Bích Diệp
Dân Trí - Rất may là Sacombank đã thu hồi được vốn và lãi đầy đủ, không bị thiệt hại gì trong vụ ông Trầm Bê chỉ đạo cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, vụ việc đó đủ cho thấy, vì sao chinh chiến lâu năm trong ngành ngân hàng, nhưng Trầm Bê vẫn không thể là một “banker” đúng nghĩa, và những dấu vết mà ông này để lại cho cả Southern Bank và Sacombank đều vô cùng “nghiệt ngã”.
Cổ đông từng yêu cầu ông Trầm Bê ra trước “vành móng ngựa”
Còn nhớ, cách đây độ một tháng, tại đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) Sacombank, bà Lê Thị Kim Cúc, một cổ đông lâu năm của ngân hàng này đã vô cùng bức xúc truy trách nhiệm ông Trầm Bê khi để lại hệ lụy lớn khiến Sacombank phải chật vật xử lý nợ xấu do Southern Bank chuyển sang.
Trên tư cách cổ đông, là một trong những “người chủ” của ngân hàng, bà Cúc truy vấn với ngôn ngữ nặng nề: “Ông này phá hoại nhất mà sao hôm nay không có mặt?...Bao nhiêu năm xương máu đổ ra, giờ đi đâu về đâu? Sao bây giờ bắt tôi phải gánh nợ cho Phương Nam. Giờ ông Trầm Bê có đứng trước vành móng ngựa để trả giá cho cái sai của mình không?”.
Một cổ đông khác cũng đặt câu hỏi: “Ai chống lưng cho Trầm Bê sáp nhập? Chúng tôi chắt chiu từng đồng hưu trí mà giờ cổ tức mấy năm nay chẳng có chia, mấy năm họp một lần”.
Những vấn đề này đã không được ban chủ tọa ĐHĐCĐ Sacombank thời điểm đó giải thích thỏa đáng. Song có lẽ, việc truy tố, bắt tạm giam ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang trong ngày hôm qua (1/8) do những sai phạm về kinh tế nghiêm trọng xảy ra tại Sacombank đã phần nào giải tỏa bức xúc cho các cổ đông ngân hàng này.
Dễ hiểu vì sao những cổ đông trung thành của Sacombank lại phẫn nộ như vậy đối với ông Trầm Bê, dù cho hiện tại, ông này đã hoàn toàn rút khỏi ban lãnh đạo ngân hàng.
Thành lập vào cuối năm 1991, Sacombank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên trên cả nước. Từ khi thành lập cho đến trước thời điểm sáp nhập Southern Bank, Sacombank được coi là một “đế chế” hùng mạnh của gia đình ông Đặng Văn Thành, nằm trong Top 5 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam với lợi nhuận thường xuyên trên mức “nghìn tỷ”.
Thậm chí, tại thời điểm năm 2012, khi cha con ông Đặng Văn Thành buộc phải rời khỏi ngân hàng do mình sáng lập, chịu cú “sốc” rất lớn nhưng với tiềm lực mạnh, Sacombank vẫn trụ vững. Cổ phiếu STB năm đó đứng đầu danh sách 30 cổ phiếu thuộc bộ chỉ số VN30-Index của sàn TPHCM.
Đó cũng chính là thời điểm “thế lực” ông Trầm Bê hiện diện tại Sacombank. Cuộc “thay máu” dàn lãnh đạo Sacombank lúc đó chứng kiến việc ông Trầm Bê ngồi vào ghế Phó Chủ tịch Thường trực, con trai ông Bê là Trầm Khải Hòa (sinh năm 1988) trở thành Thành viên HĐQT. Sau khi ông Bê từ nhiệm Phó Chủ tịch thường trực thì vị trí này lại thuộc về ông Trầm Trọng Ngân, con trai lớn của ông Bê.
Bóng dáng của một vụ sáp nhập dần lộ rõ, mặc dù phải đến 3 năm sau đó (tức tháng 10/2015), Southern Bank – một ngân hàng cũng đã từng bị gia đình ông Bê thâu tóm năm 2004, mới chính thức về với Sacombank (hoặc cũng có thể hiểu theo chiều ngược lại, góc độ nào đó, là một thương vụ M&A kiểu “cá bé nuốt cá lớn”).
“Ra đi không chào ai” và những đắng cay để lại
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, tại thời điểm 30/6/2012, tỷ lệ nợ xấu của Southern Bank là 45,6% và đã tăng lên 55,31% vào tháng 11/2013. Nhưng đáng nói là Southern Bank lại chỉ báo cáo tỷ lệ nợ xấu tháng 12/2013 là 3,39% do ngân hàng này không chuyển nợ xấu theo kiến nghị của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.
Southern Bank bị Ngân hàng Nhà nước xếp vào diện 9 ngân hàng yếu kém bắt buộc phải tái cơ cấu. Không ai khác, chính Sacombank sẽ là đối tượng nhận sáp nhập và người đứng sau dàn xếp cho thương vụ ồn ào này là ông Trầm Bê.
Ngay sau khi nhận sáp nhập Southern Bank, trong quý đầu tiên (quý IV/2015), lần đầu tiên Sacombank báo lỗ trước thuế 738 tỷ đồng, lỗ sau thuế 583 tỷ đồng. Nguyên nhân do phải trích lập dự phòng rủi ro 1.125 tỷ đồng (tăng gấp 6 lần cùng kỳ 2014).
Và mặc dù đã mạnh tay trích lập dự phòng song tỷ lệ nợ xấu của Sacombank vẫn tăng mạnh, từ 1,19% đầu năm lên 1,87% vào cuối năm. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến từ 980 tỷ đồng lên 3.029 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2016, cổ đông lại như “ngồi trên đống lửa” khi báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy, nợ xấu Sacombank lên tới 13.166 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng dư nợ, dù đã bán cho VAMC 37.300 tỷ đồng.
Tháng 2/2017, ông Trầm Bê phải chấm dứt toàn bộ hoạt động quản trị tại ngân hàng. Và mặc dù “ra đi không chào ai” nhưng ông Trầm Bê vẫn đang còn sở hữu (trực tiếp và gián tiếp) 9,523% vốn điều lệ ngân hàng Sacombank tương ứng với 179,3 triệu cổ phiếu STB.
Ông Trầm Bê đã “dứt áo” với Sacombank, nhưng ông để lại cho thế hệ lãnh đạo kế cận của Sacombank một “di sản” mà bản thân ngân hàng này đã phải thừa nhận cần tới 10 năm (2015-2025) để thực hiện tái cơ cấu hậu sáp nhập Southern Bank. Lạc quan hơn, nếu đẩy nhanh tiến độ thì trong 3 năm xử lý được 70% nợ xấu và nếu cơ chế vĩ mô cùng hoạt động ngành ổn định, thuận lợi thì trong vòng 5 năm cơ bản xử lý dứt điểm, đưa Sacombank trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đây, giảm nợ xấu xuống dưới 3%.
Hôm qua (1/8), cùng với thông tin ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang (cựu Tổng giám đốc) Sacombank bị bắt, nhiều người vỡ lẽ ra, cựu Chủ tịch hội đồng tín dụng ngân hàng này đã vô cùng liều lĩnh khi chỉ đạo cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay đến 1.800 tỷ đồng chỉ vì “có mối quan hệ từ trước” trên tư cách cá nhân.
Rất may là Sacombank đã thu hồi được vốn và lãi đầy đủ, không bị thiệt hại gì, nhưng qua đó thấy rằng, vì sao hoạt động lâu năm trong ngành ngân hàng, nhưng ông Trầm Bê vẫn không thể là một “banker” thành công, và những dấu vết mà ông này để lại cho cả Southern Bank và Sacombank đều rất “nghiệt ngã”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét