Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Thơ, khó thay…


- Làm thơ đâu phải công việc dễ dàng nhưng cũng không phải một việc quá huyền bí. Tất cả bắt nguồn từ sự quan sát, học hỏi, trau rồi năng lực tư duy và sau cùng là sự đam mê để nuôi “ngọn lửa” cảm xúc trong những câu thơ của mình.

Trên trang cá nhân, trong những cuộc trò chuyện, hẳn nhiều người đã hào hứng nhắc đến những câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Kahlil Gibran: Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta được thêm ngày nữa để yêu thương (Wake at dawn with a winged heart and give thanks for another day of loving). Niềm hạnh phúc bình dị trong câu thơ ấy cũng được ông định nghĩa một cách giản đơn: “Thơ là thỏa thuận giữa niềm vui, nỗi đau và băn khoăn, với một dấu gạch ngang của từ điển”. Đó cũng là một cách cắt nghĩa dễ được tiếp cận nhất về thơ với mỗi người đọc, người viết đang quan tâm đến bản chất của sáng tạo hay đang băn khoăn kiếm tìm lối đi cho mình.

Thơ ca, với những thi nhân nổi tiếng là câu chuyện dài. Họ có cả một cuộc đời gắn với những sự kiện in dấu ấn trong văn nghiệp. Đó có thể là những biến động của cuộc đời nhiều sóng gió như đại thi hào Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bính... Cũng có thể, nhờ những biến cố của cuộc đời mà họ cầm bút. Trong khi, số lượng đông đảo nhất là những người yêu văn chương, có năng khiếu và khát vọng thì thơ ca là con đường không hề phẳng phiu và ngọt ngào. Những câu hỏi thường được đặt ra: Thơ là gì? Ai cần đến thơ? Làm sao để có những câu thơ hay?
Thơ, khó thay… - ảnh 1
Thời nay làm thơ có thể nhờ... máy
Nhà thơ Vũ Quần Phương trong một bài trả lời phỏng vấn về thơ đương đại đã nhận xét: “Nhưng trong hành trình đi vào bản thể, hướng tới con người cá nhân ấy, nhiều nhà thơ chúng ta đã lạc bước vào những cái tôi tủn mủn, nhỏ nhặt, thậm chí sa đà và lạm dụng sốc, sex. Họ tung hô chủ nghĩa cá nhân, ca tụng cái riêng tư không đại diện, không liên quan đến ai.”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định: “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh. Để đạt được ba điều ấy đối với thi sĩ vẫn là một điều bí mật”. Từ những nhận xét ấy, giúp những người đang chập chững cầm bút hay bấy lâu nay không tìm được hướng đi của mình nhận ra rằng: Với người làm thơ, sự đam mê thôi chưa đủ mà còn cần cả sự tinh tế, cái nhìn sâu sắc và sự khéo léo. Sự khéo léo trong cách thể hiện cảm xúc để người đọc nhận ra được những ý tưởng của mình mà câu thơ không khô cứng. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Những thế kỷ đông người mà nhân loại vắng tanh / Uổng công con công thơ xòe cái đuôi ngôn ngữ của mình / Sao bằng khi nhân loại còn ở hang tiền sử / Chưa có thơ gì nhưng giọt lệ đã long lanh.” Đi tìm hình hài cho thi ca, hay hình hài kiều diễm đi tìm những nội dung sâu sắc? Những băn khoăn đó xoay quanh mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt; giữa thi hứng và hình thức nghệ thuật, thi liệu, chất liệu...
Thơ là loại hình nghệ thuật có những lí thuyết được con người nắm bắt thông qua kinh nghiệm và sự hiểu biết thế giới tâm hồn. Có nhiều người đã đến với thơ ca khi chưa có nhiều tri thức về sáng tác văn học, khi còn ít tuổi và không làm việc ở lĩnh vực nào gần gũi với văn chương. Nhưng không phải vì thế mà làm thơ dễ hơn sáng tác nhạc, vẽ tranh hay viết kịch... Đơn giản vì từ vốn liếng từ ngữ, nếu không nắm rõ về hình họa, nhạc lý... bạn sẽ không dễ để viết nên câu thơ lay động những người hiểu biết về thơ. Chất lượng của một sáng tác được định lượng qua sức sống và sức lan tỏa. Có biết bao nhiêu sáng tác cổ vũ chiến đấu trong Kháng chiến chống Pháp nhưng không thể ám ảnh hơn Núi đôi của Vũ Cao. Con người cá nhân, những tình cảm riêng tư ấy được lồng trong cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước, về nền độc lập non trẻ một cách tự nhiên, tinh tế một cách khó lý giải. Cho đến hôm nay, đọc lại “tứ thơ sóng đôi” ấy vẫn ám ảnh bởi sự mộc mạc và sâu lắng.
Thơ có cần sự khéo léo của nghệ thuật để thể hiện không? Nếu ở văn học Trung đại, tính uyên bác, sùng cổ được đề cao, văn học hiện đại đi vào chiều sâu nội tâm, thơ là tiếng lòng nhưng cũng cần cách thức biểu đạt tiếng lòng ấy có cấu trúc, cấu tứ. Như thế mới thể hiện hết được ý tưởng của người viết, tạo nên sức lôi cuốn cho người đọc. Thơ có khi là cấu trúc đơn giản: “Trên đầu ta/ Trăng khe khẽ sáng/ Sương khe khẽ lắng/ Mây khe khẽ trôi/ Dưới lưng ta / Chiều khe khẽ thở/ Trong ngực ta/ Khe khẽ người” (Lặng lẽ đêm - Y Phương). Ở bài thơ này, ý tứ nằm ở câu thơ kết với sự chuyển hóa từ hệ thống tính từ, động từ: sáng, lắng, rơi, sang một danh danh từ Người. Điều bất hợp lý cũng là sự bất ngờ của thơ. Có khi giàu triết lý như: Tôi nuốt gió Xuân/ đầy ngực/ tiếng nói em xa cách/ tôi nghe một lần/ bao lâu ánh lửa lụi tàn/ đột nhiên loé sáng/ những ngọn cỏ mọc vào/ nỗi nhớ/ trùm lên tất cả/ nơi ta ngồi đông cứng lại/ như vàng(Chợt - Thanh Thảo)
Nhà thơ Thanh Thảo đã khéo léo tạo cho những hình ảnh chân thực những mối quan hệ siêu thực để câu thơ không sáo mòn nhưng cũng không quá trừu tượng với người đọc. Đó được xem như một cách dung hòa giữa những ý niệm truyền thống về thơ, biểu tượng thơ ca Á Đông với tư duy thơ hiện đại. Nói như thế để thấy rằng, làm thơ đâu phải công việc dễ dàng nhưng cũng không phải một việc quá huyền bí. Tất cả bắt nguồn từ sự quan sát, học hỏi, trau rồi năng lực tư duy và sau cùng là sự đam mê để nuôi “ngọn lửa” cảm xúc trong những câu thơ của mình. Và hơn tất thảy, đó là một nhu cầu tự thân, có thể, không đến mức như thiên tài Êxênhin có nói: “Nếu tôi không làm thơ tôi sẽ thành kẻ cướp” thì cũng là sự quyết liệt cầm bút và cháy hết mình. Khi đó, hẳn sẽ không ai còn than vãn: Thơ, khó thay…
Lâm Việt

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: