Lê Nguyễn Duy Hậu
VNN - Liên quan đến chuyện BOT Cai Lậy, vấn đề không phải chỉ là trạm thu phí nhiều hay ít, mà người dân có bao nhiêu quyền quyết định trong việc xây dựng trạm.
Những đồng tiền lẻ vốn đã dần thưa thớt trên thị trường nay lại trở thành nhân vật chính cho câu chuyện BOT ở Cai Lậy. Giới tài xế phải đi qua trạm thu phí trên Quốc lộ 1A đang sử dụng từng tờ tiền 200 đồng như một cách phản kháng lại điều mà họ cho là bất hợp lý của việc thu phí sử dụng đường bộ.
Trước đó, bằng cách thức tương tự, những tài xế đi qua Kỳ Anh đã thành công trong việc buộc chủ đầu tư và chính quyền phải thay đổi chính sách thu tiền qua đoạn cao tốc ở đây.
Câu chuyện sử dụng đường bộ và trả phí đâu phải chuyện mới xảy ra gần đây. Tôi nhớ lại sự hân hoan của người dân miền Tây khi cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ xây xong. Mặc dù điều đó có nghĩa là các tài xế sẽ phải đóng nhiều phí hơn cho đoạn đường của mình so với trước đây đi phà, nhưng sự tiện lợi (và hợp lý) của các cây cầu này khiến cho mọi người hồ hởi. Khi cao tốc Trung Lương khánh thành cũng vậy, mọi người phấn khởi và dễ dàng chấp nhận khoản phí kể trên.
Hoặc ở miền Bắc có những con đường thực sự đáng để người dân lựa chọn, chất lượng tốt như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đáng tiếc là do chi phí vận hành, lãi vay cũng như khấu hao khiến công ty vận hành lỗ tới 1.756 tỷ đồng năm 2016.)
Tất nhiên, luôn có giải pháp thay thế cho những tài xế không muốn trả thêm phí đường bộ. Con đường đi miền Tây có thể qua cao tốc Trung Lương (và tài xế phải đóng một khoản phí nhất định, nhưng bù lại sẽ tiết kiệm thời gian), hoặc qua quốc lộ 1 (tài xế gần như không phải đóng phí và tất nhiên thời gian dài hơn).
Những tài xế lưu thông trên đường mang theo nỗi lo cơm áo gạo tiền và áp lực thời gian cho các chuyến hàng, chuyến khách. Nhưng họ không phải là những người vô lý, vì họ biết mình luôn có lựa chọn sao cho phù hợp với chuyến xe mình đang đi. Tương tự như vậy với các dự án hầm chui Hải Vân, hay cao tốc Long Thành – Dầu Giây, hay những dự án cao tốc khác ở phía Bắc.
Vậy thì cần phải hiểu rõ hơn về tâm tư của người tài xế, những khách hàng chính yếu của các dự án BOT. Vì sao họ chấp nhận bỏ thời gian, công sức, và thậm chí là gánh chịu những lời đe dọa về pháp luật để thực hiện việc phản đối như những ngày qua?
Chung quy đó vẫn là câu chuyện họ hầu như không còn sự lựa chọn nào khác.
Quốc lộ 1 vốn là huyết mạch của trục giao thông Bắc – Nam, và lưu lượng xe qua đây chưa bao giờ là ít. Để tránh trạm BOT ở Cai Lậy, tài xế phải chọn đi vào các tuyến đường huyện vốn không được thiết kế cho các xe vận tải lớn. Như vậy lựa chọn của các tài xế ở đây gần như là không có.
Còn với trạm BOT Bến Thuỷ, người phản đối quyết liệt nhất lại là người dân sống quanh khu vực đó, khi họ cảm thấy không thể hiểu tại sao đoạn đường về nhà của họ nay lại phải trả phí cao như vậy. Họ không có những lựa chọn thay thế.
Khi việc sử dụng dịch vụ trở nên bắt buộc thì đó không phải là thị trường và sự phản đối của người tiêu dùng là điều không thể tránh khỏi.
Nhưng ngay cả khi việc phải lựa chọn đi qua các con đường thu phí là bắt buộc, thì câu hỏi tiếp theo đó là người dân - những người sử dụng dịch vụ - được tham gia bao nhiêu vào việc quyết định vị trí đặt trạm thu phí và mức giá thu? Trong trường hợp Cai Lậy, chính phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã thừa nhận cơ quan này không đồng tình với vị trí đặt trạm thu phí Cai Lậy và đã phản ánh ý kiến của cử tri lên cho Bộ GTVT. Tuy nhiên, Bộ GTVT thì lại khẳng định họ chưa nhận được một ý kiến nào từ phía tỉnh(!?)[1]. Còn ở Kỳ Anh thì chúng ta dễ hình dung thấy mức độ “đồng thuận” của người dân xung quanh trạm thu phí đó.
-----
[1] Vì sao tài xế phản đối Trạm thu phí Cai Lậy?, Thanh niên, 10/08/2017.
[2] Nhiều kẽ hở chính sách khiến trạm thu phí BOT dày đặc, Tiền phong, 23/02/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét