Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Ông già và kẻ cắp

 

Hà Thanh Hiển
(Tác giả gửi Blog Hahien)
Ga Hải Phòng xưa (Ảnh: Internet)








Sáng nay trên xe buýt Sài Gòn có người bị kẻ cắp móc túi làm mình nhớ đến chuyện Bố mình năm xưa khi ông đang là Thầy giáo Phổ thông cấp I (Tiểu học).
Hồi ấy, Mỹ đánh bom vào Thành phố Hải Phòng, các trường học trong nội thành đóng cửa, thầy trò phải chuyển ra ngoại thành để giảm rủi ro, gọi là đi “sơ tán”. Mấy anh em mình còn nhỏ theo Bố về làng Hỗ cách Thành phố khoảng hơn chục cây số đường tàu hỏa. Đoạn đường sắt này lúc ấy chưa bị đánh bom nên tàu vẫn chạy, chủ yếu vào ban đêm. Còn đường thì còn tàu chạy, còn tàu chạy thì còn khách, còn kẻ cắp móc túi, bất kể thời nào.
Một lần vào cuối tuần, mấy bố con lên tàu tranh thủ về thăm nhà trong nội thành. Trước lúc ra tàu mình thấy ông lấy tờ giấy báo Hải Phòng gấp lại nhiều lần rồi bọc gọn, buộc dây chữ thập, nhét vào túi đít quần, không cài nút, trông dày cộm…
Kể đến đây thì chắc mọi người đã đoán ra: Bố mình làm thế để lừa mấy thằng móc túi. Cho chúng mày tập trung vào móc túi bố mày lấy Báo chí Cách mạng về mà đọc, giúp cho bà con hành khách phần nào bớt bị chúng nhằm vào móc tiền tươi thóc thật.
Thời gian đầu ông bị mất “báo” hơi nhiều. Tiếp những chuyến tàu sau mất ít dần rồi không mất nữa. Kẻ cắp và ông già chắc đã chán nhau. Túi đít quần ông lại thường xuyên xẹp lép.
Có một chuyến tàu sau nữa mấy bố con ngồi sát với mấy đứa, cả giai lẫn gái quen mặt. Chúng róc mía ăn, nhai rau ráu, vừa hít nước mía vừa nhìn ông già quen quen. Ông cũng nhìn chúng, tủm tỉm cười thân thiện…
Lúc xuống tàu, ông giật mình thấy cả hai cái túi đít quần của mình dày căng cả lên, âm ẩm ướt. Ông dừng lại lấy tay móc ra. Toàn bã mía.
H.T.H

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: