Có một xu hướng đáng lo ngại cho cấu trúc xã hội Việt Nam: công lý đang có xu hướng đến từ Facebook, thay vì các thể chế công truyền thống. Đơn cử vụ cán bộ phường Văn Miếu ở Hà Nội mất chức do bị tố cáo nhũng nhiễu dân, chẳng hạn, nếu không có Facebook thì còn lâu mới được giải quyết, hoặc sẽ giải quyết một cách qua loa.
Facebook hội tụ sức mạnh của đám đông, trong nhiều trường hợp là nơi dồn tụ các áp lực cần thiết để thúc đẩy sự phát triển, lên án sự bất công. Tuy vậy, cái nguy hại là ý chí của đám đông, trong nhiều trường hợ p, chưa thể được gọi là công lý. Chính đám đông thúc ép các cấu trúc quyền lực truyền thống thực hiện ý chí của đám đông, và lúc đó có thể xảy ra rủi ro cho công lý. Sự việc mạng xã hội lên tiếng bảo vệ cậu bé hát rong bờ hồ Hoàn Kiếm chỉ theo... phản ánh của gia đình, rồi sau đó gia đình lại xin lỗi khiến “dư luận Facebook”... việt vị, là một minh chứng của dạng công lý “thiếu bền vững” này!
Sự việc trên là chỉ dấu đáng báo động cho các cấu trúc bảo vệ và săn tìm công lý truyền thống của nhà nước đang có vấn đề. Bản thân nguồn công lý đến từ mạng xã hội không phải gây hại, thậm chí nó là công cụ tích cực để cải tạo chất lượng quản trị xã hội của nhà nước. Chính tình trạng để nó kiêm chức năng bảo vệ và săn tìm công lý (việc lẽ ra của nhà nước) mới là mối nguy cho xã hội, vì lúc đó chứng tỏ năng lực của các cấu trúc quyền lực công đang có vấn đề.
Mạng xã hội được tạo ra với chức năng chính là kết nối, không phải là công cụ bảo vệ hay săn tìm công lý. Facebook không có lỗi khi tạo ra dư luận thúc ép sự hành động của các cấu trúc quyền lực truyền thống, thay vào đó các cấu trúc này phải tự vấn lại năng lực và sự thích ứng mới của mình. Tự thân thiết kế bộ máy nhà nước phải tìm ra và bảo toàn, duy trì được công lý cho xã hội. Một khi các vụ việc bị dẫn dắt bởi mạng xã hội, thay vì bởi công năng của các cơ quan chức năng được thiết kế bởi nhà nước, sẽ gây hại cho xã hội.
Mạng xã hội được tạo ra với chức năng chính là kết nối, không phải là công cụ bảo vệ hay săn tìm công lý.
Rõ ràng, các cấu trúc quyền lực công truyền thống không thể suốt ngày chạy theo sau để giải quyết từng sự vụ được phản ánh bởi mạng xã hội, bộ máy nhà nước cần được thiết kế và tu chỉnh để hướng tới tạo ra những khuôn thước, chuẩn mực nhằm bảo toàn công lý cho xã hội, tiên phong giải quyết các bài toán quản trị xã hội.
Do đặc tính hoang dã, sơ khai và bất khả tín (vì thiếu cơ chế kiểm chứng) của Facebook, nó sẽ là một dạng “công lý thiếu bền vững” và chứa đầy rủi ro. Thực tế cho thấy một vài chính trị gia đã nhận diện được “quyền lực của Facebook”. Tuy nhiên, thay vì có những thay đổi thực chất và tích cực về bản chất cốt lõi và cấu trúc quản trị, nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết thực của thực tiễn xã hội, thì xu hướng dân túy, vuốt ve chiều chuộng đám đông để ghi điểm lại thịnh hành.
Thực tế cũng cho thấy, một chính trị gia từng được tung hô vang trời trong thế giới ảo, lại là một chính trị gia bị phát hiện có nhiều sai phạm về quản lý và bị kỷ luật nặng nề về mặt Đảng. Do đó, việc thay đổi kiểu “làm màu” này, về cơ bản, không làm giảm đi những áp lực và thách thức đổi mới từ thực tiễn. Về lâu dài, công lý đến từ các cấu trúc công vẫn sẽ là một nhu cầu cơ bản và quan trọng của người dân, nhất là trong các xã hội có cấu trúc lỏng lẻo và nền tảng hoang sơ về pháp quyền.
Nhà nước kiến tạo là một khái niệm phù hợp với mục đích săn tìm và duy trì công lý bởi các thể chế quyền lực truyền thống. Mạng xã hội chỉ nên là một chất gia cường cho động lực săn tìm công lý của các thể chế công, thay vì đóng vai là những thanh tra/công an/thẩm phán/quan tòa... để tìm ra chân lý.
Nó vừa thiếu chuyên nghiệp, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Lê Ngọc Sơn
(Chuyên gia về truyền thông và quản trị khủng hoảng; Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức)
http://nguoidothi.net.vn/vn/news/sinh-quyen-cong-nghe/truyen-thong-xa-hoi/9526/cong-ly-tu-facebook.ndt
Cùng tác giả:
>> Lỗi 404: Đừng lấy tay che mặt trời
>> Thế giới ảo, mất mát thật
>> Có một cơn lũ khác
>> Vụ Charlie Hebdo: Không thể đấu tranh với cực đoan bằng những tư duy cực đoan
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét