Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

NHÀ VĂN ẤY VÀ BẠN ĐỌC CHÚNG TÔI


Các bạn quý mến! Đây là bài viết nhiều góc độ về chúng tôi sau khi anh Thân mất. Một bạn đọc mê viết, rất chân tình, công phu. Cảm ơn anh Đỗ Phả (người đọc điếu văn giúp tôi, chính là anh Mai Quỳnh) và phu nhân, chị Hậu, luôn đứng bên tôi suốt từ hôm ấy đến nay. Bài dài, 2 kỳ nha các bạn.
NHÀ VĂN ẤY VÀ BẠN ĐỌC CHÚNG TÔI
Quý mến tặng Nhà văn Dạ Ngân
Mai Quỳnh

Nhà văn tài năng và đức độ ấy – Nguyễn Quang Thân – đã đột ngột từ giã cuộc đời này trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và bạn đọc của anh.
Bài Điếu văn do tự thân người bạn đời, bạn văn của anh – Nữ sĩ Dạ Ngân viết; cùng hàng chục bài báo trong và ngoài nước đã nói lên mối quan hệ thân thiết gắn bó anh với mọi người. Còn với bạn đọc chúng tôi thì sao?
1.Nhà văn – Bạn đọc
Một sáng Thứ Bảy cuối Xuân 2011 tại Thư viện Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi; đông đảo bạn đọc trong Câu Lạc Bộ đọc sách nóng lòng chờ giao lưu với Nhà văn của tiểu thuyết Hội Thề, một tác phẩm vừa được trao Giải A Hội Nhà văn, đồng thời cũng đang làm nóng lên dư luận khen chê trên mặt báo.
Tôi ra ban công lầu 1 ngó xuống cổng ra vào. Xe cộ nườm nượp qua lại. Những chiếc xe con đủ loại tạm dừng một chút rồi lại vụt đi về hướng sân bay. Tôi chờ một chiếc xe con như thế chở nhà văn tới. Phải là một người ăn mặc tươm tất mở cửa xe bước ra, tay xách chiếc cặp da đen nhánh hay chiếc samsonite thời thượng. Chờ mãi, chờ mãi không có chiếc xe con nào rẽ vào cổng... Một tiếng reo khẽ: anh Thân tới rồi. Tôi ngó xuống, chiếc Honda đời 82! Người ngồi trên xe tầm thước, áo pull xanh sẫm, quần jeans bạc màu dắt xe vào bãi. Bạn Phạm Thế Cường chủ trì cuộc họp, đón anh. Hai người bước nhanh lên cầu thang vào phòng. Bên vai anh trĩu nặng cái túi bạc màu đựng chiếc laptop to đùng. Bỏ chiếc mũ bảo hiểm ra, treo vào mắc, để nguyên cái túi nặng trên vai, anh vui vẻ bắt tay các vị đứng tuổi ngồi hàng trên và chắp tay chào khắp lượt, không quên nói thật to lời cảm ơn. Mái tóc đã bạc nhưng da dẻ thật hồng hào, đôi cánh tay rắn chắc lấy nhanh cái máy ra đặt trước mặt. Tất cả chăm chú quan sát nhà văn. Dáng vẻ bình dân, cử chỉ thân thiện, nét mặt cởi mở đã xua tan không khí khách sáo thường có; chúng tôi lại gần nắm tay anh thật chặt, chào đón anh như chào đón người thân t đi xa trở về. Thư viện chưa khi nào đông như thế. Học sinh, sinh viên, cán bộ, nhà giáo và một số bậc trí giả cao niên, trong đó có vị Linh mục Công giáo, chủ nhân một tủ sách xưa quý hiếm.
Người chủ trì nói lời mở đầu rồi giới thiệu tôi, với tư cách một bạn đọc cao tuổi phát biểu đôi lời. Tôi “trích ngang” đôi nét về anh:
Nguyễn Quang Thân, Nhà văn yêu quý của thiếu nhi với Chú bé có tài mở khóa mà hai đưa con tôi hồi nhỏ giấu bố mẹ chui lên gác xép đọc suốt đêm đến sáng.
Nguyễn Quang Thân, Cây truyện ngắn xuất sắc đương thời với những cái tên in đậm dấu ấn: Người không đi cùng chuyến tàu, Vũ điệu của cái bô...
Nguyễn Quang Thân, Nhà tiểu thuyết đã có tới 4 đầu sách được phát hành rộng rãi: Lựa chọn, Một thời hoa mẫu đơn, Ngoài khơi miền đất hứa, Con ngựa Mãn Châu và hôm nay là Hội Thề.
Nguyễn Quang Thân, Nhà biên kịch với Cây bạch đàn vô danh đã làm nhức nhối bao con tim khán giả. Cần thêm, kịch bản Hội thề cũng nhận được Giải thưởng kịch bản phim hay nhất nhân 1000 năm Thăng Long.
Nguyễn Quâng Thân, Nhà báo sắc sảo thường xuyên xuất hiện trong những mục bình luận phản biện của Tiền Phong, Thể Thao Văn Hóa, Nông Thôn Ngày Nay, Phụ Nữ Thành Phố HCM…
Tôi kể câu chuyện nhỏ vui vui. Năm 1962, chàng cán bộ thủy lợi Nguyễn Quang Thân được mời dự Lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn tổ chức 2 năm ở Quảng Bá – Hà Nội. Sau khóa học, cầm giấy giới thiệu đến Ty Thủy lợi tỉnh X. nhận việc. Ông Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ đứng tuổi, giương mục kỉnh lên nhìn lướt qua dáng dấp chàng trai trẻ, bảo: “Về đây, cậu không phải làm gì cả. Lĩnh lương, muốn đi công trường nào tớ viết giấy giới thiệu cho đi rồi về khu tập thể ăn, ngủ và viết. Thế thôi”. Tôi nêu cả tên ông Trưởng phòng ấy, hình như ông Lê Công Nhân thì phải. Phòng họp ồ cả lên, thời ấy, sao lại có cơ quan ưu ái nhà văn trẻ như thế nhỉ. Anh Thân ngó tôi cười.
Trong không khí thân tình cởi mở như thế, cử tọa nêu câu hỏi về Hội Thề. Dồn dập những ý kiến dẫn chứng, báo này viết thế này, báo kia viết thế kia. Có bạn giở chồng báo trước mặt, có bạn lật những trang giấy ghi chép từ trước, các bậc trí giả thì điềm tĩnh giở mấy trang sách Sử. Nhìn khung cảnh ấy mà vui. Thời buổi này, còn có mấy người lưu ý đến văn hóa đọc như ở buổi giao lưu này? Anh Thân chăm chú lắng nghe, không sổ sách , không ghi chép gì hết, chỉ thỉnh thoảng ngó qua laptop, ngón tay gõ nhẹ lên bàn phím. Nhiều câu hỏi quá, dài quá, tôi phát hoảng, sợ anh quên, vội lấy giấy ra gạch đầu dòng những câu hỏi chính để nếu cần thì nhắc anh. Có mối lo khác lớn hơn. Trong những tờ báo xếp chồng trước mặt một số cử tọa kia, rất nhiều bài phê bình Hội Thề theo cái cách “đập cho một nhát chết tươi”, nhiều bài viết suy diễn ra ngoài phạm vi văn chương, gán cho tác giả điều này, tiếng kia. Tôi biết trong số ấy có người đã từng là bạn thân thiết với anh Thân, đã từng cùng anh trăn trở trên các trang bản thảo, đã từng “tâm đầu, ý hợp”. Mà nay... Tôi sợ anh sẽ không kìm được cơn giận, nổi nóng, nói này, nói nọ khi không có mặt các vị ấy ở đây thì buổi giao lưu sẽ thất bại, tiếng đồn đại sẽ không cánh mà bay nhanh, bay xa.
Tôi ngó sang anh, anh vẫn lướt ngón tay trên bàn phím, nét mặt bình thản. Rồi anh đứng lên xin phép cử tọa cho anh ngồi nói chuyện. Anh lần lượt trình bày (tôi dùng từ trình bày mà không phải từ đối đáp) từng vấn đề bạn đọc đặt ra. Điềm tĩnh, tỉ mỉ, cẩn trọng, anh gõ máy tính, dẫn từng trang, từng trang trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tình huống này, sách Sử viết thế này, nhà văn hư cấu thế này. Làm như thế, nhà văn tôn nhân vật kiệt xuất ấy lên hay hạ thấp nhân vật ấy xuống? Tình huống kia, nhà văn viết như thế là tôn trọng cái cốt lõi của lịch sử hay xuyên tạc lịch sử?. Còn đây, những trang sử thành văn ngắn gọn, khô khan - anh đọc một hồi, và đây những dòng văn tiểu thuyết mặn mà, sinh động - anh lại đọc, giọng đọc truyền cảm. Cứ như thế, anh không quên một câu hỏi nào, một chi tiết nào cử tọa nêu ra, anh thuyết phục người nghe bằng lập luận logic, bằng trí nhớ siêu đẳng và sự chân thành, thẳng thắn của anh. Tôi thở phào nhẹ nhõm, gấp những tờ giấy ghi chép lại.
Phong cách đàng hoàng, tự tin, rất “văn hóa”. Mỗi khi nhắc đến những ý kiến phê bình gay gắt của người này, người kia, anh chỉ nêu nội dung, không đả động đến tên người viết; không, hoàn toàn không. Và, tất nhiên, trước cử tọa đáng quý như thế, Nguyễn Quang Thân không thể nào buông lời phê phán cá nhân, cho dù người đó đã viết những lời thậm tệ về anh trên mặt báo.
Lúc giải lao, cùng đứng bên cửa sổ, tôi ngỏ lời cảm ơn anh. Anh không nói gì, rít một hơi thuốc thơm rồi hỏi vui: Ông lấy ở đâu ra câu chuyện ông Trưởng phòng Tổ chức thế? Tôi cười bảo: thì cái anh Internet nó mách tôi chứ còn ở đâu nữa, làm sao tôi dám bịa chuyện. Anh lại cười to.
Tôi hỏi anh cầm tinh con gì? Thì Hợi đó, Ất Hợi, “Ất biến vi vong” ông nhớ chưa?. Đấy, mỗi lần tên tuổi mình có trong các giải thưởng là bị đánh tơi bời!
Họp tiếp cho đến trưa. Các bạn trẻ thỏa mãn, các bậc trí giả gật gù, mọi người tuần tự đến bắt chặt tay anh. Chúng tôi mời anh xuống căng-tin dùng cơm. Uống chút bia, ăn qua loa, anh tiếp tục nói những ý chưa nói hết, anh dẫn Alexandre Dumas, dẫn Aleksey Tolstoy, những đại văn hào Pháp và Nga viết tiểu thuyết lịch sử trứ danh. Trưa nắng gắt, Cường muốn mời anh nghỉ lại, anh khoát tay: “Mình còn chạy xe tốt mà, chở Dạ Ngân đi đây đi đó suốt có sao đâu” Hỏi, thế Dạ Ngân đâu. Anh cười “Tọa đàm chứ đâu phải thảm đỏ Hollyood mà đi đôi để cặp tay và chụp ảnh!” Mọi người cười vang.
Từ buổi giao lưu đáng nhớ đó, tôi tự nhủ: cái tinh thần Tự Do, Dân Chủ, Bình Đẳng đã được rèn giũa trong suốt quá trình hình thành nhân cách Nguyễn Quang Thân. Anh viết - quyền của anh. Người ta phê anh - quyền của người ta. Anh với họ: bình đẳng, không được nhân danh này nọ mà “cả vú lấp miệng em”. Anh với họ: dân chủ. Anh được nói, tôi có quyền đáp lại. Trong văn chương cũng như trong đời thường, không thể áp đặt! Riêng trong phê bình văn học nghệ thuật thì cần vừa lý, vừa tình; đặc biệt không được lợi dụng phê bình để nhân danh nó đem ngòi bút vấy bẩn ngôi đền văn chương thiêng liêng cao quý của công chúng!
Tháng sau, CLB tổ chức giao lưu với nhà văn Dạ Ngân xung quanh cuốn tiểu thuyết đang được bạn đọc mến mộ Gia đình bé mọn. Vẫn áo pull quần jeans bạc màu, chiếc honda cũ mèm, anh chở trên xe “người phụ nữ của anh”. Cả hai cùng nhanh nhẹn bước lên lầu, vào phòng họp. Dạ Ngân đi nhanh về phía các chị. Phụ nữ thật dễ thân nhau, chuyện trò như đã quen từ lâu. Anh Thân về chỗ trước, vừa ngồi xuống đã mở ngay laptop. Nhưng hôm nay không phải dùng đến cái kho tư liệu này. Mỗi người một khía cạnh khác nhau, bạn đọc phát biểu đón nhận những nhân vật mới, đời sống xã hội mới thể hiện trong cuốn truyện mà các tác phẩm trước đây còn thiếu vắng. Bạn đọc dõi theo thật kỹ số phận từng nhân vật, hỏi thăm chi tiết. Khuynh hướng nghiêng về phía coi Gia đình bé mọn là cuốn tự truyện của hai nhân vật chính: Mỹ Tiệp và Viết Đính. Chăm chú nghe ngóng, một mặt anh Thân vui vì nhận ra tác phẩm của Dạ Ngân đã thật sự đến được với công chúng, nhất là các chị vốn khó tính; mặt khác, thấy lo có sự hiểu chưa thấu đáo một tác phẩm văn học hư cấu; nó phải khác với tự truyện. Ý kiến mọi người đã vãn, anh nhã nhặn xin ngỏ đôi lời. Anh lưu ý bạn đọc cái “ý nghĩa xã hội” mà tiểu thuyết thể hiện, nó rộng hơn, sâu sắc hơn tự truyện đơn thuần. Lúc này, laptop lại có ích; anh tìm kiếm và đọc trích đoạn những bài phê bình trên báo trong và ngoài nước về cuốn GĐBM đó. Anh dừng lại lâu hơn ở bài của nhà văn Mỹ Wayne Karlin. Bài viết có tựa đề “Nhân vật đi cùng số phận đất nước”. Nguyễn Quang Thân trích: “Hành trình của cái “gia đình bé mọn” của Tiệp trùng với hành trình của đất nước nàng từ đoạn chót của chiến tranh Việt-Mỹ đến thế kỷ 21, từ ngày đầu cuộc giải phóng và tái thống nhất đất nước (ít nhất cũng cho bên chiến thắng) đến sự vỡ mộng và suy thoái do những chính sách hậu chiến có tác dụng khuyến khích tham nhũng, sự làm ăn kém hiệu quả, tiếp tục lòng hận thù giữa kẻ thua người thắng và cuối cùng là đến tận thời Đổi mới, thời kỳ được cho là đất nước đang hướng tới sửa chữa nhiều sai lầm trong quá khứ - khi thành công khi không nhưng luôn luôn phải đối mặt với những phức tạp mới” v.v...Nghe anh Thân đọc, tôi ngượng. Ừ nhỉ, mình là người trong nước mà sao không có được nhận thức sâu sắc như nhà văn Mỹ ấy nhỉ! Đọc văn không dễ chút nào! (Bài này do chính anh Nguyễn Quang Thân chuyển ngữ rất nhuần nhuyễn, đang lưu trong Hồ sơ báo chí NQT-DN).
Sẽ không thừa khi ở đây, tôi tỏ lời ngưỡng mộ lớp người cùng trạc tuổi anh. Chiến tranh liên miên làm cho sự học ở trường dang dở, các anh đã tự học, miệt mài tự trau dồi kiến thức, trong đó ngoại ngữ là hàng đầu. Nguyễn Quang Thân không chỉ thông thạo tiếng Pháp, mà còn biết cả tiếng Nga và tiếng Anh nữa. Ở độ tuổi ngoài tám mươi, anh còn dự tính tự học tiếng Hungary, nơi hai con trai anh, Phương Đông, Thanh Hiên cùng vợ con định cư ở đấy đã lâu.
Hai buổi giao lưu Nhà văn - Bạn đọc thành công, nói cho đúng nhờ tri thưc uyên thâm của nhà văn, đã đành, nhưng điều cốt tử phải là sự trân trọng bạn đọc đủ mọi tầng lớp, là cốt cách văn hóa ứng xử - điều Nguyễn Quang Thân và Dạ Ngân nhắc nhở nhau hằng ngày. Không ai có thể bình tĩnh mãi trước những câu chữ chình ình trên mặt báo chí thóa mạ mình. Anh Thân cũng vậy thôi. Sau này, tôi được biết, chính Dạ Ngân luôn giúp anh hạ hỏa. Đối lại, đôi khi anh lại muốn vợ cùng anh tặc lưỡi, xuề xòa, kệ, chấp làm gì chúng nó!
Cũng từ đó, mới 6 năm thôi, vợ chồng tôi trở thành fan của đôi vợ chồng nhà văn ấy. Thư viện tư nhân đồ sộ của Phạm Thế Cường ở Gò Vấp cho tôi mượn đọc hầu hết tác phẩm của anh chị.
Từ quan hệ Nhà văn – Bạn đọc, tác phẩm của anh chị đã nâng quan hệ giữa chúng tôi thành Nhà văn – Bạn tâm giao.
(Còn tiếp)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: