Mồng 8 tháng 11, Thứ Sáu…
Posted on Tháng Mười Một 8, 2013 by CN
MỒNG 8 THÁNG 11, THỨ SÁU…
Già rồi, tôi chẳng mảy may chú ý đến ý nghĩa của từng ngày, những ngày thời trai trẻ thường mong mỏi như 1 tháng 5, 19 tháng 8, 2 tháng 9. Những ngày lễ trọng của dân tộc. Giờ đây quá mệt mỏi, với thời gian chỉ có một ý nghĩ duy nhất: Sao nó đi nhanh thế. Đã 80 tuổi. Đã là một ông lão 80 già lụ khụ mặc dù từ đáy lòng không chịu công nhận cái thực tế phũ phàng tàn nhẫn ây.
Sáng nay trở dậy bóc lịch. Giật mình: 8 tháng 11. Lại cả thứ sáu nữa. Ba yếu tố trùng nhau. Thật hiếm hoi. Thứ sáu 8 tháng 11 năm 1968 tôi bị bắt. Đúng 45 năm. Không biết 45 năm có bao ngày thứ 6 trùng hợp cả ba yếu tố ấy nhỉ.
* Thứ sáu mồng 8 tháng 11 năm 1968 rét lắm. Không nóng như hôm nay. Đọc lệnh, khám nhà xong khoảng 10 giờ. Vào Trần Phú với cái bụng đói. Khoảng nửa giờ sau, từ xà lim ra nhận suất cơm đặt ngay dưới đất, nguội ngắt, nước uống trong bô sắt han rỉ, không sao nuốt được.
* 7 ngày trước, 1 thang 11, cũng thứ sáu, tình cờ mở tivi, nghe tin ông Trần Đông, nguyên giám đốc công an thành phố Hải Phòng, người hạ lệnh (khác với ký lệnh) bắt tôi, đã từ trần. Ông là thứ trưởng bộ Công an, suýt nữa lên bộ trưởng. Báo Nhân Dân đã đưa tin và ảnh ông dưới măng sét: “Đồng chí Trần Đông thăm trụ sở Bộ Biên Tập báo Nhân Dân.” Một kiểu đưa tin dọn đường dư luận. Ai cũng hiểu ông sẽ lên bộ trưởng. Nhưng rồi ông phải chuyển sang làm thứ trưởng bộ Tư Pháp.
Người ta nói rằng ông đã dám vuốt râu …Lê Đức Thọ! Thật may cho tôi cái cú vuốt râu ấy của ông. Chứ không đời tôi biết ra sao?
Ông đã qua đời. Dù không muốn, tôi cũng phải buộc lòng có mấy nhận xét về ông:
-Biết bắt tôi là sai, ông cho tôi đi tập trung cải tạo. Tạm công nhận là được đi vì bắt người dễ, tha người khó. Nhưng sao ông lại đuổi vợ tôi khỏi trường đại học? Khi ông Hoàng Hữu Nhân xếp việc làm cho tôi, sao ông lại kiên quyết chống lại? Rõ ràng ông định tận diệt tôi.
* Sáng nay, 8 tháng 11 lại là ngày Luật Pháp đầu tiên của nước ta, để mọi người thượng tôn pháp luật, tất cả cùng sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Cái khẩu hiệu Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật nàyông Trần Đông đã cho căng đỏ rực đường phố Hải Phòng từ mấy chục năm nay rồi. Tôi cũng đã biết nó là thế nào rồi. Trong tủ của tôi có hơn chục ki lô đơn, kêu đủ cả các Bộ (không có Bộ Binh Bộ Hộ Bộ Hinh đâu nhé). Lần gần nhất là trực tiếp gặp ông Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân tối cao!!!!!! Và thuộc cả tên bà chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội Lê Thị Thu Ba!!
Tôi không hiểu sao luật pháp không được thực thi mà có lắm bộ, Viện, ngành liên quan thế????
* Thương ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) tù oan 10 năm quá. Và mong được như ông. Nhưng mình chẳng có ai tự thú cả. Mình đã tự thú bằng tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000. Người ta bỏ tù tiếp bản tự thú của mình. Giá ông Trần Đông tự thú thì tốt. Nhưng ông ấy chết rồi.
* Ngày bị bắt 35 tuổi. Nay 80 tuổi kỷ niệm 45 năm ngày bị bắt. Chả thấy gì khác. Cố sống 5 năm nữa, đến năm 85, kỷ niệm tròn 50 năm ngày bị bắt, xem có gì mới không? Chắc không. Bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói hết thế kỷ 21 chưa xây dựng xong chủ nghĩa xã hội cơ mà.
* Ông Nguyễn Ngọc Giao (Pháp) bình về Truyện ngắn Người Chăn Kiến của mình khá quá: Cái vòng tròn ấy không giữ nổi mấy con kiến nhưng giam trọn một đời người. Không nhớ nguyên văn. Đại ý là như vậy.
Bùi Ngọc Tấn
Chuyện kể cho những thế kỉ mai sau
Posted on Tháng Tám 20, 2013 by CN
Một nhà báo – nhà văn đang thành công suôn sẻ thì bỗng bị bắt bỏ tù không xét xử một cách thô bạo, xem như phần tử nguy hiểm cho cách mạng. Ông kể lại cái đói, cái sợ, cái đơn điệu của những ngày dài bất tận, đời sống xã hội giữa những người tù. Sau nạn tù, lại đến sự sỉ nhục nã theo ông. Không có cơ may thứ hai, không có “tái nhập” cho con người này, ở đất nước này. Không hằn học, với một sự thanh thản đến làm ta bối rối, Tuấn, nhân vật chính của cuốn sách, kể lại cho chúng ta nỗi đau của ông, nhưng cũng nói với chúng ta về tình yêu, về dục vọng, về những ước mơ. Chúng ta gặp lại cách viết của Bùi Ngọc Tấn, giản dị, đầy chất thơ, nhạy cảm, thậm chí đôi khi ngộ nghĩnh. Một câu chuyện làm chao đảo. Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934[1] ở Hải Phòng. Ông đã là cán bộ ở Hà Nội, rồi làm báo. Chấn thương tinh thần vì chiến tranh và tù ngục đã ngăn ông không viết nổi trong hai mươi lăm năm, điều đã mang lại cho sự nghiệp văn chương của ông một quãng lùi kì diệu để bao quát toàn cảnh, từ đó rộ nở tưng bừng. L’Aube đã xuất bản một tập truyện ngắn của ông, Une vie de chien(Cún) cũng như cuốn tiểu thuyết đẹp Biển và chim bói cá đã giành giải Henri Queffélec tại festival Sách và Biển Concarneau năm 2012.
Xin lưu ý: kiệt tác đấy. Vì bất kì lí do gì cũng không nên bỏ qua cuốn sách này, sẽ ra mắt vào ngày 22 tháng 8. Cảm ơn Marion Hennebert và nhà xuất bản L’Aube đã cho phép chúng tôi phát hiện ra sự ngụp sâu phi thường ấy vào thế giới lao tù ở Việt Nam. Dĩ nhiên, người ta nghĩ đến Alexandre Soljénitsyne và đến Quần đảo Goulag. Không có gì phổ quát hơn độ trệch dòng của những thứ isme ấy, những thứ chủ nghĩa dưới chiêu bài tìm kiếm lợi ích cho toàn nhân loại đã làm nẩy sinh ngay trong bản thân chúng hàng lũ quan toà công chức xoàng xĩnh, hạch tội chi li, tha hồ nở rộ… Trừ một điều là giọng điệu hoàn toàn khác với giọng nhà văn Nga vĩ đại. Không chút lâm li. Điều đó khiến người ta nghĩ các trai :cải tạo ở Bắc Việt Nam không kinh khủng bằng Goulag chăng? Tôi nghĩ rằng đó chủ yếu là một lựa chọn của người kể chuyện, ưu tiên cho giọng mỉa mai cay đắng, hợp hơn với chất từ tốn Á Đông hơn nhiều so với những thổ lộ tâm tình làm ta rơi lệ của tâm hồn slave. Các nhà văn Việt Nam, nói chung, xuất sắc trong thể loại truyện ngắn, họ thích thêu dệt quanh những mảnh đời nhỏ cắt cúp một cách tinh tế. họ không giữ khoảng cách. Còn ông, Bùi Ngọc Tấn, ông không biết viết tủn mủn. Tháng giêng năm 2012, tôi đã giới thiệu với các bạn cuốn sách đẹp nhưng khá dài “Biển và chim bói cá”. Đã đến lúc Tấn mời chúng ta đọc tự truyện của ông, viết ở ngôi thứ ba, nhân vật chính không ai khác ngoài bản thân ông. Là người cộng sản tin thành, cha và anh em trai đều là cộng sản dấn thân hoàn toàn vào kháng chiến, là nhà văn, nhà báo được công nhận và đã nổi tiếng, đùng một cái, ông bị nghi ngờ là có tư tưởng phản cách mạng… Tất nhiên tất cả những gì ông viết đều bị tịch thu – mặc dù một số bài viết của ông vẫn tiếp tục có mặt trong các sách giáo khoa! Tư tưởng phản cách mạng? Trong một truyện ngắn, một chú dế bị một lũ gián to béo tấn công. Những con gián đó phải chăng là hình ảnh của những quan chức cộng sản? Trả lời những kết tội như thế cách nào đây, ngoại trừ bằng một cái nhún vai… Ông trải năm năm ở ba trại khác nhau, trong đó một trại là “trung tâm sàng lọc” ở Hà Nội, tại đó ông bị giam bên cạnh những tử tù. Ông tù không có án; nói cho đúng, tội của ông quá nhẹ để người ta có thể đem ra xử. Ông chỉ cần một sự cải tạo nhỏ ở trại lao động là vừa đủ. Lẽ ra, ông có thể được ra sớm hơn, sau ba năm. Có điều là vào đúng thời điển này, cái ông ngốc nghếch ây lại nói ông vẫn không biết người ta kết ông vào tội gì… Hấp! quay về trại liền! Cứ thế, trên hơn bảy trăm trang, đời sống của những người tù trong rừng được mô tả, tiếp theo là sự trở lại rất khó khăn của nhân vật chính với cuộc sống “tự do”. Tấn đã phác hoạ tất cả những nhân vật ông đã gặp trong cuộc đời đó, những bức hí hoạ đẹp thống thiết, như già Đô, một ông già đã sống cuộc đời phiêu bạt, đã tham gia Thế chiến II, lao động ở Bắc Phi, lấy một người phụ nữ Marseille… rồi nhớ quê hương trở về; như Giang, một chàng trai rất trẻ, con trai một anh hùng của cách mạng, trở nên lêu lổng, rồi cùng, trở thành kẻ cắp chuyên nghiệp. Và biết bao người khác: Sáng, người không ngừng trốn trại… không ngừng bị bắt lại; Sơn, vốn là một kĩ sư, hoá điên, chỉ còn biết cầm chổi quét lia lịa không thôi, kể cả khi đã được tha, vân vân và vân vân…. Hàng loạt những nhân vật phụ, phác hoạ bằng một nét chì than sống động và sắc nhọn…
Cuộc sống ở trại. Dơ dáy bẩn thỉu, mùi hố xí, nước nước phát nhỏ giọt trong một cái bô tiểu, cái đói. Và nỗi ám ảnh phái kiếm tí gì ăn để bổ sung vào bát cơm gạo mốc và bát canh cá khô (thối) phân phối cho tù nhân.. Phần lớn bọn họ phải lao động ở bên ngoài (làm vườn, lò vôi, gánh than, gánh phân…) nhưng cấm không được mang thức ăn về. Vậy phải giấu từ con nhái, con thằn lằn, tí rễ sắn, củ khoai ráy (một thứ cây họ bầu bí có độc tố nhưng luộc chín có thể ăn được), những thứ ấy một khi nướng lên trên một bếp than (than cũng lén lút mang trộm về) sẽ là gia vị cho bát canh .. Và vì tất cả bọn họ đều mơ ước tìm được tí rau mùi, rau húng, một nhánh sả cũng đem lại cái vị của những món cỗ ngày xưa ở nhà… Ông đã từng là một nhà văn trẻ xuất sắc. Những bài báo, những kịch bản phim, những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông đã khiến người ta biết đến ông. Người ta gặp ở nhà ông cả giới trí thức Hà Nội, hoạ sĩ, nhạc sĩ…Giờ đây, ông chẳng còn là gì cả. Vợ ông đã từng học Đại học. Với lòng đại lượng, chính phủ đã cho phéo bà tiếp tục học … cho đến khi họ đuổi bà và bà phải kiếm một chân phụ kho để nuôi bốn đứa con. Ngọc xưa là một thiếu nữ rất xinh, người con gái duy nhất quan trọng đối với ông. Để mang chút đồ tiếp tế cho người chồng bị tù, bà phải chịu bao nhiêu tiếng đồng hồ đằng đẵng trên xe hàng, qua đò, qua phà, đạp xe và có thể hôm ấy, người ta quyết định là người tù không được tiếp vợ đến thăm nuôi, hoặc giả đồ tiếp tế không được chuyển đến tay người nhận, hoặc giả chỉ một nửa số đồ tiếp tế ấy được chuyển… Hết năm năm, nhân vật của chúng ta được tự do. Được gặp lại cha mẹ, các anh trai mà một số cũng mắc vào vòng lao lí, thấy lại ngôi nhà nhỏ ở làng quê. Cuối cùng, gặp lại Bình, người bạn trung thành trong số những người trung thành, người duy nhất không bao giờ bỏ ông. Điều đó đã khiến Bình bị giám sát, theo dõi. Hễ ra khỏi nhà là lập tức, Bình có ngay hai cái “đuôi” theo sát như hinh với bóng. Ở phòng bên cạnh căn hộ của Bình, người ta đặt micrô. Thế là Bình oang oang trao đổi với Thao, vợ mình, những câu chuyện ca ngợi sự tốt đẹp và thành công của chế độ. Bạn có tin được không? Đó là một nhân dân kiệt máu trong một đất nước mà ở đó tất cả đều cần xây dựng lại, mọi người đều sắp chết đói và nhà cầm quyền trả lương cho hai người chỉ để theo dõi một người khác mà sai phạm duy nhất là làm bạn… với một kẻ “bị cải tạo” mà họ chẳng bao giờ tìm thấy được điều gì để kết tội!
Nhưng giờ, hẵng phải sống đã. Nhưng sống bằng gì? Bởi vì ngay cả khi ông đã được tự do, thì những người đã muốn diệt ông, như ông Trần, cảnh sát trưởng, cũng không hề có ý định cho phép uỷ ban phường ông cho ông làm việc…nên ông nhặt nhạnh đôi ba đồng bằng cách gom những túi ni-lông; làm miến, xin giấy mua giầy dép của mậu dịch bán lại… Hết cách. Và nỗi xấu hổ vì bị dồn đến bước ấy. Thế rồi, dần dà vòng siết được nới lỏng. Một quan chức đỡ hèn nhát hơn những người khác một chút cho phép ông kiếm được một chỗ làm tử tế.. Ông lại bắt đầu viết, kí một cái tên giả, dưới sự che chắn của Bình… Phải, đây là chuyện kể về tất cả những thứ chế độ cực quyền cán bẹt con người bởi vì con người giữ được khả năng tự do tư tưởng, ấy đấy, mối hiểm hoạ! Người trí thức, kẻ chuyên nghề tư duy, ấy đấy, mối hiểm hoạ! Và để kiểm soát hắn, còn gì tốt hơn là giao cho một tay xoàng xĩnh, một tay ganh tị, chát chúa, giám sát hắn, sẵn sàng trả thù cho sự xoàng xĩnh của chính mình. Nhưng ta cũng phải nhấn mạnh bút pháp đẹp của Tấn. Một bút pháp rất hiện đại: những câu ngắn, khô giòn như bắn liên thanh. Làm sao không gắn cả người dịch, Tây Hà, vào đó? Chất u-mua, chất mỉa mai đặc Việt Nam, đâu có dễ chuyển đạt bằng tiếng Pháp! Tuy nhiên cũng phải phê bình một điểm: lẽ ra tác giả có thể tỉa bớt một chút. Chuyện nấu nướng vụng trộm trong trại, chuyện giấu cái rễ khoai ráy trong quần đùi, con chuột nhắt trong mũ, trở đi trở lại mười, hai mươi lần, cũng như những chi tiết về đời sống trong những nhà ngủ tập thể lộn mửa. Nhưng người ta cảm thấy con người này lên cơn: trong khi viết, những ki niệm trở lại với ông, chồm lên tim ông, và ông không thể ngăn mình truyền đạt lại chúng, lần nữa và lần nữa, ám ảnh bởi quá khứ. Ngòi bút buột khỏi tay ông.
Để kết thúc, còn có một nhân vật nữa: Rừng. Rừng nguyên sơ mênh mông của Bắc Việt Nam siết quanh các trại tù với những cây to và nhan nhản những loài thảo mộc. Với những dòng suối, những cây nhó sum sê quả. Chim chóc, tiếng rừng, tiếng gió, tiếng côn trùng xào xạc… chất thơ thuần khiết, chất thơ nguyên thuỷ đối lập với sự ngu si của con người. Một nhân vật đem lại cho câu chuyện hơi thở của tự do, không khí trong lành của cuộc sống đích thực. Vâng, một cuốn sách rất lớn…
Anne Hugo- Le Goff
(Dương Tường dịch)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét