Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

CÁI BẪY NỒI TIẾNG CỦA VĂN THƠ MẬU DỊCH

(Đối thoại với nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu) 

                                                      Nguyễn Hoàng Đức
 .
Có phương ngôn “Quí vật tầm quí nhân”, ở đây hiểu là vật hay sự việc sẽ tương xứng với người đón nhận nó. Cuộc đối thoại của tôi khi mời nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đến thăm nhà cũng rất tương xứng với đề tài tôi viết ở trên. Đúng hơn, đó là đầu đề của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Một bài tiểu luận, thì thường đặt tiền đề lý luận. Nhưng hôm nay tôi xin được bắt đầu từ tiền đề thực tiễn. Một tiền đề như người Việt nói, được nói chuyện với người “nằm trong chăn biết chăn có rận”. Đó là một điều quí hóa vô vàn. Và đó cũng là lý do chính yếu để tôi mời nhà thơ NL Khiếu đến thăm nhà. Tại sao? Hiểu biết của chữ Pháp là “Connaitre”, nó được ghép từ hai chữ: “con” là Cùng, và “naitre” là Sinh ra. Hiểu biết tức là được cùng sinh ra với sự việc. Tiếng Anh là “Understand” – tức hiểu như là đứng dưới sự việc. Tiếng Đức “Verstehen” – cũng có nghĩa giống tiếng Anh. Như vậy làm gì có cơ hội hiểu thơ mậu dịch hơn qua chính nhà thơ mậu dịch?!
Hơn thế nhiều, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu còn là nhà thơ trong tốp đầu của mậu dịch, đã viết trường ca “Phồn Sinh” cho đến nay là dài nhất Việt Nam, anh còn là phó giáo sư tiến sĩ triết học, mà tôi vẫn đùa là “tiến sĩ mậu dịch”. Nhà thơ NL Khiếu không ít lần “tuyên bố”: “Nguyễn Hoàng Đức gọi tôi là nhà thơ mậu dịch. Tôi công nhận mình là một nhà thơ mậu dịch”. Cách đây mấy tháng, khi đối thoại với nhau có tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh cùng dự: NL Khiếu còn thừa nhận “nhà thơ mậu dịch là gian manh” (tôi đã có bài ghi chép về việc này). Trong cuộc đối thoại tay đôi lần này, nhà thơ NL Khiếu nói không chút do dự, nghĩa là những gì anh nói là đã chín muồi ở trong tư tưởng. Anh bảo: “Rất nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở ta, nổi như cồn hay đại bác, nhưng rút cục để lại cái gì? Tại sao tài sản cho sự nổi tiếng của họ lại nghèo nàn và ‘trắng tay’ đến vậy? Bởi rõ ràng một điều họ đã rơi vào cái bẫy của sự nổi tiếng. Họ tự biên tập trải thảm đỏ rước nhau lên mặt báo, rồi viết bài tung hô lẫn nhau, rồi hội thảo về cái hay tưởng tượng về nhau, rồi trao giải cho nhau, rồi bỗng nổi tiếng quá, rút cục nổi tiếng về cái gì, chẳng phải là tất cả những thứ tung hê, tự tung, tự tác đó sao?!”
Nguyễn Linh Khiếu nêu ra rất nhiều cái tên “to đùng” và ghế cao ngất ngưởng. Nhưng tôi không nêu lại đây, bởi tôi muốn tránh những cay đắng nặng nề cho một nền văn học vô danh mà cứ nêu danh lại thành bêu danh.
Chúng tôi nói chuyện cụ thể về những nhân vật là “vua truyện ngắn” hay “vua thơ” chẳng hạn. Họ là hậu hiện đại ư? Tri thức họ ở mức rất hạn hẹp lại ăm ắp mùi rơm rạ sao có thể là hậu hiện đại mà cứ gán ghép và ảo tưởng mình có? Họ là vua, nhưng chỉ là vua của nông dân thôi.
Mở rộng chuyện, cách đó vài hôm chúng tôi gặp gỡ dăm bảy nhà văn. Một nhà văn nói “tôi đã có dịp gặp vua truyện ngắn nhiều lần, tôi cũng yêu văn học của anh lắm, nhưng giờ tôi thấy anh chẳng còn gì để đọc, anh lại còn trở nên bé bỏng mắc chứng stress, tại sao? Bởi vì anh không dám sống thật con người mình, cứ gồng mình lên, kiễng chân suốt ngày suốt tháng. Anh chỉ còn cách sống trong ảo tưởng mình sẽ được giải Nobel. Nobel cái gì? Văn anh dù có hay ở đây cũng chỉ là cái ao làng, làm sao có tầm nhân loại mà ao ước Nobel?!”
Thử so sánh một việc thôi, tại Nhật Bản có rất nhiều cuốn sách của tác giả nổi tiếng, người ta ấn hành hàng triệu bản, nghĩa là nhà nào cũng muốn có được cuốn sách hay đó để làm vốn văn hóa cho gia đình. Trong khi đó ở Việt Nam thì sao? Sách thường ấn hành khoảng một nghìn bản. Sách của tác giả nổi tiếng khoảng vài chục nghìn bản, như vậy cũng chưa thấm tháp gì. Và nó cũng nói lên rằng: xã hội ta mới chỉ có văn hóa nông nghiệp ít học ít đọc mà chưa có văn hóa của kẻ sĩ thích đọc nhiều.
Vua nông dân ư? Trong lịch sử dường như chưa có cuộc cách mạng nào của nông dân thành công cả, thậm chí xưa kia người ta còn gọi các cuộc nổi dậy của nông dân là “giặc cỏ”, nó luôn luôn tự tiêu tan, vì chỉ là một đám hỗn quân hỗn quan, quân hồi vô phèng, không có kỷ luật, ưa thích cãi cọ không luận điểm, rồi tham lam ích kỷ đặt dục vọng của cá nhân lên trên hết, rút cục tự tan rã không bị đánh cũng tan. Đám thảo khấu Thủy Hử trên Lương Sơn Bạc là một thí dụ, những dạng như Lý Quì ăn thùng uống rượu bát, mở miệng là quát tháo võ biền chẳng cần biết đến lẽ phải, được nhử một tí ghế triều đình là qui hàng liền, làm sao không tan rã?! Vậy thì trong cuộc cách mạng văn hóa nông dân cũng như vua nông dân không thể thành công. Việc này được chứng tỏ rõ nhất ở Trung Quốc khi Mao Trạch Đông đưa các giáo sư về mép ruộng học hỏi các nông dân, thì văn hóa Trung Quốc không tăng mà giật lùi đi!
Thôi thì anh là “vua truyện ngắn” đã viết vài chục truyện ngắn, chục vở kịch, kể ra cũng là công làm việc trong cả chục năm nên phải lên gân đã đành. Đằng này có vô số nhà thơ mới chỉ làm được một vài tập thơ lèo tèo trong lúc trà dư tửu hậu, thời gian nghiệp dư vơ bèo vạt tép đầu thừa đuôi thẹo làm sao lại cứ ôm ảo tưởng ta là thiên tài? Một người muốn bảo vệ luận án thì phải trải qua phản biện thành công, muốn bài thơ của mình hay thì phải nêu được ra cái hay của nó, đằng này cứ ù ù cạc cạc, rồi đi chạy ghế chạy giải, thắng liên tục như thắng sổ số công ty nhà mình thì làm sao giải thưởng hoặc cái hay của thơ trụ lại được. Đã thế lại còn ù xọe, thơ khó lắm, không phải thứ để so đọ? Nên chắc chắn một phương ngôn “Thành La Mã không xây trong một ngày”, một bài thơ làm trong dăm mười phút, hoặc cả đêm bóp trán chăng nữa cũng không cách gì cựa nổi mình thành một tác phẩm lớn đâu?!
Chúng ta nên nhớ, bất cứ quốc gia nào, bộ sách nào khi xếp các nhà thơ vào Bách Khoa, rút cục vẫn phải xếp kẻ trước người sau, kẻ trên người dưới, không thể có hòa cả làng, trong khi vẫn cứ đòi coi mình là nhất được sao? Thơ giống như thi sắc đẹp, trước hết nó đòi hỏi những số đo cứng như : chiều cao, vòng một – hai – ba, rồi khuôn mặt có bắt máy ảnh, rồi mới đến các vòng thi khác.
Thơ cũng vậy:
1-    Tu từ pháp. Tầm vóc con người đến đâu ngôn ngữ đến đó.
2-    Cảm xúc: Tinh tế, rộng hẹp, cao thấp.
3-    Tư tưởng: Còn là chủ đề của tác phẩm. Hầu hết nhà thơ Việt gục ngã tại tiêu chí này, thơ họ thường quanh quẩn uống rượu nghê nga.
4-    Triết lý: Thơ cao nhất mà các loại hình nghệ thuật khác không tới được, đó là triết lý (Hegel).
5-    Phương ngôn: thơ hay ư, có câu thơ nào đạt tới tầm của phương ngôn không? Hay chỉ là triết lý viển vông? Triết lý nước đôi để rồi chúng tiêu trừ lẫn nhau?
6-    Nhớ lại: Nhà thơ Xuân Diệu nói “Rút cục thơ là trí nhớ”, có câu thơ nào để lại dấu ấn trong đầu mọi người không?
7-    Tầm vóc: Cái dễ nhìn thấy nhất nó là công trình của một giờ, một ngày, hay một năm. Nhà thơ đừng hão huyền muốn trở thành thợ nướng bánh hay rang ngô, có thể cho bột nở vào tác phẩm một giờ để nở thành đại tác phẩm viết cả năm ròng! Đem bài viết dăm câu ba điều ra so với đại trường thiên?!
Cái bẫy nổi tiếng cũng chính là cửa hàng ưu tiên mà trong thời bao cấp không ai là không muốn chen ngang “nhất thân nhì quen” để mua được hàng tươi ngon, người Việt nói “Trâu chậm uống nước đục” mà. Nhưng đằng này cửa hàng của nhà ta chỉ bán cho người nhà ta, bán hết lượt một, lượt hai hoặc lượt n, vẫn là người nhà ta đồng hương đồng khói đồng đội cả, đừng có lo gì. Chính vì môi trường đóng cửa ưu tiên gần như tuyệt đối đã tạo ra nhưng nhà văn, nhà thơ chỉ đeo trên ngực thứ huân chương “nút bia”. Cả cuộc đời thi ca giống như đếm nút bia trên ngực là đếm được số bia đã nhậu. Còn giá trị tác phẩm ư? Chính mình còn áng chừng không thể biết được mình có tài sản gì, làm sao bắt người khác nhận ra giá trị của tài sản “không có” đó???
Cám ơn nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu về cuộc đối thoại thẳng thắn này, một cuộc đối thoại chỉ khả dĩ có khi biết vượt qua sự nhút nhát của tem phiếu mậu dịch. Nhân tiện cũng cám ơn nhà thơ về việc nhà thơ đã đợi tôi ở Roma với hy vọng sẽ gặp gỡ chụp ảnh chung với tôi tại Đền thánh Vatican, trong đợt kết thúc nghiên cứu hồ sơ địa phương án phong thánh cho Hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận vào đầu tháng bảy 2013. Nhưng thật đáng tiếc, tôi đã bị chặn lại tại sân bay Nội Bài.
NHĐ  07/10/2013

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: