Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Không còn cầu nối báo chí, nhân dân giám sát bằng gì?



Xây dựng niềm tin và chính phủ liêm chính không thể đạt được nếu “cầu báo chí” nối với nhân dân gặp trục trặc.

Bản chất của quan hệ ủy quyền: 
Dù chuyện tư hay chuyện công, dù quan hệ cá nhân - cá nhân hay quan hệ cộng đồng - tổ chức đều xuất hiện tình huống người có quyền nhưng không thể hoặc không thuận tiện tự mình trực tiếp thực hiện quyền đó, dẫn tới nhu cầu ủy quyền cho một người khác thay mặt mình thực hiện quyền năng đó.
Mặc dầu “tất cả quyền bính” (nhà nước) là của nhân dân, nhưng với quy mô quốc gia hàng chục triệu người thì việc nhân dân trực tiếp thực hiện tất cả các quyền lực của mình là điều bất khả thi. Họ bèn ủy quyền cho một chủ thể trung gian làm giùm họ và trả tiền thuế để cung cấp tài chính để chủ thể trung gian này hoàn thành công việc ủy quyền; không chỉ tiền bạc, quyền tư hữu, mà nhân dân còn tự nguyện trao bớt các quyền tự do vốn dĩ của mình cho chủ thể trung gian này hành xử theo các nguyên tắc định trước - chủ thể đó chính là nhà nước. Bởi mối quan hệ trao quyền này, nên nhà nước nói chung, từng cơ quan nhà nước, từng quan chức chỉ được phép làm những gì “luật cho phép”, tức chỉ được làm trong phạm vi được nhân dân ủy quyền.

Biếm họa: LAP

Nhưng ở đâu có quan hệ ủy quyền thì ở đó xuất hiện rủi ro bội tín; đơn giản dễ thấy như câu chuyện “cò” lừa dối nạn nhân trong ủy quyền thế chấp nhà vay vốn ngân hàng; khó thấy như câu chuyện hội đồng quản trị phản bội, bán đứng lợi ích của các cổ đông bé; rút ruột, chuyển lợi nhuận công ty về công ty sân sau của hội đồng quản trị.
Cực kỳ phức tạp, khó nhận diện nhất là bội tín trong quan hệ ủy quyền nhân dân - nhà nước bởi ba lý do: quan hệ ủy quyền của cộng đồng cư dân quốc gia vừa đông, vừa đa dạng hơn rất nhiều so với quan hệ cổ đông - hội đồng quản trị công ty; không chỉ tiền bạc, mà nhân dân đem “góp vốn” rất nhiều quyền tự do khác cho nhà nước hành xử, vì vậy khó lòng lượng hóa và mô tả chi tiết quyền năng của nhà nước và chỉ có thể liệt kê mang tính khái quát trong khế ước trao quyền với tên gọi hiến pháp; nếu như góp vốn nhầm vào công ty, cổ đông chỉ mất tiền thì góp nhầm quyền tự do vào nhà nước, nhân dân mất tất cả!
Bởi vậy, tất cả các bản hiến pháp dân chủ đều tìm cách kiểm soát rủi ro bội tín từ chính những “công bộc” làm việc trong nhà nước.
Bốn kỹ thuật kiểm soát rủi ro bội tín
Có bốn kỹ thuật chính để thực hiện mục đích kiểm soát sự bội tín này:
Thứ nhất, kỹ thuật “tam quyền phân lập, kìm chế đối trọng”, theo đó nhân dân không ủy quyền cho một cơ quan duy nhất, mà chia quyền và tự do ủy thác thành “ba gói”: quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp và trao chúng cho ba nhóm cơ quan khác nhau; để ba cơ quan này tồn tại trong thế phối hợp, đồng thời kìm chế, đối trọng lẫn nhau, sao cho không có cơ quan nào cao nhất, mạnh nhất đến mức có thể vô hiệu hóa hai cơ quan còn lại để đi đến lạm quyền nhân dân.
Thứ hai, kỹ thuật “lồng kính”, theo đó ai muốn tham gia hành xử quyền lực công cộng đều phải tự nguyện chui vào “lồng kính”, từ việc kê khai tài sản, lý lịch đến việc đeo thẻ công vụ... Kỹ thuật “lồng kính” đặc biệt nhấn mạnh việc tất cả hoạt động của nhà nước phải công khai trừ vấn đề mà nhân dân nhất trí coi là bí mật nhà nước. Kỹ thuật này biểu hiện ra bên ngoài chính là yêu cầu tòa án xét xử phải công khai, quốc hội phải họp công khai; còn chính phủ do đặc thù công việc được hưởng nhiều miễn trừ trong điều tra tội phạm, tác chiến, an ninh, quốc phòng.
Thứ ba, kỹ thuật “đối trọng ngoài”. Quyền lực nhà nước là loại quyền lực mạnh nhất trong xã hội có nhà nước. Nó có thể đóng góp lớn nhất khi vì dân và hủy hoại lớn nhất khi bội tín. Bởi vậy, nhân dân luôn nắm giữ các công cụ để kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài. Đó chính là quyền tự do hiệp hội, tự do công đoàn và báo chí tư nhân.
Thứ tư, khi ba nhóm kỹ thuật nêu trên không còn tác dụng, thì kỹ thuật cuối cùng được kích hoạt: kỹ thuật “thu hồi” sự ủy quyền bằng hai nhóm giải pháp nhỏ: một nhóm công dân khi hội đủ yêu cầu về quy mô tối thiểu có thể tự mình kích hoạt quy trình trưng cầu ý dân để tự quyết định vấn đề trọng đại quốc gia mà không cần qua “người được ủy quyền”; công dân có thể tự mình khởi xướng quy trình phế truất, bãi miễn “người đại diện” (theo ủy quyền) khi xét người đại biểu không còn xứng đáng hay đơn giản là không còn thích hợp.
Khi “cầu báo chí” bị ngắt...
Sau Đổi mới, mặt trái của “cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” làm cho quyền lực nhà nước dễ tha hóa, gây nên tình trạng tham nhũng trầm trọng, dẫn đến Việt Nam từng bước du nhập một phần cả bốn nhóm kỹ thuật trên. Tuy nhiên, do du nhập nửa vời nên chưa có kỹ thuật nào phát huy hiệu quả trọn vẹn. Kỹ thuật “kìm chế đối trọng” được ghi nhận long trọng tại Điều 2 Hiến pháp 2013 lại bị phủ bóng bởi điều khoản khác trong chính Hiến pháp; kỹ thuật “đối trọng ngoài” đang trong cơn đau đẻ với dự thảo Luật về hội; kỹ thuật kích hoạt “thu hồi” rơi vào tình trạng nửa vời, khi nhân dân không thể tự mình trực tiếp kích hoạt quy trình bãi nhiệm, trưng cầu dân ý, mà phải thông qua các chủ thể khác trong bộ máy nhà nước. Bởi vậy, “trăm sự trông chờ” vào kỹ thuật “lồng kính”.
Kỹ thuật “lồng kính” liên tục được hoàn thiện những năm gần đây, từ yêu cầu kê khai tài sản, truyền hình trực tuyến các phiên họp, xây dựng website, cổng điện tử của từng cơ quan nhà nước... Chính phủ càng trở nên minh bạch, thân thiện với nhân dân hơn, khi một số cơ quan sử dụng Facebook để đưa tin và tương tác với nhân dân. Song song với việc đấu tranh chống “lọt lộ” thông tin thực sự thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, thì việc chống lạm dụng dấu “mật” đóng bừa bãi lên các tài liệu để che giấu các khuất tất trong quản lý nhà nước cũng được đẩy mạnh. Khi “Chính phủ liêm chính, kiến tạo” được xác định là khẩu hiệu hành động, thì việc báo chí tham gia các kỳ họp của tòa án, cơ quan hoạch định chính sách trở thành tiêu chuẩn mặc nhiên ở tất cả các cấp.
     
Nếu không có tiêu chí, quy trình rõ ràng, hợp lý, thì khuynh hướng đưa hoạt động nhà nước vào “hộp đen” được mở rộng, nhân dân không còn phương tiện gì để kiểm soát bội tín; đại biểu Quốc hội có thể khi tiếp xúc cử tri, trước báo chí, phát biểu một đằng còn khi họp kín, bấm nút lại… một nẻo.
Báo chí và nhân dân đang hân hoan vì khuynh hướng tốt đẹp đó thì đột nhiên sáng 11.7.2017, cán bộ Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội thông báo về việc tham dự của báo chí tại các buổi họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH): “Bắt đầu từ hôm nay, báo chí chỉ được tham dự 5 phút đầu của mỗi buổi họp. Cuối mỗi ngày sẽ có thông cáo báo chí gửi đến các phóng viên”. Lệnh cấm này được Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích: “Nhiều khi có anh em báo chí vào thì cũng ngại, phát biểu không hết ý. Có những vấn đề bí mật nhà nước mà vô tình nói ra thì không hay, lại phải đề nghị báo chí không đăng tải. Vì vậy, quyết định này nhằm giúp các đại biểu thảo luận sâu, nói hết ý, kể cả vấn đề bí mật”.
Cách giải thích này gây xôn xao dư luận, bởi UBTVQH là một bộ phận của Quốc hội - nơi tập hợp những đại biểu Quốc hội có uy tín, kinh nghiệm nhất - được xem như bộ não của Quốc hội; mọi quyết sách quan trọng sau khi được Bộ Chính trị đồng ý đều được quyết định chi tiết ở đây; và bằng kỷ luật sinh hoạt Đảng Đoàn Quốc hội thì Quốc hội lớn gồm 500 đại biểu ít có cơ hội bỏ phiếu trái với quyết sách của UBTVQH. Bởi vậy, UBTVQH cũng phải tuân theo nguyên tắc công khai tại Điều 83 Hiến pháp 2013, mà không thể dùng Quy chế làm việc do tự mình đặt ra để thoát ly Hiến pháp.
Lý do “Đại biểu ngại... đại biểu phát biểu không hết ý” rất không thuyết phục. Đã làm việc nước mà lại còn có ý nào đó muốn giấu nhân dân thì làm sao xây dựng được lòng tin của nhân dân?
Phải chăng, Quy chế làm việc của UBTVQH 2015 chưa làm rõ tiêu chí xác định, quy trình xác định và quy trình tổ chức phiên họp liên quan bí mật nhà nước, bí mật công tác nên gặp lúng túng và trong cách giải thích đã không tách bạch lý do bí mật và lý do “ngại”; đặt lý do “ngại” lên hàng đầu.
Nếu vậy, thì Quy chế làm việc cần cập nhật và chi tiết hóa Điều 10 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước để xây dựng tiêu chí, quy trình đưa một chủ đề thảo luận vào “hộp đen” và chỉ “cấm” báo chí đối với các phiên họp thỏa mãn tiêu chí, quy trình này.
Ngược lại, nếu không có tiêu chí, quy trình rõ ràng, hợp lý, thì nhân dân không còn phương tiện gì để kiểm soát bội tín; đại biểu Quốc hội có thể khi tiếp xúc cử tri, trước báo chí, phát biểu một đằng còn khi họp kín, bấm nút lại... một nẻo.
Võ Trí Hảo (Công ty Khoa & Associate; Đại học Kinh tế TP.HCM)

NĐTO

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: