Tác giả: Hà Trang (theoForeignpolicy)
KD: Chính trị vốn là một cuộc cờ tàn nhẫn, tàn bạo.Tuyên bố ân xá cho Khodorkovsky của Tổng thống Putin đã gây chấn động và khiến nhiều người đặt câu hỏi về lý do thực sự ẩn sau hành động này.
Quyết định gây chấn động
Giống như bất kỳ một vị vua độ lượng nào, Tổng thống Vladimir Putin chẳng lấy làm phiền hà khi biến hành động thể hiện lòng khoan dung của mình trở thành tâm điểm của cuộc họp báo hôm 19/12. Cuối cuộc họp báo kéo dài bốn giờ ấy, ông “ngẫu nhiên” tiết lộ kế hoạch ân xá cho Mikhail Khodorkovsky, nhân vật từng là ông trùm dầu lửa, hiện đang ngồi tù và được coi là kẻ thù số một của Putin.Nhắc tên đầy đủ của Khodorkovsky một cách tôn trọng, Putin cho biết nhân vật đầu sỏ chính trị đã viết đơn xin ông ân xá. “Ông ta đã ngồi sau song sắt hơn mười năm, đó là một án phạt rắn. Ông ta cũng nói đến lý do nhân đạo, mẹ ông ta đang ốm nặng”, Tổng thống Putin nói.
Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc họp báo hôm 19/12. Ảnh: Reuters
|
Tuyên bố gây sốc của Tổng thống Putin khiến phía Khodorkovsky một phen náo loạn với công tác quan hệ công chúng. “Bất kể hoàn cảnh ân xá là gì (bao gồm cả lý do có thể là vì chuyện gia đình), thì việc ân xá cho Mikhail Khodorkovsky là một bước tiến tích cực của nước Nga”. Vladimir Karza Murza, cố vấn cao cấp tại Viện nước Nga hiện đại, một tổ chức do con trai của Khodorkovsky là Pavel điều hành, viết như vậy trong bức thư điện tử gửi Foreign Policy.
Nhiều cơ quan tin tức cho biết cả luật sư của Khodorkovsky cũng như gia đình ông không hề hay biết về đơn xin ân xá. Nhưng sau đó, đội bào chữa cho Khodorkovsky đã quay ngoắt, rút lại phát biểu này.
Ngày 20/12, Khodorkovsky chính thức ra tuyên bố cho biết ngày 12/11 ông đã xin Tổng thống Putin ân xá “vì hoàn cảnh gia đình” – ám chỉ đến người mẹ đang đau yếu của ông – và rằng ông “vui mừng vì quyết định tích cực [của tổng thống]“.
Theo một phóng sự trên tạp chí New Republic của tác giả Julia Ioffe, trong giới báo chí Nga có những thông tin ngầm cho thấy quyết định ân xá cho Khodorkovsky, nhân vật có lẽ là tù nhân chính trị nổi bật nhất của đất nước này, đã được đưa ra trong những buổi gặp riêng giữa ông vua dầu mỏ và đại diện của các cơ quan an ninh.
Những thông điệp của Putin?
Bất kể thỏa thuận đạt được như thế nào, động thái này hiện đang được nhiều người coi là một nỗ lực “lấy lòng” công chúng trước thềm Thế Vận hội Olympic sẽ diễn ra ở Sochi vào năm tới. Tổng thống Putin đã đi “nước bài hay”, chuyên gia về nước Nga đồng thời là nhà báo người Anh, Peter Pomerantsev, nhận định.
Theo Pomerantsev, chúng ta cần thấy động thái của Tổng thống Putin mang hai thông điệp khác nhau, nội dung của mỗi thông điệp phụ thuộc vào đối tượng tiếp nhận.
Trên bình diện quốc tế, quyết định này được đưa ra rất đúng lúc. “Đó là một hành động đẹp trước Thế Vận Hội Olympics,” Pomerantsev đánh giá.
Còn đối với nội bộ nước Nga, vụ phóng thích Khodorkovsky lại một lần nữa cho thấy quyền lực tuyệt đối của Tổng thống Putin. Như một ông vua độ lượng tha bổng cho tù binh của mình, thông điệp mà tổng thống Putin gửi đi khắp nước Nga là một thông điệp về khả năng kiểm soát không chút “sứt mẻ”.
Cựu trùm dầu mỏ Nga, Mikhail Khodorkovsky. Ảnh: Reuters
|
Nhưng ngay cả nếu Putin muốn tận dụng vụ phóng thích Khodorkovsky như một hành động thuần túy để thị uy chính sách kiểm soát chính trị ngặt nghèo của mình, thì đó cũng mới chỉ là một phần của câu chuyện.
Từ nhiều tháng trở lại đây, nhất cử nhất động của Nga về vấn đề nhân quyền đều được theo dõi sát sao. Mức độ theo dõi càng được Thế vận hội Olympics Sochi đẩy lên cao. Hiện, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã phát đi tuyên bố sẽ không tham dự thế vận hội này. Đó là sự “muối mặt” mà Putin rất muốn tránh.
Nói như nhà báo Nga Masha Gessen, có vụ phóng thích Khodorkovsky là vì “cái viễn cảnh đứng một mình [ở Sochi], hoặc chỉ có tổng thống Ukraine đồng hành, bắt đầu có vẻ lần đầu tiên sẽ trở thành sự thật.” Đó là cảnh tượng mà một người rất quan tâm đến giữ gìn hình ảnh như Tổng thống Putin sẽ không bao giờ cho phép xảy ra. Vì vậy, ông phóng thích Khodorkovsky và thông tin đó được đưa nổi bật trên các phương tiện truyền thông phương Tây, những người tin theo lý lẽ này lập luận.
Tính toán này có thể phần nào được thúc đẩy bởi quyết định của chính quyền Obama về việc sẽ cử một phái đoàn không mấy tên tuổi tới Sochi, dẫn đầu là Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa, Janet Napolitano. Không một quan chức nào của nội các Hoa Kỳ tham dự, và Tổng thống Obama sẽ hoàn toàn khuất dạng. (Quyết định này cũng bao gồm cả việc đưa một đoàn vận động viên đồng tính xuất sắc của Mỹ tới Olympics như một hành động thách thức luật chống người đồng tính luyến ái của Nga).
Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng sẽ không tham dự. Đến lúc này, vị nguyên thủ quốc gia nào tham dự sẽ đáng chú ý hơn là vị nào… vắng mặt.
Vậy ai sẽ muốn đứng bên ông Putin trên khán đài? Tổng thống Nga muốn tăng thêm sức hấp dẫn cho biến viễn cảnh đó, và điều này có thể dẫn tới quyết định phóng thích ông trùm dầu mỏ của ông. Quả thật, việc căn chuẩn thời gian dường như hứa hẹn mang tới những điều tốt đẹp.
Nhưng Putin dường như chưa bao giờ bận tâm nhiều đến vậy về những gì mà các nước phương Tây nghĩ về mình. Điển hình cho tâm tính ấy, chẳng cần nhìn đâu xa hơn vụ Syria và Edward Snowden.
Lý luận rằng việc phóng thích Khodorkovsky là kết quả trực tiếp từ quyết định bỏ xem trận hockey hay cuộc thi trượt tuyết của Obama rõ ràng chỉ là một suy đoán. Nhưng Putin không phải là Kim Jong Un – một nhà độc tài bị cô lập với cả thế giới. Putin phải giao thiệp đây đó với các đối tác trên khắp thế giới, và ông là nhà lãnh đạo hết sức quan tâm đến hình ảnh của mình.
Chỉ nhìn vào những bức ảnh chụp Putin mình trần trên lưng ngựa sẽ cho bạn biết tất cả những gì cần biết. Đó là người đàn ông muốn gửi đi một hình ảnh nhất định đến nước Nga và thế giới – một “tay” phong độ, ngoan cường và độc lập.
Khiến tất cả những “ông bạn” nguyên thủ được mến mộ nhất phải lắc đầu từ chối dự tiệc rõ ràng không ăn nhập với hình ảnh ấy.
———–
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/154947/an-y-cua-putin-khi-tha-ke-thu-so-mot-.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét