Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

“Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu”


HOÀNG HỮU ĐỨC
(GDVN) - Nhân tài đất Việt đã cơ bản quay lưng với “Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, đã “Bỏ của chạy lấy người” sang hết Công an, Quân đội, Y khoa ...rồi!

Tìm hiểu bảng điểm chuẩn trúng tuyển các trường đào tạo giáo viên mã ngành cử nhân đại học sư phạm năm nay, trong đó có cả các trường đại học sư phạm truyền thống, chúng tôi hốt hoảng giật mình và không khỏi xót xa tê tái.

Chất lượng đầu vào để đào tạo giáo viên chả lẽ đã đến mức thảm hại vậy sao?

Theo thống kê (có thể còn chưa đầy đủ) của chúng tôi, có tất cả 21 trường đại học ở nước ta tuyển sinh đại học sư phạm các ngành đều lấy điểm chuẩn đỗ đại học đúng bằng điểm sàn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo - tức là 15,5 điểm.

Danh sách cụ thể như sau:

1. Đại học Tân Trào: Cả 4 ngành: Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Toán học, Sư phạm Sinh học.

2. Đại học Hùng Vương (Phú Thọ): chỉ có Giáo dục Tiểu học: 18 điểm, Giáo dục Mầm non: 25 điểm nhưng môn năng khiếu x 2, còn lại 8 ngành đều 15,5 điểm.

3. Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên: có 5 ngành: Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hoá học, Sư phạm Sinh học, Giáo dục Âm nhạc.

4. Đại học Hồng Đức: Tất cả 11 ngành: Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Thể chất, Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật Lý, Sư phạm Hoá học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý, Sư phạm Tiếng Anh.

5. Đại học Hà Tĩnh: Tất cả 7 ngành: Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Chính trị, Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật Lý, Sư phạm Hoá học, Sư phạm Tiếng Anh.

6. Đại học Hoa Lư: cả 8 ngành: Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Chính trị, Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật Lý, Sư phạm Hoá học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn.

7. Đại học Vinh: Có 11 ngành: Quản lý Giáo dục, Giáo dục Chính trị, Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật Lý, Sư phạm Hoá học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Tin học, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý.

8. Khoa Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên: 2 ngành: Sư phạm Tiếng Anh, Sư phạm Tiếng Nga.

9. Đại học Hải Phòng: 3 ngành: Giáo dục Mầm non, Giáo dục Chính trị, Sư phạm Địa lý.

10. Đại học Quảng Bình: 8 ngành: Giáo dục Chính trị, Giáo dục Thể chất, Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật Lý, Sư phạm Hoá học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử.

11. Đại học Sư phạm - Đại học Huế: 2 ngành: Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp, Tâm lý học Giáo dục.

12. Đại học Quy Nhơn: 2 ngành: Quản lý Giáo dục, Sư phạm Tin học.

13. Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng (Phân hiệu tại Kon Tum): 1 ngành: Giáo dục Tiểu học.

14. Đại học Phú Yên: 1 ngành: Sư phạm Toán học.

15. Đại học Phạm Văn Đồng: 4 ngành: Giáo dục Mầm non, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Tiếng Anh.

16. Đại học Quảng Nam: 4 ngành: Giáo dục Mầm non, Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học.

17. Đại học Khánh Hoà: 2 ngành: Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật lý.

18. Đại học Kiên Giang: 1 ngành: Sư phạm Toán học.

19. Đại học An Giang: 1 ngành: Sư phạm Toán học.

20. Đại học Đồng Tháp: 9 ngành: Quản lý Giáo dục, Giáo dục Chính trị, Giáo dục Thể chất, Sư phạm Toán học, Sư phạm Tin học, Sư phạm Hoá học, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Tiếng Anh.

21. Đại học Đồng Nai: 2 ngành: Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Vật lý.

Như vậy, 21 cơ sở đào tạo giáo viên có trình độ đại học ở nước ta năm nay lấy điểm trúng tuyển đại học bằng điểm sàn - tức là mức điểm thấp nhất theo quy định.

Ấy là còn chưa kể đến một số trường công bố điểm trúng tuyển cao hơn nhưng điểm môn chính lại nhân 2, cho nên tổng điểm chia 4, điểm mỗi môn cũng bằng hoặc chỉ cao hơn điểm sàn chút ít.

Ví dụ như: Đại học Tây Bắc, có 12 ngành đào tạo đều chung điểm chuẩn là 21,5; Đại học Sài Gòn điểm chuẩn các ngành từ 21 đến 25,75 điểm; Đại học Sư phạm Hà Nội 2, điểm chuẩn từ 19 đến 30,25 điểm…

Riêng Đại học Sư phạm - Đại học Huế cách tính điểm chuẩn cũng khá độc đáo: Môn chính nhân 2, cộng với điểm hai môn còn lại, tổng điểm chia 4, được bao nhiêu nhân 3, thành điểm chuẩn.

Nhưng cũng ở Đại học Sư phạm - Đại học Huế có 4 ngành là: Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hoá học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Lịch sử điểm chuẩn là 12,75.

Không hiểu điểm chuẩn 4 ngành này thấp như vậy, có vi phạm quy định về điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay không?

Hoặc như Đại học Bạc Liêu, 2 ngành: Sư phạm Tiếng Anh và Giáo dục Thể chất đều có điểm chuẩn là 10 điểm. Không rõ Đại học Bạc Liêu xây dựng căn cứ tính điểm chuẩn như thế nào?

Đấy là chúng tôi chỉ thống kê sơ bộ các trường lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn, thế mà đã lên đến con số 21, còn những trường lấy điểm chuẩn các ngành đào tạo cao hơn điểm sàn chút ít như: 15,75 - 16,0 - 16,25 - 17,0 … thì vô số.

Đặc biệt hơn nữa là một số trường Đại học đã hạ điểm chuẩn xuống tận đáy mà vẫn không đủ chỉ tiêu tuyển sinh, phải “linh hoạt tuyển thêm” bằng phương thức “xét học bạ” như Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Phạm Văn Đồng, Đại học Bạc Liêu…

Phải dùng đến phương thức “xét học bạ” là hạ sách vì: thí sinh đã không đạt điểm sàn ở 3 môn xét tuyển.

Một vấn đề đặt ra là: Điểm sàn là như thế nào? Học sinh đạt điểm sàn là học sinh ở trình độ nào?

Điểm sàn 15,5 chia đều cho 3 môn, tức là mỗi môn đạt được khoảng 5,17 điểm. Đây là điểm dành cho những học sinh có trình độ trung bình.

Theo các chuyên gia ở Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá: Với bộ đề thi trắc nghiệm các môn học năm nay, học sinh trung bình dễ dàng đạt được 5 hoặc 6 điểm.

Như vậy, nếu tất cả thí sinh trúng tuyển Đại học Sư phạm đều là người ở trung tâm Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thì ngành giáo dục năm nay chỉ tuyển được những học sinh trung bình để đào tạo thành người giáo viên trong tương lai.

Tuy nhiên, sự đời lại không đơn giản thế. Hầu hết học sinh trúng tuyển vào 21 trường đại học ở trên đều thuộc Khu vực 2 và Khu vực 1 - những nơi được cộng điểm ưu tiên từ 0,5 đến 3,5 điểm.

Nếu lấy điểm sàn trừ đi điểm ưu tiên từ 1 điểm trở lên, chia 3, thì điểm trung bình của từng môn đều dưới 5.

Còn lấy điểm sàn trừ đi 3,5 điểm - đối tượng người dân tộc thiểu số miền núi có điểm ưu tiên cao nhất thì điểm trung bình mỗi môn chỉ là 4 điểm.

Đối tượng này chỉ cần thi 3 môn trong tổ hợp môn thi xét tuyển đạt tổng 12 điểm là đã chễm chệ ngồi trong các giảng đường đào tạo giáo viên có trình độ Đại học.

Đây là đối tượng học sinh thuộc loại yếu ở các trường phổ thông trung học.

Còn nếu xét trúng tuyển theo học bạ thì trình độ còn thấp hơn nữa. Bởi vì, học bạ 3 năm trung học phổ thông là thứ người ta có thể sản xuất đại trà, có thể “làm đẹp một cách vô tư” để cho học sinh trường mình đủ điều kiện thi tốt nghiệp.

Bởi thế, chúng tôi mạnh dạn cho rằng hầu hết sinh viên trúng tuyển Đại học Sư phạm năm nay ở 21 cơ sở đào tạo kia đều thuộc loại trung bình và yếu.

Nghĩ và viết đến đây, chúng tôi giật mình kinh hãi. Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử lập quốc của chúng ta, chất lượng đầu vào Đại học Sư phạm lại tệ hại đến vậy!

Đầu vào đã thế thì đầu ra sẽ ra sao?

Các trường Đại học Sư phạm từ ba, bốn năm nay đã ráo riết đổi mới chương trình đào tạo theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Biết bao tâm huyết và trí tuệ của các chuyên gia giáo dục, của đội ngũ giảng viên đã bỏ ra để xây dựng các chương trình đào tạo mới, khoa học hơn, có tính thực tiễn trong đào tạo nghề cao hơn, tạo nhiều điều kiện hơn để phát huy tính tự giác, tự chủ và sáng tạo của người học.

Và tất nhiên, các chương trình đào tạo mới cũng khó hơn, yêu cầu cao hơn đối với người học. Liệu họ có học nổi, học hết và học xong chương trình đào tạo mới hay không?

Với đối tượng sinh viên trung bình và yếu như vậy, các trường đại học liệu có phép màu gì để biến họ trở thành những thầy cô giáo khá, giỏi sau 4 năm đào tạo?

Có tài thánh cũng chẳng làm được!

Lý luận dạy học trên thế giới đều khẳng định: Người giáo viên hiện đại phải là một chuyên gia giáo dục, am hiểu sâu sắc và toàn diện nhiều lĩnh vực, có năng lực giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục hiệu quả…

Họ thường phải là những người biết 10 dạy 1. Những nhà giáo tài năng và đức độ còn cho rằng: Thầy giáo phải biết 100 mới dạy được 1.

Lớp “Sinh viên điểm sàn” này sẽ học hành như thế nào đây trong 4 năm tu nghiệp tại các trường? Sau khi ra trường, họ lại trở thành lớp “Giáo viên điểm sàn”, toả về các địa phương dạy các thế hệ con em chúng ta.

Và, các “Thế hệ điểm sàn” mới lại ra đời, nối tiếp nhau theo chiều hướng “sàn” ngày càng thấp. Đến khi nào thấp sát mặt đất thì coi như chấm hết tương lai của quốc gia, dân tộc.

Ấy là chúng tôi còn chưa kể đến mấy chục trường Cao đẳng Sư phạm ở các tỉnh tiếp tục đào tạo giáo viên có trình độ Cao đẳng dạy Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở.

Đầu vào của các trường này tất nhiên đều dưới điểm sàn. Bởi vì, học sinh trượt đại học mới chịu vào cao đẳng.

Như thế, sinh viên Cao đẳng Sư phạm sẽ là những học sinh chỉ cần tốt nghiệp phổ thông là đã đủ điều kiện trúng tuyển. Hàng loạt học sinh yếu sẽ lại trở thành các thầy cô giáo sau 3 năm đào tạo ở trường cao đẳng sư phạm.

Trong lịch sử tuyển sinh vào ngành sư phạm ở nước ta, có lẽ năm 2017 này là một dấu mốc đáng buồn và đáng quên nhất!

Liệu đây có phải là một trong những sự suy lụi và xuống cấp đầy đau đớn của nền giáo dục nước nhà?

Không có đội ngũ thầy cô giáo giỏi thì mọi cải cách, đổi mới giáo dục đều thất bại!

Công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” đang đi vào giai đoạn nước rút.

Năm 2018, kế hoạch là sách giáo khoa mới sẽ bắt đầu được thực hiện. Đi kèm theo đổi mới sách giáo khoa là biết bao điều ngổn ngang cần phải chấn chỉnh, thay đổi, nâng cao…

Đội ngũ giáo viên của ngành giáo dục cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Với đầu vào ngành sư phạm như thế này người ta đã có thể dự cảm về một tương lai xám xịt không xa.

“Chiến lược con người”, “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” là quan điểm vô cùng đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Nhưng thực tế giáo dục lại đang diễn ra một cách thật trớ trêu!?

Những người cao tuổi trong ngành giáo dục còn nhớ một câu quen thuộc từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, ngoài ra Sư phạm”.

Ngành sư phạm tuy không được đánh giá cao bằng những ngành kia nhưng còn được xếp thứ tư, điểm chuẩn vào các trường đại học sư phạm thời đó vẫn thuộc loại cao tốp đầu.

Bây giờ, đảo ngược hết cả.

Nhân tài đất Việt đã cơ bản quay lưng với “Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, đã “Bỏ của chạy lấy người”, chạy hết sang Công an, Quân đội, Y khoa, Ngoại thương… rồi!

Ấy là còn chưa kể đến hàng loạt nhân tài đất Việt chỉ khát khao du học, học xong lại đem tài năng, tâm lực phục vụ xứ người.

Đúng như nhà thơ Thế Lữ đã viết trong bài thơ “Nhớ rừng”:

“Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”

Có lẽ điểm chuẩn vào ngành sư phạm năm 2017 là một minh chứng khiến cho mọi con tim yêu quý, gắn bó và có trách nhiệm với sự nghiệp trồng người phải xót xa, đau đớn.

Bởi thế “những lão giáo già” chúng tôi xin gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo và những cơ quan có trách nhiệm với nền giáo dục Việt Nam những lời tâm huyết từ sâu thẳm lòng mình.

Chúng tôi mong muốn tất cả các cơ quan, ban ngành của Nhà nước và toàn xã hội nghiêm túc nhìn nhận thực trạng tuyển sinh năm nay, cùng nhau nhanh chóng hành động, chặn đứng thảm hoạ này.

Phải tìm ra những biện pháp, cách thức kéo nhân tài đất Việt trở về với ngành giáo dục thì mới mong việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững được.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: