Minh An
BHP - Dân đòi nợ thuê không từ thủ đoạn như: răn đe, dọa nạt, làm giảm uy tín, danh dự, bắt ép người nhà trả tiền thay con nợ như ném chất bẩn vào nhà cho tới cắt ảnh thờ rải khắp cửa, nhiều gia đình khóc không thành tiếng với những thủ đoạn đê hèn này.
Nhiều thủ đoạn "bẩn"
Ngày 27 – 7, Công an huyện Vĩnh Bảo triệu tập hai đối tượng Đỗ Văn Hân và Đỗ Văn Thuần cùng ở thôn Vĩnh Lạc 1, xã Tiền Phong (huyện Vĩnh Bảo) để điều tra làm rõ về hành vi đổ chất bẩn vào nhà một người dân trên địa bàn. Trước đó, theo hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, giữa đêm ngày 25 - 7, có hai nam giới khoảng 25-30 tuổi, đi xe máy Sirius trắng - đen, khi đến trước nhà ông Diễn, ở nhà số 17/52 phố Tân Hòa (thị trấn Vĩnh Bảo) dừng lại ném nhiều bịch nilon chứa dầu luyn trộn lẫn sơn, chất thải vào cổng và cửa nhà. Trước đó, cũng với những thủ đoạn "bẩn", nhóm đối tượng Lê Duy Khoa, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Đức Duy tổ chức đe dọa, ném chất bẩn vào từng nhà người thân của con nợ Phạm Thái D. Không dừng lại ở đó, nhóm đối tượng tìm kiếm ảnh của 77 người trong dòng họ, cắt chân dung theo kiểu "ảnh thờ" đóng phong bì gửi đến từng nhà kèm theo những dòng chữ xúc phạm danh dự, đe dọa tính mạng.
Nhưng trước sự manh động của các đối tượng đòi nợ thuê, nhiều người lại lựa chọn giải pháp thỏa hiệp để đổi lấy bình yên tạm thời. Việc cố gắng "tự giải quyết" món nợ của nhiều người sẽ càng làm gia tăng các hoạt động đòi nợ bởi khi nắm được tâm lý ngại va chạm của gia đình, các đối tượng càng lấn tới. Mặt khác, với lãi suất cho vay "cắt cổ", có khi lên tới 40-50%/tháng, chẳng gia đình nào có thể gánh nổi món nợ. Như trong chuyên án 816B được triệt xóa tháng 4-2017, số tiền nợ ban đầu của Phạm Thái D. lúc đầu chỉ vài trăm triệu đồng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền các đối tượng đòi nợ thuê thông báo về gia đình con nợ lên tới hơn 9 tỷ đồng. Nhưng thay vì trình báo cơ quan công an về các hành vi đe dọa, gia đình lại xoay sở trả cho nhóm đối tượng hơn 2,7 tỷ đồng. Đến khi không thể chi trả nổi khoản nợ, gia đình mới tìm tới sự hỗ trợ của công an. Hay như vụ hai đối tượng ném chất bẩn vào nhà ông Diễn ở Vĩnh Bảo, sau nhiều lần các đối tượng "tác oai tác quái", hàng xóm dị nghị chuyện cứ sáng ra lại thấy mùi hôi thối bốc lên khắp khu, chất bẩn đầy ngõ, thông tin mới được gia đình trình báo.
Ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”
Theo Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng Phòng PC45, Công an thành phố, các đối tượng đòi nợ thường chia con nợ thành hai nhóm. Nếu là cán bộ công chức, người có uy tín thì các đối tượng chỉ áp dụng biện pháp đe dọa đánh vào danh dự như cho đàn em nghiện ngập ăn cùng mâm, ngủ cùng giường hoặc chửi bới ngay trước cổng nhà. Để đòi tiền, một số đối tượng sử dụng cả những thủ đoạn quái gở hơn để khủng bố tinh thần con nợ như kéo loa bật nhạc kèn trống đám ma trước cửa nhà, mua gia súc, gia cầm thả đầy khắp nhà cho kêu quang quác cả ngày lẫn đêm khiến gia chủ khóc không thành tiếng. Đối với những con nợ là dân xã hội, chây ỳ thì ngay lần đầu tiên tiếp xúc, kẻ đòi nợ thuê sử dụng vũ lực để thu hồi tài sản có giá trị, thậm chí phô trương lực lượng, sử dụng cả “hàng nóng” để tránh sự can thiệp của các nhóm giang hồ khác.
Bằng những thủ đoạn tàn độc, các đối tượng không chỉ làm cho bản thân con nợ phải khốn đốn mà cả gia đình và người thân của họ cũng phải suy sụp, gây mất an ninh trật, hoang mang cho nhiều người dân khác. Theo cơ quan chức năng, thực tế, khi xuất hiện các hành vi đe dọa đòi nợ, gia đình nạn nhân cũng như người dân cần khẩn trương trình báo tới chính quyền địa phương, cơ quan công an để có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời, không để phát sinh những điểm mất an ninh trật tự kéo dài, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân.
Theo đại tá Lê Hồng Thắng, nạn đòi nợ thuê chủ yếu xuất phát từ gia tăng của hoạt động "tín dụng đen" do đó, muốn giải quyết nạn đòi nợ thuê cần phải ngăn chặn hoạt động phi pháp này. Thực tế, dễ dàng tìm thấy những tờ rơi quảng cáo cho vay tiền dán khắp các tuyến ngõ xóm. Nhiều người dân cần tiền gấp đã đặt bút ký vào những bản hợp đồng chỉ có người vay và người cho vay biết rõ. Đến khi xảy ra tranh chấp, người vay luôn là "kẻ yếu thế" hơn. Để tránh rơi vào bẫy "tín dụng đen" người dân nên thận trọng khi quyết định vay tiền. Khi có nhu cầu về tiền, cần tìm đến những đơn vị tài chính được cấp phép hoạt động đầy đủ. Mặt khác, lực lượng công an địa bàn cần lập hồ sơ theo dõi chặt chẽ, quản lý sát sao những cá nhân, đối tượng có biểu hiện kinh doanh tài chính theo kiểu “tín dụng đen”, thông thường núp bóng dưới những cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhất là dịch vụ cầm đồ.
Cơ quan công an, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường đấu tranh với các ổ nhóm cờ bạc. Thực tế, để thu lợi bất chính, nhiều ổ cờ bạc hiện nay thực hiện cơ chế vừa tổ chức đánh bạc, vừa cho vay nặng lãi. Con bạc sẽ liên tục được "bơm tiền" để thỏa mãn đam mê đỏ đen kèm theo những bản giấy ghi nợ. Sau đó, chính những nhóm đòi nợ thuê sẽ giải quyết những món nợ này.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét