Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

CÁC CỤ NHÀ MÌNH LÀNH..

CÁC CỤ NHÀ MÌNH LÀNH..                                

                              Truyện ngắn của HG

Bạn... Mấy chục năm mới gặp.. Chỉ thiếu nước chưa ôm chầm lấy như trong phim, trong truyện bọn bốc phét vẫn thường hay tả. Nhưng bắt tay là có thật. Cái bắt tay đau nhói đến tận xương, hàm nhiều ý nghĩa.
Bạn gã vẫn vậy, da sát xương, môi mỏng, mép sắc, mắt lồi và to trên ống mũi hơi gồ lên ở đoạn giữa. Nói chung là vẫn nhận ra, mặc cho tháng năm làm khuôn mặt của cả hai có chút phôi phai, lợt lạt. Trên đầu đứa nào cũng loáng thoáng có sợi tóc đổi màu.Chưa đến độ muối tiêu, nhưng không thể giấu được nếu không “đảo mái” bằng thứ thuốc nhuộm rẻ tiền. Nghe bảo thứ ấy có nguồn gốc từ bên Tàu, dùng đến đâu biết đến đấy. Nghĩa là chỉ đôi ba lần sơ qua là mụn mọc, ngứa nấm da đầu. Lúc đó tha hồ mà gãi. Được cái may cả hai vốn dĩ thật thà giản dị, không ưa sơn quết, việc ấy không xảy ra.
Bạn cùng lớp mấy chục đứa cả trai lẫn gái, giờ chết mất quá nửa. Mấy đứa hồi chống giặc phương bắc không về. Đứa ung thư, đứa ết, đứa sập hầm vàng.. Cả những đứa chết vì những cớ ái oăm không ra sao cả. Chung quy nguyên nhân cuối cũng chỉ vì danh, tham vọng hão huyền, vì tiền vì gái, vì cả những cái không đáng chết!
Sống được là may quá rồi. Qua cái thời mịt mờ sương khói, quá nhiều ảo tưởng, quá nhiều nạn tai từ trời, từ người mang lại. Còn được đến bây giờ lẽ nào không mừng, không vui? Gã nghẹn ngào suýt trào nước mắt. Hai thằng lặng nhìn nhau mất đến mấy giây đồng hồ. Thằng bạn lặng lẽ đi pha ấm trà. Có lẽ nó đang cố nhớ điều gì đó chìm vào dĩ vãng đã lâu. Còn nó cố gắng quan sát, đây là thói quen cố hữu của nó đúng ra không nên dùng vào lúc này.
Bà cụ mẹ bạn từ lúc gã vào đã ngồi dậy. Hình như bà bây giờ bà nặng tai. Gã chào, bà lại: “Không dám, tôi ăn rồi”. Có lẽ người già chỉ còn nhớ được vài thứ, đó là chuyện ăn, chuyện ngủ. Bà hỏi đến mấy lần: “ Mấy giờ rồi?” Chả biết là hỏi để định đi đâu? Lúc tối qua ghé bà bác rồi ngủ lại, gã cũng gặp trường hợp tương tự thế. Nhưng bà khác ở chỗ ban ngày ngủ nhiều, đêm đến kể lể khóc lóc những chuyện từ bao giở bao giờ. Nào “làm dâu năm mới mười hai tuổi. Hết nuôi bố mẹ chồng lại đến anh em nhà chồng”.. Tủi thân thế nào, khóc rưng rức như bị ma hành. Cả đêm bà làm mấy giấc như vậy, con cháu trong nhà bà đã quen, còn nó không sao ngủ được.
Cái làng quê nó bao đời như cõi u ti quốc, mòn mỏi, trì trệ. Chả xa kinh thành là bao mà tối tăm u ám, bao chuyện người, chuyện đời khốn nạn.
Đời mang gã “đi chơi”, va đập chỗ này chỗ khác. Về đến làng thấy nhà xây cao mấy tầng, cửa ngõ cổng gang đúc theo lối dinh thự, tưởng thay đổi nhiều rồi, hóa ra u ti quốc vẫn là u ti quốc. Buồn và thấy chông chênh không rõ vì cái gì?
Đang nghĩ linh tinh như thế bạn nó hỏi:
- Lâu mày có gặp con “Y cơ lét” không?
Gã thành thực:
- Không.
- Trước mày chả suýt lấy nó kia mà? Sao bây giờ lại dửng dưng đến thế?
- Ồi, chuyện hồi trẻ con nhắc đến làm gì? Nó giờ đã đi lấy chồng, chả biết đã chuyển đi đâu, mà tao có mấy khi về làng? Biền biệt từ đấy đến giờ..
- Hồi ấy bọn tao chắc mẩm thế nào chúng mày cũng lấy nhau. Đến bây giờ tao vẫn chưa hiểu vì lí do gì mà chúng mày lại bỏ nhau, nó lại lấy thằng Tờ oan đấy?
- Đời trai, mày bảo thằng nào chẳng có mấy mảnh tình rách vắt vai? Từ yêu đến nên vợ nên chồng là cả khoảng cách không phải thằng nào cũng vượt qua được. Nhưng mày nhắc đến chuyện này làm gì? Thú thật ba cái chuyện ấy giờ tao không quan tâm mấy..
Nói thì nói vậy, nhưng sao gã nghe nhói trong lòng..

Đời gã khốn nạn bởi tính ham vui và cả tin bạn bè. Giá năm ấy gã không dẫn thằng khốn, sau này là chồng của nàng đến nhà Y cờ lếch, mọi chuyện đã khác!
Thằng này chỉ được cái to xác, hơi trắng trẻo đẹp trai một tẹo, dưng đầu óc nó không có gì đáng kể. Nó dòng dõi họ “bò lai lừa”, thực dụng ham ăn no vác nặng là tính “đặc thù”. Kéo lại được cái miệng xoen xoét bánh mì quẹt bơ. Nó tới đâu là tưng bừng tươi vui đến đấy vì các câu chuyện nhả, chả như gã tẩm ngẩm tầm ngầm. Nghĩ thì nghĩ được, lại ngại nói ra lời. Có một thời gã cứ nghi nghi hoặc hoặc, không chắc có hẳn bởi như thế không, tính ưa dung tục và thích cợt nhả của phái bên kia? Nhưng mấy thứ đấy lại cũng không hẳn là nguyên nhân chính. Đằng sau cái vẻ bề ngoài xuề xòa dễ gần của kẻ cạnh tranh là con người đầy ắp thủ đoạn. Nó lại có chỗ dựa hơn người bởi có ông anh sau giải phóng chuyển ngành sang làm nghề kín, chuyên điều tra theo dõi. Cái nghề phần lớn chìm trong bóng tối không ai hay biết.Với gã nghề đó gã không quan tâm vì nghĩ chả liên quan quái gì đến mình..
Bây giờ bạn cũ nhắc lại, gã mới nhớ ra rằng mọi sự từ người anh họ của tên này mà nên chuyện. Chuyện đau lòng chứ không phải chuyện vui..
Gã nhớ như in buổi chiều hôm đó gã về làng. Hôm ấy cũng mưa phùn gió bấc như hôm nay. Định ăn cơm xong là ngủ lấy sức để sớm mai về cơ quan sớm. Chợt mẹ gã bảo Y cờ lếch cũng về. Hồi đó đâu đã có điện thoại di động dùng tràn lan như bây giờ? Người ta cả khi đang yêu, có khi hàng tháng mới gặp. Cách liên lạc thường xuyên nhờ vào những lá thư tay. Anh nào cầu kì thì viết trên giấy pơ luya, thứ giấy mỏng tang dùng cho máy chữ. Mỏng đến nỗi có thể thay giấy cuộn thốc lá. Anh nào xuê xoa, chỉ trọng cái tình, ít quan tâm đến hình thức thì viết trên giấy phê đúp trang rộng gần bằng khổ A4 bây giờ.. Anh cẩu thả hoặc tình cảnh khó khăn viết bằng tờ giấy xé ra từ quyển sổ tay. Nói chung muôn hình vạn trạng khác nhau của thời thổ tả ấy. Phong thư gấp cũng đủ kiểu cách. Có thư còn xức nước hoa ( đương nhiên là thứ nước hoa rẻ tiền, hàng lậu từ Lạng Sơn về ).Thư rơi vào đáy thùng rồi, nhanh cũng mất cả tuần mới tới tay người nhận. Cách nhau năm chục cây số mà cứ như ngàn trùng. Không như bây giờ muốn tỉ tê, ò e bất cứ lúc nào, cũng chỉ mất mấy ngàn đồng tiền cước. Nếu đăng ký có thể chuyện trò nửa tiếng đồng giờ.

Gã đâu biết hôm nay nàng cũng về?  Lại chủ động đến thăm mẹ gã?
Bao nhiêu mệt nhọc trôi tuột ra sông ra bể, như chưa từng xảy ra. Gã và vội mấy lưng cơm, sửa soạn áo quần.
Khốn nạn, thằng sinh viên mới ra trường như gã áo quần có gì đáng kể? Nhưng cũng phải ngay ngắn gọn gàng. Gã mượn cây đèn pin của mẹ. Quê gã vẫn còn thắp đèn dầu. Ngoài đường vẫn tối thui. Dẫu là “mắt con trai” cũng chả nhìn thấy gì. Hồi gã còn ở nhà gã vẫn có thói quen đi đêm ngửa mặt lên trờiđám ngọn tre và khoảng nền trời làm chuẩn mà đi trúng đường. Ra đời phố xá, ăn học mấy năm, thói quen ấy không còn. Với lại lũy tre người ta đã đốn dần, không còn theo hàng lối như trước. Đi đêm là chuyện khó khăn. Điện vẫn tận đẩu đâu, chưa có ở làng này.
Gã ra đến ngõ thì gặp thằng “rách việc”. (Tên này thực ra mãi sau này gã mới đặt cho đối thủ của mình). Thằng rách việc hỏi gã đi đâu? Gã thực thà có sao nói vậy. Mà có gì phải dấu cơ chứ?
Đến nhà Y cờ lếch rồi gã mới thấy mình dở hơi. Đáng lẽ chỉ có hai đứa với nhau. Gã còn biết bao chuyện để nói và muốn nói với nàng. Tự dưng tự lành thêm thằng người thứ ba! Câu chuyện trở nên gượng gạo. Gã định cắt đuôi nhưng không tìm ra cớ gì. Bụng bảo dạ: “Cuộc đời còn dài, mình với em còn khối lúc gặp nhau, đằng nào cũng lỡ rồi, ngồi một lát rồi về”.
Gã đâu biết được tình trường cũng cần bí mật, kín đáo, bất ngờ như vào trận đánh. Hở lộ ra để đối phương biết được sẽ vô cùng bất lợi. Đến khi hiểu ra bài xương máu này việc đã lỡ mất rồi! Lúc đó thằng rách việc cứ thản nhiên như không.
Gã hoàn toàn không biết  ngay từ hôm đó tên này đã nảy sẵn âm mưu. Người ta bảo:
“ Con thầy vợ bạn là nơi phải tôn trọng”, nhưng đấy là những kẻ có đọc sách thánh hiền. Còn thằng rách việc này nó đâu có khái niệm? Cả đời cho đến lúc chết nó có đọc sách bao giờ đâu? Có chăng đọc là đọc sách “công cụ” bắt buộc phải đọc để kiếm ăn, hay sách giải trí rẻ tiền. Sách dạy làm người hắn đâu cần đọc?

Cũng phải công bằng mà nói, dù thằng rách việc có âm mưu đến mấy mà cái duyên của gã bền, số phận hắn không đen đủi, nó có giỏi âm mưu đến mấy cũng đành chịu.
Và đâu có câu chuyện để nói hôm nay, khi đã qua hàng chục năm trời?
**
Gã có việc gấp ở cơ quan, phải đi ngay, còn thằng khốn chưa hết phép. Thằng này học không tới đâu, nhưng trời ỉa vào nồi nhà nó. Với lại xưa nay ở đời có phải cứ hay, cứ giỏi là gặp may cả đâu? 
Ối thằng văn dốt, võ dát mà vẫn lên ầm ầm. Càng thời độc tôn, chuyên chế bọn ấy càng dễ leo cao. Những kẻ có đầu gối dày và mỏng liêm sỉ càng có cơ hội để thi tài nịnh nọt, nâng bi, thổi hơi. Bọn đấy càng ngày càng khá cho đến tận thời bây giờ. Nhưng có một đặc điểm mà ít người chú ý đến. Bọn ấy vượng số bao nhiêu thì xã hội trì trẹt, suy tàn bấy nhiêu. Người ta gọi thời kì này là thời kì xã hội thân tộc, "Nhất quen, nhì biết", cao hơn nữa là chỗ máu mủ ruột thịt. Truyền thống ưa ỉ eo tình cảm của người Việt mình có cơ được phát triển tối đa.
Chả biết nó nói những gì với nàng những ngày gã đi rồi? Tuần sau gã về, nàng lạnh lùng ra mặt. Nàng cứ mải mốt đan len làm như chả có việc gì đáng để tâm đến. Gã hỏi câu nào nàng miễn cưỡng nhát gừng, nhấm nhẳn câu ấy. Lúc gã ra về, nàng khác hẳn mọi khi, không tiễn nửa bước chân. Tệ hơn mấy món quà nho nhỏ của gã tặng mọi khi nàng nâng niu, nàng gói cả vào cái khăn đưa trả gã. Gã không cầm, nàng cũng chẳng nói chẳng rằng gài ra bên ngoài cánh cửa, như thể đó là những vật thừa, hay một túm rác sắp đem đi vất. Trăng sáng vằng vặc trên đầu mà sao gã thấy u ám tái tê đến vậy.
Lần đầu tiên trong đời, gã trở thành tên vô tổ chức. Công việc cơ quan cũng không là cái đinh gì. Hẳn ở nhà thêm mấy ngày nữa để buổi tối có cơ hội gặp nàng vì ban ngày nàng bận công việc. Nhưng mà càng gặp lại càng xa, càng khó hiểu nhau. Như thể hai đứa chưa có bao giờ có chút tình cảm nào. Còn đâu những ngày hè gã và nàng dọc theo con đê dài, nói mải với nhau bao nhiêu câu chuyện, đến khuya chưa muốn rời nhau? Còn đâu những ngày hội tưng bừng gã cùng nàng trong đám bạn bè vui chơi thỏa thích bên hồ Suối Hai, Đền Và, chùa Thày, chùa Trăm gian? Những ngày bên nhau xuôi Hải Phòng, lên đỉnh núi Ba Vì, Tam Đảo? Dĩ vãng ấy giờ đây như chưa từng xảy ra, chưa từng là của gã. Chỉ còn sự nhầm lẫn của kí ức mong manh xa thật xa mất rồi!
Gã không hiểu chuyện gì đã xảy ra?
Nàng tránh không gặp gã. Khi gã tìm nàng cau có bực dọc ra mặt. Nàng làm gã mất thể diện trước mọi người. Gã còn tìm và đến với nàng làm gì nữa? Gã chua chát nhận ra điều này mà thấy lòng nhức nhối. Gã đã làm gì để nàng quay ngoắt như vậy?
Gã tan nát cõi lòng. Cuộc đời gã từ nay về sau chả còn gì vui sướng nữa. Thậm chí nó bẽ bàng thê thảm không biết để đâu cho hết. Tự dưng gã không muốn gặp bất cứ người nào có quen biết và liên quan đến nàng. Gã muốn đi thật xa. Muốn quên hết tất cả. Khốn nỗi tâm tư là cái gì ngang bướng và gai ngạnh cứ làm trái ý gã, muốn quên mà quên có được đâu?

Một lần gã tình cờ gặp thằng khốn đó đi cùng với nàng. Hôm đó nàng mặc cái áo màu lá mạ, màu áo lần đầu tiên gã gặp nàng. Sao lại có chuyện trùng lặp này? Lòng gã nói đau.. Đám cưới một người bạn, gã không thể không đến. Gã nhìn thấy nàng đang cười nói vui vẻ bên cạnh người mới của nàng. Bắt gặp cái nhìn của gã, nàng biến sắc mặt một thoáng rồi lấy vẻ điềm nhiên như không. Gã cũng quay sang phía khác như không nhìn thấy gì. Có kẻ nào đó huých vào sườn gã. Kẻ đó nói gì đấy gã nghe không rõ. Hình như hắn ta tưởng gã chưa nhìn thấy nên đánh động. Gã vội vã nghĩ ra một lí do nói với đôi uyên ương đang cực kì hạnh phúc, gã phải đi. Ra đến đường cái quan, suýt nữa gã đầm xầm vào chiếc xe tải ngược chiều. Thằng lái xe thò đầu ra quát, chửi lầu bầu gì đó những gã mặc kệ nó. Với gã bây giờ chả có gì quan trọng, đi càng xa chỗ này càng tốt. May mà hôm đó tai nạn không xảy ra. Nếu không miệng lưỡi người đời thế nào chả bảo gã chủ động chết vì tình?

Mãi sau này gã mới biết nàng rời gã vì chuyện gì? Đó là khi đám cưới của nàng đã tổ chức thật linh đình. Vết thương trong lòng gã đã nguôi ngoai. Không phải ai khác, chính anh thằng rách việc ấy là nguyên nhân. Hắn nói với bố nàng đang làm cán bộ tổ chức một huyện rằng gã có vấn đề. Một buổi tranh luận của đám bạn trẻ về sự khác biệt “Duy vật biện chứng và duy tâm”. “ Có hay không chủ nghĩa X hay là Y gì đó? Gã là kẻ dại mồm chót nói ra những câu dại dột. Tỷ như “ Làm gì có cái xã hội mơ tưởng hão huyền ấy? Chẳng qua nó chỉ là cơn sốt của thời đại. Một thời đại có quá nhiều áp lực chiến tranh, tăm tối về tinh thần cộng với sự đòi hỏi gấp gáp của cái dạ dày, nó như thứ thuốc giảm đau chứ đâu tác dụng cụ thể nào?”
Người ta bảo lời nói gió bay, thực ra không phải. Không biết bằng cách nào đó, ông anh thằng rách việc nắm được câu này. Thời giữa phản biện và phản động đánh đồng một nghĩa với nhau, câu này nguy hiểm không biết chừng nào!
Chuyện tình của gã với nàng coi như xong vì một cái cớ vu vơ như thế. Đúng là chuyện hàng chài về con cá dưới sông. Một người luôn đề cao tính vững vàng lập trường tư tưởng, ý thức hệ không thay đổi như bố nàng đấy là núi Thái Sơn chứ không phải chuyện đùa!

Hàng chục năm sau gã mới quên được chuyện này. Bây giờ nghe tên bạn nhắc lại gã cứ như nghe chuyện người khác.
Bạn gã đột ngột chuyển đề tài:
-          Giới các ông chắc thời điểm này lắm ý kiến lắm?
-          Về chuyện gì?
-          Sửa đổi hiến pháp ấy, ông không nghe thấy à?
Gã lặng đi một lúc. Với gã chuyện này hình như cách làm không phải như vậy. Đó là công việc của các nhà chuyên gia về luật. Họ có kiến thức chuyên môn, có hiểu biết sâu sắc về pháp chế, đọc nhiều, tham khảo nhiều biết cái hay cái dở trong hiến pháp của nhiều nước khác nhau. Như vậy họ mới có cái để mà so sánh, lựa chọn.. Còn hạng cồ lồ mồ như mình, hiểu chút lỗ mỗ biết gì mà tham gia ý kiến. Giả hoặc có ý kiến đi nữa chắc gì có người bỏ vào tai, hay lại mang họa như cái cuộc tranh luận phản biện năm nào?
Gã đã tự nguyền với mình là sẽ không tranh luận về bất cứ điều gì, với bất cứ ai. Gã yên tâm bấy lâu nay yên ổn là nhờ chủ trương như thế.
- Nói thì nói vậy, việc đấy có người lo. Đừng có gái góa lo việc triều đình.
- Còn việc biển đảo theo quan điểm của ông thế nào?
- Cũng rứa cả thôi? Ông hỏi tôi, tôi hỏi ai bây giờ?
Bạn gã trố mắt ra nhìn gã. Sao lại có kẻ thờ ơ, vô cảm đến thế nhỉ? Một thằng vốn hăng hái tranh luận, luôn tò mò tìm hiểu học hỏi như nó sao bỗng dưng lại đâm ra an phận thủ thường đến như vậy?
Cuối cùng bạn gã bảo:
- Chả trách mấy buổi họp rồi mà chả ai có ý kiến gì. Có chăng sửa chỗ này tí ti, chỗ kia tí tẹo. vớ vẩn hết. Chả có nước nào luật lệ co giãn, mơ hồ như thể nước ta. Tỉ như chuyện tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, hay các khung hình phạt từ a đến z. Sao không rõ ràng cụ thể? Thưởng phạt công minh, cái nào đi cái đấy?
- Thôi gác chuyện đó lại đi. Mày đang nói về Y cơ lếch cơ mà.
- Chuyện này có gì để nói? Mày không biết chuyện thật à?
-..
- Thằng bỏ mẹ ấy giờ lên chức phó cục trưởng rồi. Nó vừa cưới vợ khác hồi đầu năm.
- Còn nàng?
- Nghe bảo nàng xuất gia vào chùa rôi. Ở đâu tao cũng không rõ. Hay là..
Nó nhìn gã tinh quái:
- Mày định làm theo tích Lan Và Điệp phải không? Đúng là dớ dẩn. Người ta đặt ra bài hát là vậy. Ai biết đâu thực hư thế nào? Ngoài đời khác, sao cứ lẫn lộn giữa mộng và đời?
Gã im lặng. “Giả dụ có đi tìm nàng bây giờ ngoài thỏa tính tò mò, liệu còn ích lợi gì? Tuổi gã bây giờ đâu còn lãng mạn, hăng hái, bồng bột như xưa. Người ta nói cái gì cũ cũng kém giá trị. Nhưng bạn cũ, tình cũ, thậm chí những đồ vật cổ vượt được thử thách thời gian thực là vô giá hình như là một khái niệm chưa đủ..” Gã đang lan man như thế, bạn hắn chuyển hướng câu chuyện:
- Mày không sợ sau này con cháu mày nó bảo : Cụ nhà mình hồi ấy lành quá. Bao nhiêu chuyện trái tai, gai mắt đau lòng như thế mà cụ vẫn như chả thấy gì? Chỉ thiếu nó nói toạc ra là cụ thời ấy … thôi mày ạ.

Muốn sao cũng được. Dân mình thế nào, nước mình thế nào, tầm tuổi này gã biết. Việc cần bàn hãy bàn. Cầm đèn chạy trước công nông họa có ngày. Bầm dập nhiều, oan trái không ít, đủ để gã lựa ra chút kinh nghiệm đường đời. Một kinh nghiệm sống hèn hèn, đêu đểu và khốn nạn..
Nhưng còn cách nào khác đâu?
Cả gã và Y cờ lếch không có cách nào làm lại một cuộc tình. Gã cũng không thay đổi thái độ trước hiện tại muôn vàn rắc rối này.

Gặp bạn bao nhiêu chuyện. Rút cục còn chuyện gì có thể nói mà không đau lòng??

======




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: