Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

LINH HỒN GỖ



(Một kỉ niệm với bác Nguyễn Quang Sáng)
Cách đây chừng hơn hai chục năm, nhà văn Nguyễn Quang Sáng ra HN nhận giải thưởng HCM về VHNT. Trở vào Sài Gòn, ngồi nhậu với ông ở một quán rượu trên đường Mạc Đĩnh Chi, ông hồ hởi khoe với tôi:
"Nhờ có món tiền giải thưởng (hồi ấy là 5 triệu, khoảng hơn 1 cây vàng), tao đi thăm khắp các làng nghề làm đồ giả cổ ở ngoài Bắc, nhờ đó mới phát hiện ra bí quyết khác nhau giữa đồ cổ với đồ giả cổ..."
"Bí quyết ấy là gì?" - tôi hỏi.
"Là ở chỗ đồ cổ gắn kết các chi tiết bằng sơn ta, còn đồ giả cổ nó gắn bằng... keo" - ông trả lời.
"Bác nhầm rồi - tôi cười ngất. - Keo với sơn đâu có quan trọng gì. Đồ cổ có 1 thứ mà đồ giả cổ không thể nào có được. Bác biết là gì không?"
"Theo mày là cái gì?" - Nguyễn Quang Sáng tròn mắt hỏi.
"Là... thời gian" - tôi trả lời - "Người ta có thể làm giả mọi thứ. Duy có thời gian thì không thể nào làm giả được."
Nguyễn Quang Sáng vỗ đùi đánh đét:
"Mày nói đúng. Không ai có thể làm giả được thời gian".
"Nhưng bác có biết thời gian làm nên cái gì, để cho một vật trở thành đồ cổ không?" tôi hỏi tiếp.
"Mày nói mẹ luôn đi" - nhà văn sốt ruột.
"Thời gian làm nên linh hồn bác ạ. Nó khiến cho phàm vật trở thành linh vật. Cũng giống như đứa trẻ sinh ra, thở một hơi đầu tiên mới bắt đầu có linh hồn..."
Một lần nữa Nguyễn Quang Sáng lại vỗ đùi. Ông khoái trá nhập tâm ngay ý tưởng đó và bảo:
"Tao đang viết một vở kịch vế chuyện này, song sẽ về sửa lại theo ý tưởng này, và sẽ đặt tên là "Linh hồn gỗ"
Thời gian sau, "Linh hồn gỗ" của Nguyễn Quang Sáng ra đời. Tôi được ông gửi trước bản thảo in roneo để góp ý, tiếc là không còn giữ được. Mấy tháng sau vở kịch được công diễn ở nhà hát lớn SG, tôi cũng được bác gửi giấy mời. Nhưng hình như không đi.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: