Giới phân tích nghi ngờ tiến bộ vượt bậc gần đây của tên lửa Triều Tiên có được thông qua sự giúp đỡ về công nghệ động cơ đến từ Ukraine.
Theo một số chuyên gia, thành công của Triều Tiên trong việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể tấn công Mỹ được thực hiện thông qua việc mua qua chợ đen động cơ từ một nhà máy ở Ukraine, New York Times cho biết. Nhà máy này được cho là có mối liên hệ mật thiết với chương trình tên lửa của Liên Xô trước đây.
Báo cáo mới dựa trên phân tích và đánh giá của giới tình báo Mỹ. Nghiên cứu mới có thể giải quyết bí ẩn về thành công đột ngột của Triều Tiên sau loạt thử nghiệm thất bại trước đó, trong đó có thể do tác động của hoạt động tấn công mạng của Mỹ.
Michael Elleman, chuyên gia về tên lửa thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết sau thất bại đó, Triều Tiên đã thay đổi thiết kế và chuỗi cung ứng trong 2 năm qua.
Sự hỗ trợ bí ẩn
Từ trước đến nay, Trung Quốc được xem là “nhà tài trợ” chính cho nền kinh tế Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng Bắc Kinh là nguồn hỗ trợ chính về kinh tế và công nghệ cho Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, những quốc gia khác như Ukraine hay Nga ít được nhắc đến, mặc dù Ngoại trưởng Rex Tillerson đã đề cập đến các quốc gia này là “những cơ hội kinh tế” sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm thành công ICBM.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un (giữa) kiểm tra khu thử nghiệm động cơ tên lửa mới. Ảnh: KCNA. |
Các nhà phân tích đã nghiên cứu hình ảnh Nhà lãnh đạo Kim Jong Un kiểm tra động cơ tên lửa mới và kết luận rằng nó được lấy từ thiết kế từng sử dụng trên các tên lửa của Liên Xô. Loại động cơ này mạnh đến mức mỗi tên lửa có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân.
Loại động cơ hạng nặng này chỉ sản xuất ở vài nhà máy thuộc Liên Xô cũ. Các chuyên gia, điều tra viên chính phủ Mỹ đang tập trung chú ý vào nhà máy tên lửa ở Dnipro, Ukraine, nằm ở rìa khu vực tranh chấp giữa chính phủ và phe ly khai.
Những năm Chiến tranh Lạnh, nhà máy này là nơi chế tạo tên lửa liên lục địa đáng sợ nhất thế giới R-36, SS-18 Satan. Nhà máy này vẫn là nơi sản xuất tên lửa chính cho Nga những năm đầu sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine tuyên bố độc lập.
Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị phế truất vào năm 2014, nhà máy thuộc sở hữu nhà nước này được gọi là Yuzhmash rơi vào tình trạng khó khăn. Nga hủy bỏ hợp đồng nâng cấp kho tên lửa đạn đạo của họ với nhà máy này.
Yuzhmash ngập trong nợ nần và tinh thần sa sút của đội ngũ kỹ sư, công nhân. Các chuyên gia tin rằng động cơ mới của Triều Tiên xuất phát từ nhà máy này. “Các động cơ này có thể đến từ Ukraine một cách bất hợp pháp. Câu hỏi lớn là bao nhiêu và liệu người Ukraine có đang giúp đỡ họ hay không, tôi rất lo lắng”, Elleman nói.
Chuyên gia Elleman cho biết thêm kết luận của ông dựa trên phát hiện của điều tra viên Liên Hợp Quốc rằng Triều Tiên đã tìm cách đánh cắp bí mật công nghệ tên lửa Ukraine từ 6 năm trước. Hai người Triều Tiên bị bắt khi bí mật tiếp cận về hệ thống tên lửa, động cơ nhiên liệu lỏng và hệ thống cung cấp nhiên liệu. Các điều tra viên tin rằng, trong bối cảnh hỗn loạn ở Ukraine từ năm 2014, Triều Tiên đã thử lại lần nữa.
Các phân tích của chuyên gia Elleman lý giải cho sự tiến bộ vượt bậc của Triều Tiên trong thời gian gần đây. Bình Nhưỡng đã thử nghiệm động cơ mới lần đầu trong tháng 9/2016, có nghĩa Triều Tiên chỉ mất 10 tháng để chế tạo ICBM. Triều Tiên khó có thể làm điều này trừ khi họ mua thiết kế, phần cứng và chuyên môn từ thị trường chợ đen.
Thất bại của tình báo
Nhà Trắng không bình luận về báo cáo mới. Tháng trước, Yuzhmash phủ nhận thông tin nhà máy đang đấu tranh để tồn tại và bán công nghệ ra nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Các nhà điều tra Mỹ không tin điều này, mặc dù không có bằng chứng về sự liên quan.
Hình ảnh Triều Tiên thử nghiệm động cơ tên lửa mới được cho là có nguồn gốc từ Ukraine. Ảnh: KCNA. |
Sau khi báo cáo được công bố, Oleksandr Turchynov, quan chức an ninh quốc gia cấp cao trong chính phủ Tổng thống Petro O. Poroshenko, đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan của Ukraine đối với vấn đề này.
Làm thế nào động cơ do Liên Xô thiết kế có tên RD-250 đến Triều Tiên vẫn là một bí ẩn. Chuyên gia Elleman nghi ngờ Công ty Energomash của Nga có quan hệ chặt chẽ với Yuzhmash có một vai trò nhất định trong việc chuyển giao công nghệ động cơ RD-250 cho Triều Tiên.
Ông cho biết các động cơ RD-250 còn sót lại có thể cất giữ trong kho ở Nga. Tuy nhiên, việc động cơ tên lửa hạng nặng đến được Triều Tiên bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cho thấy sự thất bại về tình báo trong việc ngăn chặn Bình Nhưỡng tiếp cận công nghệ nước ngoài.
Đổi công nghệ lấy tiền
Không rõ ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc bán công nghệ tên lửa cho Triều Tiên và các quan chức tình báo có giả thuyết khác nhau. Tuy nhiên, ông Elleman nhấn mạnh đến trường hợp các nhà máy sắp phá sản và các kỹ sư thiếu việc làm là nguồn cung công nghệ tiềm năng cho Bình Nhưỡng.
Ông Elleman, người đã thăm nhà máy Yuzhmash trong nhiều năm, khi làm việc cho các dự án liên bang để hạn chế phổ biến công nghệ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông cho biết phần lớn các kỹ sư tại nhà máy này không muốn làm những điều có hại nhưng vấn đề sẽ khác khi họ bị đặt vào thế phải lựa chọn.
Giới phân tích nghi ngờ các kỹ sư Ukraine có thể bán công nghệ cho Triều Tiên vì khó khăn tài chính. Ảnh minh họa: Alarabiya . |
Thành phố Dnipro, nơi nhà máy Yuzhmash đang hoạt động là một trong những thành phố xuống cấp nhanh nhất thế giới. Các nhà máy nằm rải rác ở phía Đông Kiev đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Các kỹ sư, công nhân lành nghề thiếu việc làm, thu nhập bấp bênh và họ phải đối mặt với rất nhiều cám dỗ từ tình báo nước ngoài.
Về mặt kinh tế, nhà máy Yuzhmash và Trung tâm Thiết kế Yuzhnoye đối mặt với nhiều khó khăn sau cuộc khủng hoảng năm 2014. Nga sát nhập bán đảo Crimea và mối quan hệ với Ukraine trở nên lạnh nhạt.
Moscow rút kế hoạch giao cho nhà máy Yuzhmash chế tạo tên lửa SS-18 mới. Trong tháng 7/2014, Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế cảnh báo sự thất vọng về kinh tế có thể khiến các chuyên gia hạt nhân Ukraine ngưng làm việc và tiết lộ các công nghệ nhạy cảm cho nước ngoài để đổi lấy lợi ích kinh tế.
Các đầu mối về động cơ có nguồn gốc từ Ukraine ở Triều Tiên bắt đầu rộ lên vào tháng 9/2016, khi Nhà lãnh đạo Kim Jong Un giám sát thử nghiệm động cơ tên lửa mới mà các nhà phân tích nói là lớn và mạnh nhất.
Norbert Brugge, nhà phân tích người Đức, cho biết ảnh chụp động cơ cho thấy sự tương đồng trong thiết kế với động cơ RD-250 do nhà máy Yuzhmash sản xuất. Các tín hiệu báo động vang lên sau vụ thử nghiệm động cơ lần thứ 2.
Đến tháng 5, Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 với độ cao quỹ đạo kỷ lục, nếu phóng ở quỹ đạo tiêu chuẩn, tên lửa đạt tầm bắn khoảng 4.500 km, đủ xa để tấn công căn cứ đảo Guam. Ngày 4/7, Bình Nhưỡng tiếp tục gây ngạc nhiên với vụ phóng thử ICBM có thể tấn công Alaska của Mỹ.
Tuần trước, bản tin của các nhà khoa học nguyên tử một lần nữa khẳng định động cơ mới của Triều Tiên bắt nguồn từ động cơ RD-250. Chuyên gia Elleman kết luận, mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên tăng lên cùng với tình trạng khó khăn tài chính tại các nhà máy ở Ukraine đang “vùng vẫy” tìm kiếm các hợp đồng để lấy lại vinh quang trong quá khứ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét