NASA vừa chính thức ra mắt tàu vũ trụ mới nhất kể từ khi thế hệ tàu con thoi của thập niên 80 được chính thức nghỉ hưu cách đây 6 năm.
Tàu vũ trụ mới mang tên Dream Chaser được thiết kế và chế tạo bởi tập đoàn Sierra Nevada Corps (SNC). Cho đến nay nó mới chỉ hoàn thành một đợt chạy thử nhưng NASA đã hoàn thiện kế hoạch sử dụng tàu bay này để vận chuyển hàng hoá lên ISS trong vài năm tới. Chuyến bay thử thứ hai sẽ được tiến hành vào cuối năm nay. Iflscience đưa tin hôm 25/8.
Tập đoàn Sierra Nevada Corps (SNC)là một trong ba công ty được NASA trao hợp đồng để vận chuyển hàng hoá lên ISS trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2024, bên cạnh SpaceX và Boeing.
Dream Chaser
Dream Chaser dễ dàng kết nối vào trạm vũ trụ quốc tế ISS (Ảnh: Sierra Nevada Corps)
Kích thước của tàu bay này khá nhỏ, với chiều dài khoảng 9 mét từ mũi đến đuôi, tương đương khoảng một phần tư kích thước của tàu con thoi thế hệ cũ. Dream Chaser có hai phiên bản, một phiên bản có người lái có thể vận chuyển bảy phi hành gia, và phiên bản dùng vận chuyển hàng hoá với tải trọng lên tới 5,5 tấn, cao hơn khá nhiều so với yêu cầu vận chuyển hàng hoá hiện tại của NASA.
Về lý thuyết, nó cũng có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ khác như phóng vệ tinh và thu dọn những khối rác trên quỹ đạo.
Giống như các “đàn anh” đi trước, Dream Chaser được phóng thẳng đứng bằng tên lửa và hạ cánh xuống Trái đất theo chiều ngang trên đường băng giống như một chiếc máy bay thông thường.
Dream Chaser
Dream Chaser có thể hạ cánh xuống bất kỳ đường băng nào (Ảnh: America Space)
Tập đoàn Sierra Nevada cho biết tàu bay này có thể được sử dụng lại 15 lần với 90% thiết bị có thể tái sử dụng, đáp ứng xu hướng mới của du hành vũ trụ tương lai.
“Bay thường xuyên, di chuyển an toàn, hạ cánh trên đường băng và chi phí vận hành thấp là kim chỉ nam cho việc phát triển các phi thuyền không gian thế kỷ 21” NASA cho biết trong một tuyên bố.
Tàu vũ trụ có thể tái sử dụng một phần cuối cùng của NASA là đội tàu con thoi được phát triển vào những năm 1970. Chúng đã thực hiện ít nhất 135 sứ mệnh trong khoảng từ năm 1981 đến khi nghỉ hưu vào năm 2011. Và từ đó đến nay, mặc dù “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” Mỹ vẫn phải dựa vào các tàu Soyuz của Nga để đưa phi hành gia lên ISS.
Video mô tả quá trình phóng lên quỹ đạo và trở về trái đất của tàu Dream Chaser:
Hoài Anh
Xem thêm: