Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

NGHỆ THUẬT ĐỈNH CAO ĐÒI VIỆC KHÓ NHẤT



Các ông về hưu các bà xập xệ vẫn tươi ngát trong thơ ư? Có cả nghìn nhà thơ đã thử sức với trường ca, nhưng lại gục ngã ngay từ đầu đó là các vị không thể nghĩ được ra nhân vật. Hãy hình dung một trường ca là một dàn giao hưởng, nếu các vị không đủ kiến thức về giai điệu và hòa thanh làm sao có thể phân bổ âm thanh cho mỗi nhạc cụ. Với đa số các nhà thơ Việt, họ không đủ sự rành rẽ lý trí để kiến trúc theo chức năng của nhạc cụ hay âm thanh, cũng như họ không đủ khả năng để kiến trúc xã hội trong tác phẩm theo nhân vật. Thử hình dung, một cái chợ có hàng rau, hàng thịt, hàng cá, hàng xén… nhưng hầu hết các nhà thơ Việt chỉ có thể thành lập một cái chợ với mỗi hàng rau.
Còn các nhà truyện ngắn và tiểu thuyết Việt? Có những vua chúa về truyện ngắn Việt, nổi tiếng lắm, nhưng vừa leo lên ngưỡng cửa của tiểu thuyết đã khánh kiệt vốn liếng. Tại sao? Vì một cây đàn độc tấu sao có thể trở thành dàn giao hưởng?! Các nhà văn Việt thường bị cùn mòn ở điểm nào? Nói chung vì môi trường hoạt động và nhận thức của các vị bé quá nên không thể tung bay lộng lẫy giữa bầu trời. Cụ thể, nào công lý, bình đẳng, nào tự do, rồi tôn giáo, triết học, thần học… có mấy khi nằm trong mối quan tâm của nhà văn Việt. Và muốn quan tâm thì các vị đã chuẩn bị gì để đón nhận nó. Nhưng điều quan trọng hơn, không chỉ thiếu trình độ về việc đó, các vị còn ngại quan tâm đến nó không khác gì thuyền tôn trong ao rau muống không dám ra đại dương. Vì thế mà các vị chỉ viết loanh quanh chuyện sinh hoạt. Trời ơi làm sao có văn học lớn nếu người ta chỉ loay hoay viết trong tầm mắt của sinh hoạt? Và mấy bài thơ “giải chiếu nhắm rượu” sao có thể cần đến một cặp mắt của hoa tiêu đang bồng bềnh trên đại dương phóng rọi đến chân trời?
Đỉnh cao văn thơ của chúng ta ở mức nào? Có phải trên đỉnh của vài hòn sỏi thơ, mấy truyện ngắn tình tiết yếu, tiểu thuyết thiếu khung giàn lý trí chúng ta chỉ nhìn thấy những nhân vật và đời sống từ dạ dầy và thận trở xuống?! Bởi lẽ theo triết gia Platon, đầu tượng trưng cho trí tuệ và tư tưởng. Tim tượng trưng cho lòng dũng cảm, tình yêu và danh dự. Văn học Việt Nam đã đạt đến tầm danh dự chưa – nghĩa là ngang tim đấy? Đã có một truyện ngắn nào đòi thách đấu về danh dự? Tiểu thuyết càng không? Còn tư tưởng, chắc một nghìn lần không!
Nhìn ra chỗ đứng của mình chính là cách chúng ta chuẩn bị một cuộc xuất phát mới để nhắm đích mà mình chưa từng đến. Có thừa không nếu chúng ta khuyến khích nhau: hãy cố lên hỡi nền văn học chưa làm được kim khâu và bi xe đạp?!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: