Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Cách hành xử với chuyện dùng tiền lẻ của hai Đại tá Công an


>> Đang làm rõ việc Trịnh Xuân Thanh về nước
>> Đà Nẵng trả lương gấp 280 lần mức cơ sở để hút người tài
>> Người câu kết với nữ nhà báo tống tiền doanh nghiệp là ai?
>> Nhất thiết phải tạm giam Trịnh Xuân Thanh để phục vụ điều tra


Bùi Hoàng Tám
(Dân trí) - Trong “cuộc chiến” giữa một bên là BOT Cai Lậy với sự “trợ giúp” khá mạnh mẽ của Bộ Giao thông Vân tải với người dân phản đối dự án này đã nổi lên một hình ảnh rất ấn tượng, đó là những chiến sĩ cảnh sát giao thông và quan điểm của hai vị Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc và Đại tá Trần Hoài Bảo, Trưởng phòng CSGT đường bộ, Công an tỉnh Tiền Giang.

Có thể dễ dàng nhận thấy, từ nhiều ngày qua, Lực lượng cảnh sát Tiền Giang đã có mặt hầu như suốt ngày đêm để giữ gìn an ninh, trật tự , đảm bảo an toàn giao thông và không có bất cứ hành động nào can thiệp, dù là nhỏ nhất đối với phương thức sử dụng tiền lẻ của các tài xế.

Trước đó, theo báo Ấp Bắc (Tiền Giang), ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Tiền Giang cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trạm thu phí tuyến tránh TX. Cai Lậy đã ghi nhận có khoảng 15 trường hợp tài xế dùng tiền lẻ mệnh giá nhỏ 200 đồng, 500 đồng,… bỏ vào chai nhựa hoặc bao nhựa để mua vé qua trạm.

“Trước mắt, những trường hợp đưa tiền lẻ để mua vé qua trạm sẽ được giải quyết bằng cách cho xe chạy qua trạm và chờ ở làn dự phòng. Khi nhân viên thu phí đếm đủ tiền sẽ cho phương tiện đi tiếp. Bên cạnh đó, công ty cũng đã làm văn bản gửi đến Công an tỉnh Tiền Giang, Sở GT-VT tỉnh Tiền Giang và cơ quan chức năng đề nghị xử lý những trường hợp tài xế cố tình dùng tiền lẻ mua vé qua trạm” - ông Hiệp cho biết.

Nhận được thông tin này, ngay lập tức, Đại tá Trần Hoài Bảo, Trưởng phòng CSGT đường bộ, Công an tỉnh Tiền Giang trả lời báo chí cho biết, việc các tài xế đưa tiền có các mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng để mua vé qua trạm không sai, điều này luật cho phép. Việc cho tiền vào chai nhựa hay bịch nylon cũng không trái pháp luật, bởi đây là giao dịch dân sự (theo Điều 116, Bộ luật dân sự).

Không chỉ thế, ông Bảo còn khẳng định phía CSGT tỉnh Tiền Giang đang xem xét đưa ra quyết định xử phạt Trạm thu phí BOT Cai Lậy vì đã vi phạm Khoản 9 Điều 15 Nghị định 46 vì gây ùn tắc kéo dài và liên tục tại Trạm thu phí, gây cản trở giao thông nghiêm trọng. Mức phạt có thể lên tới tối đa là 70.000.000 đồng.

Mới gần đây nhất, ngày 26-8, trao đổi với báo chí, Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cũng cho biết Công an Tiền Giang chưa nhận được văn bản từ Công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy), song "nếu có nhận văn bản đó, chúng tôi cũng không đồng ý quan điểm xử lý tài xế đưa tiền lẻ, bởi quy định pháp luật không cấm".

Từ những thông tin cho thấy, có thể việc “làm văn bản gửi đến Công an tỉnh Tiền Giang, Sở GT-VT tỉnh Tiền Giang và cơ quan chức năng đề nghị xử lý những trường hợp tài xế cố tình dùng tiền lẻ mua vé qua trạm” của ông Giám đốc Hiệp chỉ là… dọa.

Song, nó cũng phản ánh một thực tế là thói “cáo mượn oai hùm”, lấy lực lượng vũ trang để “dọa dân” của một số doanh nghiệp.

Trở lại với việc nhận tiền lẻ. nếu trạm BOT Cai Lậy mà từ chối, họ sẽ vi phạm điều cấm ở khoản 3 điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước: “Nghiêm cấm việc từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành”.

Chuyện tiền lẻ, tiền chẵn không ngờ lại có lúc nảy sinh ra nhiều vấn đề như thế.

Qua vụ việc cho thấy, Công an Tiền Giang đã có cách hành xử thống nhất và đúng luật.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: