Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm số một vừa ra, như vậy từ tháng 5 năm 1969 đến nay nó đã 5 lần thay tên với 4 cái tên: Tác phẩm mới, Tác phẩm văn học, trở lại Tác phẩm mới, rồi Nhà Văn, và mới đây 2013 là Nhà văn và Tác phẩm.
Điều đó nói lên cái gì? Rõ ràng, nội hàm của tạp chí là muốn trưng tác phẩm mới ra, vậy tại sao nó cứ loay hoay thay xoành xoạch tên gọi? Ai chẳng biết “Danh chính thì ngôn thuận” hay như người phương Tây nói “đá lăn không xanh rêu”, các giá trị của vũ trụ và con người được đo bằng thời gian, vì thế người ta mới coi rẻ loại phù du vừa sinh đã tử, cũng như các loại thơ ngắn chưa có khả năng triển khai đã vong. Người Việt có câu “Ngựa hay phải chạy đường dài”, ngựa hay mà chạy trong sân, nhà thơ mà làm vài câu ngắn tũn thì chỉ có ở các nước nhược thiểu mặc dù to đùng chiếm gần ¼ loài người như Trung Quốc nhưng khi triết gia Hegel nói “Dân tộc không có sử thi như Trung Quốc thì chẳng thể là dân tộc lớn”, chính vì mặc cảm to xác bé tâm hồn mà mấy chục năm qua các cơ quan văn hóa Trung Quốc đi tìm sử thi khắp các hang cùng ngõ hẻm mà không thấy. Tùng bách mà mọc trong chậu cảnh bé tẹo như đồ chơi trẻ con thì tính làm gì? Vạn vạn bài thơ vụn dù xuất sắc thời Đường, được các chuyên gia hiện đại Tàu gọi là “những mảnh vụn lấp lánh”, đấy là đồ chơi tức cảnh sinh tình kiểu trẻ con bứt lá chơi đồ hàng chứ ai gọi là tác phẩm có kiến trúc về văn học. Hơn sáu mươi năm qua, người Trung Quốc đã bỏ thơ mà bắt tay vào tiểu thuyết, giờ họ đã có 2 giải Nobel là Cao Hành Kiện và Mạc Ngôn. Thử hỏi họ cứ say sưa đua nhau làm thơ vài câu “thổn thức vặt” thì đến mùa quít nào mới có giải Nobel. Người Việt hãy nhìn vào đấy, chẳng là tấm gương sao, thơ Việt lần bước theo thơ Tàu từ Nguyễn Du trở đi đến những bài “nhỏ như lá đánh rơi” đừng có hy vọng ảo tưởng ba thứ văn học bỏ túi khú khí khen nhỏ gọn. Một anh du kích trong thời chiến nhỏ gọn để luồn sâu người ta còn thông cảm. Nhà giầu đi nghỉ mát mà đồ đạc ít không bõ người ta khinh. Tại sao? Vì giá trị tài sản cũng là cái phản ánh giá trị con người. Một giàn hỏa tiễn vượt đại dương sao có thể có bệ phóng bé tí như chuồng gà?! Vì thế hỡi mấy anh hủ nho đồ gàn đừng có chúi đầu tự tôn vào mấy vần thơ còi trong túi. Phi trong sân không thể là ngựa mà chỉ là mấy con vịt bầu! Hãy chắc chắn điều đó! Và không thể cãi được điều đó đâu!
Chúng ta đang bàn về phương ngôn chắc chắc nhất của nhân loại. Đó là “Nhìn đường trường biết sức ngựa. Nhìn thời gian biết giá trị vạn vật”. Người phương Tây tóm tắt trong một câu “Thành La Mã không xây trong một ngày”. Một chiếc huy chương chạm khắc tinh xảo nhất khoát đòi nhiều thời gian. Tác phẩm bằng đá tạc cả năm nhất khoát hơn tác phẩm đắp tuyết trong 15 phút. Một bản giao hưởng với tài năng phát triển và biến tấu phải hơn bài thơ đoản ca có độ dài của con phù du. Vậy trong hơn 50 năm tạp chí Tác phẩm mới phải đổi tên 5 lần là cớ làm sao? Đó có phải chính là phương châm làm ăn ma cà chớp của cửa hàng mậu dịch? Tất cả mọi công ty tư nhân, người ta đều tìm cách có thương hiệu, xây dựng thương hiệu, gìn giữ thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, rồi nâng cao thương hiệu… Đó mới là làm ăn chân chính. Sự chân chính đó bắt nguồn từ vốn tư nhân, đồng tiền người ta đổ mồ hôi sôi nước mắt, nên người ta biết quí trọng nó. Nhưng còn tiền nhà nước, như người Việt nói “cha chung không ai khóc” thì cứ tiêu vô tội vạ, tiêu làm sao càng rót ăn chia nhiều vào túi cán bộ càng tốt. Rồi văn thơ đăng cho đồng chí, đồng hương, bồ bịch của mình, nó xuống cấp giảm giá trị thì đành thay tên để mong mồi chài một danh dự mới.
Tạp chí Nhà Văn và Tác phẩm ra lò nhằm mục đích gì? Tất nhiên để cải lão hoàn đồng. Nhưng nhìn một cái thấy ngay những khuôn mặt “cúng cụ”, hay nói theo ngôn ngữ của chính dân văn chương “những bộ hài cốt quốc doanh” lại chềnh hềnh duyệt binh trên thảm đỏ trải sẵn cho mình. Những khuôn mặt chỉ còn là bã của cái “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Nhìn vào đây, nhân sự kiện này, tôi muốn đưa ra một suy tư về thói quen già cả lẩm cẩm của một nền văn học không chịu về hưu của các cán bộ văn học nghiệp dư.
Trước hết như người Tàu nói “Dùng đồ thì phải dùng đồ mới, dùng người thì phải dùng người cũ, bởi vì đồ mới thì tốt, còn người cũ thì biết việc”. Lãnh đạo trên toàn thế giới nói chung thuộc về tay những người già (đây là số liệu và nhận định chắc chắn), nhưng đó chỉ là lãnh đạo quản lý thôi, chứ còn lao động sáng tạo không bao giờ thuộc về những người già cả.
Thi hào Goethe nói “Sự cấp tiến ở tuổi già là biểu hiện cao nhất của mọi sự điên rồ”.Đúng vậy, người già có thể dùng kinh nghiệm lâu năm để làm lãnh đạo, nhưng sáng tạo là phạm trù của cái mới đòi tươi rói tinh khôi, càng nhiều kinh nghiệm thì càng hỏng, giống như ái tình run rẩy hồi hộp khám phá của tân nương với tân lang. Vợ chồng già “con ong đã tỏ đường đi lối về” thì còn gì rạo rực nữa.
Các chuyên gia xã hội học nhất khoát: tuổi già là tương lai đã ở phía sau. Với tuổi già làm gì còn khát vọng hay dự án?! Ông bà già đi vệ sinh mà con cháu không phải giúp đỡ đã oai lắm rồi. Tuổi già là sống ngày nào hay ngày đó, theo kiểu “già được bát canh”. Nhà thơ Lê Đạt lúc sống có viết: Chữ bầu lên nhà thơ, không có chữ nữa thì thôi là nhà thơ. Thôi là nhà thơ lâu quá thì nhà thơ đã chết, họ phải được chôn cất để giữ vệ sinh cho cộng đồng.
Văn hào Dostoievski còn viết cực đoan hơn: Sống quá bốn mươi tuổi là bẩn thỉu, đê tiện và vô nhân cách. Riêng tôi đã sống qua bốn mươi tuổi tôi vẫn nói thế. Ý của văn hào là: tuổi càng cao nhiệt huyết của người ta giảm, sự ươn hèn gia tăng, cái đẹp giảm. Và con người nên lưu ý việc này!
Vậy thì người già cần phải được nghỉ hưu. Quả nho chín, nó lên men thành rượu nhưng nếu để nó chín nẫu sẽ sinh vi khuẩn mốc làm hại cả thùng rượu. Sáng tạo của những người già không chịu về hưu là thứ nho không lên men nữa. Việc này không chỉ thể hiện qua tạp chí mà còn thể hiện trong đời sống của Hội Nhà Văn. Tất cả hội nghị, mấy ông già lên nói trước chẳng có gì mới đã thế câu giờ không còn thời gian cho ai nữa. Đã thế lên nói là khoe chữ nào Ấn tượng, nào Hậu hiện đại… nhưng than ôi người già như thế chưa làm được câu nào hiện đại cũng làm sao cách tân ở cái tuổi chín mõm được. Nhưng các ông vẫn nói theo kiểu “xuất” được nói “được ăn, được nói, được gói mang về”. Có ông lên còn ngang nhiên nói sai chủ đề mong quảng cáo cho công ty nào đó.
Văn vẻ “biết rồi khổ lắm” của các cán bộ già hấp dẫn thế nào? Có một câu chuyện thật: Vua Tây Ban nha kia hay ngoại tình lắm. Mà làm vua muốn ngoại tình thì dễ như người ta thò tay vào túi, quyền ư ông sẵn là vua lại chẳng có quyền à, tiền ư ông sẵn ngân khố quốc gia lại thiếu ư, ông hấp dẫn ư chẳng phải những lời ton hót đã có mẫu ghi sẵn… Hoàng hậu tức lắm than với vị giám mục. Vị Giám mục cứ gặp nhà vua là khuyên bảo dai như chão. Nhà vua liền mời vị Giám mục ở lại ăn cơm với gà quay. Hôm sau cũng ăn gà quay. Vị Giám mục xuýt xoa khen ngon. Nhà vua mời cả tháng ăn gà quay liền. Đến lúc vị Giám mục la “Lúc nào cũng ăn gà quay làm sao chịu được!” Nhà vua bảo: “Đấy, gà quay ngon nhưng ăn mãi còn ngấy. Hoàng hậu dù đẹp như gà quay, ăn mãi làm sao không ngấy?!”
Đấy là món gà quay được ví với hoàng hậu. Còn văn chương của mấy bác già bám trụ tem phiếu nhà ta chỉ là đậu phụ hay rau cỏ thôi, ăn mãi rát ruột và héo hon lắm. Người Việt có câu: trong mọi ngành nghệ thuật chỉ có ngành múa là các lãnh đạo già nua không xí chỗ được của diễn viên. Tại sao? Vì diễn viên thì phải trẻ, và ăn mặc hở hang không thể úm ba la che dấu được. Vì thế mũ cao áo dài đòi trà trộn lộ ngay!
Người Việt nói “tre già măng mọc”, “trẻ cậy cha già cậy con” , rồi “con chị nó đi con gì nó lớn”, tạp chí Hội nhà văn sao có tương lai nếu chưa từng biết nhường cho lớp trẻ, già cả, sức vóc có hạn, học vấn cao nhất là tráng men cấp cứu ở trường Nguyễn Du do nhà nước ban ơn cho “chẳng nhẽ đi rừng rú bưng biền mãi về lại tay trắng văn hóa và chữ viết”. chính thế mà tạp chí không có sức sống phải đổi tên liên tục, tưởng “cãi lão hoàn đồng nhưng cũng chỉ hoàn già khú thôi”.
Để trẻ hóa, về sinh vật học cho đến nay người ta chỉ tìm cách tác động vào bộ phận sinh dục. Vì văn hóa thấp, tri thức ít, tư tưởng lại để quên nơi chân trời, nên các nhà văn Việt chủ yếu viết xoay quanh tình dục, cũng là vốn tự có trời cho. Máu trong cơ thể, một là bơm lên não sẽ sinh trí tuệ và tư tưởng, hai là bơm xuống thận sẽ sinh dục vọng quanh quẩn màn the. Người Việt nói “khôn đâu đến trẻ khỏe đâu đến già”, cũng là cách nói, trí tuệ thuộc về người già, còn sinh lý thuộc về giới trẻ. Tuổi đã già các bác nhà văn cứ tìm cách tác động vào bộ phận sinh dục làm gì? Nên nhớ càng tác động mạnh vào bộ phận sinh dục càng dễ lăn quay. Chớ nên làm gì trái tự nhiên! Tự nhiên là tuổi đã già cũng nên được nghỉ ngơi về hưu. Chớ thấy bở mà đào mãi. Người Tàu có phương ngôn “Lúc già mà không đem cái mình biết mà dạy thì khi chết chẳng ai thương”. “Tiến vi quan, thoái vi sư” già rồi không nên chạy đua lên những trang nhất của văn học nữa, nên biết trèo lên tháp để dạy đời thì hơn. Lộc bất tận hưởng, đừng ăn uống cạn kiệt cả cặn trong bát canh tem phiếu nữa. Đây là những lời “trung ngôn nghịch nhĩ” của tôi. Và không có một lời nào sai sự thật cả. Mong các bác già chia sẻ.
.
NHĐ 30/09/2013
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét