Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Nhân LỊCH SỬ được làm mới, rút truyện này từ BÁNH XE HẠNH PHÚC của tôi:

Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh người đẩy xe đạp thồ?
Anh
   Cu 
Đậu


Người làng chẳng ai biết bà từ đâu đến. Thời chiến tranh ở vùng xôi đỗ giữa Việt minh và tề ngụy này đó là việc thường. Người làng dắt díu nhau đi tản cư, người nơi khác lại đến. Người ta gọi thời đó là thời loạn lạc. Không mấy ai bụng dạ nào để ý đến chuyện người khác. Tọc mạch vào những lúc như thế này chẳng lợi lộc gì, có khi còn mang họa vào thân. Chỉ thấy bà bảo tên là "Đường”, con trai: "Anh cu Đậu". Tuyệt nhiên không nói gì đến bố “Anh cu” là ai?
Hai mẹ con bà ở ngoài rìa làng. Chỗ ấy ba bề là nước, một bên là đầm cò sen xanh bát ngát.

Một bên là đồng trũng, lúa chỉ cấy một vụ, còn thì cỏ lác, bông súng  bạt ngàn, trứng cà cuống chi chít trên những cọng cỏ. Chỉ có một lối đi duy nhất nối với con đường làng hun hút sau rặng tre gai.
   Gò đất này xưa kia là cái điếm trông cá của làng. Gọi là đầm cò nhưng có chỗ nước rất sâu, không mấy ai lặn được tới đáy bao giờ. Tôm cá nhiều vô kể.
Có lần người ta câu được con cá gần cả yến, vảy cá vàng ánh lên như giát bạc, đuôi cá đỏ thắm như son, hai cái râu to như ngón chân gà, dài cả gang tay người lớn.
  

Hai mẹ con bà ở nơi như thế ai cũng ái ngại. Chỗ ấy đâu phải là nơi để đàn bà, trẻ con sinh sống?
Bà bảo không thích chỗ đông người!
Với lại nơi này dễ kiếm sống, chỗ thoáng đãng trẻ con hay ăn, chóng lớn. Khi ấy anh cu Đậu mới lẫm chẫm biết đi, mới bập bẹ được đôi câu "ăn, "bầm "..
Thuyền thúng không có, lưới cũng không, bà Đường sống bằng mò trai bắt ốc trong đầm. Bà mò trai giỏi lắm! Chỉ một buổi trưa đến chiều bà bắt được lưng thúng cả ốc cả trai .
Sáng sớm hôm sau bà quảy đôi thúng một bên là trai ốc, một bên là cậu quý tử của bà. Cũng chẳng biết gửi anh cu Đậu cho ai cả.
Đến chợ bà ngồi chỗ gốc cây gạo còng, bán một lúc là hết ngay.
Thời bấy giờ cua ốc chưa là đặc sản như bây giờ, nó là món khoái khẩu của người nghèo, mà lại rẻ tiền, nên bán không khó. Chỉ tội chả được mấy đồng tiền. Người mua thường đi rất sớm, về còn kịp làm đồng.
Anh cu Đậu ngồi gần mẹ, tay mân mê cỗ tò he xanh, đỏ, tím, vàng. Chơi chán rồi ăn thứ đồ chơi làm bằng bột gạo nhuộm phẩm có vị ngòn ngọt, đăng đắng đó.
Khi anh cu Đậu ăn xong cũng là lúc bà Đường bán xong thúng trai ốc. Bà đong vài đấu gạo, mớ rau, không quên mua cho anh cu mấy cái bánh hòn. Loại bánh làm bằng bột gạo tẻ, có nhân hành trộn mỡ. Bà bảo trẻ con ăn thứ bánh này mát da mát thịt.
Ăn nhiều bánh hòn đến thế mà da dẻ anh cu mỗi ngày một đen, cứ bóng lên như đánh xi vậy!
Đã có người gọi anh là " Đậu đen ".
Có kẻ độc miệng gọi anh cu là tây lai, vì da anh đen đã đành, tóc lại xoăn nữa.


           Thời đó tây lai chẳng hiếm, mỗi trận càn bọn lính Lê dương để lại các làng chúng đi qua vài đứa trẻ, hậu quả của các cuộc bắt bớ, hãm hiếp.
Bà Đường biết chuyện xì xầm của họ cũng chẳng bận tâm.
Bà bảo: “Lấp ao, lấp giếng, ai lấp được miệng thế gian?”
Nói thì nói thế, chứ đêm anh cu hay thấy mẹ âm thầm khóc. Nước mắt bà chảy ướt vai áo gụ, cu Đậu hỏi : “Sao mẹ khóc ?” Bà lại bảo “ Mẹ không sao, chỉ hơi rức cái răng!”

Tôi chơi với anh cu Đậu là vì hay cùng nhau tắm ở đầm Cò.
Sau này tôi có vài lần tắm biển, nhưng tôi cược rằng không đâu bằng tắm đầm Cò quê tôi! Nước vừa mát, vừa sạch, xanh trong không bút nào tả nổi, chỉ trông thôi đã lịm đi rồi!
Ở bãi biển bây giờ thường ô nhiễm nhiều, bọt rác, túi ni lông ngập ngụa. Gọi là tắm biển cho sang chứ chưa chắc gì có lợi cho sức khỏe!
Năm biết anh cu Đậu, tôi đã mười ba tuổi. Anh hơn tôi hai tuổi, nhưng đã có vẻ người lớn lắm rồi. Đứng gần nhau, anh hơn tôi một cái đầu. Đi cứ ngênh nghênh. Hai cổ tay vuông, chắc như hai cái chổi bừa. Bọn trẻ cùng lứa đứa nào cũng khiếp anh.
Nhưng anh tử tế, thường hay bênh vực đứa bé, không ăn hiếp kẻ yếu hơn mình.
Anh bắt cá rất tài tình, chỉ bằng tay không. Hai tay giơ lên trời, nhón thẳng hai bàn chân, nhắm mắt lại, anh lặn theo kiểu thẳng đứng như thế. Hai bàn chân bàn cuốc của anh để lại hai hàng lỗ sâu hoắm dưới bùn. Đoạn anh bảo chúng tôi mở một vòng vây rộng, đứa nào đứa ấy khua nước loạn xạ, ầm ĩ một hồi.
Lũ cá hoảng sợ, cắm đầu chui cả vào hang hố trong bùn. Lúc ấy anh mới lặn xuống tóm gọn từng con. Thường là bắt được cá trê, cá riếc. Lũ cá rô, cá mương ranh ma ít khi tóm được.
 Chúng tôi vơ một đống gốc rạ, lá sen khô nổi lửa nướng cá ăn. Đứa nào đứa nấy đánh độc chiếc quần đùi, mặt mũi lọ lem, trông rất buồn cười.
  Chán ăn cá, Đậu đen bày trò diễn kịch. Đó là thời khắp nơi  đang có phong trào văn nghệ quần chúng. Xã nào cũng có một đội văn nghệ. Tiết mục khi là cải lương, lúc hát chèo. Chúng tôi bắt chước y hệt người lớn, chỉ tội không có phông bạt, nhạc cụ gì cả. Mũ mão vua ban được chắp bằng lá mít, bộ râu của quan đại thần thì làm bằng râu ngô, đôi hài xung trận của võ tướng bằng mo cau khâu lại.
Anh cu Đậu đen trùi trũi đóng vai hoàng tử, tôi nhỏ con đóng giả làm công chúa. Cả đoàn "Văn công " chúng tôi duy nhất anh đậu biết ca cải lương. Thằng Oanh con lão Kim vàng (Gọi như vậy vì ông này có mấy cái răng cửa bịt vàng) chỉ  biết đánh đàn  bằng miệng " Từng .. tứng, . từng ..tứng ..tưng ".
Về sau anh Đậu kiếm đâu được cây sáo, tiếng sáo của anh véo von, tận đầu làng còn nghe thấy.
Chơi chán chúng tôi kéo nhau về nhà anh. Nhà chỉ có hai gian, mái lợp rạ, cửa che bằng cái nong to, không khóa bao giờ. Anh cu Đậu lôi ra một rổ khoai nguội, chỉ một loáng chúng tôi giải quyết xong!
Mỗi đứa làm một gáo nước mưa hứng từ cây cau trước nhà. Ngả chiếc nong che cửa chúng tôi ngồi nghe Đậu đen kể chuyện.
    Những chuyện này anh được mẹ kể cho nghe những đêm mưa gió, không đi chơi đâu. Toàn những chuyện "Tống Chân Cúc Hoa, Tấm Cám, Thạch Sanh .."
Trong con mắt của trẻ con trong làng, anh Đậu thật hiểu biết, thật giỏi giang, thật đáng mặt đàn anh!
Một tối tôi đang bảo cho thằng em học bài.
Bố tôi mất sớm, mẹ tôi chỉ có mình tôi là con đẻ. Đứa em là con nuôi. Một hôm đi họp về qua bãi ngô, mẹ tôi nghe có tiếng trẻ con khóc, bà mang về nuôi. Nó khỏe mạnh hơn tôi, trùng trục như cối lỗ. Nhưng học thì như nước đổ đầu vịt. Đến lớp nó cứ há mồm ra, chảy rớt chảy dãi, nhưng chẳng nhớ được gì cả. Nên về nhà chẳng bao giờ nó tự làm được bài. Sách, vở của nó quăn queo nhàu như giẻ lau bảng. Mẹ tôi bắt tôi phải kèm nó: "Mất tiền đóng gạo góp, em nó học kém, chả thiệt cho nhà mình à?". Tôi đành phải từ từ bảo nó. Nếu tôi gắt lên, nó càng cuống, đực mặt ra. Đang lúc bực mình như thế anh cu Đậu đến. Anh bảo "Đi với tao một lúc". Tôi nói: "Mẹ em đi họp vắng, nhà chỉ có hai anh em. Thằng này sợ tối...". Anh gạt đi: "Bảo nó đóng cửa lại, trùm chăn kín đầu, sợ cái gì". Thằng em tôi im thin thít. Nó không đồng ý nhưng không dám nói. Nể anh Đậu, tôi đành dặn nó ở nhà. Trời không trăng sao nên tối đen như mực. Điều đó với chúng tôi không đáng kể. Mắt trẻ con vẫn nhận ra đường. Cứ nhìn lên ngọn tre hai bên đường in lên nền trời là nhớ ra lối đi ngay. Anh Đậu bảo về nhà anh đã. Bà Đường đi vắng. Anh nói: "Mẹ tao đi nhể đậu lào cho bà Hai còng, khuya mới về." Anh sửa soạn một cuộn dây, một cái bao và cái xô rách bằng sắt. Tôi hỏi:" Đi bắt cá à" anh bảo"ừ". Tôi lặng lẽ đi theo anh.
Đến một cái ao cạn nước không sâu lắm, anh bảo tôi đứng đợi. Anh lội xuống vục một xô bùn rồi xách lên. Tôi chẳng hiểu ra làm sao, nhưng chẳng dám hỏi. Hai anh em đi về phía bìa làng. Chỗ có cái nhà thò ra, nền đất rất cao. Chơi với nhau đã rất lâu nhưng nhiều
chuyện anh cu Đậu làm, tôi thật bất ngờ. Lần này nữa không biết anh giở trò gì nữa đây?.
Chúng tôi ngồi sau bụi chuối cạnh ngôi nhà đó cả tiếng đồng hồ. Chợt có tiếng chó sủa râm ran trong làng. Có người đi xe đạp tới. Đèn pha xe đỏ như con đom đóm đực, chỉ đủ soi một khoảng ngắn trước xe. Anh cu Đậu bảo: "Lão Kim đấy". Ai chứ lão Kim tôi không lạ gì, lão này là phó công an xã, tính hoắng mà hách lắm. Mấy lần hoạnh chúng tôi về việc bắt cá đầm Cò. Lão thả hết thùng cá xuống đầm, còn dọa lập biên bản đưa về huyện. Lão làm việc ráo riết lắm. Nhưng lão có tật hay mò đàn bà, con gái. Vợ lão tươi tốt là thế, chẳng hiểu vì sao lão vẫn tòm tem mấy bà góa chồng?
Một lần lão mò cả đến nhà anh cu Đậu, bị bà Đường mẹ anh trát cho một trận. Vậy mà vẫn không chừa, vẫn tìm cách lân la. Anh cu Đậu căm lắm. Thường kiếm cớ đánh thằng Oanh con lão. Giờ gặp lão ở đây không biết anh cu Đậu định làm gì? Tôi có ý định hỏi, anh lấy tay bịt miệng tôi lại. Tôi đành lặng im.
    Ngôi nhà trước mặt chúng tôi là nhà bà Phúc. Bà này chồng hy sinh chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ có hai mẹ con.
    Tôi lờ mờ hiểu ra ý định của anh cu Đậu. Nền nhà bà Phúc rất cao. Chắc là đổ đất đề phòng nước ngập. Cái dốc lên nhà xe phải dắt, không đi xe được. Lão Kim giấu xe vào bụi chuối rồi đi thẳng lên nhà, không hề gọi cửa. Đợi một lúc lâu anh cu Đậu mới rỉ tai tôi: "Cho lão này bài học". Anh đưa tôi cuộn dây, dặn chốc nữa giữ chặt một đầu.
      Nhà bà Phúc không có chó nên chẳng ai biết chúng tôi nấp ngay ngoài cổng. Trong nhà cũng yên ắng như không có ai vào. Chắc hẳn lão Kim đã từng vào đây nhiều lần. Anh Đậu bảo "Tao để ý kĩ rồi, không sao đâu, đừng sợ". nhưng tôi vẫn chưa biết anh định làm gì. Đã đi với anh đến đây rồi, đành phải theo ý anh thôi. Anh cu Đậu lấy xô bùn sau bụi chuối ra đổ lên đầu ngõ, rồi xoa xuống dốc một lượt. thứ bùn đen nhão nhoẹt, có biết trước đi vẫn còn trơn.
       Hai chúng tôi nấp sau bụi chuối đầu ngõ. độ khoảng canh giờ có tiếng kẹt cửa. lão Kim lò dò đi ra. lão đi nhanh như ma đuổi. đến đầu ngõ lão vấp phải sợi dây, ngã xoài ra, miệng chỉ dám khẽ a a không dám lên tiếng. anh cu Đậu chạy vụt ra chụp cái bao tải gai lên đầu lão. Bị bất ngờ lão chui tọt vào bao. anh cu Đậu cầm một đầu dây quấn quanh bao vài vòng rồi buộc túm miệng lại. Lão Kim ra sức giãy giụa trong bao, nhưng không dám kêu.
Anh cu Đậu hẩy cả chiếc xe đạp giấu trong bụi chuối, rồi kéo tôi chạy về. trong lúc sơ ý, lại vội, chúng tôi bỏ quên chiếc xô hàng ngày mẹ anh vẫn đi bán ốc. Vì thế về sau lão kim biết ai là người hại lão và để ý thù. Có lần lão sai dân quân nhốt anh ở ủy ban xã vì tội đánh đổ máu cam một bạn cùng học vì thằng này nói anh là con lai. Nhưng anh chưa đến tuổi vị thành niên, đến tối lão đành phải thả. Tôi tưởng anh sợ, anh vẫn hề hề cười:"Làm đếch gì được tao"!
Những ngày yên tĩnh đi qua rất nhanh. Đất nước lại đi vào chiến tranh. Kỳ này cực kỳ gian khổ. Có thể phải: " Đốt cháy cả dải Trường Sơn"! Chúng tôi đã đến tuổi tòng quân, gác bút lên đường trong màu áo lính. Bộ quần áo rộng thùng thình, nhưng đứa nào cũng hãnh diện lắm.
 Anh Đậu và tôi cùng nhập ngũ một ngày. Anh sức vóc hơn tôi được điều về đơn vị vận tải, huấn luyện mãi trên trường lái xe Ba Vì. Tôi về đơn vị thông tin. Sau chuyển sang đơn vị pháo cao xạ. Bảo vệ thủ đô. Đôi lần về thăm nhà gặp nhau anh còn thuộc và ngâm rất hay bài thơ :"Tiểu đội xe không kính".
Thời tiếp vận ra chiến trường lái xe được cả nước trọng vọng. Mai ngày chiến tranh kết thúc anh còn có nghề bảo đảm cho tương lai. Còn tôi là thằng lính thông tin, hết rải lại cuộn dây, công việc rất bình thường, mai ngày có dùng làm kế sinh nhai? Ấy là tôi nghĩ vậy chứ không hề có ý ghen tỵ với anh.  Năm sau đơn vị tôi ra cảng bảo vệ Hải Phòng, rồi ra Quảng Ninh. Đời chinh chiến anh và tôi ít gặp nhau.
Cuối năm ấy tôi bị thương. An dưỡng ba tháng. Tôi được đơn vị cho về thăm nhà. Làng xóm đến chơi rất đông. Bà Đường mẹ anh Đậu cũng đến thăm, cho tôi cân đường hộp sữa. Tôi hỏi chuyện về anh, bà tần ngần không nói. Mãi sau bà mới chép miệng :"Hỏi chuyện nó làm gì, cháu còn mệt cứ nghỉ ngơi đã. Khi nào nó về, tao sẽ bảo nó đến chơi" Tôi đoán có điều gì uẩn khúc. Hôm sau thằng Oanh đến chơi với tôi bảo:"Tay Đậu đen đảo ngũ rồi, bây giờ đang cải tạo trên Đồng Mô."Tôi không tin người như anh Đậu lại là kẻ hèn nhát, “B quay” ! Tôi hỏi nó: "Có thật không" Nó bảo: "Cả làng này biết, tao nói sai làm gì". Rồi nó kể cho tôi nghe mọi chuyện..
 Đơn vị anh Đậu lần ấy chở xăng vào chiến trường. Xe anh cũng chở một téc đầy, mấy nghìn lít xăng. Đáng lẽ ở chỗ tập kết chờ đến đêm hành quân, anh lại lái xe về làng. Đường đê mưa trơn, xe chỉ có đèn gầm, đến chỗ rẽ từ trên đê về làng, anh cho xe xuống dốc. Phanh xe không ăn lại thêm trơn trượt, cái xe của anh lộn vòng xuống ruộng. Nó lật ngửa, chổng bốn vó lên trời. Người, xe không việc gì nhưng mấy ngàn lít xăng tháo hết xuống ruộng. Hôm sau đơn vị phải cho xe về kéo lên. Annh Đậu bị kỉ luật, sinh ra chán nản. Anh bảo:"Số tao chẳng ra gì, chiến trường bom đạn như thế, đường như đường trên mặt trăng mà xe chẳng sao, về làng tềnh tềnh thì xe lại đổ".
Xe xăng mấy ngàn lít chảy tràn xuống ruộng, chỉ hứng vớt vát được vài chục lít. Làng tôi nghèo, có ai làm gì có sẵn phuy đựng xăng? Xô chậu không thể làm đồ chứa, xăng bốc hơi rất nhanh.
Thời xăng được coi như máu, mất cả xe xăng đâu phải chuyện đùa?
Anh Đậu như người ta nói, mất cả chì lẫn chài!
Sao gạch tuột hết , mất luôn quyền lợi chính trị .
Chịu xong cái án kỷ luật, anh bỏ về làng.
Đáng lẽ phải về đơn vị làm lại từ đầu, xe xăng đã đổ có hốt lại được đâu?
Danh dự đã mất, khó bề làm lại. Chẳng ai lạ gì khi có vết, muốn vươn lên cũng khó!
Đấy mới chỉ nghĩ đi, chưa nghĩ lại.
Anh thành tên đảo ngũ.
Nếu như có người động viên kịp thời, có thể anh đã trở về đơn vị.
Lúc này lão Kim đã lên chức phó chủ tịch, trưởng công an xã. Lão chẳng đả động gì đến tâm tư, nguyện vọng của anh, cứ gọi thẳng lên xã.
Anh bị mạt sát đủ điều, lão còn tỷ: "Người như anh không sai phạm mới là chuyện lạ ! Người ta cũng như vạn vật ở đời đều có xuất xứ, nguồn gốc, tính cách cũng từ đó mà nảy sinh!"
Anh muốn nhổ vào mặt lão, muốn hét to lên với lão rằng: " Tính cách tôi thì sao ? Tôi có nông nổi hồ đồ cũng không nhớp nhúa như ông! Nhưng anh không nói, cứ trơ lì ra, lão lại càng tức!
Cuối cùng lão bảo: "Nếu anh không về đơn vị tôi sẽ cho anh đi cải tạo".


Anh nghĩ :" Lão dọa mình đây, làm gì mà mình phải đi cải tạo? Đã thế, để xem, lão làm gì mình " Không ngờ lão làm thật.

Lão Kim là con nuôi Chánh Hào. Chánh Hào ba vợ đều sinh con gái. Kim là cháu họ gọi Chánh Hào bằng bác. Chánh Hào quý hóa Kim như con đẻ. Kim được ăn học hẳn hoi, Chánh Hào cho Kim lên tỉnh học. Thời bấy giờ học đến “đíp lôm” ở làng này rất hiếm. Chỉ có ông Thừa Bính và Kim. Ông Thừa Bính làm thừa phái cho quan huyện. mấy lần Chánh Hào xin việc làm cho Kim dưới Hà Đông ở chỗ quan phủ, nhưng Kim không chịu. Bản tính thích ngao du. Kim chơi với đủ hạng người. Khi Nhật đảo chính Pháp, Kim bị bắt giam vào hỏa lò Hà Nội. Chánh Hào mất nhiều tiền của mới chạy cho Kim ra được. Cũng từ dịp này Kim quen với một người là cán bộ Việt Minh. Năm khởi nghĩa không biết bằng cách nào Kim có chân trong Ủy ban Cách mạng của tổng, gồm ba xã tronng huyện. Thời kỳ Mặt Trận Liên Việt, cuộc đấu tranh giai cấp chưa nóng bỏng. Còn có thành phần địa chủ kháng chiến trong Mặt Trận Liên Việt.
Chánh Hào giúp Kim tham gia công tác của Việt Minh. Chánh Hào ngày làm việc cho địch, đêm hoạt động cho ta. Từ sau giảm tô năm 1953. Thái độ của giai cấp địa chủ khác hẳn. Ruộng đất là chuyện sống còn, phân rõ giai tầng ở mọi làng quê. Chánh Hào quay sang chống lại kháng chiến.
Một buổi tối có tốp lính đồn kéo vào nà Chánh Hào. Năm gian nhà ngối đèn mang sông sáng trưng, nhà Chánh Hào đang ăn cỗ mừng thượng thọ cho cụ cố tám mươi tuổi. Thấy lính đến Chánh Hào vội sai người ra mở cổng. Hai con chó tây được xích vào cẩn thận. Tốp lính chỉ có ba người, người đi đầu mang lon
thượng sỹ. Tất cả đều mang tiểu liên tôm sơn. Chánh Hào cứ nghĩ đó là thượng sĩ lâm. Một sĩ quan đại VIệt có tiếng gian ác. Lão nghĩ bụng thằng này đến chắc thế
nào cũng rầy rà đấy. Đến gần hóa ra không phải, mà là kim con nuôi lão. Lão giật mình:"Thằng này theo Việt minh vào khu tự do rồi kia mà. Sao nó lại ăn mặc như thế này?" Lại nghĩ :"Thằng này như thằn lằn thay màu, biết thế nào được. để yên xem sao đã !" Lão vẫn ra vẻ mừng rỡ:"Anh về đấy à, thực may quá. Hôm nay làm lễ thượng thọ cho cụ. Mời các anh vào trong này dùng bữa luôn." Lão quay ra quát đám người nhà:" Chuẩn bị cho ông một mâm tử tế vào nhé". Kim mặt lạnh tanh bảo: "Cám ơn, chúng tôi bận việc, không ăn uống được đâu. Có chỗ nào kín đáo tôi muốn gặp riêng ông!" Chánh Hào tái mặt "Vâng, vâng mời vào nhà trong". Lão quát mấy người nhà lảng vảng lại gần: " chúng bay đi chỗ khác, việc quốc gia đại sự , lại đây làm gì?" Chánh Hào lập cập mở cửa gian buồng ở dãy nhà ngang. Đây là gian nhà khách đặc biệt, chỉ dành riêng cho những việc làm kín đáo. Nền nhà cũng lát đá hoa, giữa nhà này bộ sa lông bàn tàu cổ. Kim không lạ nơi này. Hồi còn đi học Kim vẫn lẻn vào đây xem sách cho yên tĩnh.
Chánh Hào châm ngọn đèn búp măng. Ánh sáng của nó đủ để mọi vật trong phòng. Kim quay ra khép cửa lại. Giọng Kim lạnh lùng:" Ông đừng sợ, chúng tôi nói để ông biết: chúng tôi là nngười của Ủy ban Kháng chiến. Đến nhắc ông một điều. ông phải chấm dứt ngay việc làm tay chân cho pháp. Chính quyền Bảo Đại sẽ sụp đổ nay mai. Nếu ông tiếp tục làm hại kháng chiến, cách mạng sẽ thănngr tay trừng trị. Trước đây ông đã có một chút ủng hộ kháng chiến nên cách mạng chưa ra tay. Chúng tôi cảnh cáo ônng như vậy ông rõ chứ".

 Chánh Hào toát mồ hôi hột, lão còn một chút hi vọng. Lão lắp bắp:"Nhờ anh xin kháng chiến cho thầy một chút, thầy chỉ là người làm ăn không dính dáng gì đến chính trị..."
 Kim lạnh lùng: "Ai thầy bà với ông? Tôi chỉ là nạn nhân của giai cấp địa chủ, bị ông đè đầu cưỡi cổ. Hôm nay tôi nhân danh cách mạng nhắc ông như vậy. Nếu ông cố tình là ông tự chuốc lấy cái chết..."
Năm cải cách ruộng đất vợ chồng Kim lên đấu tố rất hăng. Kim làm tổ trưởng dân quân. Địa chủ bị giam ở đình làng. Trời nóng như đổ lửa. Có người lén múc cho Chánh Hào gáo nước. Kim bắt được, hắn đổ đi. Còn sừng sộ với người đó. Vợ Kim tố là đã bị Chánh Hào hãm hiếp. Chính thị được Chánh Hào cưới về làm vợ Kim. Đám cưới mổ cả bò, trong làng không ai không biết. Thị lấy tay xỉa vào tận mặt: "Chính mày đã cưỡng hiếp bà thì chớ, còn đối xử dã man. Phần thịt kho phần bà đi vắng chưa về, mày đổ cho bẹc giê, mày nhớ không?".
Chánh Hào bị trói vào cột đình, hai mắt nhắm nghiền. ông ta chẳng biết có nghe rõ không, cứ gục đầu xuống im lặng.
Ký ức về những ngày ấy ghi lại rất rõ trong đầu óc trẻ con chúng tôi. Sau này có lần anh cu Đậu chơi trò đấu địa chủ. Thằng Oanh con lão Kim phải đóng vai Chánh Hào. Anh đóng vợ lão Kim. Anh bắt chước mụ vận hai bên cạp quần. Thể như mụ xắn váy quai cồng: "Chính mày đè bà ra, mới sinh ra thằng con hoang, làm khổ bà. Vì thế chồng bà mới xử tệ với bà, đi lại với người khác".

Thằng Oanh là đứa ngu ngơ. Nhưng nó không ngu đến mức để anh chửi xỏ bố mẹ nó. Nó chửi:" Đồ đểu, tao không thèm chơi với chúng mày nữa. Mày là con tây đen ai nhếch mày?" Đậu đỏ mặt lên: "Bố con mày là đồ đểu, quân sở khanh, ăn cháo đái bát". Hai bên xông vào nhau. Đậu khoẻ hơn, vật thằng Oanh sấp mặt xuống đất. Môi dưới của nó bị giập sưng vêu lên.
Hôm ấy lão Kim vác gậy lùng tìm Đậu cả buổi. Anh phải nấp trong buồng nhà tôi đến khuya mới dám về.
Thời bình dân học vụ, những người có văn hóa cao rất ít. Văn hóa lớp ba của mẹ tôi còn được phân công cán bộ đầu nghành. Công tác chủ yếu nhờ ở nhiệt tình cách mạng. Mấy chục năm, mãi về sau này bà cũng chỉ lên đến chức chủ nhiệm hợp tác xã. Trong khi nhiều người giúp việc dưới quyền đã lên làm cán bộ trên tỉnh.
Sự học của lão Kim lại càng có giá. Mặc dù người ta e về nhân cách của lão, nhưng thiếu cán bộ vẫn phải dùng. Đó là thời kỳ cán bộ chưa có điều kiện đào tạo có hệ thống, có chuẩn mực. Lão làm thư kí của ủy ban rồi sang công an xã. Mụ vợ lão đấu tố Chánh Hào đã là cái cớ để lão đi lại với người khác. Chẳng biết có phải hay không nhưng lão bảo: "Thằng Oanh là con Chánh Hào, tao chỉ có hai đứa con gái". Thằng Oanh tủi phận sụt sùi khóc, lão quát:"Có im mồm đi không! Giống địa chủ vào nhà tao được xuống thành phần rồi còn muốn cái gì ì...?. Thằng Oanh chẳng hiểu xuống thành phần  là thế nào. Hôm sau nó hỏi bọn tôi, anh cu Đậu cười khềnh khệch :"Xuống thành phần là xuống gầm giường ấy. Mày không biết xuống gầm giường là gì à?" Oanh tức lồi cả mắt mà không làm gì được.


Bọn trẻ con chúng tôi là thế, cãi nhau, đánh nhau chán lại chơi với nhau. Chỉ giận được vài ngày. Cả xóm có mấy đứa, giận nhau lâu thì chơi với ai?
Chuyện về những tên đảo ngũ đáng ra tôi không nên kể lại , vì nó không hay ho gì , dễ gây phản cảm . Hơn nữa nó cũ quá rồi , nó nằm ngoài mối quan tâm của người thời nay . Nhưng có một điều làm tôi suy nghĩ mãi, Ai cũng chỉ có một lần sống trên đời, chẳng nhẽ đi qua không để được điều gì trên thế gian này gọi là tốt đẹp, thậm chí để lại điều xấu xa. Và như vậy thật đau lòng biết bao?  Vì vậy tôi quyết định kể nốt phần còn lại của câu chuyện, để chứng minh rằng anh Cu Đậu không phải là người quá xấu, không có gì khả dĩ để chúng ta thông cảm . Anh làm hỏng cuộc đời mình bởi tính nông nổi, hay tự ái và ưa sĩ diện, hoàn toàn không phải vì hèn nhát mà quay đầu!
Dầu sao, một thời chúng tôi đã là bạn của nhau, cho dù thói đời thích sang bắt quàng làm họ, phù thịnh không ai phù suy, thì chúng tôi vẫn là bạn của nhau mãi mãi.
           Nghĩ như vậy nên trước hôm trở về đơn vị, tôi đến thăm anh, lúc đó đang lao động " Cải tạo " ở " Công trường ". Còn vì một lẽ bởi tính tò mò của tôi, về mặt trái của cuộc sống thời chiến. Gọi là “cải tạo” cho ghê, thực ra không đến nỗi nào. Mấy chục con người ăn ở tập trung trong một cái đình, cách làng tôi hơn chục cây số. ( lại nói đến đình thời đó đâu đâu cũng được sử dụng vào những việc đại loại như vậy ) .
     Công việc hàng ngay của những người như anh Đậu là vác đất, đá, đào hồ chứa nước. Vẫn bộ quân phục trên người nhưng nhàu nát và rất bẩn. Là thằng lính ở chiến trường, quả thật  tôi chưa bao giờ thấy  bộ quân phục nào thảm hại như thế. Nó cũng âu sầu như người mang nó. Họ lặng lẽ vác những thấu đất sét trên vai. Bùn đất dính đầy trên đầu, trên cổ. Thấy tôi đến tất cả dừng lại giây lát. Có thể họ tưởng tôi là người của Tỉnh Đội, huyện đội đến. Thường vẫn có những cuộc thăm viếng như thế. Sau đó là chuyển đổi người. Có người về đơn vị, có người tạm cho về nhà. Họ rì rầm với nhau gì đấy rồi lại cặm cụi làm việc. Tôi gặp người chỉ huy xin phép được gặp Đậu. Anh ta không hút thuốc, tiếp tôi lạnh nhạt, nhưng cũng đồng ý cho gặp. Tôi ngồi với anh dưới một bụi chuối còi cọc gần công trường. Vì không thể đi xa hơn được. Tôi hỏi:"Thế nào, khỏe không ? "  Anh cười gượng gạo : " Nhìn thì biết, mày về bao giờ? "
Tôi đáp : "Tôi nằm an dưỡng, giờ đã khỏe, mai về đơn vị. Sao lâu anh không về nhà? Hay người ta không cho về? "
  Anh nhấm mhẳn : " Chẳng ai cấm, xin người ta cũng cho về. Nhưng chán, chả muốn! "
      Tôi toan bảo : " Mẹ anh ở nhà đang ốm, bà suy nghĩ nhiều đâm bệnh." Nhưng sợ anh buồn nên lại thôi .
Hai chúng tôi ngồi một lúc lâu. Nói gì bây giờ?
Đậu có tính hay tự ái vặt, không khéo lại cho mình là lên lớp.
Tôi muốn để câu chuyện tự nhiên, như ngày nào cả hai còn là trẻ con.
Bỗng có tiếng gầm rú của máy bay phản lực.
Phía Hà Nội đạn cao xạ vút lên loang loáng, từng cụm khói nhỏ giăng khắp bầu trời.
Công trường báo động, mọi người vội vã tản xuống giao thông hào.
Là lính phòng không, tôi biết chỗ mình cách xa tầm bom đạn, anh Đậu vẫn thản nhiên như không có gì xảy ra.
Chúng tôi theo dõi phía trời Hà Nội đang rung chuyển.

Đợt oanh tạc ngắn ngủi chấm dứt đột ngột như thể trò đùa của mấy con chim sắt.
Yên tiếng súng, tất cả lại ai vào việc đó, như không có việc gì xảy ra.
Tôi còn ngần ngại chưa biết mở đầu câu chuyện chính định nói với anh như thế nào ?  
          Anh đã chủ động trước : " Không cần nói, tao biết mày định nói gì rồi. Xong đợt  này tao về đơn vị. Sống chết nó có số, chỉ tức mình vô tình mà người ta cố đóng sống cho tội phá hoại .."
Tôi lấy làm mừng. Lòng tự ái, sau đấy là tự ty không khéo phá hỏng đời anh, giờ anh có thể bước qua được thử thách đó. Anh có thể tự ái với bạn bè, người thân, sao lại tự ái với xã hội? Chỉ thiệt cho mình, ai người ta bận tâm?
Cuối cùng, tôi cũng chỉ nói vài lời trước lúc chia tay: " Anh nói thế cũng phải! "

Đơn vị tôi vào chiến trường, tôi không có dịp gặp lại Đậu đen. Nhưng tin chắc thế nào anh cũng trở về đơn vị. Có thể gặp nhau trong chiến trường. Người làng, tôi cũng gặp vài người, nhưng chẳng ai biết chút tin tức về anh.
Tôi gặp thằng Oanh. Nó bị mìn Cờ lê mo cụt một bên chân, đang chờ ngày ra bắc. Nó đọc cho tôi nghe những bài thơ nó làm những ngày nằm dưỡng thương.
Không ngờ, tẩm ngẩm mà thằng này lại có tài. Nó làm thơ hay phết!
Thơ nó giàu cảm xúc, có phần tinh tế nhưng ủy mị quá. Đọc xong người ta đễ buồn. Buồn vu vơ không đi đến đâu. Phần nhiều là những bài tự sự, viết về bản thân nó. Những bài về đề tài xã hội thường nhàn nhạt, chung chung không sâu lắm. Đấy là cảm nhận riêng của tôi thế thôi, chứ tôi biết mình văn vẻ nào có ra gì?

Hiểu biết về thơ ca lại càng ít, cứ như chim chích vào rừng, nên chẳng biết góp ý gì với nó, mặc dù nó bảo nghe xong cho ý kiến. Tuy hiểu biết ít ỏi, tôi cũng không lạ gì phần lớn những anh làm thơ chẳng ai thích khi người khác chê thơ mình, mặc dù mồm vẫn bảo :" Cứ mạnh dạn cho ý kiến "! Con người ta dù tỉnh táo cách mấy cũng thích được ngợi khen. Chả thế có ông nhà thơ đến đơn vị tôi đọc thơ thấy có ít người vỗ tay, đùng đùng bỏ về, không ở lại dự bữa cơm thân mật . Ông không hiểu rằng:
- Lính là lính thật , nhưng cũng biết thế nào là bài thơ hay . Thơ ông cứ như hô khẩu hiệu, ai mà vỗ tay cho được ?
Với thằng Oanh lúc này lại khác. Nó đang thương tích, sự động viên lúc này có lợi cho sức khoẻ của nó.
Tôi bảo : " Nếu mày cố gắng, tài mày đáng mặt làm con cháu cụ Tản Đà đấy "
Nó sướng đến nỗi ứa nước mắt.
Kể cũng lạ! Một câu khích lệ, có khi chỉ là chẳng còn câu nào để nói, lại có thể chuyển hướng, thay đổi số phận con người!
Sau này thằng Oanh ra quân, về sở văn hóa tỉnh, có thơ đăng đều đều, viết theo kiểu tụng ca, diễn giải chính sách. Hồi đó văn học rất được coi trọng, chưa bị pha loãng do cơ chế thị trường, xã hội hóa như bây giờ.
Nhà văn, nhà thơ đi đến đâu cũng được ưu ái trọng vọng. Tiền nhuận bút không nhiều nhưng đồng tiền có giá trị. Chả thế mà có anh nhà thơ tỉnh lẻ, in một tập thơ, tiền nhuận bút mua được cả căn nhà rộng rãi ngoài Hà Nội. (Đương nhiên giá nhà đất  hồi chiến tranh kể cả ở Hà Nội cũng là giá bèo!) Không như thời bây giờ, nhà thơ dù ở thang bậc nào cũng phải bỏ tiền túi ra mà in. In xong rồi dở khóc dở cười, bán ít người mua, cho thì không biết cho ai để giải quyết xong đống sách. Thơ không hẳn là dở, nhưng thời buổi này còn bao nhiêu người mua thơ? Thằng Oanh khi ấy lại khác. Mỗi chuyến nó đi thực tế về nào gà,  nào gạo. Không phải của đút lót đâu nhé ! Đấy là tấm lòng của những người yêu thơ, yêu lây sang nó! Nó thật hạnh phúc !
 Hết chiến tranh, tôi giải ngũ xin vào học một trường kỹ thuật.
Trong lúc chờ đợi, tôi về làng. Lòng cứ băn khoăn tự hỏi không biết bạn bè cũ còn, mất những ai? Bấy nhiêu năm chiển tranh nhoè đi bao nhiêu mơ ước, bao nhiêu số phận!  Tôi thật không ngờ khi biết tin về Đậu Đen.
Nhà anh vẫn hai gian nhà tre, chỉ thêm cái cánh cửa làm bằng gỗ mỏng. Không thấy cái nong rách ngày xưa. Chắc đã vứt đi lâu rồi. Mẹ anh đã già, tóc bạc gần hết. Da mặt bà nhăn nheo, đôi mắt trũng sâu đờ đẫn. Nhưng bà vẫn nhận ra tôi ngay, cứ nắm tay tôi mà khóc:"Thằng Đậu nhà bác số nó khổ. Đợt nó đi lao động về cứ định trở về đơn vị. Nhưng bác ốm nặng, nó lần chần mãi không đi được. Có người bảo:" Đằng nào cũng mang tiếng rồi. Mẹ ốm đi làm gì? Nó ở nhà, cuối năm ấy lấy vợ, Vợ nó xấu người, nhưng được cái đảm. Hai mẹ con nó hôm nay sang đằng ngoại, tối mới về". Tôi sốt ruột hỏi:"Thế anh ấy bây giờ ra sao?" Bà đáp:
  - Cuối năm nay, người ta nói nó được về...
     Rồi bà kể cho tôi nghe cái tai nạn của anh. Vợ sinh con được vài ngày, Đậu rất bận. Ở địa phương người ta không phân cho anh việc gì. Anh sắm cái xe thồ, hàng ngày mua chuối, mít về Hà Nội bán. Công việc vất vả nhưng cũng kiếm được tiền. Chẳng được bằng ai, anh an phận mình, vui với vợ con. Sự đời không theo ý muốn con người. Vụ trai gái ghen nhau đâm chết người trên bãi chiếu phim, không tìm ra thủ phạm. Người ta khoanh vùng để sàng lọc đối tượng, bắt hơn chục người. Đậu đen cũng có trong số đó. Đúng hôm anh đi Hà Nội tới khuya mới về. Chưa kịp rửa chân tay, dân quân ập vào dẫn lên xã. Anh còn ngớ ra không hiểu chuyện gì. Lão Kim còn bảo:" Đừng vờ vịt, khôn hồn, chót nhỡ thì nhận đi. Còn được hưởng lượng khoan hồng. cố tình giấu giếm thì tội càng nặng". Đến đây Đậu mới rõ sự việc, anh trình bày, chẳng ai nghe anh cả. Lão Kim lấy từ trong túi con dao nhọn để trong túi ni lông:"Cái này chắc anh biết là của ai rồi chứ gì". Đậu giật mình "Đúng con dao của mình rồi. Nhưng mình đánh mất hơn tuần nay rồi , đã phải làm con dao khác. Thứ dao này chỉ để ra nải, cắt chuối bán lẻ, hoặc cắt mít bán cho khách. Làm sao nó lại ở đây?". Anh nhận mà như không nhận: " Đúng là con dao của tôi. Nó có khắc chữ Đ ở cán. Nhưng tôi làm mất lâu rồi. Tôi chẳng có liên quan gì đến việc này cả. Vợ tôi mới sinh, xin các ông cho tôi  về."
Viên công an huyện thì bảo:" Đây là vụ trọng án nên tất cả được đưa về trại tạm giam của tỉnh". Đậu không ngờ có ngày mình lại ở tù. Biết thế nào là phòng giam riêng. Thế nào là cuộc sống của một can phạm. Tình ngay, lý gian chẳng ai làm chứng được cho sự vô tội của anh. Hơn một năm trời giam cứu, án không thành, hơn chục con người mang cái lệnh tập trung cải tạo, nội dung tội trạng rất mơ hồ: "Thành phần nguy hiểm cho xã hội" !
Chẳng thể nói gì hơn với bà vào lúc này , tôi nói với mẹ anh : " Cũng tại cái số anh ấy vất vả, bác cũng không nên nghĩ ngợi nhiều bác ạ! " Thấy bà sụt sùi khóc, tôi động viên : " Đời có nắng có mưa, hết cơn nó lại tạnh mà bác!"

Bà bảo : " Nhưng người ta chỉ có một lần trên đời, có được sống mãi đâu để hỏng lần này, làm lại lần khác? Đời nó coi như bỏ đi rồi. Bác cả đời ăn ở tử tế,
không ngờ lại ra nông nỗi này, chẳng để được phúc đức cho con cháu, lại mang tiếng với làng xóm, khổ lắm cháu ạ! "
Tôi không hỏi tự dưng bà kể tôi nghe chuyện riêng của mình mà bao năm trời bà giấu kín:                           
Bà Đường người Hưng Yên, cánh đồng Tam thiên Mẫu là quê hương bà. Thời con gái bà vào đội du kích bí mật, hoạt động trong vùng địch chiếm. Là người có nhan sắc, bà được phân công làm địch vận, một trong ba mũi giáp công của ta lúc bấy giờ. Ngày ngày bà mang rượu, thuốc lá và vài thứ tạp phẩm bán gần cổng đồn địch. Bà đã móc nối được với vài tên lính trong đồn. Trong số đó có một viên hạ sĩ người Âu Phi. Tên anh ta là Mat ta Khan, anh ở Việt Nam đã lâu, nói sõi tiếng Việt. Mat ta Khan trước đây có chân trong mặt trận bình dân, không ủng hộ cuộc chiến tranh  của người Pháp ở Đông Dương . Anh đã giúp cô Đường ngày ấy, bí mật tuồn vũ khí trong đồn cho đội du kích. Anh nói quê hương anh cũng bị người Pháp chiếm đóng, anh theo binh nghiệp cũng là chuyện bất đắc dĩ.
Cả làng nguyền rủa cô Đường đánh đu với tây. Bố mẹ cũng từ cô. Anh cu Đậu là hậu quả ngoài ý muốn của mối quan hệ ấy.
Không thể ở làng, cô Đường lên quê tôi từ đấy.
Thì ra, ngay từ lúc mới ra đời, xuất thân của anh đã đầy uẩn khúc, đã bao nhiêu nỗi éo le.
Tôi về làm kỹ thuật cho nhà máy xi măng của một tỉnh miền núi .
          Ban đầu người ta có ý xếp cho tôi ở phòng tổ chức. Vì tôi là người từ chiến trường về, xem như đây cũng là một sự ưu đãi. Nhưng tôi không nhận vì biết mình có tính hay cả nể, dễ hỏng việc. Cán bộ tổ chức đòi hỏi hiểu biết sâu sắc con người và xã hội, có óc tỉnh táo, đôi lúc cần cả sự lạnh lùng khô khan và nguyên tắc nữa .. Đấy là chưa nói đến hạng cán bộ tổ chức chuyên mưu mô, mánh lới vì đây là mảnh đất màu mỡ cho những tiêu cực đó phát triển. Nó là một khoa học nhân văn tầm cao, lại là con dao hai lưỡi cho người dùng nó. Tôi biết mình không đủ sức, chỉ muốn làm công việc kỹ thuật thuần túy.
Lúc này ngành xi măng đang là mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân. Khắp nơi xây dựng. Nhà máy chạy hết công suất, lò nung đỏ lửa suốt ngày đêm mà cung không đủ cầu. Công nhân phải làm thêm ca, nhân viên kỹ thuật chúng tôi cũng bù đầu.
Máy móc thiết bị đã cũ, không hiểu tại sao người ta vẫn nhập từ nước ngoài về?   Công nghệ có từ thế kỷ trước, nước người ta đã cấm vận hành vì nạn ô nhiễm khủng khiếp. Trông xa nhà máy giống như con quái vật khổng lồ, giống lò nung vôi của quỷ sứ hơn là nơi sản xuất xi măng!  Bụi đá, đất cát bay mù trời, phủ trắng nhà cửa, cỏ cây quanh nhà máy.
Tôi được phân công thiết kế hệ thống thông gió và hút bụi  cho nhà máy. Khi đem chạy  thử, kết quả thật không ngờ. Ban giám đốc thưởng cho tôi một số tiền nhỏ và mươi ngày phép .
Lâu lắm tôi mới lại có dịp về thăm quê.
Ngay buổi tối đầu tiên trở về làng của tôi, trong làng có đám tang. Lại là đám tang của lão Kim vàng. Lão mất sau khi nghỉ công tác một thời gian. Có người bảo lão phẫn chí việc gì đấy ở địa phương nên phát bệnh. Tôi cũng không tìm hiểu kỹ lắm chuyện này, vì con người ta chết là hết, tốt xấu cũng không nên nói đến. Nghĩa tử là nghĩa tận, đả động đến mà làm gì? Ân oán đều bỏ lại, không ai nhắc nữa. Đến bước cuối con đường sinh tử ai chẳng như ai ?
Nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ thấy trưởng đoàn bát âm lại là anh cu Đậu .
Tôi đã đi dự nhiều đám tang, nhưng chưa ở đâu tiếng kèn đám ma lạ não nùng đến thế này!
Tiếng kèn như nỗi buồn của bao nhiêu kiếp người gom lại, vẩn vương không rời tâm trí người ta. Không phải con cháu hay người thân của người quá cố cũng cảm thấy se lòng.
Tiếng khóc hờ cất lên thay cho con cháu của anh Đậu lại thêm nát ruột. Nó không giống như hát chèo, không giống cải lương, không phải hát ca trù mà là tất cả nỗi buồn của các thể loại cộng lại .. Mắt anh lim dim, đầu hơi lắc lư, tay đập phách. Lúc này anh như hóa thân vào tâm trạng con cháu lão Kim. Chỉ nhìn mồ hôi lấm tấm trên trán là biết anh đang cố gắng tập trung tâm trí như thế nào. Anh như quên hẳn những gì đã qua. Người quá cố với anh lúc này không còn chút oán giận nào.
Tôi chợt thấy buồn.
Kiếp con người có đáng là bao? Khi sống giăng mắc, gây hấn với nhau để được cái gì?
Đám con cháu lão Kim về đông đủ cả. Đứa con gái tên là Thêm con bà Phúc cũng đến đội khăn chở. Nó là đứa con ngoài giá thú của lão, từ ngày lão thôi công tác nhận lão là cha đẻ, gần đây đi lại như người trong nhà.
Cái gì lâu ngày cũng trở thành tự nhiên như nó hằng có .
Riêng tôi, tôi thầm thắc mắc không biết có phải cái Thêm có được từ buổi tối mà tôi và anh cu Đậu đánh bẫy bùn hay không?
Nhưng đang ở đám tang, ai lại đi hỏi chuyện này?

Thằng Oanh bây giờ đã lên chức trưởng phòng văn hóa huyện. Nó to béo bệ vệ. Áo tang bằng vải sô nó đang mặc như muốn nứt ra. Bên chân giả không đứng lâu được nên đành ngồi chống gậy chịu tang, vừa bi lại pha chút hài nom chẳng giống ai .
Anh Đậu nhìn thấy tôi chỉ khẽ gật đầu. Lúc này không phải  là lúc trò chuyện với nhau.
Việc đám thế này, anh bận ít nhất phải mất hai ngày. Đành chờ mấy hôm mới gặp được.
Hình ảnh anh Đậu chèo thuyền Bát Nhã nơi đám tang khiến tôi đêm ấy không sao ngủ được. Giọng anh cất lên như không phải tiếng con người .Nó cao hơn, sâu hơn cái con người đạt được :
“Ới sãi tôi đây
Áo vải nâu sồng
Đưa người về tiên cảnh
Đưa người chẳng tính công !

Thuyền về mà bến đợi
Tây Trúc mà xa xôi
Thôi hồn để lại
Mênh mang cõi Người !

Hồn ơi lặng lẽ
Bước chân xuống thuyền
Châu, vàng thời bỏ lại
Sang hèn thời hồn quên !
Nếu còn vướng bận

Thua được chốn phù vân
Ba sinh thời hẹn lại
Chớ có mà băn khoăn !

Đường lên Tây Trúc

Sóng dâng thác cuồng
Ông kia ngồi dịch xuống
Bà này ngồi dịch lên
Đã xuống thuyền Bát Nhã
Là không chia sang hèn..

Tay cầm thời chuỗi hạt
Cho chắc mà hồn đi
Chớ nhìn xuôi ngược
Kẻo mà ngã xuống sông

Ơi hỡi dô khoan,
                           Khoan lại mà hò khoan !”

Anh lái đò ở đâu cũng vậy, thời nào cũng vậy, ở chốn trần ai hay đường về tiên cảnh cũng đều nặng lòng với khách qua sông.
Mấy ngày sau tôi gặp anh ở nhà quản trang của làng, nhân tiện đi viếng mộ. Anh được xã giao cho việc này . Thôi thì chẳng giúp được gì cho người đang sống, giúp cho người ta khi đã qua đời. Cứ ngỡ anh buồn lòng vì bao chuyện đã qua, hóa ra không phải.
Anh bảo tôi với giọng đùa cợt mà mặt nghiêm nghị:
" Tao vừa làm chủ tịch, vừa làm bí thư ở đây . Trong làng có bao nhiêu hộ, tao có bấy nhiêu ngôi! Chỉ khác cái là ở đây không có tranh đoạt, kiện cáo vớ vẩn, nên công tác cũng gặp nhiều thuận lợi! Anh nào trước khi ra đây cũng phải xin gặp tao lần cuối cùng, mày bảo không oai à? Tao vừa thổi kèn đưa tiễn họ, lại đón họ vào đây, Thích hay không cũng phải có ý kiến của tao mới được, đến đây bằng nhau tất ! "
Tôi biết không phải hoàn toàn như thế.
 Người khá giả nấm mộ cao hơn, nhiều vòng hoa đắt tiền hơn nấm mộ người nghèo, người không chức vị gì trong xã hội. Kể cả đến khi chết rồi, đối với con người, công bằng xã hội vẫn còn là một giấc mơ!
Tôi hỏi: " Suốt ngày anh ở đây làm bạn với những nấm mồ, với tiếng nỉ non anh không thấy buồn sao? "
Anh trừng mắt nhìn tôi, vẫn cái giọng ốc xạo: " Mày nói hay thật! Sao lại chỉ có mình tao?
Cả dân cả làng ở đây. Tao vẫn thấy họ đi lại, ca hát, cãi cọ ở quanh đây. Có gì mà phải buồn? Sống với họ đỡ phức tạp chú mày ạ, vì họ chẳng đòi hỏi, mưu mô hay mánh lới gì nữa. Toàn là những tâm hồn trong sáng mà thơ của thằng Oanh hằng ca ngợi. Thế là đủ, thế mới đời, cần chó 
gì ? "
Nghe anh nói thế, tôi biết là anh nói thực, không phải nói chơi.
Anh luôn bất ngờ, anh Đậu ạ!








Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: