

Bỗng dưng, Lưu Vĩ Hồng giật mình...!

Đường làm quan của người đàn ông trải qua cuộc đời 40 năm 1969-2009 đột nhiên tái sinh trở lại vào năm 1990-1991, biết rõ những sự kiện sẽ diễn ra trong giai đoạn 1991-2011, bắt đầu...

2. Giới thiệu nội dung tiểu thuyết Quan trường (Quan gia)

Câu chuyện xảy ra vào khoảng cuối năm 1990, đầu năm 1991 của thế kỷ trước. Sau khi tái sinh trở lại, Lưu Vĩ Hồng tiếp tục sống trong một gia đình quyền quý bậc nhất Trung Quốc. Ông nội Lưu Trung Nguyên là bậc khai quốc công thần, nguyên là Chủ tịch nước, dù đã lui về nghỉ nhưng quyền hạn vẫn rất lớn, vẫn có quyền tác động rất mạnh vào đường hướng phát triển của Trung Quốc. Bố là Sư đoàn trưởng, bác cả là Bộ trưởng... đều là những người quyền cao chức trọng.

Khởi đầu là những hoạt động tại trường Nông nghiệp ở một tỉnh nghèo xa xôi (Sở Nam) giống như ở kiếp trước, Vĩ Hồng phát triển từ cấp thấp nhất, giáo viên, vươn lên thành tổ trưởng... Sau đó phát triển ở Cục Nông nghiệp ở một huyện nghèo. Thời này Vĩ Hồng là phó chủ nhiệm văn phòng ở cục, một chức vụ cực thấp trong hệ thống chính quyền. Do đó, về cơ bản hắn vẫn là nhân viên, chưa có quyền.

Bước phát triển đột phá là Vĩ Hồng được cử là Bí thứ khu ủy Giáp Sơn quản lý 80 nghìn dân. Đây là khu nghèo nhất huyện Lâm Khánh có khoảng 3 triệu dân. Tại đây, nhờ được nắm toàn quyền chỉ huy, hắn đã phát huy toàn lực, làm cho huyện có những bước tiến mạnh mẽ, toàn diện trong hoạt động kinh tế, chính trị, rất được đánh giá cao.

Nếu như Vương Thạch Vinh trong Quan khí xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ trở thành Tổng bí thư Đảng CSTQ thì Vĩ Hồng xuất thân từ tầng lớp cực kỳ cao quý. Cả hai đều là những nhân vật có tài năng kiệt xuất, nhưng nếu như Thạch Vinh nắm được Quan khí và dựa vào bóng thần uy, bí hiểm của mối quan hệ với quan trên để tiến lên, thì Vĩ Hồng lại dựa vào đã biết trước tương lai (vì hắn là người tái sinh) và chính tài năng của mình để trở thành lãnh đạo tối cao của Trung Quốc chứ ít khi nhờ đến sức mạnh của gia tộc, kể cả cái bóng thần uy, bí hiểm của ông nội mình. Đa phần ở những nơi hắn làm việc, lãnh đạo các cấp đều không biết hắn là nha nội (con ông cháu cha) bậc nhất Trung Hoa.

Cũng như Vương Thạch Vinh, Vĩ Hồng leo rất nhanh trên con đường quan chức, nhưng đều trải qua tất cả các cấp: nhân viên, tổ trưởng, phó phòng, trưởng phòng ở khu, lên huyện, địa khu, lên thành phố, lên tỉnh... (hệ thống hành chính của Trung Quốc rất nhiều cấp). Đường đi cũng theo 1 trong 2 cách thông thường: (1) Quan chức địa phương luân chuyển về trung ương, rồi quay lại địa phương (ở chức cao hơn), rồi quay về trung ương tham gia bộ máy lãnh đạo cấp cao; (2) Quan chức trung ương luân chuyển về doanh nghiệp nhà nước, rồi lại quay về trung ương...

Sau những thành công ở Giáp Sơn, Vĩ Hồng được thăng chức, đưa sang làm Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Cục công an thành phố Cửu An. Tại đây, hắn đã xây dựng được một bộ máy công an đoàn kết, có năng lực và làm việc có hiệu quả. Thành tích nổi bật là triệt phá các hang ổ tội phạm có vũ khí, bắt giữ hàng nghìn tên, đưa ra tử hình công khai 47 tên...

Có thành tích, Vĩ Hồng được bổ nhiệm vào Thường vụ thành ủy phụ trách kinh tế (cái này gọi là có "tiến bộ"). Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của hắn, nhiều cơ sở kinh tế lụn bại do tập đoàn tội phạm gây ra đã khôi phục và phát triển trở lại. Nhiều chủ trương cải cách doanh nghiệp nhà nước của hắn được Trung ương tán thành. Phó thủ tướng thường trực đích thân xây dựng "Văn phòng quản lý, giám sát tài sản nhà nước", cơ quan cấp Bộ thuộc Nội các chính phủ, gọi hắn về Bắc kinh giao làm Phó Cục trưởng thường trực Cục giám sát thuộc văn phòng (cán bộ cấp phó giám đốc sở).

Làm việc tại Cục giám sát, Vĩ Hồng đi thanh tra, giám sát hai tỉnh. Ở tỉnh đầu, hắn hạ bệ một loạt quan chức cao cấp trong tỉnh, triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm, đặc biệt tập trung trừng trị các quan chức lợi dụng chủ trương cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước để bán rẻ tài sản nhà nước thu lợi. Qua công tác, hắn cũng đề xuất nhiều chủ trương chính sách cải cách khu vực DNNN được đánh giá cao, nhất là xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về cải cách DNNN nhằm hướng dẫn, thống nhất cách làm trong toàn quốc.

Sang tỉnh thứ 2, Vĩ Hồng không có những đề xuất mới về kinh tế, nhưng mặc dù chức năng nhiệm vụ của Cục chỉ khoanh trong nội bộ khu vực DNNN, hắn vẫn can thiệp vào công tác giáo dục, xã hội và đề xuất nhiều cải cách quan trọng làm cấp trên chú ý. Lưu ý cấp trên ở đây là các vị từ phó thủ tướng trở lên.

Trong thời gian làm việc ở Cục giám sát tại Bắc Kinh, Vĩ Hồng tấn công vào các DNNN sân sau của các nha nội (con ông cháu cha) và của chính các quan chức cấp cao. Kết quả là Chủ tịch thành phố Bắc Kinh tự tử, Bí thư thành ủy Bắc Kinh bị bắt giam...

Khi những tập đoàn tội phạm lớn bị xử lý xong, gây chấn động toàn quốc, làm các quan tham khác run sợ, thì nhiệm vụ của Vĩ Hồng đã cơ bản hoàn thành. Đặc biệt lúc này Chính phủ cũng đã hệ thống văn bản pháp luật về cải cách DNNN.

Trong bối cảnh như vậy, và vì biết làm việc ở "Văn phòng quản lý, giám sát tài sản nhà nước" rất nhạy cảm: Phải tấn công vào các tập đoàn tham nhũng, tức là tấn công vào các lãnh đạo cấp rất cao, đầy quyền lực và guồng máy đi theo (gia tộc, dòng họ, gia hệ), cũng tức là sẽ bị phản công lại và chịu tổn thất, gia tộc Lưu Vĩ Hồng đưa hắn trở lại địa phương làm Bí thư khu ủy Ninh Dương thuộc thành phố Kinh Hoa, tỉnh Giang Nam, cấp giám đốc sở, để tiếp tục rèn luyện. Tại đây, hắn tiếp tục lập thành tích. Tôi bắt đầu đọc đến phần này (khoảng chương 1220).

Nhưng bước phát triển tiếp theo Lưu Vĩ Hồng được tóm tắt như sau:

Tháng 7 năm 1996, Lưu Vĩ Hồng chính thức nhận vị trí mới, đảm nhiệm chức Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồng Hồ, tỉnh Giang Nam, đồng thời được cử làm Chủ tịch thành phố Hồng Hồ.

Tháng 8 năm 1997, Lưu Vĩ Hồng đảm nhiệm chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồng Hồ, không còn làm Chủ tịch Thành phố.

Ngay sau Đại hội toàn quốc Đảng CSTQ lần thứ 15 tháng 9 năm 1997, hầu hết các thành viên của Lưu hệ (gia hệ của họ Lưu, gồm cả gia tộc và họ hàng, dòng họ bên dâu, rể, chiến hữu thân tín) đều được thăng chức, trong đó bác cả của Lưu Vĩ Hồng, từ vị trí Trưởng ban Tổ chức Trung ương được bầu giữ chức Thường vụ Bộ Chính trị, Trưởng ban Bí thư trung ương Đảng. Ban thân Lưu Vĩ Đông được thăng chức thành Bí thư Thành ủy Tân Xuân, tỉnh Giang Hán.

Tháng 10 năm 1998, Lưu Vĩ Hồng thăng chức thành Phó Bí thư Thành ủy Kinh Hoa, quyền Chủ tịch thành phố. 

Cuộc chiến tranh phe phái ngày càng khốc liệt. Tháng 2 năm 2000, vụ án của Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Giang Nam, Bí thư Thành ủy Kinh Hoa Tào Thành xảy ra. Tháng 2 năm 2000, Lưu Vĩ Hồng thăng chức thành Bí thư Thành ủy Kinh Hoa, Bí thư Đảng ủy Kinh Hoa, chính ủy thứ nhất. Cuối tháng, Lưu Vĩ Hồng lại lên làm Ủy viên thường vụ tỉnh Giang Nam. Từ lúc này trở đi, Kinh Hoa bước vào thời đại của Lưu Vĩ Hồng.

Theo đà phát triển của kinh tế Kinh Hoa, nhờ những nỗ lực hết sức để xây dựng kinh tế, phát triển - xã hội, Lưu Vĩ Hồng dần dần đã tạo được thanh danh rất lớn trong thành phố Kinh Hoa. Tháng 3 năm 2001, Lưu Vĩ Hồng đảm nhiệm chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Giang Nam, kiêm thư Thành ủy Kinh Hoa.

Tháng 11 năm 2002 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 16. Đám lãnh đạo Lưu hệ gồm Lý Trị Quốc, Liễu Tấn Tài, Lưu Thành Thắng, Hạ Thái Bình, Vân Hán Dân, Trình Tử Thanh, Kính Thu Nhân đảm nhiệm vị trí trưởng lão, tức là nhóm rất ít, chỉ khoảng 20-30 người có quyền tham gia các cuộc họp tối mật để quyết định các chính sách, nhân sự tối cao của đất nước.

Lưu Thành Gia, bố của Lưu Vĩ Hồng được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy, chủ trì công tác hàng ngày của Quân ủy, tức Thường trực Quân ủy Trung ương. Lưu ý ở Trung Quốc, để lên làm lãnh đạo quốc gia (1 trong 4 tứ trụ triều đình), nhất định phải nắm được quân đội. 

Nắm được quân đội không chỉ là được phong chức Đại tướng (dù không công khai) hay tham gia, làm Ủy viên Quân ủy Trung ương (do Tổng Bí thư làm Bí thư Quân ủy), mà phải kết thân chặt chẽ và chỉ huy được các tướng lĩnh quân đội, sao cho hầu hết các tư lệnh Đại quân khu, tư lệnh các Tập đoàn quân chủ lực, các lãnh đạo quân đội cấp cao ở Trung ương (Bộ trưởng, Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Tư lệnh lực lượng tình báo...) đều ủng hộ mình, toàn tâm toàn ý với mình, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ mình trong mọi tình huống và hoàn toàn tuân theo mệnh lệnh của mình.

Tại Đại hội Đảng lầm thứ 16, Lưu Vĩ Hồng được bầu vào Ủy ban trung ương.

Tháng 2 năm 2003. Lưu Vĩ Hồng thôi chức Bí thư Thành ủy Kinh Hoa, lên làm quyền Chủ tịch tỉnh Giang Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng tỉnh, Chính ủy thứ nhất. Từ hôm nay trở đi, tỉnh Giang Nam bước vào thời kỳ Bí thư tỉnh ủy Tạ Quân và Chủ tịch tỉnh Lưu Vĩ Hồng tranh hùng. Trong phạm vi cả nước, Tạ hệ (của Tạ Quân) và Lưu hệ (của Lưu Vĩ Hồng) bắt đầu hình thành thế nước và lửa. Tuy nhiên, qua cuộc chiến, hai bên hòa giải, hợp tác và cuối cùng trở thành đồng minh ủng hộ nhau.

Tháng 10 năm 2006 Tạ Quân được thăng chức làm Bí thư trung ương Đảng, thôi chức Bí thư tỉnh ủy Giang Nam. Lưu Vĩ Hồng thăng chức thành Bí thư Tỉnh ủy Giang Nam, đồng thời trở thành Ủy ban trung ương, kiêm nhiệm Phó Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng Kinh Hoa, tỉnh Giang Nam, Bí thư Đảng ủy Thứ nhất của quân khu tỉnh, chính ủy thứ nhất của quân khu tỉnh. Từ lúc này trở đi, tỉnh Giang Nam tiến vào thời đại của Lưu Vĩ Hồng.

Tháng 10 năm 2007, khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 17. Đám Lưu hệ Lưu Thành Thắng (bác cả của Lưu Vĩ Hồng), Lý Dật Phong về hưu. Đám người Lý Trị Quốc, Liễu Tấn Tài, Tiết Viễn Sơn, Tương Hướng Kiệt, Vân Hán Dân được chọn làm trưởng lão.

Bố Lưu Vĩ Hồng, Lưu Thành Gia, được chọn làm Phó Chủ tịch quân ủy Trung ương. Lưu Vĩ Hồng thăng chức làm Bí thư Thành ủy Minh Châu, kiêm nhiệm Phó Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng Kinh Hoa, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng thành phố Minh Châu, Bí thư thứ nhất Đảng ủy Công an thành phố Minh Châu, Chính ủy thứ nhất thành phố.

Dưới sự chỉ huy của Lưu Vĩ Hồng, Minh Châu đi tiên phong trong việc tăng trưởng theo phong cách mới, khiến Minh Châu trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Thực hiện thể chế đẩy mạnh và bình ổn giá cả, liên tục cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục, xây dựng hệ thống an toàn thực phẩm. Để ổn định nền kinh tế, đã có đề xuất chiến lược tam giác hiện trường. Lấy Minh Châu làm đầu rồng, Giang Nam và Đông Hải làm hai cánh, Giang Hoài và Lư Sơn làm bụng, toàn lực hội nhập khu vực. 

Cuộc chiến tranh của những người nối nghiệp mới thuộc Lưu hệ dần dần hình thành. Lưu Vĩ Hồng, Lưu Vĩ Đông, Hạ Cạnh Cường... là đại diện của lớp trẻ mới, thu hút sự quan sát của những người trong và ngoài Đảng. Trong đó, biểu hiện của Lưu Vĩ Hồng là xuất sắc nhất.

Cũng trong thời gian này, chiến tranh giữa các Phó hệ, Liễu hệ và Vương hệ trở nên khốc liệt. Lưu hệ không tham gia cuộc chiến. Từ trước đến nay, Lưu hệ mở rộng rất nhanh chóng, sớm khiến những người khác bất mãn, nên Lưu hệ chuyển sang làm chân trung gian, rất ít khi tham dự vào cuộc cờ. Ý đồ chủ yếu của Lưu hệ lúc này là ổn định cục diện hiện có, không ngừng bồi dưỡng và đào tạo nhân tài tự thân. Vì tương lai, toàn lực bảo vệ lớp trẻ mới.

Tháng 3 năm 2012, Cục ủy, Bí thư Thành ủy Sơn Thành Phó Đông Hướng bị xuống đài. Những người khác dù đã đạt được thắng lợi, nhưng vẫn là thất bại. Những người tuy thất bại nhưng lại là người chiến thắng. Ván cờ lần này Lưu hệ giữ thái độ trung lập, khiến Lưu hệ thắng lợi vang dội trong và ngoài Đảng.

Lưu Vĩ Hồng và Lưu hệ hơn hai mươi năm giữ vững lập trường trung lập kiên định, vẫn chiếm được tán thành trong Đảng. Bản thân Lưu Vĩ Hồng cũng vượt xa những người nối nghiệp cạnh tranh khác. Cho dù về lý lịch tư pháp, năng lực, thủ đoạn, hay uy vọng đều vượt xa đối thủ. 

Năm 2012, Đại hội Đảng lần thứ 18. Phe Lưu hệ gồm Tiết Viễn Sơn, Tương Hướng Kiệt, Tạ Quân, Lưu Vĩ Hồng lần đầu được tuyển vào trưởng lão. 

Đồng thời Lưu Vĩ Hồng cũng được bầu làm Phó Chủ tịch quân ủy, chủ trì công tác thư ký trung ương, kiêm nhiệm hiệu trưởng trường Đại học trung ương Đảng. Với các chức vụ này, có thể hiểu Lưu Vĩ Hồng đã chính thức được xác định địa vị người nối nghiệp lãnh đạo quốc gia.

Sau Hội Nghị Hội đồng Nhân dân toàn quốc cùng năm, Lưu Vĩ Hồng được bầu làm Phó Chủ tịch nước. Chuyện này cũng không khiến người ta bất ngờ. Từ mấy năm trước, Lưu Vĩ Hồng đã được công nhận là người nối nghiệp sáng giá nhất. 

Năm 2022, hội nghị Đảng toàn quốc lần thứ 20 Lưu Vĩ Hồng được bầu làm Tổng Bí thư trung ương Đảng, Chủ tịch quân ủy trung ương. Trên hội nghị Hội đồng nhân dân toàn quốc sau đó, được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và làm Chủ tịch hội đồng quốc phòng quốc gia.

http://www.kktruyen.com/2013/08/quan-truong-quan-gia.html
http://sstruyen.com/doc-truyen/do-thi/quan-gia/chuong-18-song-to-gio-lon-2/97356.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: