Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Nỏ thần giả và bằng Tiến sĩ dỏm

HIỆU MINH

Nhu cầu dẫn đến bằng giả từ trường dỏmChuyện bằng cấp dỏm thời nay có khác chi lẫy nỏ giả của Triệu Đà cách đây mấy ngàn năm. Sự dối trá đã len lỏi vào xã hội, vào giáo dục, vào y đức, vào quan trí, dân trí và được một số người chấp nhận như một việc bình thường...

Bằng dỏm ở trường giả mang danh quốc tế
Hơn 20 năm trước, tôi có người đồng nghiệp được mời sang giảng dạy bên AIT (Thái Lan) nhưng tiếng Anh hơi yếu. Khi hỏi, với ngoại ngữ yếu thì có mệt không, anh thản nhiên đùa "Chỉ có sinh viên nghe giảng mới mệt. Còn mình chả thấy vấn đề gì".
Mấy anh lái xe cho văn phòng nước ngoài, vốn tập tọe tiếng Anh, kể vui rằng "Cha nội Chris Shaw gốc UK chính hiệu mà tiếng Anh rất...yếu. Lão ấy chả hiểu bọn em nói gì".
Trong bối cảnh hội nhập, một lái xe và một giáo sư "tự tin"như thế là đáng khâm phục. Ít ra còn biết chút ngoại ngữ để mang chuông đi đánh nước người.
Tuy nhiên, chuyện một vị cán bộ của ta sang Mỹ bảo vệ Tiến sỹ bằng tiếng Việt, rồi trong lúc làm luận án bên đó mà không cần biết tiếng Anh mới đáng khâm phục hơn cả, đáng ghi vào kỷ lục thế giới.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị đưa tin, dân chúng tỉnh Phú Thọ đang bàn về chuyện ông Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của tỉnh, có học vị tiến sĩ với đề tài "Vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ".
Khi được hỏi, ông nói có sang trường đại học này để học hai đợt, mỗi đợt một tuần, được nghe giảng tiếng Anh qua phiên dịch sang tiếng Việt. Khi ông bảo vệ luận án cũng có người dịch cho từ đầu đến cuối. Đại loại vị "tiến sĩ" này thuộc dạng một từ tiếng Anh bẻ đôi không biết.
Ảnh chụp website của cái gọi là Trường ĐH Nam Thái Bình Dương.
Đương nhiên còn nhiều chi tiết khá thú vị không tiện bàn ở đây như, vị tiến sỹ này tự học, đọc tài liệu của trường đại học Nam Thái Bình Dương soạn bằng tiếng Việt và đĩa CD. Trường đại học này cũng không yêu cầu nghiên cứu sinh phải biết tiếng Anh, không phải thi đầu vào mà chỉ cần gửi đề cương sang cho họ...chỉnh sửa là được.
Một giáo sư có uy tín với nhiều năm công tác ở nước ngoài, đã tìm hiểu kỹ về trường ĐH Nam Thái Bình Dương và đi đến kết luận, bằng "tiến sỹ dỏm này được lấy từ trường giả".
Trong bối cảnh ở nước ta bằng giả nhiều như đất thì chuyện trên của vị "tiến sỹ" nọ không có gì lạ. Lấy bằng dỏm ở trường giả mang danh Quốc tế cũng chẳng đáng ngạc nhiên. Thật lòng, chuyện ấy ở quốc gia nào cũng có.
Chỉ có điều vị "tiến sỹ" nọ có thể giải thích với dư luận một cách đàng hoàng mới là chuyện lạ. Vị cán bộ này làm tới chức Giám đốc sở Văn hóa của tỉnh. Bỗng tôi ước, giá như ông có được sự "tự tin" về ngoại ngữ của vị giáo sư hay mấy bạn lái xe yếu tiếng Anh kể trên. Một chút thế thôi cũng là mừng lắm.
Bằng dỏm hay nỏ thần giả
Phú Thọ là vùng đất tổ cội nguồn, nơi đây các vua Hùng đã dựng nước. Miền đất này vốn giàu có về lịch sử, truyền thống và di sản văn hóa.
Trường Đại học Nam Thái Bình Dương" không phải là một đại học, mà chỉ là một cơ sở thương mại, buôn bán bằng cấp cho những ai có nhu cầu. Trường này có tên là Southern Pacific University (tên pháp lí là Southern Pacific University, Inc, a Hawaii corporation), thậm chí có hẳn một website hoành tráng nữa.  "Trường" này tuy nói là đặt ở Hawaii, nhưng gốc gác ở ... Malaysia.
Theo tài liệu của Bộ Thương mại và Tiêu thụ vụ (Department of Commerce and Consumer Affairs) thì "trường" đã bị giải thể từ ngày 28/10/2003.
Bằng cấp của trường Southern Pacific University không được Mĩ công nhận.
Trường này thậm chí còn được liệt kê vào danh sách scam, tức là những nơi chuyên lừa gạt người nhẹ dạ để lấy tiền bằng cách bán bằng cấp dỏm. - Theo TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Garvan, Australia.
Cách đây gần 6 thập kỷ, cụ Hồ về thăm Đền Hùng, gặp mặt và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô, từng căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Giữ nước có nhiều cách. Xây dựng quốc gia hùng cường, mạnh về kinh tế và quân sự, dân trí và quan trí cao, gồm cả sức mạnh cứng và mềm, trong đó lấy văn hóa làm gốc cho phát triển. Gìn giữ, kế thừa và phát triển văn hóa là chìa khóa cho tương lai của một đất nước.
Vì thế, quản lý văn hóa tại một nơi gọi là cái nôi sinh ra dân tộc Việt, cần một người đủ tâm, đủ tầm, đủ lượng tri thức cần thiết, nhưng không nhất thiết phải là... tiến sỹ.
Thủa trước, người ta thường bàn tới những vị quan "nhân-nghĩa-lễ-trí-tín". Có trí mà không có tín cũng hỏng. Làm quan mà không có trí, không có tín lại càng hỏng.
Dưới danh tiến sỹ dỏm của một trường giả để làm quan thì hỏi rằng ai có thể tin thành Cổ Loa được bảo vệ bởi một bàn tay tin cậy?
Những lễ hội gần đây đã chứng minh rằng, chuyện bằng rởm đã được tái hiện lại trong những lễ hội được gọi là văn hóa, truyền thống hay lịch sử. Bánh chưng dâng vua bằng nệm mút. Cướp hoa trong lễ hội hoa. Rồi lễ hội xin ấn, chai rượu to, mâm cao, cỗ đầy chẳng phải để nhớ người xưa mà chỉ mong được làm quan. Lễ hội rất lớn nhưng chứa đựng toàn những điều không thật, phản ánh thực trạng quan trí nước nhà.
Viết tới đây, tôi chợt nhớ chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy. An Dương Vương có chiếc nỏ thần mà bảo vệ được thành Cổ Loa trước giặc Triệu Đà vì thần Kim Qui cho chiếc lẫy nỏ là móng của mình. Nỏ này bắn một phát diệt hàng vạn tên địch. Địch không thể chiếm được thành.
Trọng Thủy là con Triệu Đà sang nước Nam tìm cách yêu Mỵ Châu và đổi được chiếc lẫy nỏ thật bằng một chiếc dỏm. An Dương Vương đã mất thành, mất nước. Ngày nay vẫn còn giếng Mỵ Châu - Trọng Thủy để người đời sau nhớ về bài học nỏ thần đắt giá.
Chuyện bằng cấp dỏm thời nay có khác chi lẫy nỏ giả của Triệu Đà cách đây mấy ngàn năm. Sự dối trá đã len lỏi vào xã hội, vào giáo dục, vào y đức, vào quan trí, dân trí và được mọi người chấp nhận như một việc bình thường. Niềm tin đôi khi lại được đặt vào sự giả dối.
Một lúc nào đó, chúng ta chợt nhận ra, di sản văn hóa được xây nên bởi những lâu đài tri thức không có thật mà sự bắt đầu chính là những tấm bằng tiến sỹ giả giúp cho đường quan lộ hanh thông. Sự suy vong của một quốc gia đôi khi cũng từ những lẫy nỏ "tiến sỹ dỏm" đó.
Lời cụ Hồ năm xưa dặn ai còn nhớ. Nếu quên lời cố nhân và không nhớ bài học lẫy nỏ bị làm rởm từ mấy nghìn năm trước, rất có thể, một ngày nào đó không còn cả cái giếng Mỵ Châu rửa ngọc trai làm bài học cho đời sau.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: