Hôm nay ba muốn trao đổi với hai bạn nhỏ về chữ “Lợi” và ứng xử với cái lợi như thế nào?
Văn hoá nho giáo xem lợi là cái xấu khiến cho tâm lý con người ngại khi nói về cái lợi. Nền văn hoá đó còn tạo ra được tiêu chuẩn đạo đức mà người ta được ca ngợi khi từ bỏ cái lợi dù là rất chính đáng của mình. Nho giáo xây dựng hai mặt đối lập nhau giữa “nghĩa” và “lợi” thậm chí là phủ định lẫn nhau. Nó cho rằng người ta vì lợi mà mất nghĩa muốn có nghĩa thì phải từ bỏ lợi, không thể vừa có được lợi vừa có được nghĩa và nghĩa thì có thể tạo ra lợi nhưng lợi không thể tạo ra nghĩa. Cái tư tưởng này ra đời vào bối cảnh cổ đại Trung Quốc bắt đầu xuất hiện những phong trào mà các tầng lớp dân bị trị bắt đầu đòi hỏi quyền lợi của mình. Các phong trào này lúc đó được hỗ trợ bởi các học thuyết tư tưởng tiến bộ hơn của Mặc Gia (vì lợi ích của giới tiểu thủ công nghiệp), Dương Gia (đại diện cho lợi ích của người sở hữu đất đai nhỏ - tiểu nông và địa chủ nhỏ) hay Nông Gia (vì lợi ích của người nông dân). Giới cai trị phong kiến lúc đó lung túng và lo sợ các phong trào này phát triển sẽ ảnh hưởng đe doạ đến quyền lợi của họ. Do vậy thuyết “nghĩa” và “lợi” của Nho Giáo đã nhanh chóng trở thành điểm tựa cho các tầng lớp này sử dụng để áp chế các đòi hỏi chính đáng của người dân, biến những đòi hỏi trở thành điều xấu xa về mặt đạo đức. Họ đã thành công nhờ nắm quyền lực trong tay. Nhưng hậu quả của việc này đã làm Trung Quốc lụn bại trở thành gã khổng lồ bạc nhược và bị xâu xé cho dù nó đã phát triển và đạt được những thành tựu vĩ đại trước các nước phương Tây đến cả ngàn năm (kiếm những thành tựu này) Nguyên nhân là nó đã tạo nên một nền văn hoá ứng xử tiêu cực mà ba đã viết từ lần trước, ở đó nhào nặn ra những con người cam chịu và thụ động. Họ không dám, thậm chí không có ý thức đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của mình mà chỉ trông đợi vào sự ban phát ân huệ từ vua – quan. Nền văn hoá này ảnh hưởng sâu sắc đến các nước Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc khiến các nước này chậm phát triển mấy trăm năm so với sự tiến bộ của thời đại.
Tình trạng này chỉ thay đổi ở nước nào mà cái tư tưởng “nghĩa đối nghịch lơi” sai lầm nói trên bị thay đổi bằng những quan điểm ứng xử đúng đắn về lợi.
Lợi nghĩa rộng bao hàm cả quyền lợi, ích lợi, cả vật chất lẫn tinh thần.
Lợi là động lực tự nhiên của con người mà nhờ đó cả xã hội loài người mới phát triển. Con người càng làm lợi cho mình thì xã hội càng phát triển.
Con người hành động vì lợi không có gì là sai trái cả.Hành động tốt hay xấu là do cách người ta làm ra lợi và dùng lợi ứng xử với những người khác nhau như thế nào.
Lợi và nghĩa không phủ định nhau mà có thể cùng tồn tại với nhau trong cùng một hành động.
Điều tốt đẹp sẽ xảy ra khi ứng xử của con người và đạo đức xã hội cân bằng được giữa lợi và nghĩa. Và cái xấu sẽ hoành hành khi sự cân bằng này bị thiên lệch về lợi hay nghĩa.
Đối diện với một xã hội bị cho là suy thoái về đạo đức thì nguyên nhân thường được người ta gán cho là sự ích kỉ cá nhân vì những biểu hiện hay thấy là con người phần lớn ứng xử với nhau vì lợi riêng. Giải pháp sai lầm trong trường hợp này là đánh vào chủ nghĩa cá nhân với hy vọng triệt tiêu hoặc ít ra là hạn chế động cơ hám lợi của con người. Nhưng tự cổ chí kim từ Đông sang Tây, hành động vì lợi là một động lực tự nhiên của con người mà không một ai có thể thay đổi được. Động lực đó càng mãnh liệt khi cái lợi đó là lợi riêng. Do vậy sự áp chế bằng quyền lực thực chất là đè nén các động lực này chỉ dẫn đến những biến tướng tai hại, ,một trong những cái xấu nhất của nó là thói đạo đức giả. Nhiều người hành động vì lợi nhưng che dấu bằng nghĩ. Lắm kẻ dùng lợi chung để thủ lợi riêng. Những lễ nghĩa được cho là đạo đức tốt đẹp chỉ tồn tại trên danh nghĩa, sách vỡ mà có khi người ta dùng chúng để tranh giành và trừng phạt lẫn nhau. Còn trong thực tế thì mối quan hệ xã hội giữa con người với nhau được chi phối bằng các mối quan hệ thuần tuý vật chất. Ở một tình trạng nhẹ hơn đạo đức giả là thói quen tâm lý vòng vo khiến xã hội hoạt động không hiệu quả. VD: một người muốn được trả lương xứng đáng với năng lực, thành quả mình làm ra được. Nếu là người Singapore thì người ấy sẽ rất thẳng thắn đề nghị cấp trên tăng lương kèm theo những chứng minh về năng lực của mình, nhưng nếu là ở Trung Quốc hay Việt Nam thì tụi con sẽ thấy người làm thuê rất ngại nói về những điều như vậy vì có tâm lý sợ người khác nghĩ mình “trọng tiền bạc”. Từ đó họ dùng nhiều cách vòng vo khác nhau để đạt được mục đích của mình, cách xấu nhất là làm cho đồng nghiệp của mình hiệu quả thấp hơn mình. Cách được cho là khéo léo và tế nhị nhất là xin nghỉ việc vào lúc mình đang làm việc hiệu quả nhất.
Còn rất nhiều các tác động tiêu cực khác của các giải pháp sai lầm nói trên mà hai đứa hãy quan sát và phân tích để thấy rõ. Ở đây ba muốn nhấn mạnh một tác động xấu nhất của nó là triệt tiêu mất động lực phát triển. Đây là nguyên nhân căn bản khiển các nước theo văn hoá Nho Giáo bị đẩy lùi xa phía sau kể từ thời trung đại đến thế kỉ 18, 19 và 20. Ở các nước này, trong hàng ngàn năm, các lễ giáo kiểu “trọng nghĩa khinh tài” (tài là tiền chứ không phải tài năng)không chỉ được nhồi nhét giáo dục cho con người từ nhỏ mà còn được luật hoá để trở thành các quy tắc ứng xử bắt buộc cho quan lại và dân thường.Vi phạm các quy tắc này sẽ bị phạt tiền và tù.Nhưng thực tế thì chẳng mấy khi quan lại bị phạt mà hầu hết dân thường bị lãnh đủ. Do vậy, cũng từ xuất phát từ động lục tự nhiên của con người là lợi nên người dân dần dần hướng đến những gì thiệt hại ít nhất cho mình khi không làm đc gì sinh ra lợi. Điều này cuối cùng tạo ra một xã hội ở tình trạng mà con người chẳng dám, chẳng dại làm gì mà quan lại không muốn, chỉ thụ động chờ sự ban phát. Sự chủ động phổ biến nhất mà họ có thể làm là đút lót.
Như vậy không thể triệt tiêu lợi riêng để có lợi chung , cũng chẳng thể tập trung cho lợi chung để có lợi riêng.Trong thời kì kinh tế bao cấp, mọi người được hướng toàn bộ vào phục vụ lợi chung nhưng hiệu quả thực sự là rất thấp mà tụi con đã được nghe nói nhiều. Sự đổi mới kinh tế đã tạo ra thành tựu ở Trung Quốc và Việt Nam về bản chất chính là làm cho con người có quyền làm lợi cho mình.
Tuy nhiên, giải pháp đúng đắn nhất cho tất cả các vấn đề nêu trên là làm sao để con người cân bằng được giữa lợi riêng và lợi chung thì xã hội sẽ cân bằng được giá trị vật chất và tinh thần. Các giải pháp cực đoan nhằm triệt tiêu phía này hay phía kia đều phá vỡ sự cân bằng này đều làm cho xã hội suy thoái và/hoặc phát triển thiếu bền vững, gây ra rất nhiều những vấn nạn. Đề tài “làm sao để cân bằng được các giá trị trong cuộc sống” ba đã trao đổi với hai bạn trẻ hồi 2 năm trước.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét