Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Đừng nhà quan thì chặc lưỡi nhà dân thì chém tay


>> Chuyện ít biết về gia đình Ngô Bảo Châu
>> Ông già "Mỗi Tuần Một Chuyện" đã đi xa…
>> Việt Nam phải ‘bồi thường lớn’ khi đề nghị Repsol ngừng khoan?


ANH ĐÀO
LĐO - Giữa một cái chuồng heo bị cưỡng chế tháo dỡ để giữ kỷ cương phép nước và khu nhà được phép tồn tại là một khoảng cách rất lớn về sự thiếu công bằng. Tại sao cũng là chính quyền, nơi thì dỡ ngay cả một cái chuồng heo, nơi lại cho phép tồn tại cả một ngôi nhà?   

Cách đây không lâu, chính quyền Tam Kỳ, Quảng Nam với một lực lượng hùng hậu công an, y tế, đô thị...và các phương tiện cơ giới tiến hành cưỡng chế tháo dỡ một "ngôi nhà có vách ngăn để nuôi lợn"! 

Cái lý của chính quyền không sai. Xây dựng không phép phải bị tháo dỡ, kể cả đó chỉ là "cái nhà có vách ngăn để nuôi heo"! Nói nhỏ, thì là trật tự đô thị, lớn, là chuyện kỷ cương phép nước. Có muốn cũng không cãi nổi. Quân pháp bất vị thân. Biệt phủ ông tướng, đại gia kim cương bên láng giềng còn phải "đập" huống hồ.

Nhưng rồi thời sự là chuyện ngôi nhà mà ông Phó Ban Tổ chức tỉnh ủy Đồng Nai từng đứng tên. Cũng xây trái phép. Nhưng lại được "phạt cho tồn tại"!

Không hiểu người phụ nữ Tam Kỳ từng bị cưỡng chế phá dỡ chuồng heo sẽ cảm thấy thế nào! Sẽ nghĩ sao! 

Cũng là một cái sai. Cũng là một chính quyền vì dân. Nhưng nơi thì cương quyết đến cực đoan, nơi lại linh động đến khủng khiếp.

Việc phá dỡ "ngôi nhà có vách ngăn để nuôi heo" sẽ chỉ là hoạt động chấp pháp thông thường, hoặc đúng, hoặc sai. Nhưng đặt nó bên cạnh cái sự "cho tồn tại" cả một khu nhà kiên cố, thì nó không còn chỉ là việc xử lý của chính quyền nữa. Bởi trong việc xử lý ấy đang hàm chứa những bất bình đẳng.

Không nói chắc ai cũng biết, nguyên nhân của sự bất bình đẳng này là yếu tố chủ sở hữu. Sở hữu cái "chuồng heo" xây không phép là một người dân không tên, nhỏ xíu. Trong khi ngôi nhà, rất oách, là của một quan chức hàng huyện, hàng tỉnh mà những chức danh Phó Ban tổ chức tỉnh ủy (ở Đồng Nai) hay Phó Ban Nội chính tỉnh ủy (ở Đắk Lắk) chỉ là một trong vô số những ví dụ.

Nhưng như thế thì tuyên ngôn về sự bình đẳng của mọi người dân trước pháp luật đâu còn tồn tại nữa.

Nếu muốn gìn giữ lòng tin của dân, không thể xem thường ngay từ những xử lý mà chính quyền một số nơi xem là nhỏ như một cái chặc lưỡi, phẩy tay.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: