CHỢ PHIÊN HÀNG HUYỆN
Ngày bé mẹ ép mấy anh em tôi lao động ghê lắm. Tứ thời lợn gà ngan ngỗng quần quật quanh năm. Thế mà cũng chả đủ ăn, vẫn cơm độn với mắm chưng mặn đắng. Thành quả của anh em tôi được giả đôi khi chỉ là mớ lông vịt bán đồng nát ăn kem hoặc đùm kẹo mấu khi bà bán đi ổ lợn. Mỗi bận thế là tủi thân trào nước mắt. Làm mãi mà chả được ăn thì làm làm cái đéo gì?
Làng tôi trước sông sau bến. Ở hai đầu lại những hai cái chợ to, một cái chợ huyện, một cái chợ tổng, oách nhất vùng. Mẹ tôi hay bảo, ở đâu thì ở những chả đâu bằng nhất cận thị, nhị cận giang. Ý bà là tiện sự lưu thông và buôn bán. Ấy thế làng tôi vẫn nghèo, cả vùng đấy vẫn nghèo. Thì tại cái thời thổ tả người ta ngăn sông cấm chợ nó thế. Nghèo và đói quá đâm ra bẳn tính, một nết xấu bám cả vào người bố mẹ tôi dù họ làm thân giáo chã.
Tôi nhớn nhất nhà nên hay được mẹ cho đi chợ cùng. Khi chợ huyện, lúc chợ tổng, thi thoảng còn được xuống cả chợ tỉnh chơi. Mà chả phải chơi, việc của tôi đi cùng là trông xe vêu vao ngoài bãi và lẵng nhẵng xách bị cói làn mây đầy những thứ linh tinh. Tôi chả có đặc ân đéo gì ngoài hai việc đó, trừ việc ngáo ngơ nhìn thiên hạ rỉa rói những thói bần tiện ở chợ phiên.
Lông lống lên một tý thì tôi không còn được đi chợ cùng mẹ, thay vào đó là đứa em gái kế tôi. Tôi được đôn lên thay mẹ đi chợ, không phải để mua mà là để bán. Thương vụ đầu tiên là ổ chó, 5 con đẹp như tranh. Mẹ tôi chỉ dặn con khoang chừng này, con vện chừng này, thế thôi rồi bỏ thúng cho tôi mang chợ. Mang tiếng là vật lộn chợ búa với mẹ nhiều nhưng tuyền chân trông xe mấy lị le ve cửu vạn nên tôi không mấy tinh ranh nên bê cái thúng chó vào hàng rau ngồi chầu hẫu. Người ta đuổi tôi như đuổi tà, bắt ra lối chó mèo ngồi mà bán. Cắp cái thúng chó đi khắp chợ mới tìm ra nơi mà cám cảnh cho thân chị Dậu đkm.
Người ta xem hàng nhiều lắm, ai cũng khen chó đẹp nhưng trả giá không giống mẹ tôi rao nên nguẩy đít bỏ đi sạch. Cả buổi tôi trông lũ chó bò lồm cồm và sủa những tiếng nhách nhách đến là sốt ruột. Giời đứng nắng thì tôi bê thúng chó về, đợi phiên sau. Mẹ tôi buồn ra mặt nhưng mồm lại cứ lầm bầm, rằng thế còn không bán đi, vác về nhà làm gì. Tôi nào có biết bởi tôi vốn ngoan và lại rất ăn nhời. Giá như bà bảo khác thì tôi chả đổ xong thúng chó từ sớm chứ chả đợi đến trưa. Đèo mẹ...
Đến phiên chợ sau thì mẹ tôi mang ổ chó đi bán. Giá bà đổ đi kém xa giá người ta giả tôi. Chẳng biết bà vui hay buồn nhưng thấy dấm dứt bảo bố tôi là ngượng quá vì đi bán chó gặp ngay phải phụ huynh học sinh. Xưa nay chỉ có cảnh chị Dậu đi bán chó chứ nào có cô giáo đi bán chó bao giờ. Tôi lờ mờ hiểu ra cái hạnh phúc bà cho tôi đi chợ, hơ hơ...
Thương vụ thứ hai là tôi đi bán vịt, đâu như đận tết mồng năm tháng năm. Quê tôi người ta giết sâu bọ hay ăn vịt mới lại bánh đa - rượu nếp cái. Bát tiết anh đỏ, đôi đĩa vịt om, dăm cái bánh đa vừng và bát nếp cái cũng đủ cho họ đỏ mặt tía tai mà quên đi ngày dài nặng nhọc. Thế nên muốn bán được dịp đó phải chăm cho thật khéo, phải thật béo tròn và dứt khoát ít lông măng. Việc này thì tôi giỏi ít ai bì kịp.
Mẹ tôi đội nón có cái quai đeo chế từ khăn mùi - xoa che kín mặt, chỉ hở hai con mắt. Bà chất hai lồng hai bên gác - ba - ga tất tả đạp ra sớm còn xí chỗ. Tôi lẽo đẽo bách bộ theo sau vì không có vị trí ở trên chiếc xe kia. Việc của tôi là canh me hai lồng vịt những lúc rối ren đông khách phòng phường đạo chích thấy nhộm nhoạm mà hành nghề, phần nữa là bắt vịt trong lồng ra trong khi mẹ tôi đang mải tay đong đếm. Nhưng vô phúc hôm đó đắt hàng, chốc nhát đi vèo hai lồng vịt. Mẹ bắt tôi ở lại trông hai cái lồng không. Bà quay về quảy thêm đôi lồng nữa.
Đứng trưa cũng vừa hết hai lồng vịt. Tôi hể hả vì có thành tích giúp mẹ bán hàng đong xiền nhanh như rửa đít. Mẹ tôi cũng ra chiều tâm lý, lận bâu móc ra 500 đồng cà chua đỏ loét bảo thích quà gì đi mua mà ăn rồi ra cổng chờ mẹ mua hàng về ăn con Đoan Ngọ. Tôi mua chục kẹo mấu găm chặt cạp quần, ăn bẽn lẽn.
Mẹ tôi trở ra, tôi ngồi đu trên cái gác - ba - ga đầy phân vịt. Trên ghi - đông tôi nghe tiếng lọc xọc của bánh đa vừng và mùi rượu nếp cái nhấm nhẳng thơm nhức mũi. Lòng tự nhủ, mẹ đắt hàng và lắm tiền thế thì ăn tết phải to đây. Bụng tôi réo sùng sục nhưng vẫn phơi phới niềm hân hoan khó tả.
Nhưng không, bữa đó vẫn như bao bữa như tự bấy nay. Canh rau khoai, cà bát úp, mắm tép chưng, cơm vẫn nồng nồng mùi sắn tươi ghế vội. Khác chăng là có 3 cái bánh đa vừng, bát nếp cái toen hoẻn như bát cơm cúng vong tháng bảy. Tôi òa khóc, sao không làm thịt vịt. Mẹ tôi chả nói gì. Tôi chạy ra mé ao chỗ có cái lồng quây nhốt vịt. Chẳng còn con vịt nào ngoài lơ thơ và xác xơ những lông và phân. Tôi hận mẹ tôi quá thể. Giận luôn cả thiên hạ vì đã ăn hết phần vịt nhà tôi.
Thương vụ thứ ba mới là vãi đái. Tôi đi bán lợn. Chả là nhà tôi có đôi ỉn mẹ Móng Cái, mắn lắm. Cái giống Móng Cái này nếu anh nào không biết thì cứ ngó qua cái tranh lợn Đông Hồ là tường. Đích thị chúng đấy. Giống này bé nhỏ nhưng sinh sản nhanh, buồng trứng cứ gọi là chi chít như sung già cổ tự. Năm hai lứa mẹ tôi canh me, nhiều nhung nhúc. Có điều giống này tuy sinh sản nhanh nhưng chăm con không khéo, bằng chứng là lứa nào cũng có đôi ba con bị khuyết tật do bị con mẹ chả hiểu ngu si hay cố ý dẫm vào. Con thì vẹo lưng, con thì khuỳnh chân, con thì chột mắt..., tôi gọi chung là lợn thương binh nuôi trong gia đình cách mạng.
Tôi được giao nhiệm chăm bẵm những con này. Ngày hai bữa canh cơm sôi chắt lấy nước rồi cho chúng uống. Mẹ kiếp, quá là chăm Các Mác sắp về giời. Vì khuyết tật nên sinh ra yếu đuối nên cho dù có uống đến bảy nồi nước cơm cũng không thay được đôi dòng sữa mẹ. Chúng lớn rất chậm. Nhưng theo lẽ tự nhiên, chúng vẫn là những...con lợn.
Lứa nào mẹ tôi cũng chọn lấy một con lợn thương binh giữ lại nuôi để tết đến ngả ra cho cả làng rồi đong thóc. Vì có hơn một nên khi bọn lành lặn xuất chuồng đi hết thì bọn thương binh này được giữ lại nuôi vét sái ít hôm. Nom cái cảnh cả một lườn vú mấy chục chiếc mà chỉ có đôi ba con điếc lác ất ơ đôn đáo tọp tẹp mà chết cả cười. Con to khỏe nhất được giữ lại nuôi, còn lại a - lê mẹc - xà - lù ra chợ.
Tất nhiên lại đến phiên tôi. Cho mấy con lợn vào thúng, đậy cái mê rách lên là ra chợ. Tôi khôn rồi nên biết tìm hàng lợn để ngồi mà không vào hàng rau, giá cả thì mẹ cho tôi tự quyết. Nhưng bán bọn thương binh này khó vì chúng trông kinh bỏ bà, người nào mê tín có khi còn mua về để thắp hương chứ chả chuyện. Và có ai đó bình thường thì mua về nuôi theo cái nhẽ giống mẹ tôi, để ăn khi nhà có việc hoặc đến tết ngả ra mà đong thóc.
Tôi ngồi vêu vao cả buổi mà chả ai hỏi. Trông nom cái giống lợn này lại khổ hơn trông cái giống chó nên mệt bở hơi tai. Định đậy cái mê rách lên và đội thúng ra về thì nghe nghoe nghóe sau lưng một giọng kim chói buốt, để đấy cô mua cả cho nhưng mày phải bưng về tận nhà. Tôi mừng quá, chả kịp nom kỹ mặt mũi người đàn bà kia là ai mà nhanh nhảu bê thúng lũn cũn theo sau cái đít ỏng ả trong lụa sa - tanh nhấp nhổm trên yên chiếc mi - fa láng cóong.
Rồi cũng đến nhà, không mấy xa. Đó là một cái chòi con sát ngay mé bến. Trông như nơi phường bè mảng tụ bạ đặt lưng khi dỡ hàng hay nhỡ nhàng chờ chuyến ngược. Dân sống khu này phần nhiều là tứ xứ, ngụ cư. Tôi không mấy thạo.
Người đàn bà đổ ổ lợn vào cái chuồng được quây bằng mấy tấm cót ép rồi vuốt tóc tôi cười rạng rỡ, luôn mồm khen con cái nhà ai mà kháu giai ( bé tôi xinh lắm, như tranh. Hehe đkm cho phép tôi rút chốt quả lịu đạn), rồi lôi ở gậm giường ra chai sa - sâm ( một loại nước mát có ga thời thổ tả) bật nắp đổ vào cái li thủy tinh sứt mời tôi uống. Đói và khát tôi dốc một mạch, bụng ấm ách sự sảng khoái hồn nhiên thần tiên. Và tôi chả biết đéo gì nữa cả, há há...
Tỉnh dậy thì thì thấy nằm chơ lơ ở công an huyện. Bên cạnh là người đàn bà kia, tay bị còng vào chấn song cửa sổ. Xung quanh là những bóng áo màu cứt ngựa và nón cối có sao. Tôi đoán họ là công an. Sợ thụt dái, tôi be toáng. Họ dỗ mãi mới nín rồi bắt tôi kể con cái nhà ai, ở chỗ nào? Họ bảo người đàn bà kia là mẹ mìn, tí nữa thì tôi bị dắt đi bán mất. Tôi lờ mờ hiểu ra chuyện, tất nhiên không phải là thần tiên.
Bố mẹ tôi lên ký tá gì đó rồi đón tôi về. Đối tượng bị xâm hại là tôi an toàn, nhưng tang vật của vụ án là mấy con lợn thương binh thì lại trốn mất. Mẹ tôi tiếc nhưng vẫn ấm ức động viên, thôi con, coi như của đi thay người.
Chuyện đến đây là hết. Và năm nay tôi ba bảy tuổi. Nhờ tuổi thơ chịu khó chăn thả lợn gà mà nhớn lên cũng được nhiều gái yêu. Già có, trẻ có và tất cả đều trên mười tám. Nhưng cứ hễ có gái nào chăn dắt tôi theo lối người đàn bà chợ phiên kia là tôi hãi. Tôi không sợ bị bán đi, mà tôi sợ bị các em ấy bán đứng...trên giường.
Nhiều em giận quá mất khôn, nhét cho tôi cái hỗn danh Phẹt liệt!