Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Hỏa tiễn Bắc Triều Tiên : Mỹ-Triều húc nhau, Nhật lãnh đủ


Truyền hình Nhật Bản tường thuật về sự kiện Kim Jong Un bắn hỏa tiễn ngang qua lãnh thổ Nhật ngày 29/08/2017.

Sự kiện Bắc Triều Tiên bắn tên lửa ngang qua lãnh thổ Nhật Bản gây chú ý cho tất cả các nhật báo Pháp. Le Figaro cho rằng « Kim thử thách thần kinh Trump »,trong khi La Croix ghi nhận « Hỏa tiễn Bắc Triều Tiên bay ngang qua, Nhật Bản tố cáo một sự khiêu khích ». Les Echos nhận định « Bình Nhưỡng lại gây khủng hoảng qua việc bắn hỏa tiễn sang Nhật Bản ».
Nhật báo động vì hỏa tiễn Bắc Triều Tiên

« Hỏa tiễn. Hãy tìm nơi trú ẩn », « Giao thông đường sắt rối loạn vì bắn hỏa tiễn đạn đạo ». Đó là những cảnh báo bất thường mà cư dân miền bắc nước Nhật nhận được bằng tin nhắn điện thoại vào sáng sớm hôm qua, trong lúc những hồi còi báo động rền vang trên hòn đảo Hokkaido, khi Kim Jong Un lần đầu tiên cho phóng một hỏa tiễn đạn đạo sang Nhật Bản. 

Năm 1998, một hỏa tiễn Bắc Triều Tiên loại Taepodong 1 đã bay qua nước Nhật, và đến năm 2009 là tên lửa Unha 3, nhưng các hỏa tiễn này không phải là đạn đạo, và có tầm bắn trung bình. Thế nên hôm qua thủ tướng Shinzo Abe tố cáo « mối đe dọa chưa từng thấy ». Theo các nguồn tin quân sự Mỹ, đó là một hỏa tiễn Hwasong 12, đã bay qua quãng đường 2.700 km ở độ cao 550 km, trước khi bị vỡ thành ba mảnh và rơi xuống Thái Bình Dương, cách phía đông Nhật Bản 1.100 km, khoảng 15 phút sau khi phóng đi. 

La Croix nhận thấy những người sợ hãi nhất là các ngư dân đang hành nghề ở gần đó. Tờ báo dẫn lời ông Kazuaki Kamata, đứng đầu một công ty ngư nghiệp : « Mùa đánh bắt chỉ mới bắt đầu, tôi sợ rằng tình trạng này còn tiếp tục. Cần phải hành động để bảo vệ an ninh cho ngư dân, nhưng làm gì bây giờ ? » 

Tin nhắn báo động về hỏa tiễn Bắc Triều Tiên của chính phủ gởi đến điện thoại người dân Hokkaido và Tohoku, bắc Nhật Bản, 29/08/2017.
Bình Nhưỡng và Washington lên gân, Tokyo thua thiệt

Trong bài « Nhật Bản bị kẹt trong sự leo thang giữa Bình Nhưỡng và Washington », Le Figaro nhắc lại, sau khi nêu ra việc « xoay trục sang châu Á », ông Barack Obama lại vắng bóng ở châu lục này. Donald Trump, sau khi muốn rút lui khỏi khu vực mà lâu nay Hoa Kỳ đóng vai trọng tài, nay lại chơi trò leo thang với Bình Nhưỡng. Những tuyên bố nảy lửa của ông gây lo sợ cho Nhật Bản, đang ở tuyến đầu cùng với Hàn Quốc. 

Hiểu thấu nỗi lòng của hai đồng minh châu Á, bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã dành vòng công du đầu tiên cho hai nước này. Đặc biệt Nhật Bản luôn là đồng minh trung thành nhất xưa nay, trong khi Philippines và Hàn Quốc – cũng đều lệ thuộc vào quân đội Mỹ - ngày càng ít ngại ngần bày tỏ những bực bội trước Chú Sam. Vì sao Nhật lại tận tụy như vậy ? Do Bắc Triều Tiên chỉ là mối đe dọa trước mắt, còn Trung Quốc mới là mối nguy lâu dài trên Biển Hoa Đông.

Le Figaro dẫn lời  Triệu Thông (Zhao Tong), giáo sư của Carnegie-Tsinghua Center for Global Policy ở Bắc Kinh tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đã sai lầm khi tỏ ra cao ngạo trước nhà độc tài trẻ. « Kim Jong Un không thích việc Trump làm người ta hiểu ngầm rằng ông Kim sợ, và muốn chứng tỏ không ngại đọ sức với Hoa Kỳ ».

Hỏa tiễn đạn đạo tầm trung Bắc Triều Tiên. Ảnh do KCNA công bố ngày 30/08/2017.
Một sự leo thang về ngoại giao thay vì bước ngoặt chiến lược

Trong bài trả lời phỏng vấn Les Echos, nhà phân tích Corentin Brustlein của Viện Quan hệ Quốc tế cho rằng vụ thử hỏa tiễn lần này của Bắc Triều Tiên « không phải là một bước ngoặt chiến lược, mà là một sự leo thang ».

Theo chuyên gia Brustlein, cho dù đây là một sự kiện quan trọng, nhưng trước hết rõ ràng là leo thang về ngoại giao. Về mặt kỹ thuật, vụ bắn hỏa tiễn hôm qua không phô diễn một tiến bộ đáng kể nào của Bình Nhưỡng. Nhưng nó biểu lộ tham vọng của Bắc Triều Tiên muốn chứng tỏ năng lực về hỏa tiễn đạn đạo qua việc thử nghiệm nhiều loại khác nhau, với đường bay và tầm bắn đa dạng.

Đường bay thẳng của hỏa tiễn lần này, trong khi các vụ bắn thử trước đây là đường bay cong, cung cấp những chỉ số bổ sung quý giá cho giai đoạn tên lửa chạm vào khí quyển, vốn rất quan trọng cho mục đích gắn đầu đạn nguyên tử vào hỏa tiễn. Như vậy Bình Nhưỡng vẫn chưa đạt được khả năng đe dọa hạt nhân qua các hỏa tiễn liên lục địa, nhưng tiếp tục có những tiến triển theo hướng này. 

Les Echos cho biết tuy không mấy khả tín (3/4 vụ thử nghiệm Hwasong 12 trước đây đã thất bại), nhưng hỏa tiễn này mang được tải trọng nặng, như đầu đạn hạt nhân chẳng hạn. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên vẫn chưa thể làm cho đầu đạn nguyên tử chịu đựng được sức nóng và độ rung mãnh liệt khi hỏa tiễn cọ xát vào khí quyển.

Bắc Triều Tiên tỏ ra bất chấp những cảnh báo, sự cô lập trên trường quốc tế và tất cả những biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, và tự cho phép vượt qua lằn ranh đỏ mà Washington ấn định. Bình Nhưỡng biết rằng khi cho tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật, đã tăng cường áp lực lên liên minh Nhật-Mỹ mà không bị trả đũa nặng nề. 

Lính Nhật tập trận với hỏa tiễn PAC-3 dùng bắn chận tên lửa Bắc Triều Tiên, tại căn cứ Không quân Mỹ Yokota, 29/08/2017.
Donald Trump 2017 trái ngược với Bill Clinton 1998

Vụ bắn hỏa tiễn đạn đạo đầu tiên qua không phận Nhật năm 1998 đã gây chấn động mạnh mẽ cho Tokyo và Washington, đóng vai trò đáng kể trong việc củng cố nỗ lực triển khai các hệ thống lá chắn tên lửa. Tokyo không bắn hạ hỏa tiễn hôm qua vì nhận định đường bay này không đe dọa, và cũng chẳng muốn nhận lấy trách nhiệm gây căng thẳng. Còn đối với Bắc Triều Tiên, vừa phô trương được khả năng tiến gần vũ khí nguyên tử, vừa chứng tỏ các đối thủ khó thể ngăn trở được mình.

Le Monde cho rằng khó thể hy vọng vụ bắn hỏa tiễn này sẽ góp phần làm thay đổi quan điểm của Hoa Kỳ, như hồi năm 1998. Vào thời ấy, Bắc Triều Tiên hành động vì giận dữ trước việc Mỹ không muốn thực hiện hiệp định năm 1994 – đóng băng chương trình nguyên tử dưới sự giám sát của AIEA.
Tổng thống Bill Clinton sau đó đã có nhiều động thái ngoại giao, dẫn đến việc đôi bên cam kết « chấm dứt đối địch » vào tháng 10/2000. Ngoại trưởng Madeleine Albright bay đến Bình Nhưỡng để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Clinton : một thỏa thuận chung về hỏa tiễn và nguyên tử đang trong tầm tay. Vào cuối nhiệm kỳ, Bill Clinton từ bỏ ý định vì không muốn trói tay người kế nhiệm. Ông George Bush khi lên cầm quyền sau đó đã hủy bỏ hẳn thỏa thuận 1994.

Các tín đồ trung thành với Rahim ở bang Haryana, Ấn Độ, 24/08/2017.
20 năm tù cho « Sứ thần của Thượng đế » ở Ấn Độ

Cũng liên quan đến châu Á, thông tín viên Le Figaro tại New Delhi viết về « Sự sụp đổ của ‘Thiên Sứ’ ở Ấn Độ ». Việc giáo chủ Gurmeet Ram Rahim bị lãnh án 20 năm tù vì tội hiếp dâm, sau phiên tòa kéo dài ròng rã 15 năm, đã đưa ra ánh sáng mối quan hệ giữa giới tội phạm và các chính khách tại đất nước đông dân này.

Hai chục ngàn cảnh sát được triển khai tại thủ đô, cấm tụ tập ở New Delhi và vùng phụ cận…Ấn Độ hôm thứ Hai đầu tuần đầy căng thẳng trước khi tuyên án. Bạo động đã nổ ra hôm 25/8 làm ít nhất 38 người chết. 

Từ đầu những năm 2000, một lá thư đã được gởi đến thủ tướng Ấn, trong đó một nữ tín đồ tố cáo bị giáo chủ hãm hiếp nhiều lần. Một nhà báo điều tra về vụ này bị bắn chết năm 2002, và sau đó đến lượt một tín đồ khác bị nghi ngờ là đã gởi thư này đến các báo, cũng bị ám sát. Phải mất 17 năm trời, tư pháp mới hành động. 

Bộ máy tư pháp Ấn Độ vốn chậm chạp, với 30 triệu hồ sơ, nhưng Rahim là một nhân vật đầy quyền lực, biết sử dụng các quan hệ chính trị để cản trở phiên tòa. Giáo chủ này có đến 50 triệu tín đồ vốn coi ông ta như thánh sống. Và trong các cuộc bầu cử, khuyến cáo của Rahim mang sức nặng khủng khiếp. Nhờ nổi tiếng, giáo chủ Rahim rất giàu có. Ông ta sở hữu một công ty sản xuất phim, và tung ra thương hiệu Messenger of Gold trong các lãnh vực như mì ăn liền, gia vị, mỹ phẩm…

Lênin chỉ còn là thương hiệu thay vì biểu tượng chính trị

Nhìn sang nước Nga, La Croix trong loạt bài « Theo dấu Lênin, 100 năm sau cách mạng bôn-sê-vich » mô tả « Xác ướp Lênin áp đặt luật im lặng ». Sau khi qua đời năm 1924, Lênin vẫn an nghỉ dưới chân điện Kremlin. Dù bị một số chỉ trích, chính quyền Nga vẫn tránh mọi tranh luận về việc duy trì lăng mộ này.

Khác xa với thời kỳ 2,5 triệu người xô-viết mỗi năm hành hương trước « thánh tích » của chủ nghĩa cộng sản, Lênin bây giờ chỉ còn là một « thương hiệu », thay vì biểu tượng chính trị. 

Điện Kremlin tỏ ra bối rối trước di sản Lênin. Tổng thống Vladimir Putin căm ghét mọi cuộc cách mạng và năm ngoái cáo buộc phong trào bôn-sê-vích đã ngăn chận sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên trong suốt 17 năm cầm quyền, ông Putin vẫn duy trì nỗi hoài nhớ Liên Xô cũ và không muốn gây thêm chia rẽ trong xã hội ; do vậy ông giữ im lặng trước cuộc tranh cãi về việc duy trì lăng Lênin cũng như việc kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười.

Tờ báo cho biết thêm, sau khi từ nơi lưu vong trở về Nga, bài diễn văn đầu tiên của Lênin gây sốc cho chính các đồng chí của ông vì tính cực đoan. Nói về cách mạng xã hội chủ nghĩa toàn thế giới, làm sụp đổ chủ nghĩa đế quốc, Lênin từ chối mọi nhượng bộ trước chính phủ cách mạng lâm thời. Đến nỗi vợ ông thổ lộ với một người bạn : « Tôi sợ rằng Ilich cho người ta cảm tưởng là ông đã bị điên ».

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: