Tham nhũng có nhiều kiểu khác nhau. Tham nhũng vật chất rất nguy hại. Nó ảnh hưởng xấu đến công cuộc phát triển kinh tế của đất nước, tạo nên sự bất công trong một xã hội khi có "kẻ ăn không hết, người lần không ra". Nhưng tham nhũng quyền lực thì, về lâu dài, có thể làm băng hoại cả một chế độ, phá nát cả hệ thống chính trị. Và như thế, chế độ đó sẽ khó tồn tại lâu dài bởi khi đó, lòng dân đã mất, đảng viên trung kiên thì dần rời xa Đảng...
Từ câu chuyện ông Vũ Huy Hoàng tiếp tay cho việc chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, chạy tội... điển hình và đầy tính thời sự của Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), đến việc "đôn" con trai là Vũ Quang Hải lên nắm quyền to "vật vã" tại Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tôi thấy đã quá đủ tư liệu để chứng minh một cách thuyết phục vấn đề nói trên.
Trong 3 năm giữ chức Chủ tịch HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh đã gây ra thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng. Thật tài tình khi ông ta chuồn khỏi nơi đây một cách khá ngoạn mục nhờ "nghệ thuật tung hứng" giữa Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia PVN và Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ của Bộ Công Thương. Họ tâng bốc Trịnh Xuân Thanh đến không thể tin nổi. Liên đới đến việc "mở đường" cho Trịnh Xuân Thanh dễ dàng tiến bước trên con đường quan lộ là sự thiếu trách nhiệm đến khó hiểu của Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN Phùng Đình Thực và Vụ trưởng - Bí thư Chi bộ Vụ Tổ chức Cán bộ Đào Văn Hải, Bộ Công Thương. Trong thời gian này, chính Đảng ủy PVN đã cho Trịnh Xuân Thanh thôi giữ chức Bí thư Đảng ủy PVC vì hoạt động thua lỗ và không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ấy thế mà Trịnh Xuân Thanh vẫn được điều chuyển lên Bộ Công Thương.
Nhờ Bí thư Đảng ủy PVN Phùng Đình Thực với tư cách là người nhận xét và Đào Văn Hải, Vụ trưởng - Bí thư Chi bộ Vụ Tổ chức Cán bộ là người ký tờ trình xin điều động, bổ nhiệm trình Bộ Công Thương, Trịnh Xuân Thanh bỗng dưng trở thành người cán bộ "đầy năng lực và nhiệt huyết": "Là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí, đồng chí Thanh đã công tác trong lĩnh vực xây dựng nhiều năm, trải qua nhiều cương vị từ cán bộ chuyên môn đến chức danh quản lý, đồng chí đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt được nhiều thành tích"...
Thật là một sự tung hứng đến tài tình! Có lẽ họ đều không hình dung nổi việc làm này của họ (tất nhiên còn phải nhờ sự gợi ý của cấp trên họ nữa thì mới dám như vậy) đã gây tổn thất to lớn đến uy tín của Đảng và nhà nước đến độ nào.
Ông Trịnh Xuân Thanh ra đi trong sự thở phào của chính mình vì không những không bị quy trách nhiệm về những sai phạm mình gây ra trước đó mà còn được tô vẽ cho đẹp thêm lý lịch. Năm 2013, ông Thanh đã được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dang tay cứu vớt. Ông được đưa về làm phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương, Trưởng Đại diện của bộ tại miền Trung trong sự thán phục của biết bao người bởi ông đã thoát cả chỉ đạo của Thủ tướng cần đánh giá sai phạm trong quá trình PVC để thua lỗ kéo dài.
Giữ cương vị Trưởng đại diện miền Trung của bộ không bao lâu, chưa kịp ấm chỗ, năm 2014 Trịnh Xuân Thanh đã quay về Hà Nội và "tạm thời phụ trách công việc chung của Văn phòng Bộ Công Thương". Năm 2015, ông Thanh được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ký quyết định làm Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công Thương. Thật là khôi hài cho Bộ Công Thương, đây chính là giai đoạn mà Bộ Công Thương trì trệ thực hiện cổ phần hóa nhất.
Với năng lực của người tham mưu cho Bộ trưởng Hoàng, đồng thời còn là Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp như ông Trịnh Xuân Thanh thì công việc trên nếu nó tiến triển mới là lạ. Có lẽ thấy không ổn vì đặt nhầm chỗ chăng, ông Thanh lại được Bí thư Ban cán sự Đảng Vũ Huy Hoàng đưa sang làm công tác Đảng của Bộ với cương vị Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương...
Phải chăng với việc đứng đầu cả về quản lý nhà nước lẫn về Đảng ở Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng đã thao túng cả một bộ máy điều hành từ trên xuống dưới của bộ và đây có thể gọi là hành vi tham nhũng quyền lực? Đó là một ví dụ xem ra có thể là điển hình của điển hình trong thời gian qua ở bộ Công Thương và nó cho thấy, việc Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành nghị quyết Trung ương 4 khóa Xll vừa rồi là rất cần thiết và kịp thời. Nghị quyết trên đã nêu rõ những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng và chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa": Trong biểu hiện thứ 9 về suy thoái tư tưởng chính trị, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, nêu rõ: "Tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích".
Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm số 138-TB/UBKTTW ngày 27.10.2016 của UBKT Trung ương và Quyết định kỷ luật đảng viên số 388-QĐNS/TW, ngày 3.11.2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010 - 2016 đã chỉ rõ vi phạm của ông như sau: "Với vai trò trách nhiệm là Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương, đồng chí Vũ Huy Hoàng đã thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; quyết định điều động và đề cử đồng chí Vũ Quang Hải tham gia Hội đồng quản trị Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Sabeco".
Đối với việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh về tỉnh Hậu Giang, Kết luận kiểm tra và Quyết định kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng cũng chỉ rõ: "Mặc dù biết Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn đồng ý với Tỉnh ủy Hậu Giang trong việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh về công tác tại tỉnh để bổ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016; báo cáo không trung thực với Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của PVC và cá nhân Trịnh Xuân Thanh trước khi Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Trịnh Xuân Thanh giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang". Đó là chưa nói đến việc ông Hoàng còn quy hoạch để ông Trịnh Xuân Thanh sẽ quay về làm thứ trưởng trong tương lai.
Như vậy, đã thấy rõ biểu hiện suy thoái của chính người đứng đầu cấp ủy, khi ông Vũ Huy Hoàng là Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã biết rõ những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh, nhưng lại báo cáo không trung thực với Thủ tướng Chính phủ và điều chuyển, bổ nhiệm, quy hoạch nhanh đến chóng mặt cho ông ta.
Như phần đầu tôi đề cập, tham nhũng quyền lực nguy hại ở chỗ sẽ dần dần làm cho những đảng viên trung kiên và quần chúng nhân dân mất lòng tin vào chế độ. Hình ảnh và vai trò tiên phong, gương mẫu của Đảng sẽ vơi dần trong mắt mọi người. Điều này thật nguy hiểm và tệ hại. Nếu lãnh đạo nào ở các bộ, ngành, địa phương mà cũng giải quyết công việc kiểu như ông Vũ Huy Hoàng thì thật đáng sợ. Nó chính là mồi lửa nguy hiểm có thể thiêu cháy cả một chế độ nếu như để lan rộng tiếp. Nó sẽ thách thức cao độ đến sự tồn vong của Đảng. Vì thế, nên chăng cần tiếp tục mở rộng điều tra ở góc độ công tác tổ chức cán bộ tại Bộ Công Thương thời kỳ ông Vũ Huy Hoàng đứng đầu nhân việc ông Trịnh Xuân Thanh đã quay về nước đầu thú sau 1 năm trốn chạy tưởng thoát tội.
Tham nhũng quyền lực chính là ở đây chứ đâu!
Quốc Phong
(Một Thế Giới)
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét