Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

TỰ DO NGÔN LUẬN – VÌ SAO CẦN



[TỰ DO NGÔN LUẬN – VÌ SAO CẦN] Tối hôm qua coi cái clip tranh luận giữa 2 bạn nữ sinh Bắc Kỳ. Chủ đề là “Tự do ngôn luận cho học sinh.” Em gái từ trường chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) cho rằng cần phải có sự kiểm soát để hạn chế lời những xúc phạm. Còn em từ trường chuyên Hanoi-Amsterdam thì cho rằng không nên có giới hạn.
Cả 2 em đều cho ra những lời lý luận tạm được cho lứa tuổi. Nhưng với tư cách là một người gần 30 tuổi, đã chạy xe ôm và có kinh nghiệm xã hội, tôi xin trình bày vì sao chúng ta cần tự do ngôn luận tuyệt đối.
Nếu các bạn để ý, hầu hết những các nước nghèo và lạc hậu đều bị cai trị bởi chế độ độc tài. Và điều họ đều có chính là cấm tự do ngôn luận. Họ vẫn tuyên bố là có tự do ngôn luận nhưng trong giới hạn của họ. Nghĩa là người dân chỉ được phát biểu trong một phạm vi nhất định, nếu không thì sẽ có những hậu quả dành cho họ. Bao gồm đánh đập, tù tội hoặc tinh vi hơn là bị kết tội “lạm dụng tự do ngôn luận.”
Bạn sẽ nói rằng “Ở Phương Tây cũng đâu có tự do ngôn luận hoàn toàn, họ cũng có giới hạn. Bạn không thể đứng giữa khu phố Do Thái và nói Heil Hitler hay nói những lời mang tính chất khủng bố. Vậy đó có phải là tự do ngôn luận đâu.”
Tôi sẽ trả lời là bạn đang nhầm lẫn giữa 2 khái niệm, tự do ngôn luận và hành vi phỉ báng. Bạn có quyền cho rằng bạn tin Hitler, bạn có quyền cho rằng người Do Thái xấu xí hay bạn có quyền cho rằng chủ nghĩa cộng sản là ưu việt – bạn cứ việc, nhưng chẳng ai cấm cả.
Nhưng, nếu bạn đứng giữa khu phố Do Thái mà ca ngợi Hitler thì bạn đang phỉ báng họ – không ai đánh đập bạn đâu, bạn chỉ bị chửi thôi. Bạn có quyền nói người Do Thái xấu xí, nhưng nếu bạn nói rằng bạn muốn giết người Do Thái thì đó là ngôn luận đe dọa. Còn nếu bạn vu khống một cá nhân nào hoặc gây tổn hại cho cá nhân hay tổ chức nào, thì đó là phỉ báng. Bạn có thể nói bạn không thích tôi hay người nào đó, nhưng nếu bạn nói những lời ảnh hưởng đến uy tín của người đó và gây thiệt hại về mặt kinh tế thì bạn xứng đáng bị xử phạt và đền bù thiệt hại. Tự do ngôn luận không đồng nghĩa với tự do mất dạy.
Có những điều chúng ta không nên nói, nhấn mạnh từ nên, nhưng không có nghĩa là không được nói. Bạn đang ngộ nhận về nên và được. Chúng ta không thể giới hạn hay tự định nghĩa tự do ngôn luận được. Vì một khi chúng ta làm vậy thì sẽ không có điểm dừng. Tôi đồng ý với việc kia, còn bạn thì không – vậy ai đúng ai sao? Tôi có quan điểm A và bạn có quan điểm B – vậy ai đúng ai? Không lẽ vì bạn bất đồng với tôi mà cấm tôi phát biểu. Rồi chúng ta sẽ lấy chuẩn mực là gì, từ đâu, bao nhiêu? Bạn muốn cấm tôi, vậy tôi cũng có thể nói điều ngược lại đối với bạn. Vậy bạn có đồng ý không?
Trở lại vấn đề học sinh và tự do ngôn luận. Trong lứa tuổi trưởng thành, học sinh cần phải được suy nghĩ và phát biểu những gì trong tâm trí mình. Nếu không có thì làm sao gọi là giáo dục được, làm sao gọi là tư duy độc lập và làm sao chúng ta có thể phát triển được. Có những điều học sinh nói không đúng, nhưng vì họ được nói nên chúng ta mới có thể đưa ra kết luận.
Bạn hãy quan sát và để ý. Hiện tại chúng ta có tự do ngôn luận không? Chắc là không. Và kết quả của điều đó đối với học sinh, nhà trường, giáo dục và xã hội chúng ta là gì? Có phải ngẫu nhiên mà Việt Nam vẫn là một nước chậm phát triển không, tương đồng với những nước không có tự do ngôn luận. Tôi cho là không. Vì thế, tự do ngôn luận tuyệt đối không được giới hạn. Một tổ chức có thể tự lập bảng nội quy cho riêng mình nhưng một nền giáo dục và một đất nước thì không. Bởi vì tự do ngôn luận và thịnh vượng của đất nước là hai điều đi song song với nhau. Thiếu một thì sẽ không có cả hai.
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
20526079_489340604750314_1496412958830193399_n

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: