Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Văn sĩ nước Nam có bao giờ được thế này chăng?


Theo facebooker Vũ Viết Tuân


Chiều qua 4/8, tại buổi gặp mặt của Thủ tướng với Liên hiệp các hội văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp hội đã gửi đến Thủ tướng 9 kiến nghị cấp bách để giải quyết các khó khăn cho các hội văn học nghệ thuật. Tui xin tóm lược kiến nghị cấp bách 9 điểm này:

1/ Trong dự thảo Luật về Hội không thể bỏ yếu tố chính trị khỏi tên gọi của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật VN, từ tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp giờ chỉ còn là tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Bởi tính chất chính trị làm sẽ giúp các nghệ sĩ làm tròn trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về việc xây dựng tâm hồn, cốt cách, văn hoá VN.

2/ Đề nghị Bộ VH-TT&DL phát huy vai trò chủ trì trong việc sửa đổi quy định xét giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước để trình Thủ tướng phê duyệt sao cho phù hợp với thực tiễn phát triển của văn học nước nhà.


3/ Mỗi năm Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật được Nhà nước hỗ trợ khoảng 90 tỉ đồng. Nay kiến nghị Thủ tướng xem xét chuyển số tiền này thành kinh phí hỗ trợ thường xuyên, để Liên hiệp không phải xin lập đề án xin tiền theo từng giai đoạn nữa.

4/ Hiện nay nhiều văn nghệ sĩ có công, có thành tựu, nhưng đời sống khó khăn, đặc biệt là vấn đề nhà ở. Liên hiệp kiến nghị Thủ tướng lập đề án xây dựng làng nghệ sĩ khoảng 300 căn nhà để giải quyết vấn đề nhà ở cho các văn nghệ sĩ, để nghệ sĩ yên tâm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.

5/ Hiện báo chí trong lĩnh vực văn nghệ rất khó khăn, nên Liên hiệp kiến nghị Thủ tướng được lập trình Thủ tướng phê duyệt đề án hỗ trợ báo chí văn nghệ từ trung ương đến địa phương.

6/ Xin Thủ tướng cho phép hội nghệ sĩ sân khấu lập đề án phục hưng sân khấu nước nhà; hội điện ảnh lập đề án riêng phục hưng nền điện ảnhnước nhà, vì hiện nay điện ảnh tư nhân lấn án điện ảnh nhà nước, phim thuơng mại chiếu tràn lan, phim sử thi hoàn toàn vắng bóng, là điều không thể chấp nhận được. Liên hiệp xin phép được bổ sung vốn cho quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật. Hiện nay là 5 tỉ đồng, đề nghịnhà nước hỗ trợ thêm 15 tỉ đồng.

7/ Kiến nghị sớm xem xét giải quyết trợ cấp 25% cho cán bộ, công chức, viên chức được hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác tại hội văn học nghệ thuật trung ương và địa phương.

8/ Kiến nghị cho Liên hiệp được có một chiếc xe chức danh để đi lại. 

Ông Hữu Thỉnh nói, đã 10 năm nay ông được hưởng lương ngang với trưởng ban của Đảng, nhưng 10 năm nay không có xe, phải mượn xe và xe đó đã quá rách nát. 

Ông Hữu Thỉnh nói: “Tôi đã từng là người lính, qua mấy cuộc kháng chiến, phương tiện đi lại với người lính không có vấn đề gì. Nhưng đối với người đứng đầu Liên hiệp thì không thể đi chiếc xe đi mượn rách nát như vậy. Tôi biết đất nước còn khó khăn, nhưng chắc không khó khăn đến nỗi không thể cấp cho người đứng đầu Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật một chiếc xe đi lại”.

9/ Nâng cấp, sửa chữa trụ sở Liên hiệp cần điều chỉnh để bảo tồn cây xanh cổ thụ vì cây ở đây đã gắn liền với nhiều thế hệ văn nghệ sĩ.

------------------

Thủ tướng làm việc với Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 04/08/2017 19:29 GMT+7


Hình ảnh tại buổi làm việc

VTV.VN - CHIỀU 4/8, THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC ĐÃ CÓ BUỔI LÀM VIỆC VỚI LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM.

    Đây là một tổ chức đại diện cho 40.000 văn nghệ sỹ và 74 tổ chức thành viên trong cả nước.
    Tại đây, Thủ tướng đã khẳng định quan điểm ủng hộ Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam là một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp.
    Tại buổi làm việc đầu tiên với Thủ tướng Chính phủ sau rất nhiều năm, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đưa ra 9 kiến nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong đó kiến nghị đầu tiên là dự thảo Luật về hội cần quy định Liên hiệp hội văn học, nghệ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, chứ không thể chỉ là hội xã hội, nghề nghiệp đơn thuần. Vì văn học, nghệ thuật được Bác Hồ coi là một binh chủng, hơn nữa làm văn học, nghệ thuật chính là làm chính trị, vì giúp xây dựng tâm hồn, cốt cách của con người Việt Nam. Hơn nữa, Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng coi các hội văn học nghệ thuật là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp.
    Hoan nghênh việc Thủ tướng hồi cuối năm ngoái đã chỉ đạo xem xét lại việc giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước, Liên hiệp hội đề nghị Chính phủ sửa đổi nghị định này cho phù hợp với thực tiễn. Một vấn đề lớn nhất được Liên hiệp hội văn học, nghệ thuật kiến nghị với Thủ tướng đó là kinh phí hoạt động thường xuyên cho giới văn học nghệ thuật hàng năm, chứ không nên bắt văn nghệ sỹ phải đi xin kinh phí. Một vấn đề khác nữa là các địa phương không được cử những người chỉ biết làm vài bài thơ sang làm Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật. Đồng ý về chủ trương hầu hết các kiến nghị của Liên hiệp hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và chăm lo sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật, chính vì thế tại cuộc làm việc này, Thủ tướng đồng ý về chủ trương sẽ cấp kinh phí hàng năm khoảng 90 tỷ đồng cho Liên hiệp hội, đồng thời giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với các bộ liên quan để xử lý vấn đề này đúng pháp luật. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý sẽ có chính sách hỗ trợ cho các văn nghệ sỹ tiêu biểu gặp hoàn cảnh khó khăn, đồng thời giao thành phố Hà Nội bố trí đất đủ để xây dựng từ 200-300 căn hộ cho các văn nghệ sỹ gặp khó khăn về nhà ở. Chính phủ sẽ hỗ trợ vốn để làm hạ tầng cùng với nguồn xã hội hóa để triển khai dự án. Thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp cho cán bộ được phân công sang làm việc tại các hội văn học nghệ thuật, đồng thời đề nghị Liên hiệp hội sớm thống nhất phương án về xây dựng lại trụ sở ở 51 Trần Hưng Đạo vì hiện nay Chính phủ đã bố trí ngân sách cho dự án này.
    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Thủ tướng Chính phủ luôn muốn lắng nghe ý kiến của các văn nghệ sỹ đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, mà hình thức có thể thông qua Liên hiệp hội hoặc gửi ý kiến trực tiếp cho Thủ tướng. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị giới văn nghệ sỹ cả nước cần có những tác phẩm xứng tầm để chiếm lĩnh trận địa tư tưởng. Văn học nghệ thuật không chạy theo thị trường và Việt Nam không phải là một xã hội thị trường nhưng, các văn nghệ sỹ cũng phải nghiên cứu nhu cầu của thị trường để phát triển đúng hướng nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lối sống và nhân cách cho con người Việt Nam. Bên cạnh đó, các hội ở địa phương cũng cần tạo môi trường để phát huy các tài năng về văn học nghệ thuật, để những thế lực xấu không thể nói xã hội và chế độ ta ràng buộc sự phát triển của các tài năng.
    http://vtv.vn/trong-nuoc/thu-tuong-lam-viec-voi-lien-hiep-cac-hoi-van-hoc-nghe-thuat-viet-nam-20170804190359672.htm

    Phần nhận xét hiển thị trên trang

    Không có nhận xét nào: