TỊNH SƠN
TP - Raxun Gamzatop - tác giả cuốn sách “Đaghextan của tôi” nổi tiếng một thời của văn học Xô-viết, kể: Hồi ông mới được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Hội nhà văn Đaghextan, do tuổi trẻ hăng hái, nên việc đầu tiên là mời “tứ trụ” của Hội, gồm 4 nhà văn đại diện 4 dân tộc trong vùng lên gặp đại diện Chính phủ đề đạt nguyện vọng với cấp trên làm sao để có “tác phẩm lớn”!
Tiếp các nhà văn hôm ấy là Bí thư Khu ủy Đaghextan có cái tên rất dài. Cuộc trò chuyện diễn ra rất tự nhiên, đầy vẻ tâm tình. Cuối cùng, đồng chí Bí thư Khu ủy đề nghị mỗi nhà văn phát biểu yêu cầu, nguyện vọng của mình. Nhà thơ thứ nhất xin Chính phủ cứu đàn cừu của nông trang đang bị chết hàng loạt do mùa đông lạnh giá. Đồng thời xin Chính phủ cho nông trang làng Khruc của mình một chiếc xe ô tô.
Nhà thơ thứ hai đề nghị đài truyền hình đừng phát chương trình có các ca sỹ trẻ gào rống, và nên ca ngợi “những người lao động tiên tiến trên mặt trận sản xuất nông nghiệp”, thay vì chỉ hát về “các nàng tiên trong truyện hoang đường”.
Nhà thơ thứ ba đến lượt mình đứng dậy há mồm cho mọi người xem hàm răng già nua, lung lay của mình. Rồi đề nghị đồng chí Bí thư… trồng cho mình một hàm răng mới chắc chắn hơn! Bởi theo ông, “người móm ngâm thơ cũng khó hay lắm. Khi ngâm thơ giọng nó cứ thều thào”.
Đến lượt nhà thơ Abutalip - tác giả của câu nói nổi tiếng “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Ông giãi bày việc mình nay đã ngoài 70 tuổi, và dù là nhà thơ nhân dân, đại biểu Xô-viết tối cao, nhưng lâu nay nghèo túng, sống ở trong một cái hầm nên các bà vợ lần lượt bỏ ông mà đi! Ông xin cấp một cái nhà, để bà vợ cuối cùng không ôm con bỏ đi nốt…
Công nhận Gamzatop từ thời những năm nảo năm nào của chế độ Xô-viết, đã thật hóm hỉnh khi viết về nghề văn, nhà văn.
Và đặc biệt là còn nguyên tính thời sự, cho đến tận hôm nay, nếu soi vào cơ chế hoạt động văn nghệ ở ta hiện thời. Khi người quản lý văn nghệ xin xe để đi lại cho “xứng” với chức danh, trong khi lãnh đạo các Bộ, ngành đang tiến tới bỏ chế độ xe công! Và nhiều nhà văn, nghệ sỹ vẫn đứng ngoài quy luật xã hội, để xin giữ cơ chế bao cấp trong sáng tạo. Trong khi Thủ tướng đã lưu ý rất rõ với những người làm văn nghệ: “Chúng ta không chạy theo thị trường, thương mại hóa, nhưng chúng ta cần nghiên cứu xu hướng, nhu cầu của thị trường để đáp ứng”.
Trở lại với chuyện cái nhà của Abutalip. Đương nhiên nhà thơ lớn của vùng núi Kapkazơ này được cấp ngay một căn nhà như ý. Nhưng trong ngôi nhà mới, nhà thơ đã thừa nhận không viết được bài thơ nào “cho ra hồn cả”. Kể cả khi mọi người xúm lại trang bị cho ông toàn bộ đồ gỗ trong nhà, từ giường tủ, bàn ăn, bàn viết, với hy vọng ông sẽ tiếp tục viết ra “những bài thơ xuất sắc”…
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét